Thursday, March 28, 2024

Quả đầu và tài phiệt


Các đại gia Ukraine đánh bạc cửa nào?…




Nguyễn-Xuân Nghĩa


Khi vụ khủng hoảng Ukraine vừa bùng nổ thì giới nghiên cứu kinh tế lại có một tiêu chuẩn lạ để đo lường khả năng tồn tại và sức mạnh của chính quyền lâm thời ở tại thủ đô Kyiv. Ðó là lập trường của các tài phiệt.

Hôm mùng 9, một lãnh tụ phong trào nổi dậy là Vitali Klitschko đã gặp Rinat Akhmetov tại Donetsk, tỉnh miền Ðông Ukraine giáp giới với Liên Bang Nga để bàn về tình hình trước mắt. Klischko là võ sĩ, dân biểu, cầm đầu Liên Minh Dân Chủ cho Cải Cách Ukraine và có thể ứng cử tổng thống trong cuộc bầu cử ngày 25 Tháng Năm. Với tài sản trị giá hơn 15 tỷ đô la, Rinat Akhmetov là tài phiệt giàu nhất Ukraine, một đại gia than thép, thuộc đảng Ðịa Khu (Party of Regions) của Viktor Yanukovych vừa bị truất phế, có quan hệ kinh doanh với cả hai khối thân Tây phương lẫn thân Nga.

Trước đấy, Thủ tướng Lâm thời Arseniy Yatsenyuk trấn an Akhmetov và một đại gia hóa chất và năng lượng là Dimitri Firstash rằng cơ sở kinh doanh của họ không bị chiếu cố. Ðáng kể hơn, hai tài phiệt nổi tiếng về tài chánh và công nghiệp là Ihor Kolomoyskyi và Serhiy Taruta được bổ nhiệm làm tổng trấn hai tỉnh miền Ðông là Dnipropetrovsk và Donetsk.

Nhưng vì sao hậu thuẫn của giới tài phiệt này lại được chú ý?

Vì kinh tế cũng là chính trị…

***

Trước hết, hãy tìm hiểu về sự chuyển hóa từ chế độ cộng sản toàn trị qua chế độ “quả đầu” (olygarchy – quả là số ít, đầu là kẻ dẫn trước, quả đầu là chế độ cai trị của một số rất ít những kẻ có quyền thế).

Khi chế độ toàn trị tan rã và kinh tế phải theo quy luật thị trường thì một số cá nhân có lợi thế nhờ quan hệ với chế độ cũ có thể trục lợi riêng trong tiến trình tư nhân hóa vô luật lệ của chính sách “đổi mới kinh tế.” Họ trở thành tài phiệt giàu có và giữ thế gần như độc quyền trong các khu vực kinh tế then chốt. Với thế lực kinh tế, họ gây ảnh hưởng chính trị và phần nào chia quyền với chế độ mới. Hệ thống chính trị “quả đầu” xuất phát từ đó.

Sự tan rã rồi sụp đổ của Liên Bang Xô Viết vào cuối năm 1991 dẫn tới sự hình thành của các tài phiệt cùng chia chác quyền lợi kinh tế trong gần 10 năm. Nhưng, do truyền thống tập quyền của văn hóa Nga và dựa trên hệ thống nhân sự “siloviki” (người hùng) của an ninh và quân đội, Vladimir Putin củng cố được vai trò của mình và xoay ra khuất phục hoặc thu phục các tài phiệt. Ai theo ông và chung tiền ủng hộ quyền lực trung ương thì được tồn tại và chia vùng làm ăn. Kẻ cưỡng chống hay còn đòi cạnh tranh thì bị loại bỏ không thương tiếc, như trường hợp của Roman Abramovich hay Mikhail Khodorkovsky. Vì thế, dù có nhiều tài sản và ảnh hưởng thì đám tài phiệt cũng khó lũng đoạn được hệ thống chính trị tại điện Kremlin.

Trường hợp Ukraine lại khác.

Sau khi tuyên bố độc lập, Ukraine cũng trải qua tiến trình “đổi mới” theo kiểu làm thịt hệ thống kinh tế quốc doanh, và các đại gia phân vùng trọng yếu như luyện kim, hóa chất, phân phối năng lượng để làm giàu. Nhưng các chính quyền nối tiếp không có khả năng chính trị giải trừ ảnh hưởng của họ. Thành phần đầu sỏ này chưa hề nằm dưới hệ thống quản lý của chính phủ mà còn chi phối được quyền lực trung ương. Hậu quả là một hệ thống chính trị trong đó các tài phiệt giữ vị trí then chốt khi là đại gia bảo trợ và ủng hộ thế lực đương quyền để trục lợi.

Trải bốn đời tổng thống từ 1991 – Leonid Kravchuk, Leonid Kuchma, Viktor Yushchenko, Viktor Yanukovych – mọi chính đảng lớn và các ứng viên vào vị trí quan trọng của lập pháp hay hành pháp đều có tài phiệt đỡ lưng trong một hệ thống chính trị mà chứng tật tham nhũng hay hối mại quyền thế chỉ là bình thường. Thí dụ như trước khi bước ra lãnh đạo cuộc Cách mạng màu Da cam năm 2004, Yulia Tymoshenko từng là đại gia độc quyền phân phối khí đốt mua của Nga và là một trong những tài phiệt giàu có nhất. Bà bước qua lãnh vực chính trị một phần cũng vì kinh doanh bị chèn ép.

Nhưng trong thế giới ấy, các đại gia ấy thường không đánh bài một cửa hoặc nói chữ thủy chung. Họ biết phù thịnh để bảo vệ quyền lợi hơn là ý thức hệ hay xu hướng chính trị nên sẵn sàng đổi theo hướng gió. Có khi còn bắt cá hai ba tay để nếu phe cầm quyền có đổi thì họ vẫn còn bạn vì mỗi lãnh tụ mới đều có thể lập ra vây cánh mới và gây ra cạnh tranh.

Trong khuôn khổ bất thường như vậy, vụ khủng hoảng tháng trước đánh dấu sự chuyển hướng khi Yanukovych bị Quốc Hội truất phế, với lá phiếu của đảng Ðịa Khu của ông ta. Lập tức các đại gia bèn lánh xa kẻ đã bỏ chạy và quay sang ủng hộ chính quyền lâm thời.

Nhưng không hẳn vì vậy mà người ta có thể kết luận là họ ngả theo Tây phương. Hoặc lớp lãnh đạo mới lên tại Kyiv đã có thế mạnh để đoạn tuyệt với Nga.

Các lãnh tụ chính trị và tài phiệt Ukraine nhìn xa hơn vậy.

***

Việc bán đảo Crimea bị Nga thôn tính sau một cuộc trưng cầu dân ý giả hiệu là chuyện đã rồi.

Hai tháng nữa, Ukraine sẽ có bầu cử tổng thống và sau đó là bầu cử Quốc Hội. Các ứng cử viên đều cần tới hậu thuẫn của tài phiệt cho các cuộc tranh cử và để họ không làm tình hình kinh tế thêm suy đồi. Nhưng xa hơn vậy, sau Crimea, các chính trị gia không muốn đất nước bị xé làm nhiều mảnh và miền Ðông thân Nga trở thành khu vực đối lập với miền Tây và với chính quyền lâm thời được Tây phương yểm trợ.

Vì thế, vai trò của khối tài phiệt miền Ðông mới đáng chú ý.

Trước hết, miền Ðông là nơi tập trung công nghiệp Ukraine và có sức nặng quyết định cho nền kinh tế đang bị chấn động – mà viện trợ Tây phương thì chưa thấy đâu. Thứ nữa, các đại gia miền Ðông đều có quan hệ làm ăn lâu đời với Nga và tài phiệt Nga. Nhờ quan hệ ấy, họ có đầu mối đối thoại và kinh nghiệm đàm phán mà các lãnh tụ cách mạng chưa thể có. Khi làm thủ tướng, Yulia Tymoshenko có dày kinh nghiệm thương thảo với Nga cũng vì lẽ đó. Thứ ba, dù là có làm ăn với ngả Ðông hay Tây, đã từng ủng hộ phe này hay phái nọ, các tài phiệt nói chung cũng chẳng muốn chia đôi sơn hà hoặc đi theo thể chế liên bang vì gây thiệt hại cho việc kinh doanh trên toàn lãnh thổ.

Không là người của đám đông ưa hô khẩu hiệu, họ thiết thực ủng hộ chính quyền mới. Nhưng chẳng ủng hộ vô điều kiện và không lỡ dịp than phiền với Klitschko, Yatsenyuk. Hậu thuẫn của họ không có ý nghĩa trường cửu và vĩnh viễn, mà lại vô cùng cần thiết cho chính quyền lâm thời.

Cho nên, qua vụ chấn động rồi khủng hoảng hiện nay, người ta thấy các lãnh tụ chính trị lẫn kinh tài đều thận trọng, thực tế. Trong hoàn cảnh cực kỳ bất thường và chưa thể nói là dân chủ của Ukraine, đấy là một ưu điểm mà các dân tộc hay quốc gia khác nên theo dõi – và học hỏi.

***

Vì kinh tế cũng là chính trị, chúng ta còn phải nhìn vào toàn cảnh.

Mối nguy sinh tử cho tài phiệt Ukraine không đến từ Âu Châu, Hoa Kỳ, hay Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế với những ràng buộc về luật lệ theo kiểu giải phẫu không thuốc mê hay trong khuôn khổ kinh doanh minh bạch. Mối nguy ấy đến từ một đại gia còn ma đầu hơn các tài phiệt, từ Putin.

Ngay tài phiệt miền Ðông của Ukraine cũng chẳng yên tâm nếu khu vực kinh doanh và tài sản của họ được Putin đưa vào quỹ đạo Nga, vì từ đó, tài phiệt Ukraine sẽ ra rìa, mạng lưới làm ăn của họ đổi chủ và rơi vào sức hút của tài phiệt Nga, thuộc quỹ đạo Putin!

Nghĩa là chế độ “quả đầu” tại Ukraine sẽ còn cô quả hơn nữa. Trong hiện tại, tài phiệt Ukraine là nhịp cầu đối thoại giữa Kyiv với Moscow, và càng củng cố được sức nặng của Kyiv, họ càng có đất sống.

Lâu lâu mới thấy kinh tế và chính trị có lúc đồng hành!

MỚI CẬP NHẬT