Las Vegas và Puerto Rico: Câu chuyện hai nước Mỹ

Lê Mạnh Hùng

Vụ tàn sát những nguời đi nghe một buổi trình diễn nhạc đồng quê tại Las Vegas quả là một sự kiện làm shock người ta sâu đậm. Nó có vẻ làm shock cả đến Tổng Thống Donald Trump, Nhưng điều làm người ta cảm thấy shock hơn là khi ta so sánh phản ứng của ông Trump đối với hai thảm kịch: vụ thảm sát tại Las Vegas và thiên tai bão Maria tại Puerto Rico. Những lời giả ân nghĩa đọc một cách gượng gạo qua teleprompter không thể nào che giấu sự khinh miệt và thờ ơ của ông đối với những nạn nhân tại Puerto Rico.

Ít nhất là có 59 nguời bị giết trong vụ thảm sát tại Las Vegas; khoảng trên 500 nguời khác bị thương và con số những người chết có thể còn tăng thêm nữa. Nhưng số nạn nhân này không thể nào so sánh được với con số nạn nhân tạo ra bởi thiên tai đập vào hòn đảo trong biển Caribbes cách đây hai tuần. Tuy rằng con số chính thức những nạn nhân của trận bão Maria này hiện chỉ có 17 người nhưng đó là vì các nhà xác bệnh viện còn đầy những xác người chưa được đếm. Thiếu điện, nước và phương tiện chuyên chở đã ngăn chặn những nạn nhân này không được cho vào danh sách những nguời chết vì trận bão. Sáu mươi trong số sáu mươi chín bệnh viện của hòn đảo này còn chưa có điện. Một nửa dân số của đảo còn không có nước sạch để uống. Những thiếu thốn đó, phần lớn là vì sự bất động của chính phủ liên bang, có triển vọng sẽ làm chết thêm hàng trăm người nữa trong các tuần lễ tới. Ông Trump phải mất hai tuần lễ mới thèm đi thăm Puerto Rico nơi ông vẫn còn né tránh nói đến những đau khổ của các nạn nhân. Với Las Vegas hầu như ngay lập tức tòa Bạch Ốc đã chuẩn bị một chuyến đi của ông tới đó, nơi ông có thể đứng chụp hình cùng các nhân viên cảnh sát.

Phản ứng khác biệt giữa hai tai họa là một bằng chứng rõ rệt nhất của sự phân hóa nước Mỹ thành ra hai loại công dân; hạng nhất và hạng nhì. Người Puerto Rico da nâu và nói tiếng Tây Ban Nha. Mặc dầu họ là công dân Mỹ, nhưng họ không có đại diện tại Quốc Hội và không được bỏ phiếu bầu tổng thống Mỹ. Những nguời đi nghe nhạc tại Las Vegas phần lớn là da trắng, thưởng thức một loại âm nhạc hầu như chỉ có nguời da trắng thích. Điều mỉa mai là loại âm nhạc này, cũng như những người ưa chuộng nó đều ca ngợi quyền tự do được mang súng. Những người này đuợc hưởng những lời cầu nguyện và chia buồn của ông Trump. Những người Puerto Rico bị gạt bỏ như là những kẻ “vô ơn.” Những người Puerto Rico không có nuớc uống đuợc dạy dỗ phải tự lo bởi một ông tổng thống lựa chọn nghỉ ngơi ngày cuối tuần tại một trong những cơ sở sang trọng của ông thay vì làm gì giúp đỡ cho họ. Điều đáng buồn là ông Trump không phải là nguời duy nhất có phản ứng như vậy đối với hai sự kiện xảy ra chỉ cách nhau không bao lâu. Ta có thể thấy qua phản ứng của Quốc Hội cũng như của nhiều người Mỹ khác.

Vụ tàn sát tại Las Vegas là một phần của một hiện tuợng mà sự lập đi lập lại đã khiến cho người ta trở nên hầu như miễn nhiễm trước sự bi thảm của nó. Nhật báo New York Times đếm đuợc 521 vụ giết người hàng loạt tại Mỹ trong 477 ngày kể từ Tháng Sáu, 2016, khi xảy ra vụ tàn sát tại Orlando, Florida. Bắn người hàng loạt trở thành thường xuyên đến nỗi tạp chí trào phúng Onion đã cố ý dùng cùng một hàng tít lớn bốn lần trong hai năm mỗi lần để tường thuật một vụ giết người hàng loạt khác nhau. “Không có cách nào để ngăn chặn nó” đó là ý kiến của các nhà cai trị đất nước độc nhất mà chuyện này xảy ra thường ngày. Thế nhưng những hàng chữ tít giật gân chỉ là môt phần nhỏ của một tình trạng thê thảm hơn nhiều. Mỗi ngày trên đất Mỹ có khoảng 80, hay hơn nữa, nguời bị giết vì súng. Trong năm 2017 này đến nay đã có 11,565 người chết vì súng tại Mỹ trong đó có 545 trẻ em duới 11 tuổi và 273 sự kiện được xếp loại là giết người hàng loạt.

Có một cái gì thê thảm trong những thống kê này. Một phần ba của những cái chết này là tự tử bằng súng – tên sát nhân tại Las Vegas cũng dùng cách đó tự tử. Và đó cũng có liên quan đến một hiện tượng khác. Trong một đất nước mà súng được bán một cách tự do và công khai như vậy thì điều gần nhất với một hệ thống chữa bệnh tâm thần miễn phí cho các công dân là nhà tù. Thành ra không có gì lạ khi mà con số tự tử không xuống mà chỉ tăng.

Sự từ chối liên tục của Quốc Hội ngay chỉ xét đến việc kiểm soát chặt chẽ hơn việc mua súng nay đã trở thành một yếu tố thường trực trong sân khấu chính trị đến nỗi giá cổ phần của các công ty làm súng gia tăng khi nghe tin có một vụ bắn người hàng loạt.

Hai tấn bi kịch của Puerto Rico và Las Vegas tự chúng đã bi thảm, nhưng gộp chung lại chúng khuyến dụ một cái gì không ổn trong hệ thống chính trị của Hoa Kỳ.

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Tư, ngày 4 tháng 10 năm 2017