Saturday, April 20, 2024

Iran trên bờ vực


Ngô Nhân Dụng


 


Tổng thống Iran, ông Mahmoud Ahmadinejad, đang làm nhiều người trên thế giới lo chiến tranh sẽ xẩy ra. Chính ông Ahmadinejad được lợi gì khi gây ra tình trạng căng thẳng này hay không? Ðưa Iran vào thế đương đầu với cả thế giới là một hành động nhằm bảo vệ uy tín và địa vị của chính ông ta, một người bị cả hai phía cấp tiến và bảo thủ chống đối.


Giáo sĩ Khamenei đứng đầu Hội Ðồng Tối Cao không ưa vị tổng thống bị coi là lộng quyền, nhiều lần qua mặt các giáo sĩ lãnh đạo. Năm ngoái phe bảo thủ đã đề nghị đàn hặc ông Ahmadinejad khi ông tự ý thay đổi thành phần chính phủ mà không xin Quốc Hội chấp thuận, và đòi điều tra việc chi tiêu không đúng ngân sách do Quốc Hội phê chuẩn. Ông đã cách chức Heydar Moslehi, người đứng đầu Bộ Tình Báo, nhưng vì áp lực của các giáo sĩ lãnh đạo, lại phải phục chức cho ông ta. Kinh tế Iran suy yếu vì bị cấm vận, lạm phát lên cao, các phong trào đòi tự do dân chủ đang sôi lên vì Mùa Xuân Á Rập. Nhưng trước mối đe dọa bị Israel tấn công phá các lò nguyên tử và trước cảnh Iran đang đối đầu với Mỹ và các nước Châu Âu, không ai ở Iran dám tính chuyện lật đổ ông Ahmadinejad.


Không phải chỉ tấn công dư luận thế giới bằng lời nói, Iran còn làm cho giá dầu lửa tăng lên, từ giá 76 đô la một tùng vào Tháng Mười năm ngoái, lên 105 đô la vào đầu tuần này. Ahmadinejad có thể tính rằng áp lực giá dầu lửa sẽ làm cho chính phủ Mỹ phải nới lỏng việc cấm vận và bớt đòi hỏi Iran phải ngưng các hoạt động về năng lượng nguyên tử. Ahmadinejad biết rằng trong một năm dân Mỹ đi bỏ phiếu, không một ông tổng thống Mỹ nào muốn giá xăng dầu tăng lên. Ðầu năm 2012, Tổng Thống Barack Obama đã được Quốc Hội đồng ý triển hạn việc bớt thuế an sinh xã hội, với kết quả là mỗi người Mỹ đi làm sẽ có thêm trung bình 50 đô la mỗi tháng để tiêu xài. Nhưng nếu giá xăng tiếp tục tăng lên như một tháng nay thì số tiền đó không đủ bù lại với tiền trả thêm khi mua xăng! Làm cho giá dầu tăng lên, không những Iran hy vọng thu được nhiều đô la và đồng Euro hơn, mà còn làm cho kinh tế cả thế giới suy yếu trong lúc nó vẫn chưa hồi phục hẳn. Ðó là một mối đe dọa mà ông Ahmadinejad biết cả Mỹ và Âu Châu đều muốn tránh.


Ông Ahmadinejad cũng biết tấn công đúng chỗ khi ra lệnh ngưng bán xăng cho mấy nước Âu Châu. Khác với hồi chiến tranh Iraq năm 2003, năm nay các nước Âu Châu đều ủng hộ Mỹ trong cuộc cấm vận Iran, và còn tỏ thái độ cứng rắn hơn. Ngưng bán xăng cho Pháp và Anh thì không gây ảnh hưởng nào, vì các nước đó không nhập cảng dầu thô của Iran. Nhưng trong 6 nước mới bị đưa vào danh sách cấm bán dầu, có 4 nước đang trên đà suy yếu kinh tế. Trong số dầu Iran xuất cảng sang Âu Châu, 70% bán cho Tây Ban Nha và Ý. Một phần ba số dầu Hy lạp mua là từ Iran. Nếu các nước đó và Bồ Ðào Nha phải đi mua ngay dầu từ nơi khác, giá đắt hơn, thì tình trạng thâm thủng mậu dịch và ngân sách sẽ lôi kéo cơn khủng hoảng kinh tế ở Âu Châu kéo dài hơn nữa. Nghĩa là kinh tế Mỹ và cả thế giới cũng bị ảnh hưởng lây.


Iran đang theo thủ đoạn của Nga trước đây, dùng vũ khí ngưng bán dầu và hơi đốt để ép các nước Âu Châu không can thiệp vào các xung đột giữa Nga và mấy nước láng giềng. Nếu chỉ chỉ mới đe dọa ngưng bán dầu cho mấy nước mà đã làm giá dầu thô nhập cảng vào Âu Châu tăng lên tới 119 đô la một thùng, thử tưởng tượng nếu có chiến tranh giữa Iran và Israel thì giá dầu thế giới sẽ lên tới bao nhiêu? Vì vậy, các nước Âu Châu có đủ lý do để tránh không cho một cuộc chiến như vậy xẩy ra.


Nhưng liệu chiến tranh có thể xẩy ra không? Rất khó. Mặc dù đã đe dọa sẽ “tấn công trước” nếu thấy nguy cơ bị đánh, nhưng ông Ahmadinejad sẽ không dại gì gây chiến. Nếu Iran đánh Israel trước, các nước Âu Châu và Mỹ sẽ bảo vệ Israel và ỷ có lý do cùng Israel đánh thẳng vào Iran, lực lượng hai nước đó sẽ đè bẹp quân đội Iran. Mỹ có thể chỉ dùng Không quân và Hải quân, mà không cần dùng Bộ binh chiếm đóng vì đã có quân Israel làm việc đó. Các nước Á Rập chung quanh đều phản đối việc Israel đánh Iran trước; nhưng họ đều ghét và sợ Iran. Ngoài ra, không nước Á Rập nào muốn thấy Iran có bom nguyên tử. Khoảng cách từ thủ đô Iran đến thủ đô Saudi chỉ có 1,300 cây số, mà hiện nay Iran có những hỏa tiễn bắn xa 1,500 cây số. Các nước Á Rập có thể đưa quân qua Iran sau khi Mỹ và Israel đánh đợt đầu, để trừ bỏ một chế độ theo Hồi Giáo nhưng thuộc phái Shi A khác họ. Các nước Nga, Trung Quốc sẽ phải làm ngơ vì Iran gây chiến, Trung Quốc đã phản đối Iran ngay sau khi nước này ngưng bán dầu cho Anh, Pháp. Không một nước nào sẽ cứu Iran nếu có chiến tranh.


Cuộc chiến tranh dù diễn ra cách nào cũng sẽ làm kinh tế Iran suy sụp, và dù nước Iran không bị chiếm đóng cũng không tránh khỏi một cuộc cách mạng thay đổi chế độ. Chỉ có một người khùng mới chọn con đường đó. Các lời lẽ gây hấn của chính phủ Iran chỉ cốt đe dọa thế giới bằng hình ảnh “thằng khùng,” để các nước bảo nhau đừng ai đẩy nó đến chân tường. Và tất nhiên các lời lẽ và hành động gây hấn chỉ củng cố địa vị của ông Ahmadinejad ở trong nước Iran.


Nhưng chính phủ Mỹ có mong một cuộc chiến tranh mới ở vùng Trung Ðông hay không? Chắc cũng không. Chiến tranh sẽ không chỉ giới hạn trong phạm vi Iran với Israel mà thôi. Iran sẽ tấn công các nước sản xuất dầu trong vùng vịnh, từ Á Rập Saudi, qua Kuwait, và tất cả các tầu chở dầu đi qua eo biển Hormuz. Một cuộc hải chiến sẽ không tránh khỏi, Iran sẽ bị Mỹ đánh bại, nhưng hậu quả kinh tế sẽ mất nhiều năm mới xóa được.


Cho nên, con đường chính phủ Mỹ đang chọn là tăng cường cuộc cấm vận Iran để đẩy nước này đến chỗ suy kiệt. Chính phủ Mỹ sẽ trừng phạt các công ty và ngân hàng các nước khác nếu làm ăn với Iran, sẽ cấm họ hoạt động trong nước Mỹ; nhưng áp dụng tùy trường hợp. Biện pháp đó ngày hôm qua đã đưa tới quyết định của ba nước Ấn Ðộ, Nhật Bản, Trung Quốc cắt bớt số nhập cảng dầu từ Iran. Hiện nay đó là những nước mua dầu của Iran nhiều nhất. Riêng Trung Quốc mua 22% số dầu do Iran xuất cảng, Nhật Bản mua 15%, Ấn Ðộ mua 14%; ba nước đó mua một nửa số dầu Iran bán trong khi cả Âu Châu chỉ mua 18%. Năm nay Trung Quốc sẽ cắt bớt 14% số mua của họ, sau khi chính phủ Mỹ đã bị cảnh cáo một lần. Cắt giảm nhiều nhất là công ty Unipec, vì Unipec và chi nhánh của họ tại Singapore đang đầu tư rất nhiều ở Mỹ. Nhật Bản đang thương thuyết với Mỹ để cắt 10% số dầu mua của Iran, và xin miễn trừ cho số còn lại, vì kinh tế Nhật chưa hồi phục. Nam Hàn, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang mua, lần lượt, 10% và 7% số dầu thô của Iran, hai nước đồng minh này của Mỹ chắc cũng sẽ cắt bớt. Cộng tất cả các nước đó lại, cùng với Âu Châu, số dầu Iran bán ra có thể sẽ giảm bớt 8% đến 10%.


Tiền bán dầu chiếm 80% số ngoại tệ mà Iran thu được mỗi năm. Nếu các nước mua nhiều dầu nhất của Iran cắt bớt 10%, và số bán sang Âu Châu cũng giảm, thì ngoại tệ sẽ thiếu hụt, cán cân thương mại thâm thủng và lạm phát sẽ tăng lên. Chính nước Iran cũng đang phải nhập cảng dầu chế biến, vì mặc dù là nước xuất cảng dầu thô lớn thứ ba, sau Á Rập Saudi và Nga, công nghệ chế biến dầu lửa của Iran còn rất thô sơ.


Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Leon Panetta đã đoán là Israel có thể sẽ tấn công phá các lò nguyên tử của Iran trong khoảng từ Tháng Ba đến Tháng Năm năm nay. Nhưng cả tổng thống Mỹ và chính phủ các đồng minh Anh, Pháp đều khuyên Israel phải kiên nhẫn chờ kết quả cuộc cấm vận; sẽ đến lúc buộc chính phủ Iran nhượng bộ về việc thanh tra các lò nguyên tử. Hiện phái đoàn thanh tra Liên Hiệp Quốc vẫn tới Iran làm việc.


Nếu Israel cứ tấn công Iran, cưỡng lại các lời khuyên của Mỹ và Anh, Pháp, cùng sự chống đối của các nước trong vùng Trung Ðông, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Ấn Ðộ và Trung Quốc, thì một cuộc chiến tranh có thể sẽ nổ ra. Nhưng nếu tình trạng này cứ kéo dài thì cuộc cấm vận sẽ tiếp tục thắt chặt hơn nữa, có ngày sẽ đưa chính phủ Iran tới chỗ phải nhượng bộ. Ông Mahmoud Ahmadinejad cũng phải thấy chiến tranh là đại họa cho nước ông, và sẽ xóa bỏ cả địa vị của chính cá nhân. Mà ông ta cũng không thể làm tổng thống Iran mãi mãi.

MỚI CẬP NHẬT