Thursday, March 28, 2024

Quanh vụ chuyến bay MH370

Lê Phan

“Biết ngay mà, thể nào cũng có mấy ông thầy cúng xuất hiện!” Ðó là nhận xét hết sức thích thú của một người bạn đồng nghiệp đang theo dõi vụ chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysian Airlines.

Nhưng xin thưa ngay là người bạn tôi không thích thú như là những nhà báo Tây phương hay Trung Quốc, mỉa mai chê cười Malaysia và phong tục tập quán của họ. Ông bạn nhà báo đó thích thú vì anh ta đoán là thế nào câu chuyện ông thầy cúng ở phi trường quốc tế Kuala Lumpur sẽ trở thành đề tài được bàn ra tán vào trên báo chí quốc tế. Mà quả đúng như vậy. Vấn đề vốn là bề trái của nghề phóng viên. Làm sao kiếm ra được một khía cạnh mới để gửi thêm một bài tường thuật nữa về cho văn phòng ở nhà khi thực sự chẳng có tin tức gì mới cả.

Nó thể hiện qua sự thích thú của báo chí khi Tướng Rodzali Daud, tư lệnh không quân Malaysia, lúng túng giải thích với họ tại sao lại có những tin từ báo chí Malaysia dẫn lời ông nói là radar của quân đội đã thấy chuyến bay MH370 bay thấp hơn và chuyển hướng bay. Ông nói tiếp điều mà radar của quân đội thấy xảy ra 45 phút sau khi phi cơ biến mất trong màn hình của hệ thống không lưu giữa bờ biển miền Ðông của Malaysia và phía Nam của Việt Nam. Ông nói tiếp “khi chúng tôi nhìn lại video thì nó cho thấy có thể là phi cơ quay trở lại nhưng chúng tôi không rõ là liệu đó có phải là cùng cái phi cơ không, tuy rằng nó ở ngay cùng khu vực đó và đã quay đầu lại.” Ông tướng còn dùng cả giải thích tiếng Anh mà sẽ làm cho những ai thích các lý thuyết âm mưu (conspiracy theory) sung sướng. Ông bảo “đó là một unidentifying flying object, một vật bay không được nhận diện.” Như chúng ta biết, chữ đó mà viết tắt là UFO thường dược dùng để tả các đĩa bay, vật lạ trên bầu trời của những người tin vào người không gian. Chả trách chúng ta bắt đầu thấy trên Internet những đồn đoán là chuyến bay MH370 đã bị “người không gian bắt cóc.”

Và rồi cũng vì nhà báo phải có cái gì mới để tường thuật, chúng ta nghe rất nhiều điều được loan báo một cách chắc chắn như đóng đinh lên cột. Một nhà báo, nghe một viên chức Hoa Kỳ nhắc đến một thông cáo mới đây của cơ quan hàng không FAA của Hoa Kỳ khuyến cáo về một vết nứt trên các phi cơ Boeing 777 và yêu cầu các công ty hàng không phải kiểm soát. Khuyến cáo này là nghiêm trọng vì vết nứt nhỏ trên không có thể dẫn đến một tai nạn kinh khủng. Thế là những đồn đoán, bình luận ồn ào về liệu chiếc phi cơ mất tích có phải bị một vấn đề tương tự như vậy chẳng. Sau cùng phải đến chính công ty Boeing khẳng định là loại Boeing 777 của Malaysian Airlines bị mất tích không thuộc loại có thể có vết nứt.

Ấy là chưa kể có những người muốn ăn ké. Khi một cơ quan của chính phủ Trung Quốc đưa lên website của họ mấy hình lờ mờ từ vệ tinh, và nói đó có thể là mảnh vụn từ chuyến bay MH370, đột nhiên toàn thể hệ thống báo chí nhà nước của Trung Quốc đã coi chắc là mảnh vụn của chiếc phi cơ đã được tìm thấy, và hơn thế, được tìm thấy bởi vệ tinh Trung quốc. Và hẳn là vì “tự ái dân tộc” nên sau khi Việt Nam và Malaysia loan báo là đã gửi phi cơ, tàu thủy đến lục soát ở khu vực này, đài truyền hình nhà nước CCTV của Trung Quốc vẫn từ chối không chịu bỏ tin này đi.

Người ta còn viện dẫn là khu vực này ở gần một dàn khoan mà nhân viên trên dàn khoan đã nói có thấy một vụ nổ ở hướng đó. Ðiều ai đó cần nhắc hộ với CCTV ý kiến cua Giáo Sư Les Westbrooks, một giáo sư về khoa học không hành ở viện đại học Embry-Riddle Aeronautical University, một viện đại học cũng chuyên về ngành này, được nhật báo The Guardian dẫn lời khuyến cáo, “Nhân chứng trong các vụ rớt máy bay vốn nổi tiếng là khó tin.”

Ðiều còn đáng buồn hơn nữa là tuy vụ phi cơ mất tích này quả là một tin đáng chú ý, nhưng trên thế giới còn nhiều tin đáng chú ý hơn và quan trọng hơn. Ấy vậy mà chỉ vì từ các ông bà chủ bút đến các ông bà chủ các cơ quan truyền thông, muốn tập trung vào câu chuyện đầy “tính người-human interest” này nên những chuyện đó đã bị gạt sang một bên.

Ở ngay chính Malaysia, chuyến bay MH370 là một món quà đặc biệt tốt cho chính phủ khi mà họ lại một lần nữa dùng thủ đoạn pháp lý, lại kết án lãnh tụ đối lập Anwar Ibrahim tội thủ dâm. Ðó là một điều mà tờ The Economist đã ngán ngẩm bảo “Deja vu” (Ðã thấy rồi), vì đây là bổn cũ lập lại cái trò mà chính quyền từ thời cố Thủ Tướng Mahathir đến thời hiện nay của Thủ Tướng Rajid, dùng để ngăn chặn không cho lãnh tụ đối lập thành công nhất trong lịch sử của Malaysia trong thời hiện đại được ra ứng cử. Bản án này đã tạm thời không cho ông Anwar ra ứng cử ở bang Selangor với triển vọng là ông sẽ đắc cử và sẽ trở thành thủ hiến của bang. Nhưng lần này, ngay cả những ủng hộ viên của đảng cầm quyền cũng cho là hành động này sẽ có hậu quả không tốt.

Mở rộng ra trong vùng Biển Ðông và Ðông Nam Á, sự việc mà mãi đến ngày thứ sáu của cuộc tìm kiếm, Malaysia mới loan báo là trong tinh thần hợp tác để tìm kiếm cho ra chiếc phi cơ mất tích, Kuala Lumpur đã mở ra cung cấp mọi thông tin về hệ thống radar với Việt Nam và nhất là với Trung Quốc.

Hành động này của Malaysia phải nói là một sự “hy sinh” đáng kể vì chẳng khác gì cung cấp cho Trung Quốc biết rõ khả năng của Malaysia về phòng thủ radar. Rồi đây có lẽ Malaysia sẽ hối hận, nhất là lần tới Trung Quốc gửi tàu chiến xuống đến bờ biển của Malaysia để chứng tỏ “chủ quyền” trên một số hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa mà Malaysia nói là của mình, họ sẽ biết rõ khả năng theo dõi của Malaysia đối với lực lượng của họ.

Xa hơn nữa về phía Bắc, cuộc đụng độ giữa Philippines và Trung Quốc khi Bắc Kinh công khai ngang ngược chặn không cho tàu của Philippines tiếp tế cho đơn vị thủy quân lục chiến đang phải sống trên một con tàu đã bị quân đội Philippines, trong hoàn cảnh thiếu thốn đã cố tình đánh đắm để biến nó thành một thứ chiến lũy dã chiến, nhằm bảo vệ Bãi Reed Bank, bãi cạn mà Việt Nam gọi là Bãi Cỏ Rong, nơi Philippines đã ký một hợp đồng thăm dò dầu khí. Với sự việc là bãi Cỏ Rong chỉ cách đảo Palawan của Philippines có 80 hải lý, nằm trọn vẹn trong vùng đặc quyền khai thác kinh tế của Philippines, hành động của Bắc Kinh thật sự chẳng khác gì là hành động của một kẻ cướp.

Ấy là chưa kể bên kia bờ đại dương, Nga, một anh chàng bully nữa, cũng đang chuẩn bị để chiếm một phần đất của một quốc gia láng giềng trong khi “mồm năm miệng mười” bảo là hành động là để bảo vệ cho những người nói tiếng Nga và người dân Nga đang sống tại đó.

Ðiều Nga quên không nhắc đến là số người Nga ở Crimea đó chỉ mới đổ tới sinh sống kể từ khi Stalin đuổi người Tatar vốn là dân bản địa từ nhiều thế kỷ nay và đầy họ sang đến tận Tây Bá Lợi Á. Lý luận kiểu đó, một ngày đẹp trời, Trung Quốc cũng có thể xua quân sang Việt Nam bảo là cần phải sát nhập vài tỉnh của Việt Nam vào Trung Quốc để bảo vệ cho Hoa kiều đang sinh sống ở đó.

Không ai chối cãi là câu chuyện về chuyến bay MH370 thật hết sức ly kỳ và hấp dẫn nhưng có lẽ đã đến lúc các nhà báo nên có một cái nhìn chừng mực hơn về câu chuyện này. Sinh mạng của một con người thật đáng quý. Nhưng khi một chế độ đã sát hại cả triệu người dân mình lên tiếng xót xa về sự mất tích của hơn một trăm người dân mình thì quả thật quá mỉa mai.

MỚI CẬP NHẬT