Tuesday, April 23, 2024

Ngoại trưởng Mỹ, sự chọn lựa khó khăn nhất của ông Trump

Hà Tường Cát/Người Việt

Cho đến nay tổng thống tân cử Donald Trump chưa chính thức loan báo sẽ chỉ định ai vào chức vụ ngoại trưởng. Theo kinh nghiệm của các quan sát viên chính trị, những tên tuổi nào từng được nhắc tới nhưng qua một vài tuần lễ vẫn chưa thấy động tĩnh gì thì có thể coi như đã rớt đài. Như thế, gần 10 nhân vật từ cựu Thống Ðốc Mitt Romney, Tướng David Petraeus, cựu đại sứ tại Liên Hiệp Quốc John Bolton, Chủ Tịch Ủy Ban Ðối Ngoại Thượng Viện Bob Corker, cựu thống đốc và cựu đại sứ ở Trung Quốc Jon Huntsman,… đến nay dường như đã đi vào quá khứ.

Từ cuối tuần qua, tin tức truyền thông cũng như từ các giới thân cận của ông Trump đều cho rằng người được chọn và sẽ loan báo trong ít ngày nữa là ông Rex Tillerson, 64 tuổi, kỹ sư làm việc cho đại công ty dầu khí ExxonMobil 41 năm, hiện nay giữ chức vụ chủ tịch tổng giám đốc đại công ty dầu khí này.

Ngoại trưởng Mỹ quan trọng cỡ nào?

Ngoại trưởng được coi là một trong bốn bộ trưởng quan trọng nhất của chính phủ Mỹ cầm đầu các bộ ngoại giao, quốc phòng, ngân khố, tư pháp.

Danh từ tiếng Việt không hoàn toàn chính xác và trình bày đầy đủ nội dung để mô tả các cơ quan chính quyền Mỹ, vì mỗi quốc gia có những quan niệm không giống nhau về cơ cấu tổ chức. Bộ Ngoại Giao Mỹ chỉ là một lối quen gọi, vì cơ quan này không chỉ phụ trách các nhiệm vụ đối ngoại mà còn có quyền hạn và trách nhiệm trong nhiều vấn đề quốc nội khác nữa. Một sự việc mọi người đều đã biết, đó là đường ống dẫn dầu Keystone XL chỉ có thể được thực hiện sau khi Bộ Ngoại Giao nghiên cứu, chấp thuận và cấp giấy phép.

Tên chính thức “United State Department of State” nếu dịch sát nghĩa, có thể là “Bộ Quốc Vụ Hoa Kỳ.” “Secretary of State” được quen gọi là ngoại trưởng Mỹ, đồng thời có hàm ý không chỉ như bộ trưởng ngoại giao của các nước khác. Mỗi tiểu bang cũng có Secetary of State, phụ trách điều hành công việc của tiểu bang, có thể tạm dịch là Bộ Trưởng Thường Vụ, chứ không thể gọi là ngoại trưởng hay bộ trưởng ngoại giao vì Hiến Pháp đã quy định tất cả công tác đối ngoại thuộc về liên bang.

Ngoại trưởng là chức vụ quan trọng nhất ở nội các và là thành viên Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia của tổng thống. Theo Hiến Pháp, ngoại trưởng đứng hàng thứ tư trong những người có thể đảm nhận quyền lãnh đạo đất nước. Nếu tổng thống chết hay bị bất lực không cón đủ khả năng làm việc, hoặc bị Quốc Hội đàn hặc và biểu quyết truất phế, thì theo thứ tự thay thế sẽ là: phó tổng thống, chủ tịch Hạ Viện, chủ tịch tạm quyền Thượng Viện, ngoại trưởng.

Ngoại trưởng là cố vấn cho tổng thống trong tất cả các vấn đề liên quan đến đối ngoại và là người đại diện cao cấp trong các cuộc thương thuyết, song phương cũng như đa phương, với các nước trên thế giới. Trong số 68 ngoại trưởng chính thức qua lịch sử Mỹ, một số nổi danh vì thành tích hoạt động có thể coi như ảnh hưởng và đại diện cho tất cả mọi đường lối chính sách của vị tổng thống mà ông ta phục vụ.

Ngoại Trưởng John Foster Dulles thời Tổng Thống Dwight Eisenhower là người đã đề ra thuyết “domino,” lập hàng rào ngăn chặn sự bành trướng của Cộng Sản. Việt Nam được coi là một tiền đồn quan trọng nhất ở Á Châu và chiến tranh Việt Nam là một hệ quả của học thuyết ấy.

Ngoại Trưởng Henri Kissinger nổi tiếng là người hoạch định và thi hành các chính sách ngoại giao thời Tổng Thống Richard Nixon từ Trung Ðông đến Liên Xô, Trung Quốc và giải quyết cuộc chiến tranh Việt Nam.

Bà Hillary Clinton được xem là vị ngoại trưởng đi nhiều nhất, đến hầu khắp các quốc gia trên thế giới, là người đóng góp vai trò quyết định vào sự can thiệp quân sự lật đổ chính quyền độc tài Muammar Gaddafi ở Libya và chiến lược chuyển trục về Châu Á của chính quyền Tổng Thống Barack Obama.

Ðương kim Ngoại Trưởng John Kerry đã có rất nhiều nỗ lực ngoại giao, thành công và không thành công, trong những cuộc thương thuyết giải quyết tranh chấp Israel-Palestin, nội chiến Syria, vấn đề phát triển nguyên tử của Iran cũng như hiệp ước quốc tế phòng chống thay đổi khí hậu Ðịa Cầu.

Rex Tillerson là ai?

Việc ông Rex Tillerson được chọn vào chức vụ ngoại trưởng không phải là điều đáng ngạc nhiên. Trong việc lập nội các tương lai người ta thấy ông Trump thiên về hai giới tướng lãnh và kinh doanh. Tillerson không phải là tên tuổi được quần chúng biết đến nhiều, lãnh đạo ExxonMobil, công ty lớn đứng hàng thứ 5 ở Mỹ tính trên trị giá vốn hóa thị trường, ông là người có nhiều mối quan hệ trong giới kinh doanh nhưng chưa từng có kinh nghiệm chính trị và ngoại giao.

Những giới hoài nghi chỉ trích là việc chọn một đại gia ngành dầu khí thể hiện quan điểm của ông Trump, người cũng chưa có kinh nghiệm về ngoại giao và chính trị quốc tế, coi công tác đối ngoại cũng như việc thương lượng kinh doanh. Thêm nữa ông Trump có vẻ không quan tâm đến mạng lưới những liên hệ kinh doanh của cá nhân ông và những giới chức trong chính quyền tương lai của ông sẽ gặp nhiều khó khăn phức tạp về xung đột lợi ích.

Trước mắt, nếu được đề cử, ông Tillerson chắc chắn sẽ không dễ dàng để được Thượng Viện chuẩn nhận. Cá nhân ông có nhiều quan hệ mật thiết, dù nội dung chỉ vì kinh doanh, với Tổng Thống Vladimir Putin, và vụ các cơ quan tình báo Mỹ đang điều tra việc Nga xen vào bầu cử Mỹ đang được dư luận đặc biệt chú ý. Những người Dân Chủ còn lo ngại một nhân vật thuộc các đại công ty dầu khí sẽ tìm cách đảo ngược tiến trình bảo vệ môi trường và chính sách đối phó với sự biến đổi khí hậu Ðịa Cầu.

MỚI CẬP NHẬT