Thursday, April 18, 2024

Đức can đảm của George H. W. Bush

Ngô Nhân Dụng

Tổng Thống George Herbert Walker Bush đã an nghỉ dưới lòng đất. Ít có người nào khi qua đời được nhiều người bày tỏ lòng ngưỡng mộ như ông. Mặc dù ông không hay khoe thành tích, công trạng của mình. Và chỉ làm một nhiệm kỳ.

Biến cố lớn nhất trong trong thời gian ông cầm quyền, là chế độ Cộng Sản sụp đổ. Nhưng không phải vì ông Bush làm gì mà nước Mỹ toàn thắng cuộc Chiến Tranh Lạnh. Chế độ Cộng Sản tự hủy diệt vì bản chất sai lầm; các đời tổng thống Mỹ trước chỉ cần ngăn chặn làn sóng đỏ, rồi chờ lịch sử thay đổi.

Ông Bush chủ động ra lệnh tấn công quân Iraq để giải phóng xứ Kuwait. Cuộc chiến tranh 100 giờ thành công, nhưng ông bị nhiều người chỉ trích, hỏi rằng tại sao ông không đánh thêm tới Baghdad, một chiến thắng huy hoàng mà không tốn kém bao nhiêu.

Ông Bush 41 được mọi người kính trọng, trước hết vì nhân cách của ông. Một nhà chính trị thanh nhã, quý phái, a gentleman theo nghĩa cổ truyền. Người Việt có thể gọi ông là “quân tử.” Nhiều người Mỹ không ngần ngại gọi ông là “noble,” con người quý phái. Ở nước Mỹ bây giờ thứ người này hiếm lắm.

Ký giả Joseph Epstein, trên nhật báo The Wall Street Journal viết rằng ông là một “WASP thứ thiệt sau cùng” (…the Last True WASP in the White House). WASP viết tắt những chữ Da trắng (White) gốc Anh (Anglo-Saxon) và theo đạo Tin Lành (Protestant). Những tổng thống như Bill Clinton, George W. Bush hay Donald Trump trên nguyên tắc đều là WASP, Epstein đồng ý. Chỉ có Ronald Reagan không hoàn toàn WASP (Ronald Reagan no WASP himself). Nhưng không ai đủ các đặc tính tiêu biểu cho lý tưởng và truyền thống đẹp nhất mà những người WASP theo đuổi. Trong đó có lý tưởng phục vụ, đặt công ích trên tư lợi.

George Herbert Walker Bush được kính trọng vì cuộc sống của chính ông, hơn là do những việc ông làm có thể đem khoe khoang. Khi ông ngồi trong phòng bầu dục Tòa Bạch Ốc, người ta yên tâm, biết rằng ông sẽ giữ gìn hình ảnh trang nghiêm khả kính của căn phòng mà George Washington và Abraham Lincoln đã ngồi.

Giữ nhiều chức khác nhau, ông thi hành trách nhiệm một cách bình thường; không có gì xuất sắc. Nhưng tư cách đĩnh đạc của ông trong bất cứ vai trò nào thì ai cũng thấy. Ông chứng tỏ có tinh thần danh dự, liêm khiết, không vụ lợi, không háo danh, không bị những thứ vinh quang phù phiếm lôi cuốn. Ông làm đại biểu Quốc Hội, làm một nhà ngoại giao ở Liên Hiệp Quốc và ở Bắc Kinh, đứng đầu CIA, làm phó tổng thống rồi làm tổng thống. Ở chỗ nào, ông cũng lo chu toàn trách nhiệm hơn là nghĩ đến quyền lợi của mình.

George Bush 41 chứng tỏ rằng một người lãnh đạo quốc gia không cần phải suốt ngày huênh hoang về những “chiến thắng” có thực hay tưởng tượng của mình. Người lãnh đạo còn được ngưỡng mộ vì những việc ông ta biết từ chối không làm.

Thí dụ, cuộc chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991. Khi quân Mỹ đuổi theo hàng trăm ngàn tàn quân Iraq, ông ra lệnh ngừng. Bao nhiêu người thúc ông đánh thẳng vào Baghdad, vì dân Iraq theo giáo phái Shi A đang rục rịch nổi lên lật đổ chế độ độc tài khát máu của Saddam Hussein. Ông từ chối, nói rằng Liên Hiệp Quốc chỉ trao cho sứ mệnh giải phóng Kuwait. Vả lại, cảnh máy bay truy sát những người lính bên địch đang chạy trốn, chỉ còn một cách là chạy trốn, giữa sa mạc không người, cảnh tượng đó bi đát quá, đánh thức lương tâm và lòng trắc ẩn cả thế giới. Ông Bush 41 không muốn quân đội Mỹ bị dính mãi vào những hình ảnh đó. Chính ông đã mặc binh phục, đã ra mặt trận. Bay trên trời đuổi theo giết những kẻ địch đang chạy thoát thân giữa sa mạc không phải là hành động của một Gentleman.

Nếu năm 1991, Mỹ tiến quân thêm để lật đổ Hussein, thì năm sau ông Bush 41 có thể đắc cử nhờ hào quang đó. Cuộc tiến quân có phạm sai lầm, cũng phải mất ba năm, năm năm người dân mới nhận ra.

Nhưng ông Bush 41 đã nhìn thấy trước những mối nguy lâu dài, ngấm ngầm. Liên minh dưới cái dù Liên Hiệp Quốc có thể tan vỡ khi các cường quốc khác thấy Mỹ có ý đồ riêng khác với họ. Các đồng minh Á Rập có thể chống lại việc quân Mỹ chiếm đóng một nước đồng chủng và đồng đạo của họ.

Năm 1998, trong cuốn sách viết chung với Tướng Brent Scowcroft, cố vấn an ninh Tòa Bạch Ốc, ông Bush kể: “Nếu hồi đó chúng ta đánh tới, thì quân đội Mỹ phải chiếm đóng một xứ đầy những người thù nghịch,…” Đó là những lời tiên tri. Năm năm sau, 2003 con trai ông, vị tổng thống thứ 43, đã lật đổ Hussein. Đến giờ quân Mỹ vẫn còn ở Iraq, không biết bao giờ mới rút ra được. Năm 1991, ông Bush 41 không lo cho tương lai chính trị của chính mình mà chỉ nghĩ đến quyết định cách nào tốt nhất cho đất nước mình.

Con người George Bush 41 trước sau vẫn như thế. Đặc biệt, khi ông chứng kiến các chế độ Cộng Sản Đông Âu tan rã, cuối năm 1989. Ông cũng tự kiềm chế, không nhảy ra tự khen mình và nhận vòng hoa chiến thắng.

Khi bức tường Berlin sụp đổ, ông Bush có thể bay qua đó, đứng trước đống gạch vụn, đóng vai một người hùng, trước báo, đài thế giới. Nhiều người Mỹ lúc đó muốn la lớn cho cả thế giới biết nước Mỹ vô địch toàn cầu! Họ muốn nước Đức thống nhất nhanh chóng để cho Nga run sợ! Đức với Nga đã đối đầu nhau từ nhiều thế kỷ! Nước Mỹ sẽ dùng áp lực ngoại giao, kinh tế, cả quân sự nếu cần, để khuất phục Liên Xô!

Nhưng George H.W. Bush không chọn con đường đó, dù nghe rất hấp dẫn. Ngược lại, ông càng tỏ ra dè dặt và khiêm tốn. Tổng thống Mỹ được coi là thủ lãnh của phe thắng trong cuộc Chiến Tranh Lạnh. Mỗi lời nói, mỗi hành động của ông sẽ tác động tâm lý hàng triệu người, nhất là tại những nước “thua trận.” Phải tránh không khích động thù hận, lo sợ và hoảng hốt. Những trái mìn còn lại sau trận chiến phải được tháo gỡ an toàn.

Ông Bush bình tĩnh giúp hai nước Đức hợp nhất mà không làm cho lân bang lo sợ. Giúp các chế độ Cộng Sản Đông Âu tan hàng mà không đổ máu, không trả thù, bạo loạn, cướp bóc, có thể sinh nội chiến hoặc bị Nga tiến chiếm? Ông Bush phải giúp cho các địch thủ của Mỹ “hạ cánh an toàn!” Nghĩa là cả thế giới này được an toàn. Không phải nhờ những việc ông làm mà chính yếu là nhờ những thứ ông tránh không làm.

Khi các nhà báo muốn được đăng một lời ông tổng thống chia sẻ vui mừng chiến thắng với dân chúng Mỹ, ông từ chối. Muốn thế giới bình an, ông Bush nhận ra mình phải giúp Mikhail Gorbachev ngồi an toàn trên ghế tổng bí thư Cộng Sản Liên Xô. Không nên ra tuyên ngôn chiến thắng, theo lối treo khẩu hiệu “Nhiệm vụ hoàn tất” như người con trai ông sau này đã làm.

Sau này, ông giải thích trong hồi ký, ông chỉ lo khi Nga Xô sụp đổ thì làm niềm vui mừng của cả thế giới có thể biến thành một thảm kịch. Cả bộ máy ngoại giao của nước Mỹ không reo mừng chiến thắng. Khi Bush (phe thắng) 41 bắt tay Gorbachev (đang thua) để thảo luận kế hoạch thống nhất hai nước Đức, ông chỉ thị cho các phụ tá: Chúng ta sẽ đối xử với ông ta như một người ngang hàng (We will treat him as an equal).

Liên Bang Xô Viết tan rã trong im lặng, từ Estonia đến Khazacstan tuyên bố độc lập nhưng Hồng Quân không động binh. Chế độ Cộng Sản tan rã; không người dân Nga nào mở miệng tiếc thương hay đưa một ngón tay ra đỡ. Bao tấn thảm kịch có thể xảy ra nhưng George H.W. Bush đã giúp không cho xảy ra.

Trong lễ tưởng niệm ông Bush ở Houston, James Baker, một người bạn lâu đời từng làm chánh văn phòng và ngoại trưởng của ông, đã nói trong bài điếu văn: “Ông đúng là một chiến binh can trường; nhưng tới khi cần phải thận trọng thì ông cho thấy một đức can đảm lớn hơn, của một người xây dựng hòa bình.” (Ngô Nhân Dụng)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT