Friday, April 19, 2024

Chạy đua vũ trang

Lê Phan

Hôm thứ năm 3 tháng 4 vừa qua, tại quân cảng Cam Ranh, Việt Nam đã làm lễ thượng kỳ trên hai tàu ngầm đầu tiên vừa bắt đầu đi vào hoạt động. Sự việc Việt Nam, một quốc gia vừa mới phát triển, chưa giàu có gì, đã bỏ tiền đi mua một lúc sáu tàu ngầm thuộc loại Kilo của Nga, là một bằng cớ hiển nhiên cho sự việc là đang có một cuộc gia tăng vũ trang ở Á Châu. Nhưng tại sao một quốc gia như Việt Nam thấy cần phải vũ trang đến mức như vậy?

Ai cũng biết là Trung Quốc đang tăng cường quân đội của họ. Ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh đã tăng gấp 8 lần trong 20 năm qua. Trong suốt giai đoạn đó, Trung Quốc đã trở thành quốc gia tiêu tốn thứ nhì trên thế giới về quân sự. Theo Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế của Na Uy, riêng năm 2012 chẳng hạn, tổng cộng chi cho quốc phòng của Trung Quốc chiếm gần nửa ngân sách dành cho quốc phòng trên thế giới. Ðể có thể dễ so sánh hơn, con số đó bằng tổng ngân sách quốc phòng của liên bang Nga và Anh Quốc. Dĩ nhiên con số đó chỉ bằng một phần tư số tiền mà Hoa Kỳ chi ra cho quốc phòng mặc dù là đang trong tình trạng kiệm ước.

Chính sự gia tăng này của Trung Quốc là lý do tại sao Á Châu đang hùng hổ vũ trang. Năm 2012 còn đáng ghi nhớ hơn ở chỗ đó là năm đầu tiên trong thời hiện đại mà ngân sách quốc phòng của Á Châu cao hơn của Âu Châu. Từ Ấn Ðộ đến Ðại Hàn, từ Việt Nam sang Malaysia, các chính phủ trong vùng đã gia tăng vọt công chi cho quốc phòng. Ngay cả đến Nhật Bản, vốn nhiều năm là quốc gia chủ hòa kiên quyết nhất của thế giới, với nhiều năm cắt giảm ngân sách cho quốc phòng, gần đây đã bắt đầu tái vũ trang, lật ngược hẳn lập trường trước điều mà họ thấy là gia tăng đe dọa của Trung Quốc.

Có thể nói ở một khía cạnh nào đó, sự gia tăng vũ trang ở Á Châu đến vào lúc mà Hoa Kỳ và Âu Châu đang tìm cách cắt giảm ngân sách quốc phòng, là một sự chuyển hướng “tự nhiên” sang một vùng đang có tăng trưởng kinh tế cao. Khi các nền kinh tế tăng trưởng, họ thường dĩ nhiên tìm cách canh tân khả năng quốc phòng. Và cũng với lý luận đó, người ta có thể nói là khi Trung Quốc ngày càng trông cậy vào nhập cảng nguyên liệu ở khắp nơi, từ quặng thép của Brazil đến dầu lửa của Sudan, có thể họ sẽ không muốn “outsource” công việc kiểm soát các hải lộ quan tối quan trọng cho Hoa Kỳ.

Nhưng gia tăng vũ trang đang xảy ra ở Á Châu có một khía cạnh đáng lo ngại. Giáo sư Desmond Ball của Viện đại học Quốc gia Úc ANU giải thích đó là phản ứng động học kiểu “hành động-phản hành động”. Nói một cách thẳng thừng thì chúng ta đang chứng kiến một cuộc chạy đua vũ trang.

Có nhiều lý do thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang này. Nhưng quan trọng nhất là sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc, vốn đã khiến các quốc gia từ Ấn Ðộ đến Việt Nam, và đến cả Philippines phải nghĩ lại về quốc phòng. Philippines đã từng là quốc gia bán hết phi cơ, chiến hạm nói là không cần quốc phòng trong “kỷ nguyên Á Châu” khi hòa bình nở hoa trên thế giới!

Và mọi sự đã tệ hơn trước quan ngại là những ngày mà Pax Americana không bị thách thức đã sắp kết thúc, ngay cả khi Hoa Kỳ đang “chuyển hướng” về Á Châu.

Những căng thẳng vùng, đặc biệt giữa Ấn Ðộ và Pakistan và giữa Nam Bắc Hàn, lại càng thêm lực đẩy.

Một trong những sự gia tăng vũ trang đáng kể nhất là từ Ấn Ðộ, quốc gia mà năm ngoái đã trở thành quốc gia mua nhiều nhất vũ khí của Hoa Kỳ. Năm 2010, Ấn Ðộ đã vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia nhập cảng vũ khí lớn nhất. Thực ra, việc đó chỉ xảy ra là vì ngày Bắc Kinh càng tăng cường khả năng tự chế. Những gì Ấn Ðộ mua của Hoa Kỳ, tuy vậy là để giảm thiểu khoảng cách kỹ thuật mà Ấn cảm thấy so với Trung Quốc. Ngoài Hoa Kỳ, tập đoàn Dassault của Pháp đang chờ New Delhi hoàn tất một dàn xếp kéo dài lâu nay để mua các chiến đấu cơ phản lực loại Rafale, trị giá lên đến 20 tỷ đô la. Riêng năm 2011, Tân Delhi đã bỏ ra đến 44 tỷ đô la cho ngân sách quốc phòng, chỉ ít hơn đôi chút ngân sách dành cho giáo dục. Ấn hiện có 45 chiến hạm và tàu ngầm đang được thực hiện, một trong những chương trình tăng cường khả năng hải quân lớn nhất nhì thế giới.

Nhưng nào phải chỉ riêng Ấn Ðộ. Ngân sách quốc phòng của Malaysia đã tăng hơn gấp đôi từ năm 2000. Singapore, vốn theo đuổi chính sách mà họ vẫn đùa gọi là chiến lược “poison shrimp” (tôm độc), hiện là đứng trong hàng 10 quốc gia nhập cảng nhiều vũ khí nhất. Tuy là quốc gia nhỏ nhất của Ðông Nam Á, Singapore có không quân lớn nhất vùng.

Trên toàn Á Châu, việc mua tàu ngầm, cái mà ông Bernard Loo Fook Weng, một chuyên gia về quốc phòng ở Singapore, đã gọi là “new bling” của Á Châu, đang gia tăng ở cấp nhân. Ấn Ðộ, Nam Hàn và Việt Nam, vốn đang lo ngại về việc Trung Quốc xâm lấn ở Biển Ðông, đã dự trù mua mỗi quốc gia sáu tàu ngầm từ giờ cho đến cuối thập niên này. Úc, trong một chương trình canh tân quốc phòng quan trọng nhất kể từ đệ nhị Thế chiến, muốn có thêm 20 tàu ngầm nữa trong vòng hai thập niên tới. Tổng cộng trong vòng 15 năm tới các quốc gia Á Châu dự trù sẽ mua một con số tàu ngầm lên đến 110 cái.

Nam Hàn, vốn cũng đã gia tăng khả năng phòng thủ của mình, trong nay mai sẽ trở thành một trong 10 quốc gia hàng đầu về xuất cảng vũ khí. Ngay cả Nhật Bản, mới tuần này đã có quyết định nới lỏng những giới hạn tự đặt ra về xuất cảng vũ khí. Ðiều này một phần là vì Nhật Bản muốn tham gia các chương trình phát triển vũ khí đa quốc như Phi cơ F-35 Joint Strike Fighter đã được phát triển chung giữa Hoa Kỳ và tám quốc gia nữa, tất cả đều ở Âu Châu.

Dĩ nhiên là có hai mối quan ngại rõ ràng về một cuộc chạy đua vũ trang mà chắc sẽ có triển vọng gia tốc trong những năm sắp tới đây. Một là, đặc biệt đối với những quốc gia nghèo hơn như Ấn Ðộ, Việt Nam và Trung Quốc, nơi vẫn còn nhiều triệu người sống dưới mức nghèo đói, công quỹ đã không phung phí cho việc mua những món hàng quân sự mà không có giá trị xã hội nào cả. Quan ngại thứ nhì thì lại ngược lại. Khi đến lúc cần phải lâm chiến, điều còn tệ hơn là chi tiền vào những dụng cụ vô ích là đã chi tiền cho những vũ khí mà thực sự đã chứng tỏ là hữu ích.

Bởi chỉ có khi lâm trận thì mới biết được là những vũ khí mà quốc gia đã bỏ những đồng tiền khó nhọc của dân ra mua có thực sự có ích gì hay không.

Hầu hết tất cả các quốc gia Á Châu đang tăng cường khả năng ở trên không và trên biển. Dân chúng vùng Ðông Á phải cầu trời là sự tăng cường này rồi sẽ là một sự phung phí tiền vô nghĩa lý.

Tổng Thống Benigno Aquino, hồi năm 2011, khi hải quân Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ngay quần đảo Trường Sa, và những tàu tuần Trung Quốc tấn công các tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam, đã hỏi chủ tịch nước Trung Quốc, “Khi chúng ta có những vụ như vậy, liệu nó có thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang trong vùng chăng? Và khi có một cuộc đua vũ trang, liệu nó có tiềm năng làm gia tăng nguy cơ chiến tranh chăng?”

Câu trả lời của Trung Quốc chúng ta đã rõ.

MỚI CẬP NHẬT