Câu chuyện di dân

Lê Phan

Hôm Thứ Năm, 9 Tháng Tám vừa qua, thân phụ và thân mẫu của Đệ Nhất Phu Nhân Melania Trump đã tuyên thệ để trở thành công dân Hoa Kỳ ở New York.

Ông Viktor và bà Amalija Knavs, trước kia của nước Cộng Hòa Slovenia, theo tờ New York Times, mặc suits, đeo kiếng đen khi họ bước vào địa chỉ số 26 Federal Plaza ở Lower Manhattan ngay trước giữa trưa, được luật sư của họ và cảnh sát liên bang hộ tống.

Khi họ rời tòa nhà này sau 20 phút của nghi lễ tuyên thệ công dân riêng, luật sư của hai ông bà, ông Michael Wildes, nói chuyện với nhóm phóng viên tụ tập bên ngoài. Ông luật sư nói: “Chúng tôi chỉ muốn cảm ơn sự chú ý của mọi người cho cuộc đối thoại rất quan trọng mà chúng ta đang có về di dân.” Ông Wildes rất tự hào là cha ông đã đại diện cho John Lennon khi ca sĩ xin vào quốc tịch Hoa Kỳ. Ông thêm: “Đây là một thí dụ quan trọng cho (di dân) đi đúng hướng.”

Trả lời một cuộc điện đàm trước nghi lễ, ông Wildes diễn tả tiến trình mà cha mẹ của đệ nhất phu nhân đã theo để trở thành công dân Hoa Kỳ: “Họ được cô con gái bảo lãnh và rồi khi họ có được thẻ xanh, họ xin nhập quốc tịch khi họ hội đủ điều kiện.”

Bà Trump đã trở thành công dân Hoa Kỳ năm 2006 sau khi đã có thẻ xanh.

Kể từ khi những tin tức đầu tiên được loan ra hồi Tháng Hai là ông bà Knavs đã có quy chế thường trú nhân ở Hoa Kỳ, đã có một sự thiếu minh bạch về nơi nào và bằng cách nào mà họ nhận thẻ xanh. Và trừ phi hai ông bà tự ý tiết lộ thời gian của tiến trình công dân của họ, đơn xin và các giấy tờ khác liên quan đến việc này được luật về quyền riêng tư bảo vệ.

Theo luật di dân, ông bà Knavses phải có thẻ xanh ít nhất là năm năm để có thể nộp đơn xin nhập quốc tịch, cùng với hoàn tất những đòi hỏi về cá tính, cư trú, và kiến thức công dân. Thời gian trung bình cho việc nộp đơn xin vào công dân ở thành phố New York là từ 11 đến 21 tháng, theo Sở Công Dân và Di Dân Hoa Kỳ. Luật sư của hai ông bà thì nói là hai ông bà đã hội đủ điều kiện năm năm đòi hỏi, nhưng thêm: “Tôi không thể thêm bình luận nào khác.”

Khi được hỏi là có phải ông bà Knavs đã nhập tịch vào Hoa Kỳ qua chương trình đoàn tụ gia đình, đôi khi bị gọi một cách miệt thị là “chain migration,” (bà con Việt Nam ta thường dịch là “bảo lãnh dây chuyền”), thì luật sư của hai ông bà trả lời: “Có lẽ là vậy. Nó là một chữ bẩn thỉu – bẩn thỉu hơn.” Rồi ông tiếp: “Nó vốn là nền tảng của tiến trình di dân khi chúng ta nói đến đoàn tụ gia đình.”

Theo tiêu chuẩn di dân dựa trên gia đình, những công dân Hoa Kỳ trưởng thành có quyền nộp đơn xin cư trú cho bố mẹ, con cái đã thành niên và anh chị em.

Tổng Thống Donald Trump đã nặng lời chỉ trích chương trình này là con đường cho khủng bố vào Hoa Kỳ.

Hồi Tháng Mười Một ông viết trên Twitter “DI DÂN CHUỖI phải chấm dứt ngay! Một số người đến, và rồi họ mang cả gia đình vào với họ, vốn có thể rất ác độc. KHÔNG CHẤP NHẬN ĐƯỢC!”

Tổng thống cũng thường gay gắt chỉ trích chương trình di dân dựa trên liên hệ gia đình trong các cuộc meeting vận động của ông, thường xuyên nhắc nhở cho những người ủng hộ ông về cuộc tấn công khủng bố hồi Tháng Mười ở New York, khi ông Sayfyllo Saipov, một di dân đến từ Uzbekistan, đã đâm một cái xe pickup truck vào một con đường dành cho người đi xe đạp, làm tám người thiệt mạng ngay gần khu World Trade Center. Trong khi tổng thống chưa bao giờ nhắc đến ông Saipov, vốn được thẻ xanh qua một chương trình di dân khác cũng bị hết sức chê bai là chương trình xổ số, ông đã từng tả chi tiết kinh khủng của cuộc tấn công.

Trong một cuộc meeting ở Wilkes-Barre, Pennsylvania, tổng thống nói: “Hắn nói, ‘hê nhìn kìa, có người ta, những người tử tế, họ đang thư giãn, một số đang chạy bộ. Hắn quyết định giết họ. Họ mất tay. Họ mất chân. Họ mất quá nhiều. Họ mất cuộc đời của họ. Nhưng họ mất quá nhiều.” Và rồi tổng thống thêm: “Thành ra chúng ta phải thay đổi điều này và chúng ta sẽ thay đổi.”

Bình thường những nghi thức tuyên thệ công dân ở số 26 Federal Plaza ở New York là những nghi thức đông đảo, nơi những nhóm di dân làm lễ tuyên thệ công dân tập thể, sau khi đọc lời thề và lời tuyên thệ trung thành với hiến pháp Hoa Kỳ.

Luật sư của gia đình ông bà Knavs nói là nghi thức của họ được giữ riêng tư vì “lý do an ninh.” Giám Đốc Thomas Cioppa chủ trì nghi lễ theo Luật Sư Wildes. Như thường lệ, ông luật sư cho biết, hai ông bà đã để tay lên trái tim và đọc lời thề.

Hai ông bà Knavs, đều trạc 70, xuất thân từ Sevnica, một thị trấn chỉ có khoảng 4,500 dân. Ở đó ông Knavs làm nghề bán xe hơi dạo và là đảng viên đảng Cộng Sản. Bà Knavs trồng hành tây trong cái trại của gia đình, rồi làm việc ở một xí nghiệp dệt và may quần áo lấy cho hai cô con gái.

Bà Trump sinh ra năm 1970 và trong thời bà còn thơ ấu, Slovenia, lúc đó còn thuộc Liên Bang Nam Tư, do ông Josip Tito cầm quyền. Chế độ của ông Tito cũng vẫn là một chế độ độc tài Cộng Sản, nhưng cho phép các công dân được nhiều tự do hơn là các lãnh tụ khối Liên Xô cũ. Khi bà Trump bắt đầu sự nghiệp người mẫu, khi còn tuổi vị thành niên, cả gia đình cảm thấy đây là một cơ hội, theo những người thân của gia đình còn ở Slovenia.

Bà Trump trở thành công dân Hoa Kỳ sau khi nhập cảnh qua cái chương trình gọi là “Visa Einstein” cho “những cá nhân với khả năng phi thường” hồi năm 2001 trong vai trò một người mẫu. Đệ nhất phu nhân không có mặt ở nghi lễ, và cha mẹ bà cho luật sư biết là bà đang ở Bedminster, New Jersey, nơi tổng thống đang trải mùa Hè ở Trump National Golf Club.

Luật sư nói nghi thức nhập quốc tích “gợi cảm hứng” và “ấm lòng.”

Tòa nhà Jacob J. Javits Federal Building, ở số 26 Federal Plaza, cũng có tòa án di dân và văn phòng địa phương của Bộ Nội An, và một cơ quan lừng danh của họ, cơ quan Thực Thi Di Dân và Thuế Quan thường được gọi tắt là ICE.

Nó cũng thường là một nơi có các cuộc biểu tình phản đối, nhưng hôm Thứ Năm vừa qua mọi sự yên tĩnh khi cha mẹ của đệ nhất phu nhân đến rồi đi. Những ống kính camera tò mò, những người đi đường đứng xem.

Ông William White, một kịch sĩ 74 tuổi, nhướng mày bảo: “Tôi mừng cho họ.” Rồi ông tiếp: “Có vẻ theo tôi chúng ta nay có hai hệ thống di dân. Một cho những người không có quyền, và một cho những người mà chúng ta cho vào qua cửa quan khách VIP. Chúng ta thấy thí dụ đó ở đây hôm nay.” (Lê Phan, theo New York Times)

Mời độc giả xem “Đài tưởng niệm quốc gia Mount Rushmore”(Phần 1)