Cổ phiếu lên xuống, kinh tế không sao

Chỉ số Dow Jones tụt 666 điểm ngày Thứ Sáu, 1175 điểm ngày Thứ Hai, mất 7% trong hai ngày mua bán. Sang ngày Thứ Ba, lúc đầu tụt thêm 500, sau cùng lên được 576 điểm. Dow Jones xuống rồi lên, lên rồi xuống, tất cả 29 lần, với khoảng cách 1,167 điểm.

Nhưng thị trường chứng khoán không phải là tất cả nền kinh tế. Vì xưa nay thị trường lên xuống thất thường, không thể căn cứ vào đó để biết tương lai kinh tế ra sao.

Kinh tế Mỹ vẫn “khỏe mạnh” sau chín năm tăng trưởng liên tục – một trong ba thời kỳ tăng trưởng kéo dài nhất kể từ năm 1945 đến nay. Chỉ số thất nghiệp trên 10% vào đầu năm 2009, năm 2017 đã giảm xuống 4.7%, và 4.1% vào tuần trước. Lương bổng đang tăng, người tiêu thụ hăng hái mua sắm, và các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đầu tư.

Suốt một năm qua, thị trường đặt hy vọng vào đạo luật cắt giảm thuế các công ty mà Tổng Thống Donald Trump và đảng Cộng Hòa hứa hẹn, giá các cổ phiếu lên vì tin tưởng các công ty sẽ giữ lại được hàng tỷ đô la tiền lời không phải đóng thuế. Như thường lệ, khi thị trường lên, nó sẽ lên quá đà, vì động cơ tâm lý: Nhiều người không muốn bỏ lỡ cơ hội làm giàu. Cũng như thường lệ, khi giá cổ phiếu lên quá đà, nó sẽ phải “tự điều chỉnh” để xuống bớt.

Trước khi chấm dứt nhiệm vụ ngày Thứ Sáu vừa qua bà Janet Yellen, chủ tịch Quỹ Dự Trữ Liên Bang, tức Ngân Hàng Trung Ương Mỹ, đã nói: “Giá các cổ phiếu hơi cao, giá nhà đất hơi cao – tôi không nói cao quá, nhưng cao.” Bà đã tiên đoán cơn gió lốc thổi qua thị trường vừa qua.

Trong năm 2017, mức lời của các công ty lớn ở Mỹ tăng vượt bực, kinh tế Mỹ lên mạnh hơn vì cả thế giới cùng đi lên. Châu Âu đã thoát cơn trì trệ kể từ năm 2008; kinh tế Trung Quốc vẫn còn đứng vững, cả châu Mỹ La Tinh cũng ngóc dậy. Trong một Tháng Giêng vừa rồi, gới đầu tư đã bỏ thêm $102 tỷ vào cổ phần các công ty Mỹ và thế giới, qua các quỹ đầu tư.

Một dấu hiệu báo động phát ra tuần trước, khi mức lời (yield) của công trái chính phủ Mỹ tăng lên cao nhất kể từ bốn năm qua. Giá cổ phiếu bắt đầu tụt sau tín hiệu này, vì hai lý do.

Một là, khi lãi suất tăng lên, nó báo hiệu “giới có tiền” cho chính phủ Mỹ vay đang lo lạm phát sẽ lên cao; nếu giữ lãi suất như cũ họ sợ rằng sẽ chẳng được lợi lộc gì khi đồng tiền mất giá vì lạm phát.

Hai là, nếu lãi suất lên thì mua trái phiếu cũng có lời hơn trước, mà lại an toàn. Do đó, nhiều người sẽ bán bớt các cổ phiếu chuyển tiền qua mua trái phiếu.

Mối lo lạm phát vẫn nằm ẩn trong suy nghĩ của giới đầu tư, đã trở nên cụ thể hơn ngay trong ngày Thứ Sáu, sau bản thông báo của Bộ Lao Động Mỹ về thị trường nhân dụng. Với tỷ số thất nghiệp xuống 4.1%, kinh tế Mỹ đang bước vào tình trạng “toàn dụng,” tức là ai cũng đang làm việc. Vì trong nền kinh tế, cả lúc hưng thịnh nhất, luôn luôn có khoảng 4% người “thất nghiệp” – những người bỏ hay mất việc còn đang đi tìm việc làm khác. Sau chín năm kinh tế tăng trưởng, tình trạng “toàn dụng” đang diễn ra; nhất là khi thế hệ rất đông những người sanh sau Đại Chiến Thứ Hai (baby boomers) đang lần lượt về hưu, lớp người đang ở lớp tuổi làm việc không tăng lên kịp để lấp vào khoảng trống đó.

Song song với tình trạng nhân dụng lên cao, báo cáo của Bộ Lao Động cho thấy lương bổng công nhân đã tăng lên thật, sau hàng chục năm trì trệ. Hai hiện tượng trên báo hiệu các công ty, xí nghiệp biết họ sẽ phải cạnh tranh nhau để kiếm người làm việc; và họ sẽ phải tăng lương để thu hút nhân tài. Đây là một tin mửng cho người lao động, nhưng là một tin xấu cho các “chủ nhân xí nghiệp.” Mà những người làm chủ cổ phần các công ty trong thị trường, họ chính là giới chủ nhân!

Thống kê về nhân dụng khiến cho mối lo lạm phát đang hiện ra rõ ràng, gần gũi trước mắt. Khi các công ty phải tăng lương cho nhân viên và công nhân, người ta sẽ phải tăng giá bán hàng hóa và dịch vụ. Tăng giá sinh ra lạm phát. Ngoài ra, khi được tăng lương, mọi người sẽ tiêu thụ nhiều hơn, đẩy cho giá cả tăng thêm.

Thị trường chứng khoán ghét lạm phát, vì nó sẽ làm lãi suất lên cao. Khi kinh tế bị lạm phát đe dọa, Ngân Hàng Trung Ương sẽ phải tăng lãi suất để ngăn ngừa. Trong tám năm trong thời Tổng Thống Obama, Ngân Hàng Trung Ương Mỹ giữ lãi suất ở mức thấp nhất, gần số không, vì không thấy bóng dáng lạm phát đâu cả. Chỉ từ hai năm qua, lãi suất đã được tăng lên từ từ. Nếu mối lo lạm phát lên cao, trong năm 2018 này, lãi suất sẽ phải tăng để đề phòng.

Lãi suất tăng có nghĩa là các xí nghiệp vay tiền khó hơn trước, mà người tiêu thụ cũng phải bớt việc vay nợ để mua nhà, mua xe, mua máy móc dùng trong nhà, hay đi ăn, đi chơi. Đó là tin xấu cho tất cả các xí nghiệp. Cho nên, thị trường đã phản ứng ngay khi mối lo lạm phát xuất hiện, sau khi các thống kê nhân dụng được đưa ra.

Nhưng dù thị trường lên xuống đột ngột thế nào, nền kinh tế vẫn chạy theo tốc độ của nó. Kinh tế lên xuống theo chu kỳ, lên rồi thì sẽ có ngày phải xuống để tự điều chỉnh. Những người cầm quyền cố gắng để khi kinh tế xuống thì nó xuống nhè nhẹ, đỡ thiệt hại cho nhiều người quá. Và sau đó phải kích thích cho kinh tế leo lên. Nhưng các vị tổng thống không thể ảnh hưởng trên chu kỳ kinh tế bằng Ngân Hàng Trung Ương. Ngân Hàng Trung Ương điều chỉnh khối lượng tiền lưu hành qua chính sách lãi suất, giúp cho kinh tế lên xuống, biến chuyển nhẹ nhàng hơn.

Chắc chắn ông Jerome Powell, vị chủ tịch Ngân Hàng Trung Ương Mỹ do Tổng Thống Trump bổ nhiệm, đã bắt đầu lo ngay vấn đề lãi suất và lạm phát khi ông nhậm chức tuần này. Đến lúc kinh tế lên cao, lương bổng và giá cả sẽ tăng; đẩy lạm phát lên. Ông Powell sẽ phải tăng lãi suất để ngăn bớt.

Đạo luật cắt thuế mới đây sẽ khiến số thâm thủng ngân sách của chính phủ Mỹ tăng lên trong mấy năm tới. Chính phủ sẽ phải đi vay thêm. Khi đó lãi suất cũng sẽ tăng lên. Đây là mối lo của giới đầu tư chứng khoán, mối lo này sẽ còn đó trong mấy năm tới, không thể biến mất được. Nhưng khó xảy ra một cuộc khủng hoảng lớn trong thị trường chứng khoán, nhờ các luật lệ tài chánh đặt ra sau cuộc khủng hoảng năm 2007-2008.

Trong cuộc phỏng vấn trước khi về hưu, bà Janet Yellen khuyến cáo Quốc Hội và chính phủ Mỹ không nên xóa bỏ hết các luật lệ áp đặt trên các ngân hàng. Trong ngày cuối cùng cầm đầu Quỹ Dự Trữ Liên Bang, bà Yellen đã phạt ngân hàng Wells Fargo vì phạm các luật lệ, khi nhân viên của họ mở thêm hàng triệu tài khoản dù không được thân chủ cho phép; vì muốn tăng số tiền cho vay cho đạt chỉ tiêu. Ngân hàng này bị cấm không được tăng tích sản, tức số tiền cho vay, trên con số $1,950 tỷ.

Nhưng bà Yellen thấy hiện nay các ngân hàng Mỹ nói chung đang vững vàng hơn trước đây 10 năm, có sẵn đầy đủ vốn để có thể đối phó với bất cứ cuộc khủng hoảng nào, nếu xảy ra. Thứ Sáu tuần trước, bà Yellen cùng tiên đoán, rằng giá chứng khoán sẽ xuống, nhưng biến cố đó sẽ không gây tai hại trên nền tài chánh đang vững vàng của nước Mỹ.

Cho nên, dù thị trường chứng khoán còn lên xuống trong những ngày sắp tới, chúng ta có thể yên tâm. (Ngô Nhân Dụng)

TT Trump dọa đóng cửa chính phủ nếu Quốc Hội không sửa luật di trú