Câu chuyện về báo chí tự do

Quả thật là chỉ khi mất đi một cái gì thì chúng ta mới thấy cái đó quý. Tự do cũng vậy.

Tôi học làm báo ở Hoa Kỳ và thực tập những bước đầu tiên làm báo trong một bầu không khí tự do và trách nhiệm. Thời đó báo chí Hoa Kỳ nhấn mạnh đến yếu tố khách quan. Nhà báo có thể có ý kiến, nhưng ý kiến nằm trong mục bình luận, còn tin tức phải khách quan.

Về đến Sài Gòn, sau một hai năm đi dạy học, viết ký mục cho tờ Saigon Post, tôi đứng ra mở một tờ tuần báo tin tức. Dầu cho trong tình trạng chiến tranh, báo chí miền Nam tương đối khá tự do. Dĩ nhiên là có kiểm duyệt. Không một quốc gia đang lâm chiến nào mà không kiểm duyệt báo chí cả. Nhưng ít nhất không ai bảo chúng tôi phải viết gì cả. Tuy có chuyện tịch thu nếu tờ báo vi phạm nhưng đó là chuyện họa hoằn.

Đùng một cái năm 1975 xảy ra, nước mất nhà tan và tôi không còn hy vọng gì có thể làm báo được nữa. Không làm báo được thì cũng đành nhưng điều tôi buồn nhất là không được biết tin tức trung thực. Trước năm 1975, Sài Gòn không những có báo chí mà còn đầy báo chí ngoại quốc. Thời đó không có Internet nhưng báo chí quốc tế đến Sài Gòn từ Singapore và Hồng Kông trong ngày. Các tạp chí quốc tế đều được bày bán khắp nơi. Nhưng sau năm 1975, nguồn tin còn lại duy nhất là qua các đài phát thanh, mà trong giai đoạn đầu phải nghe lén.

Báo chí của nhà cầm quyền thì đầy ra đó nhưng không có tin tức mà chỉ có tuyên truyền. Tôi còn nhớ một anh bạn đồng nghiệp vẫn còn hành nghề kể lại: “Một hôm tôi viết một bản tin là vụ mùa đậu phộng năm nay trúng lớn. Ngay lập tức tôi bị tổng biên tập gọi lên bắt viết tự kiểm vì đã tiết lộ bí mật kinh tế quốc gia. Vừa bực mình vừa kinh ngạc tôi hỏi tại sao thống kê trúng mùa lại là bí mật thì ông tổng biên tập bảo mọi thống kê đều là bí mật, phải thông qua lãnh đạo. Sau này tôi mới vỡ lẽ ra là nếu nói ‘ta’ trúng mùa đậu thì Liên Xô sẽ đòi trả nợ bằng đậu!”

Sở dĩ tôi dài dòng kể chuyện xưa là vì hôm thứ năm vừa qua, gần 350 tờ báo trên toàn Hoa Kỳ đã hưởng ứng lời kêu gọi của các đồng nghiệp ở tờ Boston Globe, tham gia vào việc viết một bài xã luận nói về “mối nguy của cuộc tấn công của chính phủ vào báo chí.”

Bài xã luận của tờ Boston Globe mang cái tên “Các nhà báo không phải là kẻ thù,” khẳng định: “Cột trụ chính trị chính của Tổng Thống Donald Trump là một cuộc tấn công kéo dài vào báo chí tự do. Các nhà báo không được coi là ‘fellow Americans,’ nhưng thay vì vậy ‘kẻ thù của nhân dân.’ Sự tấn công không ngơi nghỉ vào tự do báo chí có những hậu quả nguy hiểm.”

Nhắc lại lời của cố Tổng Thống John Adams, một trong những vị cha già của dân tộc Hoa Kỳ: “Tự do của báo chí là căn bản cho sự an toàn của tự do,” tờ Globe viết: “Trong hơn hai thế kỷ, nguyên tắc nền tảng của Hoa Kỳ này bảo vệ các nhà báo trong nước và cung cấp một khuôn mẫu cho các quốc gia tự do ở ngoại quốc. Hôm nay nó đang bị đe dọa nghiêm trọng. Và nó gửi những dấu hiệu báo động từ Ankara đến Moscow, từ Bắc Kinh đến Baghdad, rằng nhà báo có thể được coi như là một kẻ nội thù. Báo chí là cần thiết cho một xã hội tự do vì nó không tin tưởng mù quáng vào các lãnh tụ – từ ủy ban thiết kế địa phương đến Tòa Bạch Ốc.”

“Cách đây không lâu,” tờ Globe viết, “Tổng Thống Ronald Reagan tuyên bố ‘truyền thống của chúng ta cho một nền báo chí tự do là một phần thiết yếu của nền dân chủ là quan trọng hơn bao giờ hết.” Và kết luận “Sự vĩ đại của Hoa Kỳ dựa trên vai trò của một nền báo chí tự do nói lên sự thật cho những người có quyền. Gọi nhà báo là ‘kẻ thù của nhân dân’ là vừa không mang tính Hoa Kỳ cũng như vừa nguy hiểm cho hợp đồng dân sự mà chúng ta đã chia sẻ từ hơn hai thế kỷ nay.”

Tờ New York Times, một trong những tờ báo đầu tiên hưởng ứng, đã đặt tên cho bài xã luận của họ là “Một nền báo chí tự do cần bạn.” Bài xã luận mở đầu kể lại câu chuyện của Tổng Thống Thomas Jefferson. Trước khi lên nắm quyền, ông đã viết: “Nếu để cho tôi quyết định là liệu chúng ta nên có chính quyền không có báo chí, hay báo chí không có chính quyền, tôi sẽ không ngần ngại một giây phút nào chọn báo chí.”

Nhưng một khi lên nắm quyền ông đã nổi giận với một tờ báo nói là không có gì có thể tin được trên trang báo đó. Tờ Times viết tiếp: “Sự khó chịu của ông Jefferson đã và vẫn còn hiểu được. Tường thuật tin tức trong một xã hội cởi mở là một công việc đầy tranh chấp. Sự khó chịu của ông cũng chứng minh nhu cầu cho cái quyền mà ông đã giúp đưa vào hiến pháp. Như các vị cha già dân tộc đã biết từ kinh nghiệm bản thân, một công chúng hiểu biết có đủ dụng cụ để tìm ra tham nhũng và, về lâu về dài, thúc đẩy tự do và công lý.” Tờ Times gọi những cuộc tấn công của tổng thống là “nguy hiểm cho huyết mạch của nền dân chủ.”

Tờ New York Post – một tờ báo lá cải ủng hộ tổng thống – đã đáp lời kêu gọi của tờ Post nói “Chúng tôi là ai mà không đồng ý?” và thêm “Nó có thể bực mình để biện luận là chỉ vì chúng tôi in những tin tức không thuận tiện không có nghĩa là chúng tôi là tin dỏm, nhưng làm nhà báo không phải là đi thi được người ta tán thưởng. Điều chúng tôi có thể làm là tiếp tục tường thuật.” Nhưng tờ báo cũng hỏi: “Liệu việc này có ích lợi gì không? Không một tí nào cả!”

Tờ Topeka Capital-Journal, một trong những tờ báo rất ít đã từng ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2016, nói cuộc tấn công của tổng thống vào truyền thông là “Nó độc hại. Nó phá hoại. Và nó phải chấm dứt ngay bây giờ.”

Tờ Philadelphia Inquirer nói thành phố của họ là nơi chào đời của nền dân chủ Hoa kỳ viết: “Nếu báo chí không được tự do khỏi bị trả đũa, trừng phạt, hay nghi ngờ trước những lập trường không được đông người hưởng ứng, thì cả quốc gia cũng không có tự do. Và nhân dân của nước này cũng không có tự do nữa.”

Nhóm các tờ báo McClatchy gồm có tờ Miami Herald viết “kẻ thù của nhân dân” là “điều mà Nazi gọi người Do Thái. Đó là cách mà những kẻ chỉ trích Joseph Stalin bị đánh dấu để xử tử.”

Bên kia bờ Đại Tây Dương, tờ Guardian hưởng ứng với lời khẳng định: “Nói sự thật cho nhà cầm quyền.”

Tờ báo viết: “Tự do báo chí không được phát minh ở Hoa Kỳ, nhưng có rất ít quốc gia mà sự quan trọng của một nền báo chí độc lập đã gắn chặt chẽ đến thế trong lịch sử của họ. Truyền thống vĩ đại tôn trọng dân sự cho sự thật và nói sự thật nay đang bị đe dọa.”

Rồi tờ báo nhắc lại “Tổng thống gọi báo chí Hoa Kỳ là ‘kẻ thù của nhân dân.’ Ông cáo buộc họ sản xuất ra ‘tin dỏm’ hay là ‘thực sự kinh tởm.’ Mới đây ông gọi báo chí là ‘nguy hiểm và bệnh hoạn’ và cáo buộc là họ có thể ‘tạo nên chiến tranh.’ Ông gọi các nhà báo là ‘thứ con người thấp hèn nhất.’ Cựu Giám Đốc FBI James Comey, sau bị tổng thống cách chức, nói tổng thống đã hỏi ông tính chuyên bỏ tù các nhà báo vì phổ biến tiết lộ.”

Dĩ nhiên ở một quốc gia dân chủ có những tờ báo không đồng ý. Tờ Wall Street Journal từ chối tham dự. Một bài trước đó của tờ báo lý luận là tổng thống có quyền tự do ngôn luận, và rằng cố gắng của tờ Globe đi ngược lại với chính sự độc lập mà họ muốn có.

Điều đáng sợ là dư luận Hoa Kỳ có vẻ tin lời tổng thống. Một cuộc thăm dò phổ biến hôm thứ ba của Viện Đại Học Quinnipiac nói là 51% những cử tri Cộng Hòa nay tin là truyền thông là “kẻ thù của nhân dân thay vì là một phần quan trọng của nền dân chủ,” và 52% những người ủng hộ Cộng Hòa của tổng thống không quan tâm về việc là những chỉ trích của ông có thể dẫn đến bạo hành đối với nhà báo. Trong số cử tri nói chung, 65% tin là truyền thông là một phần quan trọng của nền dân chủ.

Một cuộc thăm dò của Ipsos tháng này cũng cho những con số tương tự. Thêm vào đó họ thấy là 23% những người Cộng Hòa, tức là một phần tám người Mỹ tin là tổng thống nên đóng cửa những cơ quan truyền thông như CNN, Washington Post và New York Times.

Hy vọng là nhân dân Hoa Kỳ sẽ không bao giờ phải sống qua một giai đoạn mà báo chí chỉ là công cụ và tin tức chỉ là tuyên truyền. Bởi có lẽ lúc đó họ mới biết đã mất đi một cái gì vô cùng quý giá. (Lê Phan)