Tuesday, April 16, 2024

Liên Hiệp Âu Châu tìm cách chống lại tham vọng của Trung Quốc

Lê Mạnh Hùng

Chưa đầy hai năm sau khi Pháp, Đức và Ý gửi lên Ủy Hội Âu Châu đề nghị đưa ra một cơ cấu kiểm tra và rà soát các đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Châu Âu, cuối cùng Liên Hiệp Âu Châu đã đưa ra được một cơ chế nhằm bảo vệ cho quyền lợi của đại lục này.

Khác với Ủy Ban Điều Tra Đầu Tư Nước Ngoài (CfiUS) của Hoa Kỳ, một ủy ban liên ngành có nhiệm vụ rà soát các dự án đầu tư nước ngoài vào Mỹ xem có làm thiệt hại gì đến quyền lợi và an ninh của nước Mỹ để cho phép hay không, Liên Hiệp Âu Châu chỉ có thể đưa ra một cơ chế rà soát không ràng buộc. Nhưng nó cũng đủ để có thể giúp tạo ra những quan tâm cần thiết tại nhiều nước Châu Âu mà cho đến nay còn thiếu cả một cơ cấu như vậy.

Đạo luật vừa được Nghị Viện Châu Âu thông qua sẽ thành lập một cơ cấu báo động về các đầu tư ngoại quốc vào Châu Âu trong tương lai và một ngân hàng dữ liệu trung ương cho các đầu tư hiện nay trong khi dành quyền quyết định cho phép hay không cho từng quốc gia thành viên.

Nguyên ủy của việc này phát xuất từ các đầu tư có tính cách khai thác xâm lược của Trung Quốc vào các khu vực hạ tầng cơ sở và kỹ thuật cao của Châu Âu. Một thí dụ điển hình là công ty China Ocean Shipping Company (Cosco) đã thầu lấy cảng Pireus của Athens Hy Lạp nơi họ đang xây dựng một trung tâm hải hành tại Địa Trung Hải cho các công ty của Trung Quốc vừa quốc doanh vừa tư nhân như là một phần của “con đường lụa đại dương” của chính phủ Trung Quốc.

Tại Bồ Đào Nha, Trung Quốc đã đầu tư 12 tỷ Euro vào các dự án đi từ năng luợng cho đến chuyên chở với một sự hiện diện đáng kể trong các ngành bảo hiểm, y tế, dịch vụ tài chánh và truyền thông. Quan trọng hơn nữa là Trung Quốc và Bồ Đào Nha dự trù sẽ phóng lên các vệ tinh để quan sát vùng biển chung quanh quần đảo Azores ngay chính giữa Đại Tây Dương.

Trên lãnh vực kỹ thuật cao, Trung Quốc đã đặt chỉ tiêu đạt mức dẫn đầu thế giới trên các lãnh vực như thông minh nhân tạo (AI), người máy (robotics), xe hơi sử dụng các năng lượng khác ngoài dầu hỏa, thiết bị y khoa và hàng không. Nếu không thể tự mình đạt được các mục tiêu đó thì Trung Quốc mua các công ty của các nước khác có khả năng trong các vấn đề này.

Và đó là điều đã làm các quốc gia Châu Âu báo động khi Midea, một công ty làm các đồ gia dụng của Trung Quốc mua công ty nổi tiếng nhất của Đức về robotics, Kuka với giá là $5.3 tỷ vào năm 2016. Dư luận chính trị của Đức lại càng xôn xao thêm nữa khi thấy rằng Trung Quốc mua càng ngày càng nhiều các công ty gọi là Mittelstand – công ty cỡ trung vốn là cột xương sống của công nghiệp Đức. Họ sợ rằng dưới sự quản lý của Trung Quốc những bí mật nghề nghiệp của công nghiệp Đức dần dà sẽ bị chuyền vào tay người Hoa hết. Mặc dầu phải đối phó với những điều kiện khác, giới doanh thương Pháp và chính phủ cũng trở thành quan ngại việc Trung Quốc mua lại các công ty Pháp.

Chính quyền dân túy tại Ý thì lại có môt cách tiếp cận lỏng lẻo hơn đối với việc rà soát đầu tư nước ngoài. Mặc dầu chính phủ trước ủng hộ việc bắt buộc cung cấp các thông tin trong việc đầu tư, chính phủ mới nay muốn để cho việc này thành một việc tự nguyện. Điều mỉa mai là Ý là một trong những quốc gia mà bị Trung Quốc ngắm nhiều nhất tại Châu Âu. Kể từ năm 2014, các công ty Trung Quốc đã mua lại công ty làm vỏ ruột xe Pirelli, đội banh AC Milan, mua cổ phần tại các công ty năng lượng như ENI. ENEL và CDP Reti. Trung Quốc cũng đầu tư mạnh vào các hải cảng của Ý.

Hầu hết các quốc gia Châu Âu khác không có những cuộc tranh cãi như vậy về đầu tư Trung Quốc. Trên thực tế chỉ có 12 trong số 28 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Châu Âu là có một cơ cấu rà soát đầu tư nước ngoài và ngay cả trong những quốc gia này chúng cũng khác nhau môt cách đáng kể.

Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc đều có những cơ quan rà soát đầu tư gay gắt. Châu Âu trước kia tuy rằng có những quan ngại nhưng không nói ra một cách công khai. Việc Tổng Thống Mỹ Donald Trump với những chính sách gay gắt chống Trung Quốc, đặc biệt là trên phương diện mậu dịch và đầu tư, đã giúp cho các nước Châu Âu cảm thấy tự do hơn trong việc lên tiếng nói.

Tuy nhiên đối với nhiều nước Châu Âu, Trung Quốc vẫn là một nguồn đầu tư hấp dẫn (kể cả nước Anh mà chẳng bao lâu nữa sẽ rút ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu). Thế nhưng ngoại trừ Bắc Kinh bỏ chính sách lợi dụng trong lúc bảo hộ cho thị trường của mình, các nước Châu Âu đã đúng trong việc chuẩn bị bảo vệ cho chủ quyền và sự độc lập về kinh tế của mình. (Lê Mạnh Hùng)

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT