Friday, March 29, 2024

Tiền Trung Quốc xuống, dự trữ ngoại tệ cũng xuống


Ngô Nhân Dụng



Nhiều người Trung Quốc có tiền nhưng không tin vào tương lai đồng tiền nước họ nữa. Có cơ hội là đổi “nhân nhân tệ” ra ngoại tệ. Hãng thông tấn Reuters kể chuyện trong mùa Hè năm 2015 một phụ nữ ở Thượng Hải đã đến ngân hàng mua 150,000 đô la Mỹ. Bà Trương Lynn (lấy tên Mỹ) kiếm lời nhanh, vì trong Tháng Tám những đồng Mỹ kim bà nắm trong tay đã tăng giá, sau khi đồng nguyên bị chính phủ phá giá 5%.


Người dân lục địa bị giới hạn mỗi năm chỉ được phép mua 50,000 Mỹ kim thôi. Cho nên bà Trương đã phải dùng tên mình, tên bố và tên mẹ khi đổi tiền. Bà biết rằng đổi đồng nguyên sang Mỹ kim thường không có lợi. Vì gửi Mỹ kim vào ngân hàng chỉ được trả lãi suất dưới 1 phần trăm (0.8%); mà thường bà vẫn kiếm lời 4% đến 5% khi đem đồng nguyên góp vào những quỹ tài chánh, cũng do các ngân hàng lập ra.


Tại sao những người giàu có và biết tính toán như bà lại chấp nhận lãi suất thấp chỉ có 0.8%? Bởi vì đó là cách giữ của an toàn. Ngày xưa người Trung Hoa giữ của bằng các mua vàng, ngọc chôn xuống đất rồi vẽ bản đồ cho con cháu sau này tìm lại “kho vàng.” Ngày nay, một cách giữ của là “chôn” tiền vào đồng đô la Mỹ. Khi người dân cảm thấy đảng và nhà nước lúng túng trong việc điều hành kinh tế, người ta lo đồng bạc sẽ còn xuống giá nữa. Cho nên số người mua Mỹ kim càng tăng. Tại các thành phố lớn khác, người ta cũng đem tiền đổi lấy đô la. Theo Bản tin Chứng khoán Thượng Hải (Shanghai Securities News), đầu năm nay chính quyền đã ra lệnh các chi nhánh ngân hàng hạn chế số đồng nguyên được đổi ra ngoại tệ. Trong bốn ngân hàng lớn của nhà nước, Trung Quốc Ngân Hàng phụ trách hối đoái.


Khi nhiều người có tiền đi mua Mỹ kim, một hậu quả là tổng số dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc giảm bớt. Ðầu năm ngoái, quỹ dự trữ ngoại tệ có lúc lên tới gần 4,000 tỷ Mỹ kim, gần đây chỉ còn hơn 3,100 tỷ. Trong Tháng Mười Hai năm 2015, quỹ giảm mất 108 tỷ Mỹ kim; Tháng Giêng 2016 giảm 99 tỷ, và Tháng Hai giảm gần 30 tỷ. Ngân Hàng Trung Ương (gọi là Ngân Hàng Nhân Dân) coi các con số này là đáng mừng, vì số giảm sụt tháng này thấp hơn tháng trước, có nghĩa là tình trạng đang dần dần ổn định.


Vì thế, giới lãnh đạo Bắc Kinh tuyên bố họ không lo kinh tế sẽ suy sụp quá nhanh (chữ trong nghề ví như chiếc máy bay phải “hạ cánh gấp,” hard landing). Thế giới bên ngoài cũng mừng khi nghe các ông Tập Cận Bình và Chu Tiểu Xuyên, chủ tịch Ngân Hàng Trung Ương trấn an. Vì nếu kinh tế Trung Quốc sụp đổ gấp thì sẽ lôi cả thế giới xuống dốc theo. Trong thời đại kinh tế toàn cầu hóa, nếu hơn một tỷ người Trung Hoa giảm tiêu thụ và bớt sản xuất thì dân Brazil, dân Angola cho tới dân Việt Nam đều chịu ảnh hưởng!


Trong Tháng Ba, giá đồng nguyên đã ổn định một phần vì Ngân Hàng Nhân Dân ấn định lãi suất lên cao so với hai tháng trước; một phần vì giá đô la xuống trên thị trường quốc tế sau khi Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (Fed) đánh tiếng rằng lãi suất ở Mỹ sẽ không tăng như nhiều người chờ đợi. Hơn nữa, Thủ Tướng Lý Khắc Cường cam kết với Bộ Trưởng Tài Chánh Mỹ Jacob Lew rằng chính phủ Trung Cộng không có ý phá giá đồng nguyên.


Khi các công ty Trung Quốc đổi đồng nguyên lấy đô la, họ sẽ trả bớt những món nợ vay bằng đô la, thay vào đó là những món nợ mới vay bằng tiền bản xứ. Hiện tượng tiền bỏ chạy ra nước ngoài không liên can trực tiếp đến việc đổi tiền. Khi dân Trung Quốc đổi đồng nguyên lấy ngoại tệ nhưng vẫn ký thác số Mỹ kim đó tại các ngân hàng nội địa thì số tiền đó không chạy ra ngoại quốc. Có thể nói rằng số ngoại tệ dự trữ chỉ chuyển từ tay nhà nước sang tay dân. Tiền bỏ chạy là điều có thật, nhưng đi qua những ngả khác, hợp pháp hoặc qua chợ đen chợ đỏ. Công ty Goldman Sachs nhận xét số tiền chuyển ra nước ngoài hiện nay lên tới mức cao chưa từng thấy.


Nhưng khi quan sát số dự trữ ngoại tệ tại Ngân Hàng Nhân Dân xuống đều đều vào cuối năm qua, nhiều nhà kinh tế lo lắng đặt câu hỏi là con số đó có thể giảm xuống đến mức nào thì đáng rung chuông báo động?


Câu hỏi này quan trọng vì, trước hết, số tiền trong Quỹ dự trữ ngoại tệ có tác dụng tâm lý đối với dân chúng cũng như giới đầu tư quốc tế. Ðối với họ, những con số hàng ngàn tỷ mỹ kim tăng dần dần trong mấy năm quá giúp mọi người an tâm, về tương lai kinh tế Trung Quốc. Ở các nước tiên tiến, dân chúng ít quan tâm đến số ngoại tệ dự trữ trong Ngân Hàng Trung Ương. Nhưng dân Trung Quốc thì khác. Nhất là trong tình trạng tỷ lệ phát triển chỉ còn 6.9%, thấp nhất trong một phần tư thế kỷ, người ta thấy số tiền nhà nước để dành được 3,100 tỷ Mỹ kim là một thứ bảo đảm, chứng tỏ nhà nước vẫn còn tiền vốn để khi cần sẽ đem ra kích thích kinh tế.


Hầu như ai cũng tiên đoán tốc độ tăng trưởng sẽ xuống thấp hơn tỷ lệ 6.5%. Nếu tổng số sản xuất và tiêu thụ không tăng nhanh được như hoạch định, giới lãnh đạo sẽ lấy số tiền dự trữ ra, bơm vào hệ thống ngân hàng, chuyển qua các xí nghiệp quốc doanh, cố tiếp tục hoạt động, miễn là công nhân có việc làm, dù xí nghiệp vẫn thua lỗ.


Bắc Kinh đã dùng phương thuốc “kích thích” này suốt năm qua, nhất là khi thị trường chứng khoán sụp đổ vào năm ngoái. Hành động này là thói quen thời “bao cấp,” hoàn toàn trái ngược với chủ trương “cải tổ cơ cấu” mà ông Tập Cận Bình đã cổ võ. Cải tổ, tức là giảm bớt vai trò của nhà nước, để cho thị trường “đóng vai trò quyết định” như châm ngôn đã được đại hội đảng tuyên dương. Ðảng Cộng Sản cũng tuyên bố sẽ khuyến khích dân tiêu thụ, không để nền kinh tế hoàn toàn lệ thuộc vào việc xuất cảng và những công tác đầu tư phí phạm, vô ích. Nếu lấy tiền dự trữ ra đưa cho các ngân hàng của nhà nước rồi chuyển tới các xí nghiệp quốc doanh thì việc cải tổ đã bị ngưng lại. Nhưng đối với giới lãnh đạo ở Bắc Kinh thì không sao, công cuộc cải tổ cơ cấu sẽ tạm ngưng, nhưng dân Trung Hoa có thể ngủ ngon khi biết nhà nước vẫn còn dự trữ trên 3,000 tỷ đô la.


Theo giới nghiên cứu kinh tế tại các đại học Trung Quốc, con số 3 ngàn tỷ Mỹ kim là ngưỡng cửa không nên bước qua; tụt xuống dưới mức đó là đáng lo ngại. Với tổng số dự trữ đầu Tháng Ba chỉ còn 3,100 tỷ, nếu tốc độ giảm sụt trung bình 30 tỷ mỗi tháng, Bắc Kinh có thể sẽ chạm chân tới ngưỡng cửa đó trong năm 2016.


Nếu sau đó, số tiền dự trữ cứ tiếp tục giảm thì sao? Giới lãnh đạo Bắc Kinh chấp nhận xuống tới mức nào thì mới thấy là nguy hiểm? Nếu tốc độ tăng trưởng xuống dưới 6% hay thấp hơn nữa, thì sẽ cần bao nhiêu tiền để kích thích kinh tế? Câu trả lời tùy thuộc dự đoán về tình trạng giảm sụt nhanh hay chậm. Theo tính toán của giới phân tích tài chánh quốc tế, nếu kinh tế Trung Quốc tụt quá nhanh, nhà nước sẽ cần tới 5 ngàn tỷ Mỹ kim để giữ cho cả hệ thống đứng vững, không bị sụp đổ.


Thứ Ba tuần này, chính phủ Trung Quốc loan báo số hàng xuất cảng đã tụt giảm 20% so với năm ngoái; tỷ lệ giảm sụt cao nhất kể từ năm 2009, khi kinh tế thế giới suy thoái làm cho các khách mua hàng của họ bị cạn tiền. Cùng ngày đó, công ty Moody công bố bài phân tích nhận xét rằng hiện nay đảng Cộng Sản Trung Quốc đang theo đuổi ba mục tiêu kinh tế, đó là điều không thể thực hiện được, thế nào cũng phải bỏ bớt một mục tiêu. Chính phủ Trung Cộng đã công khai phản đối Moody, nhưng đây là một sự thật làm mất lòng.


Ba mục tiêu Bắc Kinh đang muốn đạt được là kinh tế tiếp tục tăng trưởng, được ổn định, và nhà nước thực hiện kế hoạch cải tổ. Bắc Kinh đang cố bảo vệ hai mục tiêu trên, tăng trưởng và không xáo trộn, nhưng muốn vậy phải tạm ngưng không nghĩ tới mục tiêu cải tổ cơ cấu kinh tế. Nhưng khi theo kế sách này, Bắc Kinh chỉ tìm cách cứu vãn nền kinh tế trong ngắn hạn. Vấn đề dài hạn là cơ cấu kinh tế chỉ huy đang bế tắc, nếu trì hoãn không cải tổ ngay thì trong tương lai vẫn phải đối đầu với tình trạng khập khiễng nửa thị trường, nửa chỉ huy.


Hiện nay, Bắc Kinh không can đảm, dám để cho thị trường quyết định số phận của các công ty kém hiệu năng và thua lỗ liên miên. Lấy ngoại tệ dự trữ để bơm tiền cho các ngân hàng và xí nghiệp tức là nhà nước chịu thua, không dám cho các doanh nghiệp nhà nước bị đào thải, không dám thay thế một cơ cấu kém hiệu năng bằng các xí nghiệp năng động của tư nhân.


Nhưng ngay đối với hai mục tiêu đầu, tăng trưởng và ổn định, thì khả năng của nhà nước cũng có giới hạn. Nếu tốc độ tăng trưởng còn giảm sụt nữa, thì giá trị đồng nguyên sẽ còn bị áp lực đè xuống thấp hơn, số ngoại tệ dự trữ sẽ giảm xuống dưới 3,000 tỷ đô la và còn xuống nữa. Khi đó, tiếp tục các biện pháp kích thích cũng trở thành khó khăn hơn.


Nếu họ có gan tiếp tục chương trình cải tổ cơ cấu thì kinh tế sẽ bị ảnh hưởng, có thể trồi sụt bất thường; nhưng sau khi tai qua nạn khỏi thì sẽ có khả năng hồi phục một cách vững vàng hơn. Không biết giới lãnh đạo Bắc Kinh dám theo con đường này hay không.

MỚI CẬP NHẬT