Thursday, March 28, 2024

Cần bảo vệ uy tín Tối Cao Pháp Viện

Ngô Nhân Dụng

Thẩm Phán John Roberts, chánh án Tối Cao Pháp Viện do cựu Tổng Thống George Bush đề cử đã tỏ ra lo lắng về uy tín của tòa án tối cao, mặc dù định chế tư pháp này vẫn được dân Mỹ kính trọng hơn cả ngành lập pháp và hành pháp.

Năm ngoái, Tối Cao Pháp Viện đã nghị án về vụ kiện chống việc phân chia đơn vị bầu cử thiên vị một đảng. Ở nhiều tiểu bang, đảng cầm quyền trong nghị viện chia các đơn vị bầu cử làm sao để tại nơi nào đảng mình cũng chiếm đa số, tiếng Anh dùng ở Mỹ gọi là gerrymandering. Vì vậy, có người đã kiện nghị viện tiểu bang mình, lên tới tòa tối cao.

Đối với công chúng, người ta sẽ thấy rằng nếu tòa Tối Cao phán rằng cách phân chia ở tiểu bang đó không hợp hiến thì đảng cầm quyền tại đó sẽ bị thiệt, nếu tòa không phán gì cả thì đảng cầm quyền sẽ được lợi. Quyết định của tòa án có hệ quả chính trị mang tính chất đảng phái.

Chánh Án John Roberts rất lo điều đó, ông nói rằng khi tòa án bị bắt buộc phải “quyết định đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa sẽ thắng” trong một vụ kiện thì trước mắt dân chúng “uy tín tòa án sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề khiến người ta nghi ngờ tính chính trực của các phán quyết.” Chắc ông Roberts nhớ đến chuyện đã xảy ra năm 2000 khi Tối Cao Pháp Viện xét xử việc đếm phiếu bầu tổng thống tại tiểu bang Florida. Tòa Tối Cao quyết định việc đếm phiếu như vậy là đủ rồi, không cần làm thêm. Nhưng hậu quả là ông Bush được tuyên bố thắng ông Gore, nhờ khoảng 500 lá phiếu ở tiểu bang này.

Một thẩm phán khác tại Tối Cao Pháp Viện, bà Elena Kagan, do cựu Tổng Thống Barack Obama đề cử, mới nói chuyện tại Đại Học UCLA tuần rồi, nhấn mạnh: “Sức mạnh của Tối Cao Pháp Viện tùy thuộc lòng dân… nếu dân chúng tin rằng định chế tư pháp này không phải là cánh tay nối dài của (đảng phái) chính trị, và các phán quyết giữ được tính chính trực.”

Bà Kagan và ông Roberts đều nhấn mạnh đến cách người dân nhìn Tối Cao Pháp Viện sẽ quyết định tòa án có được kính trọng hay không. Lòng tôn kính đó quan trọng đến thế nào? Rất cần. Bởi vì nếu bị dân chúng coi thường thì Tối Cao Pháp Viện có thể mất cả quyền lực. Chín ông bà thẩm phán không có cảnh sát, không có quân đội hay công chức để thi hành các phán quyết của mình! Nếu dân không coi họ ra gì thì họ sẽ bị hành pháp hoặc lập pháp lấn áp.

Năm 1832, Tổng Thống Andrew Jackson đã nói về Chánh Án Tối Cao Pháp Viện John Marshall, mà ông thường không đồng ý: “John Marshall đã phán rồi, cứ để đó cho ông ta thi hành lấy!”

Vụ Thượng Viện bàn cãi về việc đề cử Thẩm Phán Brett Kavanaugh có thể khiến cho uy tín của Tối Cao Pháp Viện bị mất mát trong mắt người dân. Đây là lỗi của nghị sĩ thuộc cả hai đảng. Ngay từ cuộc phỏng vấn ông Kavanaugh lần đầu, ai cũng thấy là các nghị sĩ chia hai phe và đặt những câu hỏi nặng về chủ trương chính trị của mỗi đảng.

Năm nay người Mỹ lại đi bầu quốc hội. Cuộc thẩm vấn và tranh luận bị biến thành những màn biểu diễn nhắm vận động tranh cử nhiều hơn là các về quan điểm pháp lý của ứng viên. Khi vụ tình dục cũ hơn 30 năm được đưa ra vào phút chót, ông Kavanaugh tự biện hộ đã đả kích các nghị sĩ Dân Chủ bằng những lời rất nặng nề.

Nếu mai mốt ông đã vào Tối Cao Pháp Viện, mỗi lần ông bỏ phiếu sẽ có thể bị coi là ông quyết định vì lý do chính trị hay không? Trong khi đó, các vị thẩm phán phải căn cứ vào hiến pháp và luật lệ chứ không được có thiên kiến chính trị! Ngược lại, nếu ông không được đa số nghị sĩ phê chuẩn thì dân chúng cũng thấy chính trị đảng phái đã xen vào tư pháp và mọi người mất niềm tin vào cả những vị đang ngồi tòa án Tối Cao.

Với kinh nghiệm này, ai cũng thấy nên làm cách nào tránh những vụ Kavanaugh trong tương lai. Nói cách khác, làm sao để chính trị phe đảng không thể trở thành quá lộ liễu trước mắt công chúng, khi Thượng Viện cứu xét các ứng viên vào Tối Cao Pháp Viện.

Có một đề nghị đã được đưa ra, là đặt giới hạn cho nhiệm kỳ các thẩm phán Tối Cao. Bổ nhiệm một người vào một chức vụ tối cao và suốt đời sẽ gây ảnh hưởng rất lớn trên cả nền tư pháp cũng như cuộc sống xã hội trong thời gian rất lâu.

Những nghị sĩ chống ông không phải chỉ vì họ bất đồng ý kiến với ông về pháp luật, nhưng vì họ lo sẽ bị các cử tri bỏ rơi, vì ông Kavanaugh có thể sẽ bỏ phiếu cho phép tái lập các đạo luật coi phá thai là một tội đáng bị tù!

Ông Kavanaugh mới ngoài 50, ông có thể ngồi đó hơn 40 năm nữa. Ông có thể biến nếp sống xã hội Mỹ trở thành bảo thủ trên nhiều mặt trong suốt thời gian đó: phá thai, hôn nhân đồng tính, vai trò của các giáo hội, của công đoàn, quyền lợi công nhân so với các nhà tiểu bang, việc bảo vệ môi trường, vân vân.

Ngược lại, những nghị sĩ ủng hộ ông Kavanaugh cũng vì các cử tri của họ rất muốn xã hội Mỹ phải tái lập các nền nếp đạo đức, phong tục đã bị thay đổi trong mấy chục năm qua. Nhiều cử tri, bên bảo thủ cũng như cấp tiến, tin tưởng mãnh liệt vào lựa chọn của họ trong các vấn đề trên. Họ muốn Tối Cao Pháp Viện phải phản ảnh quan niệm đạo đức và chính trị của họ. Những đại biểu quốc hội phải chiều theo ý cử tri. Vì vậy, việc biểu quyết chọn một thẩm phán Tối Cao Pháp Viện đã bị chính trị hóa.

Nếu tu chính hiến pháp Mỹ để ấn định nhiệm kỳ của một thẩm phán tối cao là 12 hay 18 năm, không được gia hạn, thì vai trò của ông hay bà ấy sẽ bớt quan trọng. Do đó, cuộc tranh chấp giữa hai nhóm cử tri sẽ bớt gây hơn. Và các đại biểu của họ trong quốc hội cũng bớt chính trị hóa vấn đề này.

Tất nhiên, dù các thẩm phán Tối Cao có nhiệm kỳ giới hạn thì cuộc tranh chấp phe đảng vẫn không tránh được. Không phải vì các đảng chính trị đều xấu, nhưng vì dân chúng Mỹ, hay dân bất cứ nước nào khác, không bao giờ có thể luôn luôn đồng ý với nhau. Mà theo luật chơi dân chủ thì các đại biểu quốc hội phải lắng nghe và làm thao ý dân. Điều này là tất nhiên, đây là luật chơi dân chủ thật sự, rất nên gìn giữ. Nhưng chúng ta vẫn có thể đặt thêm các luật chơi phụ để giảm bớt các hệ quả xấu của luật chơi chính.

Một thứ luật chơi đã được thi hành từ lâu đời, mới bị xóa bớt gần đây, là thủ tục “quyền nói hết lời” (filibuster) trong Thượng Viện. Theo điều lệ này thì các nghị sĩ có quyền nói bao lâu cũng được, nói bao giờ tự ngưng thì thôi. Người chủ tọa không có quyền cắt lời họ, trừ khi 60% cử tọa yêu cầu ngưng.

Với điều lệ này, nếu có hơn 40 nghị sĩ chống một ý kiến nào, họ có thể bắt cả Thượng Viện không được đem vấn đề đó ra biểu quyết, bằng cách thay nhau nói, nói hết ngày này qua ngày khác. Trước đây, nếu thấy có hơn 40 nghị sĩ không đồng ý về một ứng viên Tối Cao Pháp Viện thì người ta sẽ bỏ, không bàn về ông hay bà đó nữa.

Điều lệ “filibuster” này đã được áp dụng trước dây trong việc bổ nhiệm các thẩm phán Tối Cao. Điều đó chỉ bị xóa bỏ vào năm ngoái, khi Thượng Viện sắp biểu quyết để phê chuẩn Thẩm Phán Neil Gorsuch do Tổng Thống Donald Trump đề nghị; và đa số Cộng Hòa biết họ không thể có đủ 60 phiếu ưng thuận.

Tình trạng chính trị ở Mỹ cho thấy sẽ không có đảng nào hy vọng chiếm được 60 ghế nghị sĩ, trong thời gian tới. Nếu các nghị sĩ còn giữ “filibuster” trong việc phê chuẩn các thẩm phán Tối Cao thì ngay khi đề cử các vị này, ông tổng thống nào cũng phải tránh không đưa ra những người quá thiên về một khuynh hướng, dù bảo thủ hay cấp tiến. Chỉ những người nghiêng về thái độ trung dung mới hy vọng được đủ 60 nghị sĩ ủng hộ.

Vụ tranh chấp sôi nổi về ông Kavanaugh cũng diễn ra vì các nghị sĩ Dân Chủ muốn “trả đũa” việc lãnh tụ khối đa số Cộng Hòa đã trì hoãn, ghìm chân Thẩm Phán Merrick Garland suốt một năm trời. Tháng Hai, 2016, Thẩm Phán Tối Cao Antonin Scalia qua đời, Tổng Thống Obama đề nghị ông Garland vào thay nhưng bị Nghị Sĩ Mitch McConnell ngâm, không cho đem ra bàn.

Bây giờ, phe Dân Chủ ghìm ông Kavanaugh cho hả giận. Lần sau, nếu đảng Dân Chủ kiểm soát đa số ở Thượng Viện, họ cũng có thể sẽ ghìm các ứng cử viên của các tổng thống Cộng Hòa như vậy. Và sau đó, sẽ đến lượt phe Cộng Hòa trả đũa.

Cả hai vụ Garland và Kavanaugh đề biểu hiện chính trị xen vào tư pháp. Muốn tránh những vụ đó trong tương lai thì Thượng Viện phải tự đặt ra thời hạn tối đa để phải đem các ứng cử viên do tổng thống đề cử ra thảo luận – dù đó là cho chức vụ nào.

Nước Mỹ đã áp dụng thể chế tự do dân chủ hơn 200 năm. Nhưng không một thể chế nào hoàn hảo, mỗi thế hệ phải đặt thêm những luật chơi để cải thiện. Ít nhất, phải tìm cách không cho chính trị ảnh hưởng quá nhiều trên việc đề cử thẩm phán, để bảo vệ uy tín của Tối Cao Pháp Viện! (Ngô Nhân Dụng)

MỚI CẬP NHẬT