Cuộc bầu cử ở Hòa Lan

Lê Phan

Thế là Thủ Tướng Mark Rutte đã trở thành chính trị gia cấp tiến thành công nhất Âu Châu. Mặc dầu đảng của ông mất một phần tư số ghế trong Quốc Hội ở La Haye, thủ tướng Hòa Lan vẫn phải được coi là kẻ chiến thắng vẻ vang trong cuộc bầu cử hôm Thứ Tư.

Đây là lần thứ ba đảng cánh trung hữu Volkspartij voor Vrijheid en Democratie-VVD (Đảng Nhân Dân cho Tự Do và Dân Chủ) của ông đã trở thành lực lượng mạnh nhất trong Quốc Hội Hòa Lan, với một đa số khá tốt.

Chỉ cách đây vài tuần, có lúc đảng mị dân cực hữu của ông Geert Wilders đã tưởng sẽ thắng. Chỉ cách đây vài ngày, ít nhất có sáu đảng có triển vọng, tuy không cao, về đầu trong cuộc chạy đua giữa 28 đảng. Nhưng nay ông Rutte đã chiến thắng với một số ghế đáng kể. Tại sao ư? Bởi vì hai chính trị gia mị dân không chịu ngừng xỉ vả ông.

Chiến thắng bất ngờ

Chiến thắng của ông Rutte, như Tạp Chí Der Spiegel chỉ ra, có một cha đẻ là người Thổ Nhĩ Kỳ: Tổng Thống Recep Tayyip Erdogan. Nhà độc tài ở Ankarra càng sỉ nhục Hòa Lan bao nhiêu thì ông đã lại càng làm cho người Hòa Lan cảm thấy cần siết chặt hàng ngũ đằng sau lưng thủ tướng bấy nhiêu.

Cũng phải thêm ông Rutte là một chính trị gia lão luyện và ông có một cái tài tối cần thiết cho một chính trị gia, tài sống còn sau các cuộc chiến chính trị. Ông đã xử sự và đối phó với cuộc khủng hoảng do ông Erdogan tạo nên một cách hết sức chuyên nghiệp.

Tưởng cũng xin nhắc lại mọi sự bắt đầu là vì Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang muốn lên làm một nhà độc tài. Nhưng vì chưa chế ngự nổi chính trị Thổ Nhĩ Kỳ đủ để làm việc đó, ông Erdogan đã tính đến chuyện thứ nhì: tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để cải tổ hiến pháp cho ông có nhiều quyền của một nguyên thủ trong chế độ tổng thống chế thay vì là đại nghị chế như hiện nay ở Thổ Nhĩ Kỳ. Chuyện dính đến Hòa Lan và các quốc gia Âu Châu là vì ông Erdogan tuy chế ngự chính trị Thổ Nhĩ Kỳ, còn muốn bành trướng ảnh hưởng và lợi dụng cộng đồng kiều dân đã định cư và vào quốc tịch ở các quốc gia Âu Châu khác. Chính vì thế ông Erdogan gửi các bộ trưởng trong chính phủ ông đi khắp nơi “vận động” và khuyến khích họ đi bỏ phiếu. Điều làm Hòa Lan và các quốc gia Tây Âu khác tức giận là vì những nhân vật này đến nước họ như là đi vào xứ không người và bắt đầu đưa ra luận điệu bài Âu Châu, bài Ki-tô Giáo và chỉ trích các chính phủ Tây Âu.

Ông Rutte đã vạch lằn đỏ, trước hết, từ chối nhập cảnh cho ngoại trưởng và rồi hộ tống một cách lịch sử nhưng không kém cương quyết bà bộ trưởng bộ gia đình vụ của Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi Hòa Lan. Trong khi ông Erdogan nổi nóng, gọi Hòa Lan là “Nazi và Phát Xít,” ông Rutte đã còn tỏ tài của mình là một người chủ hòa. Thay vì đấu khẩu với ông Erdogan, ông mời thủ tướng của ông Erdogan, Binli Yildrim dùng cơm với ông, và ông ngoại trưởng nhận lời.

Thủ Tướng Mark Rutte. (Hình: Getty Images)
Thủ Tướng Mark Rutte. (Hình: Getty Images)

Trong cuộc tranh luận bầu cử với ông Wilders hôm thứ hai, ông Rutte đã dồn đối thủ vào chân tường. Khi chính trị gia cực hữu thiếu kinh nghiệm này kêu gọi phải trục xuất đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi nước này, ông Rutte từ chối trục xuất đại sứ và thản nhiên trả lời “Sự khác biệt giữa tweet khi ngồi ghế ở nhà và khi cai trị một nước là vậy đó.”

Thủ Tướng Rutte còn được dân chúng Hòa Lan ngưỡng mộ vì ông là một người thực tế không quá trọng chủ thuyết. Chính trong những ngày ngay trước khi họ đi bỏ phiếu, ông đã dành được những sự ủng hộ tối quan trọng mà ông cần để thắng rõ ràng ông Wilders. Với cách ông đối xử với ông Erdogan, ông Rutte đã chứng tỏ cho người dân Hòa Lan thấy cách một chính khách hành sử trên trường quốc tế. Ngay cả cuộc họp báo hoàn toàn bằng tiếng Anh của ông vào những ngày cuối, cũng là để thúc đẩy niềm tự hào của nhân dân, về một quốc gia đang cầm cờ lãnh đạo cho thế giới dân chủ Âu Châu.

Ông đã có một số thất hứa trong những năm qua và chính sách kiệm ước kéo dài đã làm cho ông mất đi một phần tư số dân biểu ông đang có. Nhưng ông đã thực hiện được lời hứa quan rộng nhất. Nền kinh tế Hòa Lan đang phát triển mạnh sau một khủng hoảng kéo dài, với tăng trưởng ở mức 2% và triển vọng thất nghiệp giảm đến định mức 5%. Hòa Lan có một mức độ liên hệ chặt chẽ với thế giới nên mới có thành quả như vậy: Một quốc gia nhỏ, chỉ có 17 triệu dân, xuất cảng nhiều hàng ra thế giới hơn là Anh Quốc hay Ý.

Phải chăng ông Wilders thua vì ông Rutte quá giỏi?

Thực ra người đã khiến ông Wilders thua chính là ông ta. Trong nhiều tháng ông dẫn trước trong các cuộc thăm dò dư luận, nhưng nay ông đã về nhì và còn có triển vọng về ba. Là viên chức của một đảng “độc mã,” ông Wilders không đổ tội cho ai được.

Khác hẳn với ông Donald Trump, ông Wilders và đảng PVV của ông (Partij voor de Vrijheid-PVV-Đảng Tự Do) hầu như là tàng hình trong cuộc bầu cử. Ông từ chối xuất hiện trên hầu hết các cuộc tranh luận truyền hình và rất hiếm khi xuất hiện trước công chúng. Nhưng đó chính là nơi mà “những người Hòa Lan bình thường, mà ông chính trị gia tài tử có mái tóc như nhạc sĩ Mozart rất muốn được đại diện. Chưa có một chính trị gia dân chủ nào có ít liên hệ với dân chúng bằng người tự nhận mình là quan của dân, luôn phải được bảo vệ 24 trên 24 trong suốt 12 năm qua. Ông Wilders đã tổ chức toàn thể cuộc vận động qua điện thoại di động. Ông quả cũng tweet rất khôn khéo và cực đoan không kém gì người hùng của ông, Tổng thống Donald Trump. Điều đáng nói hơn là tổng thống Hoa Kỳ không chỉ dùng twitter, ông đã làm cho đám dông thích thú và kích thích ở những cuộc meeting lớn, và meeting nhỏ vốn đã giúp cho fan của ông có cơ hội để selfies và hò reo sung sướng.

Nhưng cũng chính sự việc ông Wilders công khai bày tỏ thán phục Tổng Thống Trump sau cùng đã gây nên sự thất bại cho ông vì những chính sách quá khích và rối loạn của ông Trump đã đi quá xa ngay cả đối với những đệ tử chân thành với ông – chưa nói đến những cử tri vốn có chỉ có cảm tình thôi. Ông Rutte ý thức được điều đó. Ông đã tóm lược vấn đề bằng một câu “Geert Wilders là rối loạn.”

Ông Rutte nay cần phải thành lập một liên minh mới vì partner của ông trong liên minh hiện nay, Đảng Dân Chủ Xã Hội đã thảm bại vì những bất mãn của khối cử tri của họ đối với chính sách kiệm ước và cải tổ xã hội. Ông Rutte nay cần ít nhất ba đảng để thành lập một chính phủ, nhưng ông có đến bốn đảng trung dung có thể hợp tác với ông: đảng Dân chủ Thiên Chúa Giáo, đảng cấp tiến cánh tả D66, đảng Xanh vừa bùng lên và đảng Dân Chủ Xã Hội. Ông có thể dùng chính sách chia để trị để khỏi phải nhượng bộ họ quá mức. Ở Đức, Thủ Tướng Angela Merkel là người mừng nhất vì trong nhiều vấn đề của Liên Hiệp, ông là đồng minh quan trọng nhất của bà. Ở Pháp, chiến thắng của ông làm cho bên các đảng lãnh đạo có được thêm hy vọng.

Phải chăng phong trào mị dân đã bị chặn lại?

Có thể. Bà Marine Le Pen đã hứa năm nay là “năm nhân dân lục địa Âu Châu thức tỉnh.” Người Hòa Lan thức tỉnh thật, hơn 80% dân chúng đi bầu, nhưng họ không bỏ cho ông Wilders. Dĩ nhiên bà Le Pen vẫn có triển vọng trở thành tổng thống sắp tới của nước Pháp. Phong trào của bà có tổ chức hơn và có tiềm năng dễ được chấp nhận hơn là đảng độc diễn của ông Wilders. Nhưng thất bại của ông Wilders vẫn ảnh hưởng xấu đến bà Le Pen. Chiến thắng của ông Wilders sẽ giúp cho bà tuyên bố một ‘làn sóng’ cực hữu đang lan tràn ở Âu Châu. Nay thì triển vọng của bà gay go hơn.

Sự thất bại của ông Wilders còn có ảnh hưởng xấu hơn nữa cho đảng Alternative fur Deutschland (AfD). Sự ủng hộ cho AfD đã giảm kể từ khi ông Trump vào tòa Bạch Ốc. Đảng trưởng của AfD, bà Frauke Petry, vốn thường xuyên sánh vai với ông Wilders trong hy vọng chiến thắng của ông sẽ lôi cuốn theo chiến thắng của bà.

“Nexit,” Hòa Lan rút khỏi Liên Hiệp Âu Châu, không còn ai nhắc đến nữa, bởi đó thực sự chỉ là một giấc mơ ảo tưởng của ông Wilders. Nhưng tuy nhân dân Hòa Lan sống bằng buôn bán với láng giềng, nhiều công dân nước này không thấy Liên Hiệp Âu Châu có ích lợi gì khác ngoài buôn bán. Trong cuộc sống hàng ngày, họ cảm thấy hết sức xa vời với Brussels. Nhưng đó là vấn đề của Liên Hiệp, không phải là vấn đề của Hòa Lan.