Friday, March 29, 2024

Cuồng phong và bất động

Nguyễn Xuân Nghĩa

Trận bão Hoa Kỳ trong mắt bão

Những ai có nhiệm vụ tường thuật – chưa nói đến bình luận – về chính trị Hoa Kỳ có thể phải đi hỏi bác sĩ. Rằng trong buổi giao thời chập chờn của chế độ bảo hiểm sức khỏe, loại thuốc an thần nào là công hiệu nhất mà không quá đắt.

Cách nay đúng một tháng, Hoa Kỳ bỗng nhớ Lương Ngọc Châu trong “Tiếng Hát Lênh Ðênh”: nghe ầm vang lên tiếng chiến chinh! Ðó là khi Ngoại trưởng John Kerry lên tiếng, khét lẹt.

Là một cựu quân nhân phản chiến, từng dùng thậm từ để mạt sát Quân lực Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Kerry lại thủ vai nguyên soái diều hâu để nói về trận cuồng phong và bão lửa sẽ dập lên đầu chế độ hiếu sát Bashar al Assad. Ông đưa ra những chi tiết lạnh mình về lý do: chế độ Assad tung võ khí hóa học lên đầu thường dân, nên mặc nhiên bước qua lằn ranh đỏ do Tổng thống Barack Obama vạch ra rồi vạch lại từ năm ngoái.

Chín tầng gươm báu trao tay! Các chiến hạm Hoa Kỳ đã vây quanh Syria. Khi ấy, mọi người đều tự chuẩn bị cho một cuộc chiến nữa ở Trung Ðông, vì một lý do chính đáng là lòng nhân đạo.

Thế rồi lại có khúc hát “Khi Tôi Về”. Có người rủ nhân loại đi thăm địa ngục – mà không ai trả lời! Người đó là Tổng thống.
Vì Quốc hội không trả lời nên được ông trao cho lá cờ lệnh, cùng lời trấn an của Kerry vọng về từ Âu Châu, rằng chiến dịch Syria sẽ vo ve tựa mắt muỗi. Cuồng phong bỗng bất động. May là Vladimir Putin kịp tung ra giải pháp ngoại giao. Tuần qua, từ Indonesia, ông Kerry còn ngợi ca chế độ Assad đã chấp hành nghị quyết của Liên hiệp quốc với lời hứa sẽ hủy diệt kho võ khí hóa học. Ðịch bình yên, quân ta vô sự.

Giữa chuyện “tiền hung hậu cát” về Syria lại chớm nở hy vọng hòa đàm giữa Hoa Kỳ và Iran.

Sau bài diễn văn trước Ðại hội đồng Liên hiệp quốc, Tổng thống Mỹ muốn gặp Tổng thống Iran mà không được vì hassan Rouhani mắc bận tiếp xúc với báo chí quốc tế tại New York. Ông bèn với gọi bằng điện thoại để bắc lại nhịp cầu giao lưu với Tehran sau 34 năm gián đoạn. Nhưng hy vọng đang tràn trề thì có tin là lãnh tụ thật sự tối cao của Iran là Giáo chủ Khamenei khiển trách Rouhani việc mau mắn trả lời điện thoại của “Trùm Satan” tại Washington. May quá, tin đó bị khỏa lấp trong một chuỗi nhiễu âm từ trận đánh về ngân sách tại Hoa Kỳ.

Nước Mỹ đang treo miễn chiến bài, quay về giải quyết vụ chính quyền liên bang bị đóng cửa. Mọi lời hùng biện về chuyện chiến hòa đều chỉ là hùng biện. Biện là chính, hùng là phụ.

***

Suốt ba năm liền và qua hai cuộc bầu cử, Hoa Kỳ chưa giải quyết xong việc chi thu của ngân sách liên bang và từ Tháng Ba năm 2011, mỗi sáu tháng lại có một trận đánh giữa Hạ viện Cộng Hòa với Thượng viện và Hành pháp Dân Chủ. Ðây là một hình thái “đấu tranh toàn diện”.

Trước kỳ hạn Tháng 10, một nhóm thiểu số của đảng Cộng Hòa thiểu số là phong trào Tea Party đã tận dụng mọi võ khí để triệt hạ hay trì hoãn việc khai triển đạo luật cải tổ chế độ bảo dưỡng y tế được gọi theo lối thông tục là “Obamacare”. Chuyện ấy không xong vì thóc Obamacare đã thành gạo và đang thổi thành cơm. Cơm dẻo hay sượng thì vài năm nữa mới biết được.

Không lọt qua ải Thượng viện Dân Chủ, Hạ viện Cộng Hòa lui từng bước theo tiếng chiều rơi trong khắc lậu canh tàn của ngày 30 Tháng Chín. Từ triệt hạ là “defund”, họ lùi qua trì hoãn là “delay”, trong mỗi bước lại tung ra một dự luật du di ngân sách, gọi là “continuing resolution”. Vì ngân sách liên bang cho tài khóa mới chưa được chuẩn chi, các dự luật du di này cho phép chính quyền liên bang thanh toán một số mục công chi nhất định để khỏi làm bộ máy công quyền bị tê liệt.
Mấy nước cờ rắc rối đó nằm trong một cuộc cờ lớn mà nhìn từ bên ngoài có khi chúng ta không hiểu nổi.

Ông Obama đang lúng túng vì mất hậu thuẫn Dân Chủ trong trận đấu trí và dọa già Syria, lại bị cánh tả đảng Dân Chủ đánh cho tơi tả về ý định đề cử kinh tế gia Larry Summers làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương. Rơi vào hoàn cảnh “vịt què” lame duck vì không thể đưa ra một sáng kiến để đời nào khác trong nhiệm kỳ hai, Tổng thống Mỹ bỗng được phe Cộng Hòa cứu giá.

Nhờ những đòi hỏi tối đa của Hạ viện Cộng Hòa, ông chiếm lại thế mạnh trên trận tuyến đại đoàn kết của đảng Dân Chủ. Vì vậy, dù phe Cộng Hòa có đề nghị chuyện du di thì đảng Dân Chủ vẫn nhất trí lắc đầu. Kết quả là chính quyền liên bang bị đóng cửa qua tuần thứ hai.

Sự thật lại không hẳn như vậy. Chỉ có một phần không thiết yếu của bộ máy công quyền là tạm ngưng hoạt động. Các đạo luật du di bên Hạ viện Cộng Hòa mở cửa và chi tiền cho nhiều sinh hoạt khác, nhưng trận đánh đã chuyển qua mặt trận ấn tượng.
Ðảng Dân Chủ triệt để khai thác ngón võ cào mặt ăn vạ để quần chúng cùng có ấn tượng là đảng Cộng Hòa làm quốc gia tê liệt, trẻ em thiếu sữa, thầy cô mất trường. Những hồi chuông báo động cứ reo vang, trước sự tần ngần của đảng Cộng Hòa. Vốn có tài hùng biện của kẻ ngậm hột thị, phe Cộng Hòa nhường trận tuyến tuyên truyền cho đối phương mà chỉ ấp úng ca bài “Không” của Nguyễn Ánh 9.

Nhưng trong trò tác động vào cảm quan của quần chúng, Chính quyền Obama lại mắc “Hội chứng Cộng Hòa”, quá đà rơi xuống hư vô.

Thứ Tư tuần trước, Tòa Bạch Cung thông báo việc Tổng thống sẽ không thăm Philippines và Malaysia vào cuối chuyến công du Á Châu tuần này. Lý do là chuyện tiếp vận logistic – có dịch theo người Hà Nội là hậu cần thì mới đúng cách! Vì công quyền đóng cửa nên Phủ Tổng thống thiếu cần vụ chuẩn bị chuyến đi của Tổng thống. Chiều Thứ Năm hôm sau, cả chuyến đi bị hủy, khỏi có Thượng đỉnh APEC, ASEAN hay EAS gì hết.

Từ gần bốn năm nay, đệ nhất siêu cường toàn cầu đã hẹn chuyển trục về Ðông Á, nhưng Tổng thống lại lỡ hẹn nhiều lần với các nước Á Châu. Lần trước là vì chuyện nhà mà lỡ hẹn Tháng Ba rồi Tháng Sáu năm 2010 với Indonesia và Úc. Lần này là lỡ hẹn với Malaysia, Philippines, Indonesia và cả 10 nước ASEAN. Hoa Kỳ nhường sân cho Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình thong dong thăm viếng Malaysia và Indonesia và gặp gỡ nguyên thủ các nước với cuốn chi phiếu của trương mục “Phóng tài hóa thu nhân tâm” để phân hóa Hiệp hội ASEAN của 10 nước Ðông Nam Á.

Nhìn từ bên ngoài, các nước không thể hiểu được vì sao lãnh đạo Hoa Kỳ lại có thể coi thường thế giới như vậy.

Nhưng đấy cũng chỉ là một phần của sự thật.

Tuần qua, khi truyền thông Mỹ thi đua tường thuật trận đá đèn tới nửa khuya của hai đảng thì Tổng trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đến Nam Hàn và Nhật Bản xúc tiến việc hợp tác quân sự để ứng phó với Bắc Hàn tại Ðông Bắc Á. Và trong lúc cả nước nghe lời thở than về vụ chính quyền đóng cửa thì hôm mùng năm biệt kích Mỹ lặng lẽ nhảy vào Libya và Somalia để truy lùng khủng bố. Và từ một thế giới khác, đoạt giải Nobel về y học năm nay là ba giáo sư Hoa Kỳ, một cường quốc vừa chiếm ngôi vô địch về sản xuất năng lượng.

Hoa Kỳ đáng cười hay đáng sợ? Câu trả lời nào cũng đúng, được một nửa.

Chỉ có tại nước Mỹ

Hệ thống truyền hình NBC vừa hủy một show do tổ chức NRA bảo trợ. NRA là hiệp hội bảo vệ quyền mang súng, và cái show có tên là Under Wild Skies bị hủy sau khi chiếu đoạn phim rất lạ. Người chủ dẫn show này là Tony Makris cho thấy mình vừa bắn hạ một con voi Phi Châu và nổ champagne ăn mừng! Khi bị đả kích thì chàng Tony hiên ngang trả lời, rằng voi cũng như chim và ai phê phán thì cũng tựa… Hitler. NBC phê lời phê của Tony là quá quắt và không chấp nhận được. Chẳng vui bằng truyện Ông Xã Xệ đi săn voi của ta!

MỚI CẬP NHẬT