Hoàng gia sinh tại Anh chỉ tốn bằng một người bình thường tại Mỹ

Sự ra đời của một vị hòang tử hoặc công chúa luôn luôn được đón chào rầm rộ không những bởi dân chúng sở tại mà còn cả bởi báo chí quốc tế nữa. Thành ra sự ra đời của cậu con thứ ba của nữ công tuớc Cambridge, vương phi của Hoàng Tử William nước Anh ngày 23 Tháng Tư vừa qua cũng không phải là ngoại lệ. Các nhà báo đã tụ tập chờ đợi suốt ngày tại phía ngoài Lindo Wing, một khu hộ sinh tư sang trọng thuộc bệnh viện công St. Mary, Luân Đôn, vốn là nơi vẫn được Hoàng Gia Anh và các giới giàu có sử dụng. Nhà hộ sinh này sang trọng đến nỗi còn cung cấp cả rượu sâm banh cho các bố mẹ ăn mừng việc ra đời của một công nương hay quý tử của mình.

Thế nhưng chi phí để đưa một ông hòang mới ra đời – ông hoàng vốn đứng hàng thứ năm trong danh sách thừa kế ngai vàng nước Anh – lại tốn ít hơn là chi phí hộ sinh của một cô hay một cậu bé Mỹ trung bình.

Năm 2015, nhà hộ sinh Lindo Wing tính 5,670 bảng Anh (8,900 đô la Mỹ) một ngày cho một căn phòng sang trọng và sinh nở bình thuờng (không phải giải phẫu). Một cuộc khảo sát cùng năm của tổ chức International Federation of Health Plan cho thấy chi phí trung bình cho một ca sinh nở như vậy tại Mỹ là 10,808 đô la. Chi phí này tăng lên đến khoảng 30,000 đô la nếu tính cả việc chăm sóc trước và sau khi sinh theo tổ chức Truven Health Analytics. May mắn là tại Mỹ các công ty bảo hiểm gánh chịu hầu hết các chi phí này, các đương sự chỉ phải trả trung bình khoảng 3,000 đô la cho mỗi đứa con ra đời. Thế nhưng tại Anh cũng như tại nhiều nước Châu Âu các bậc bố mẹ không phải tốn đồng nào cho việc sinh con nếu dùng hệ thống y tế công. Còn nếu dùng các nhà thương tư – cố nhiên không phải là hạng sang trọng như Lindo Wing thì chi phí trung bình chỉ lên đến khoảng 2,500 đô la tại Anh theo International Federation of Health Plan.

Vì sao có sự khác biệt lớn lao giữa Mỹ và Anh như vậy? Một số người biện luận rằng sở dĩ người dân Châu Âu phải trả ít cho chi phí chăm sóc sức khỏe là vì họ được trợ giá bởi ngân sách chính phủ qua tiền thuế mà mọi người phải đóng. Nếu tính tất cả các chí phí thì tại Mỹ cũng không đắt hơn Châu Âu bao nhiêu. Thế nhưng các số liệu của tổ chức Hợp Tác Kinh Tế và Phát Triển (OECD) lại cho thấy một bức tranh khác.

Theo OECD, trong số các quốc gia thành viên, chỉ có Mỹ và Mexico là hai nước mà chính phủ đóng vai trò nhỏ nhất trong việc tài trợ cho chăm sóc sức khỏe. Mặc dầu vậy, chi phí công (chi phí chính phủ bỏ ra tài trợ) cho chăm sóc sức khỏe theo đầu người tại Mỹ vẫn cao hơn hầu hết tất cả các quốc gia khác trong tổ chức OECD ngoại trừ Na Uy và Hòa Lan.

Cái sự  bất thường biểu kiến này là vì chi phí chăm sóc sức khỏe quá cao tại Mỹ. Theo OECD nước Mỹ chi cho chăm sóc sức khỏe nhiều hơn là bất kỳ một quốc gia nào trong tổ chức nhưng lại đạt đuợc thành quả không bằng nhiều nước khác trong tổ chức.

Năm 2013, theo OECD Mỹ chi ra 8,713 đô la môt người hay 16.4% GDP cho chăm sóc sức khỏe, gần gấp đôi con số trung bình của tổ chức là 8.9% GDP. Chỉ có Hòa Lan, Thụy Sỹ và Thụy Điển là chi ra xấp xỉ bằng Mỹ với 11% GDP.

Một trong những lý do khiến cho chăm sóc sức khỏe quá tốn kém tại Mỹ là vì cách tổ chức hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Mỹ. Mỹ không có môt hệ thống y tế thống nhất. Thay vì điều hành môt hệ thống y tế quốc gia thống nhất như tại Anh, hay một hệ thống bảo hiểm y tế thống nhất như tại Pháp hoặc tại Đức hoặc là một quỹ bảo hiểm sức khỏe phổ quát thì hệ thống bảo hiểm sức khỏe của Mỹ bị phân hóa theo địa phương và phân mảnh ra nhiều công ty bảo hiểm. Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ mặc dầu vậy cũng đòi hỏi chính phủ đóng góp môt phần quan trọng. Năm 2014, 52% chi phí chăm sóc sức khỏe tại Mỹ là do chính phủ liên bang và tiểu bang tài trợ qua các chương trình Medicare, Medicaid và các chương trình y tế cho người nghèo như Medical của tiểu bang; phần còn lại 48% là do tư nhân bỏ ra trong đó 28% là do các gia đình trả qua chi phí mua bảo hiểm và các chi phí khác và 20% là do các xí nghiệp đóng góp.

Chính vì sự thiếu một thị trường chăm sóc sức khỏe thống nhất thành ra mọi thương thuyết từ hợp đồng bảo hiểm cho đến các khoản chiết khấu đều phải thương thuyết với từng công ty bảo hiểm, nhà thương và những nhà cung cấp dịch vụ khác dẫn đến một mức chi phí y tế rất cao. Mỹ dẫn đầu tất cả các quốc gia phát triển khác trong tỷ lệ của chi phí bảo vệ sức khỏe dành cho việc quản trị hành chánh. Năm 2014 chẳng hạn người ta uớc tính rằng có đến một nửa con số 361 tỷ đô la dành cho quản trị hành chánh trong việc chăm sóc sức khỏe là phung phí có thể tiết kiệm được.

Chả trách người Mỹ trả tiền nhiều hơn ai khác cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Nhưng có những người Mỹ cho rằng lựa chọn của mình là đúng và lựa chọn của các quốc gia khác là sai, bởi hệ thống của Hoa Kỳ cung cấp lựa chọn tối đa cho người sử dụng. Người Âu Châu thì chỉ xin trả lời là thà ít lựa chọn còn hơn để cho một số quá đông người không có một sự chăm sóc sức khỏe nào cả. (Lê Mạnh Hùng)

Lần đầu tiên Facebook nêu rõ những điều bị cấm