Cái nóng của mùa Hè năm nay

Lê Phan

Quần đảo Anh, nơi chúng tôi sinh sống, mặc dầu nằm ngang với Labrador ở Canada, có một khí hậu khá ôn hòa và ẩm ướt, phần là nhờ dòng nước ấm Gulf Stream, phần nữa nhờ đại dương bao bọc. Đây là một nơi là dân chúng thường bảo nhau, sau hai ngày nắng nóng, mùa Hè của chúng ta qua rồi. Dân chúng Anh tự hào về một đất nước xanh tươi vì khí hậu ẩm thấp mưa nhiều hơn nắng.

Nhưng năm nay thời tiết khác hẳn. Suốt cả tháng nay rồi, nhiệt độ không xuống dưới 70 độ F và khác với bình thường, suốt cả tháng trời hầu như không có mưa, hay nếu có mưa thì là những cơn giông sấm chớp ầm ầm nhưng thổi qua rất nhanh và rất mạnh, tạo lũ lụt ở địa phương nhưng rồi lại tiếp tục khô cằn khiến nông gia lên tiếng cầu cứu yêu cầu chính phủ cho sử dụng nước dẫn thủy để tưới ruộng vườn.

Trên thế giới hiện nay sự chia rẽ thật nhiều nhưng có một điều chúng ta ai cũng đồng ý đó là mùa Hè năm nay quá nóng.

Từ trạm Quan Sát Địa Cầu của cơ quan NASA, hình ảnh vào ngày 1 Tháng Tám, 2018, cho thấy gió giật thổi những làn khói bao phủ miền Tây Hoa Kỳ. Hai trăm ngàn mẫu Anh đang bốc cháy ở California, do gió lớn thúc đẩy và điều kiện nóng và khô liên miên.

Ở Redding, 160 mile về phía Bắc của Sacramento, trận hỏa hoạn Carr đã thiêu hủy hơn 1,000 kiến trúc, hầu hết là nhà ở. Với 40,000 người hay hơn nữa đã bị di tản, sáu người thiệt mạng. Với diện tích 110,000 mẫu Anh, trận hỏa hoạn lớn đến nỗi mà nó tạo nên hệ thống khí hậu của riêng chúng, gây khó khăn cho các nhân viên cứu hỏa tiên đoán phải làm gì để chặn.

Một giám đốc của Cơ Quan Kiểm Lâm và Bảo Vệ Chống Hỏa Hoạn, ông Chris Anthony giải thích: “Chúng ta đã chứng kiến một hành động cực kỳ dễ bùng nổ của trận hỏa hoạn này. Nhưng nó không còn là độc đáo nữa cho những trận hỏa hoạn mà chúng tôi thấy ở California.” Biến đổi khí hậu diễn biến chậm chạp cho đến khi nó đột nhiên vô cùng nhanh chóng.

Ở xa hơn về phía Nam, ở phía Tây của thung lũng Yosemite, trận hỏa hoạn Ferguson đã làm thêm hai người nữa thiệt mạng, một ông lái xe ủi đất và một sĩ quan của một đội tinh binh thuộc lực lượng cứu hỏa.

Nhiều chục ngàn nhân viên cứu hỏa đang cố gắng kiểm soát ngọn lửa, có người đến từ tuốt Florida – và hôm Thứ Bảy, 28 Tháng Bảy vừa qua, Tổng Thống Donald Trump tuyên bố tình trạng khẩn trương để có thể cung cấp trợ giúp của chính phủ liên bang.

Một dải trải từ Texas đến Oregon nay đang chứng kiến 95 trận cháy rừng, thiêu rụi 4.8 triệu mẫu Anh. Bà Lynne Tolmachoff, phát ngôn viên của Cơ Quan Bảo Vệ Rừng và Hỏa Hoạn California, nói với đài CBS: “Đây mới là Tháng Bảy sang Tháng Tám. Thành ra chúng ta chưa vào giai đoạn tệ hại nhất của mùa hỏa hoạn.”

Trong khi đó mưa đã đổ xuống một phần của vùng bờ biển miền Đông, và bão lốc đang đổ xuống vùng đồng bằng trung tâm. Dòng jet stream – cái xa lộ không khí vốn bay vòng tròn trên Bắc Bán Cầu – đang rất lạ, lượn lên lượn xuống như một người say.

Giáo Sư Jennifer Francis, chuyện về bầu khí quyển của đại học Rutgers, giải thích: “Nó là một trong những cái đường jet stream uốn lượn đã tạo nên thời tiết điên cuồng này.”

Bà Francis và nhiều nhà nghiên cứu khác đã cho thấy là loại hình thể này của jet stream thường có liên hệ với sự ấm lên của Bắc Cực. Khi độ dốc từ nóng chuyển sang lạnh ở các vĩ tuyến giữa ở Bắc Cực giảm, nó có thể làm chậm hay chia đôi dòng jet stream, làm cho nó trồi trụt nhiều hơn, mang đến những giai đoạn kéo dài khô cằn ở một số nơi và mưa lớn ở những nơi khác.

Hồi năm 2010, trong khi Moscow, Nga, bị khí hậu nóng và cháy rừng xảy ra đồng thời vào lúc mưa mùa đến và làm Pakistan lụt. Giáo Sư Michael Mann giải thích: “Chúng ta thấy cùng việc đó xảy ra vào mùa Hè năm nay. Những thay đổi giữa các vùng không phải không liên hệ với nhau – chúng là một phần của một làn sóng gây rối lớn hơn.”

Trong suốt mùa Hè năm nay ở Bắc Bán Cầu, những cơn nóng kinh hồn đã phá tan kỷ lục và khiến cháy rừng xảy ra kinh hồn. Ở Hy Lạp 91 người đã thiệt mạng trong một cơn hỏa hoạn kinh khủng – trận hỏa hoạn gây nhiều tử vong nhất từ năm 1900 ở xứ này, thúc đẩy do cây cỏ khô cằn lạ thường và gió mạnh, đã thiêu rụi một thành phố nghỉ mát trên bờ biển Aegean.

Hôm 17 Tháng Sáu, ở Sodankyla, Phần Lan, hơn 50 mile trong vòng Cực Bắc Arctic Circle, nhiệt kế lên đến mức chưa từng thấy là 90 độ F. Ở Thụy Điển, cháy rừng lan rộng ở Lapland. Ở Na Uy, đã có ba lần nhiều trận cháy rừng mùa Hè năm nay hơn là bình thường.

Trên hầu hết nước Đức, hạn hán tiếp tục từ Tháng Năm, sông Rhine ở mức thấp nguy hiểm, và nhà chức trách ở thành phố Potsdam, ngay bên ngoài Berlin, hôm tuần rồi đã sợ cháy rừng đang bao quanh thị trấn Fictenwalde gần đó sẽ khiến cho những viên đạn bị chôn từ Đệ Nhị Thế Chiến trong các khu rừng và các cánh đồng bốc nổ. Ở Anh Quốc, nửa đầu của mùa Hè năm nay khô nhất từ trước đến nay.

Hôm Thứ Năm, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế kết luận, trong một bản phúc trình sơ khởi, rằng biến đổi khí hậu do người gây nên đã làm tăng gấp đôi đợt nóng ở Âu Châu. Tiến Sĩ Peter Gibson, đang làm nghiên cứu hậu tiến sĩ ở Jet Propulsion Lab của NASA, phân tích: “Chúng tôi thấy là một phần của Âu Châu và Bắc Mỹ có thể thấy thêm từ 10 đến 15 ngày nóng cho mỗi một độ mà địa cầu ấm nóng hơn là mức chúng ta thấy hiện nay.”

Tuần rồi, ở Kumagaya, Nhật Bản, nhiệt độ lên đến 106 độ F – một kỷ lục mới. Hai tuần lễ nóng kinh hồn ở Nhật đã làm cho ít nhất 80 người thiệt mạng và 22,000 người phải vào bệnh viện. Và việc nay theo sau những cơn mưa kinh hồn trước đó vào đầu mùa Hè đã khiến cho 200 người thiệt mạng.

Hôm 5 Tháng Bảy, nhiệt độ lên đến 124 độ F ở Ouargla, Algerie, vốn có lẽ là kỷ lục cho Phi Châu, và vào ngày 26 Tháng Sáu, nhiệt độ thấp nhất ở ngôi làng đánh cá Quriyat, ở bờ biển miền Đông trên Vịnh Oman, là 109 độ F vào lúc đêm khuya. Nó là nhiệt độ nóng nhất thấp nhất trong lịch sử thống kê nhiệt độ toàn thế giới.

Cơn ác mộng này đã được tiên đoán, với khá nhiều chi tiết, từ thập niên 1980. Ngày 23 Tháng Sáu vừa qua đánh dấu kỷ niệm 30 năm ngày ông Jim Hansen, trong một cuộc điều trần ở Quốc Hội, nói: “Hiệu ứng nhà kiếng đã được ghi nhận và nó đang thay đổi khí hậu của chúng ta ngay lúc này.”

Tình trạng cực đoan hôm nay đã chứng tỏ không những đúng như những khuyến cáo sớm đó, mà trong một số trường hợp còn tệ hơn nữa. Và còn biết bao nhiêu điều cần phải tìm hiểu về liên hệ giữa những hiện tượng khí quyển, như sự ấm nóng của Bắc Cực sẽ ảnh hưởng đến jet stream như thế nào. Điều còn đáng lo sợ hơn nữa là những khám phá mới chỉ cho chúng ta những bất ngờ đáng sợ.

Trong khi đó, một bản nghiên cứu năm 2015 của tập san Nature đã tìm thấy là vì biến đổi khí hậu, lợi tức toàn cầu có triển vọng thấp một phần năm vào năm 2100 hơn là nếu khí hậu ổn định. Lo ngại lớn nhất, theo ông Sam Fankhauser, giám đốc của Viện Nghiên Cứu Grantham của Anh Quốc, là chuyện gì xảy ra nếu nhiệt độ của hành tinh chúng ta tăng cao hơn con số 2 độ C mà các phân tích kinh tế đặt làm tiêu chuẩn.

Ông hỏi: “Nếu chúng ta cứ nói nó sẽ làm mất đi 3%, 4%, hay 5% GDP… đó không phải là toàn thể câu chuyện, điều gì sẽ xảy ra nếu mọi sự thật sự trở thành rất xấu.” Di tản hàng triệu người, thiếu nước và gia tăng chiến tranh tạo nên bởi sự di tản là trong số những kịch bản tệ hại nhất. Ông Fankhauser nói: “Nay khi chúng ta có kinh nghiệm về nó, nó cảm thấy khó chịu hơn là những nghiên cứu,” và “người ta bắt đầu có cái cảm tưởng là mọi sự sẽ tệ hơn là dự đoán.”

Trong khi đó, Giáo Sư David Bowman, chuyên về hỏa hoạn của đại học Tasmania, nói những điều kiện về kiến trúc và kiến thiết đô thị phải tính đến nguy cơ hỏa hoạn. Ông than thở là các quốc gia đã phản ứng quá chậm để đối phó với nguy cơ này, khiến kết quả sẽ là thêm chết chóc và phá hoại. (Lê Phan)

Cộng đồng Người Việt Quốc Gia Nam California có tân chủ tịch với nhiều chống đối