Friday, March 29, 2024

Giá xăng sẽ không xuống



Ngô Nhân Dụng


 


Ngày 26 Tháng Giêng giá xăng trung bình dân Mỹ trả là 3.38 đô la một ga lông. Hôm qua Thứ Sáu, 2 Tháng Ba, giá họ phải trả lên tới 3.741 đô la. Trong một tháng qua, mỗi ngày giá xăng đều tăng.


  Người lái xe ở California đi xe nhiều nhất và cũng trả tiền xăng cao nhất ở nước Mỹ, đã trả trên 4 đô la một ga lông, mà trong mùa Hè này có thể sẽ leo lên đến 4.50 đô la. Tại sao giá xăng lên mãi như vậy?


Lý do giản dị nhất là giá dầu thô đã tăng trên thế giới. Từ giá dưới 80 đô la một thùng hồi Tháng Mười, đến hôm qua giá dầu thô trên thị trường quốc tế đã lên tới 124 đô la. Giá dầu thô tăng lên, ai cũng thấy là do tình hình căng thẳng ở Trung Ðông. Israel đe dọa đánh Iran, Iran dọa sẽ trả đũa. Iran có thể làm tắc nghẽn eo biển Hormuz, nằm giữa Iran và bán đảo Á Rập. Hơn một phần ba (35%) số dầu thô chuyên chở trên biển phải đi qua eo biển này. Chỉ cần chiến tranh đe dọa ở vùng này là đủ cho giá dầu thô tăng lên rồi. Vì nếu bom nổ thì các mỏ dầu ở hai nước xuất cảng nhiều nhất là Iran và Á Rập Saudi sẽ phải ngưng hoạt động. Tuần tới Tổng Thống Barack Obama sẽ tiếp thủ tướng Israel, và đã báo trước sẽ khuyên ông Netannyahu đừng đánh Iran. Chỉ cần giới lãnh đạo Israel dịu giọng đi thôi là giá dầu thô có thể sẽ không tăng lên nữa.


Nhưng nước Mỹ không nhập cảng một giọt dầu nào của Iran cả, và tuy mua dầu của Saudi nhưng không hoàn toàn lệ thuộc nguồn cung cấp này. Từ trước đến nay Mỹ vẫn khôn ngoan nhập cảng dầu từ nhiều nơi khác nhau, mỗi nơi một chút. Hai nguồn nhập cảng dầu thô lớn nhất của nước Mỹ là hai nước láng giềng Canada và Mexico, không nước nào lo chiến tranh Trung Ðông cả.


Tuy nhiên, không phải vì thế mà khi giá dầu trên thế giới tăng lên người Mỹ vẫn mua được dầu thô với giá rẻ. Ai cũng biết, khi một món hàng lên giá trên thế giới thì nó sẽ ảnh hưởng tới giá bán ở tất cả mọi nơi. Việt Nam không nhập cảng gạo, nhưng nếu giá gạo lên thì dân Việt cũng chịu ảnh hưởng. Nếu lo chiến tranh Trung Ðông xẩy ra, các nước Âu Châu, Brazil, Trung Quốc, Ấn Ðộ, vân vân, cũng lo đi tìm mua dầu ở các nơi khác ngay bây giờ, cạnh tranh ngay với Mỹ. Nước Mỹ còn may mắn dùng nhiều dầu thô sản xuất trong nội địa, với giá thấp hơn. Dầu thô loại West Texas mới lên tới 106 đô la một thùng so với giá 124 đô la. Nhưng giá dầu nội địa cũng tăng lên cùng một nhịp với giá dầu quốc tế, chứ không đứng yên một chỗ. Các hãng dầu không thể hút thêm dầu lên nhiều hơn ngay lập tức để hạ thấp giá được, vì khả năng kỹ thuật có giới hạn. Vì vậy, giá dầu thô mà các công ty Mỹ dùng để lọc ra xăng cho quý vị lái xe cũng tăng lên cùng nhịp với giá dầu quốc tế!


Các công ty xăng dầu tính giá bán dựa trên giá nguyên liệu mới mua vào, chứ không dựa trên giá dầu thô mua hồi mấy tháng trước; trong nghề kế toán gọi là LIFO (Last In, First Out; đơn vị nguyên liệu vào kho sau cùng sẽ được đem ra dùng trước tiên trong việc sản xuất). Nếu họ tính giá xăng theo giá các thùng dầu thô nhập kho trước đây ba tháng, thì sau đó sẽ không đủ tiền mua những thùng dầu mới nữa! Nếu mối lo chiến tranh chưa ảnh hưởng tới thị trường dầu xăng ở Mỹ thì mùa Ðông vẫn ảnh hưởng. Vào mùa Ðông, các nhà máy lọc dầu giảm bớt số xăng sản xuất để lọc thêm các loại dầu dùng để đốt sưởi!


Nhưng mối lo chiến tranh Trung Ðông không phải là nguyên nhân duy nhất khiến giá xăng dầu ở Mỹ lên cao, và sẽ còn lên trong mùa Hè năm nay. Bình thường, cứ đến mùa Hè là giá xăng vẫn tăng lên. Nhưng không phải vì các công ty xăng muốn nhân cơ hội người Mỹ lá xe nhiều mà tăng giá. Một lý do quan trọng là xăng mùa Ðông khác với xăng mùa Hè! Xăng chạy xe bao giờ cũng pha chế thêm với các nhiên liệu khác rẻ hơn. Vào mùa Ðông, người ta hay pha butane vào trước khi đưa tới trạm xăng bán cho quý vị. Mùa Hè, chất butane dễ bay hơi trong thời tiết nóng; người ta phải dùng các nhiên liệu khác, chúng đều đắt hơn. Vì thế cứ tự nhiên giá xăng đã tăng lên trong mùa Hè rồi.


Khi Bắc bán cầu bước vào mùa Hè, nhu cầu dùng xăng, dầu khắp nơi tăng lên. Những nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Ðộ, Brazil đều dùng thêm nhiều nhiên liệu, trong đó có xăng. Dân Trung Hoa sẽ dùng nhiều xe hơi hơn nước Mỹ. Hiện nay, các mỏ dầu ở Lybia chưa hoạt động trở lại như trước cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài tàn bạo. Ở Nigeria, Phi Châu, các mỏ dầu cũng bớt hoạt động vì tranh chấp nội bộ. Những áp lực quốc tế đó sẽ giữ giá dầu thô trên thế giới ở mức cao hiện giờ, hy vọng giá có xuống cũng không xuống bằng hồi này năm ngoái.


Nước Mỹ có thiếu xăng dầu hay không? Trong thực tế, Mỹ đang dư dùng, xài không hết. Những người than phiền là việc sản xuất xăng dầu ở Mỹ xuống thấp quá nên giá xăng lên cao là nhầm. Năm ngoái, các nhà máy lọc dầu ở Mỹ chế ra trung bình 9.1 triệu thùng xăng một ngày, trong khi số tiêu thụ trung bình chỉ là 8.5 triệu. Xăng dư dùng phải được đem xuất cảng, chứ không ai giữ trong kho hay ngưng chạy nhà máy nữa! Trong năm 2011, số xăng dầu và nhiên liệu do Mỹ xuất cảng cao hơn số nhập cảng, lần đầu tiên kể từ năm 1949 chuyện này mới xẩy ra!


Có nên kết tội các hang xăng dầu đem xuất cảng mà không giữ lại bán trong nước để giúp giá xăng xuống thấp hay không? Cũng oan cho họ. Vì họ không có chỗ chứa nên phải đem bán. Trừ khi họ ngưng sản xuất để chờ người tiêu thụ mua, tức là phải sa thải bớt công nhân, giảm mức lời, giá cổ phần sẽ xuống! Những lời kêu gọi phải đào thêm giếng dầu mới, phải hạ thấp tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, vân vân, đều không quan tâm đến sự thật này, là nước Mỹ chưa tiêu thụ hết số dầu hiện đang sản xuất và nhập cảng. Ngay cả dầu thô, các công ty Mỹ cũng không dùng hết. Kho không đủ chỗ chứa, họ phải thuê các tầu chở dầu đậu ngoài khơi, làm nhà kho lưu động!


Người ta cũng hay chỉ trích các hãng dầu tham lam, kiếm nhiều tiền trên đầu người tiêu thụ. Họ kiếm nhiều tiền thật. Nhưng nếu nhìn vào mức lời trên số bán (profit margin) của họ thì thấy cũng không ghê gớm lắm. Thống kê của Standard and Poor cho biết hãng Exxon-Mobil được lời 8.9%, so với công ty Apple kiếm 13.5%, Công ty Disney làm ra 16%, Boeing và McDonald kiếm 19%.


Năm nay nước Mỹ có thể coi là được may mắn, là mùa Ðông tương đối ấm áp. Các nhà máy lọc dầu sẽ bắt đầu làm công việc bảo trì hàng năm (khi đó phải tạm đóng cửa nhà máy) sớm hơn thường lệ, tức là vào Tháng Ba này, thay vì đợi Tháng Tư. Nhờ thế, nguồn cung cấp sẽ không giảm quá nhiều khi bước vào mùa Xuân.


Ðặc biệt, năm nay nhu cầu tiêu thụ xăng lái xe ở Mỹ đã xuống thấp. Vào cuối Tháng Hai, mỗi tuần lễ nước Mỹ chỉ dùng 8.4 tỷ thùng dầu chế ra xăng, so với con số 9.2 triệu thùng cùng thời gian năm ngoái. Nhưng trong tổng số nhu cầu dầu lửa ở Mỹ chỉ có 10% là dưới hình thức xăng chạy xe. Trong khi người lái xe dùng bớt xăng, thì số tiêu thụ dầu trong 90% còn lại vẫn tăng lên.


Với tình hình như trên, không có giải pháp nào mà chính quyền Mỹ có thể áp dụng để hạ thấp giá xăng trong mùa Hè này. Ông tổng thống có quyền mở Kho Dự trữ Dầu Chiến lược (Strategic Petroleum Reserve) ra để cung cấp cho thị trường. Nhưng làm như vậy có thể sẽ bị Quốc Hội chỉ trích, là lợi dụng quyền hành để lo tranh cử! Vả lại, cả kho dự trữ 727 triệu thùng dầu cũng chỉ đủ dùng trong 5 tuần lễ, mà không ai dám đem ra dùng hết.


Một câu hỏi ai cũng nghĩ tới là với đà giá xăng ngày càng lên cao như hiện nay thì cuộc bỏ phiếu năm 2012 có bị ảnh hưởng hay không. Tất nhiên, khi giá xăng cao thì người dân bất mãn, họ sẽ đổ tội lên đầu trên đầu ông tổng thống đương ngồi ở Tòa Bạch Ốc. Nhưng chúng ta có thể xem lại quá khứ để thấy giá xăng không phải là yếu tố duy nhất hay mạnh nhất quyết định kết quả một cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.


Năm 1992, giá xăng xuống thấp nhất trong vòng 10 năm, kinh tế Mỹ bắt đầu hồi phục, nhưng vị tổng thống đương nhiệm đã thất cử. Ðó là ông Gorges H.W. Bush, mà ông lại vừa thắng thế trên trường ngoại giao: Ðánh Iraq, cứu Kuwait, và khối cộng sản Liên xô vừa sụp đổ. Ngược lại, năm 2004, giá xăng lên cao nhất trong một thập kỷ, nhưng ông tổng thống đương nhiệm lại tái đắc cử. Ðó là ông Georges W. Bush con cụ Bush già!


Nếu kinh tế có ảnh hưởng trên một cuộc bầu cử, thì không phải chỉ tại giá xăng khiến người tiêu thụ bị mất thêm tiền. Nó chỉ ảnh hưởng nếu tình trạng xăng dầu lên giá kéo dài khiến cho các hoạt động kinh tế đều bị trì trệ! Ðó là điều Tổng Thống Barack Obama phải lo ngại.

MỚI CẬP NHẬT