Thursday, March 28, 2024

Một ngàn tỷ đô la lớn chừng nào?

Buổi sáng khi tôi lên xe ra đường, cái điện thoại di động của tôi đã hiện lên hàng chữ bảo tôi rằng muốn đi tới báo Người Việt thì chọn đường Magnolia là nhanh nhất, ít xe qua lại hơn các lối khác – mặc dù tôi biết có những đường khác ngắn hơn. Từ khi biết điều này, tôi cứ thế theo lời khuyên của cái máy nhỏ bằng bàn tay. Mỗi chuyến đi tiết kiệm được 3 đến 5 phút. Tôi không biết mình đã sử dụng 5 phút dư đó làm gì trong ngày, nhưng ai mà không muốn tiết kiệm thời giờ di chuyển?

Cái phone tôi dùng là do báo Người Việt đưa cho. Tôi bắt buộc phải dùng sau khi đã khăng khăng từ chối từ mười năm trước. Tôi vẫn còn muốn sống như các nông dân Việt Nam hồi 70 năm trước, ở làng tôi. Tôi ghét điện thoại, ghét gọi điện thoại, ghét nghe điện thoại rung. Khi nói chuyện với ai trên điện thoại tôi chỉ biết trả lời rất ngắn và không biết đặt câu hỏi cách nào, vì không thấy mặt người nói chuyện với mình.

Nhưng báo Người Việt nói thẳng rằng nếu không có điện thoại cầm tay thì khi cần không ai biết tìm tôi ở đâu mà tìm. Họ có lý. Vì thế, tôi hiện là một trong số hơn một tỷ người trên trái đất mang cái iPhone bên mình ít khi rời. Mà nó tiện thật. Giờ tôi đọc báo, coi email, nghe Bach, Mozart hoặc Beethoven, chơi ô chữ hay tìm đường đi, đều dùng cái iPhone.

Nghe tin công ty Apple trở thành công ty đầu tiên trên trái đất có giá trị một ngàn tỷ đô la, tôi không sửng sốt (Đó là nhà sản xuất cái iPhone, nếu có ai còn sống ở thế kỷ 20 nên không biết). Từ khi iPhone ra đời, họ đã bán 1.4 tỷ cái. Mỗi năm họ lại cho ra kiểu mới để người ta mua thay máy cũ. Những máy cũ được truyền tay cho những chúng sinh ít tiền hơn, như mấy đứa cháu ngoại, cháu nội tôi, cháu lớn nhất mới 14 tuổi. Nếu chúng không có phone thì lúc ông bà đi đón chúng sẽ mất thời giờ hơn. Lại lo tiết kiệm thời giờ, dù chưa chắc đã biết có thêm giờ thì sẽ dùng làm gì!

Apple thành công vì họ thay đổi đời sống hằng ngày của hàng tỷ người. Mình vốn không thấy cần một dụng cụ để vừa đọc báo, nghe nhạc vừa tìm tiệm ăn mà có thể đút trong túi. Họ chế tạo ra, đem bán, lúc đó ai cũng thấy mình cần! Những người đầu tiên có sáng kiến nấu thức ăn chín, chế ra cái gầu múc nước, cái xe đạp hay đèn điện, có lẽ cũng thay đổi đời sống nhân loại như vậy.

Các nhà sáng chế tiền bối không tạo ra những tài sản hàng ngàn tỷ đô la như Steve Jobs bởi vì thời họ chưa có kinh tế thị trường phát triển như bây giờ. Apple là một sản phẩm của nền kinh tế đó. Kinh tế thị trường do loài người tạo ra, mà ngay từ đầu không ai có ý nghĩ là họ sẽ thiết lập một cơ chế trao đổi để tiến tới những tài sản khổng lồ như chúng ta mới chứng kiến.

Năm 1997, giá mỗi cổ phần của Apple chỉ có $1, và công ty đang trên đà phá sản. Họ phải mời Steve Jobs trở lại. Năm 2007 iPhone ra đời, rồi cứ thế làm giàu cho chủ nhân các cổ phiếu. Ngày Thứ Năm vừa rồi, giá lên tới $207.39. Trong ba tháng đầu năm nay, công ty đầu tư Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett đã mua 75,000,000 cổ phần của Apple. Số cổ phần đó bây giờ trị giá 48 tỷ, lời 8 tỷ trong vòng bốn tháng.

Để có một khái niệm so sánh, chúng ta biết có hàng trăm quốc gia không tạo ra được một ngàn tỷ đô la mỗi năm. Theo Quỹ Tiền Tệ Thế Giới (IMF), GDP của nước Mỹ lớn nhất, là $20,000 tỷ mối năm. Nước Nga làm được $1030 tỷ, nước lớn cuối cùng có GDP trên $1,000 tỷ là Indonesia, $1,020 tỷ, đứng hạng thứ 16. Sau đó, Turkey đứng thứ 17 chỉ làm ra được $850 tỷ một năm. Nước Việt Nam mình chỉ có $220 tỷ, đứng hạng thứ 46 về GDP. Tổng cộng giá trị của 320 công ty ghi danh trên Thị Trường Chứng Khoán Sài Gòn, chỉ có $115.46 tỷ, sau khi đã tăng 47% trong năm 2017, theo thống kê của World Federation of Exchanges (WFE).

Gần 100 triệu dân mình làm suốt năm thì sau năm năm sẽ tạo được tài sản bằng công ty Apple. Amazon, một công ty khổng lồ khác, đang có giá trị $880 tỷ, đang chờ leo lên $1,000 tỷ, có ngày sẽ vượt trên Apple.

Những công ty nổi tiếng, Apple, Amazon, Facebook và Alphabet (mẹ của Google) đã đẩy thị trường chứng khoán lên vùn vụt trong chín năm qua, sau cuộc khủng hoảng năm 2008. Trong năm nay, chỉ số thị trường 500 công ty lớn nhất, the Standard & Poor’s 500, tăng lên mà trong đó bốn công ty trên cùng với Netflix đóng góp một nửa số tăng trưởng, 495 công khác đóng góp một nửa.

Mừng cho cổ đông các công ty thành công. Nhưng hiện tượng này buộc chúng ta phải đặt ra nhiều câu hỏi về chính cơ cấu kinh tế thị trường mà trong đó chúng ta đang sống.

Thứ nhất là tình trạng “tập trung” sức mạnh kinh tế vào một số nhỏ công ty. Hiện tượng này không chỉ diễn ra trong lãnh vực tin học mà còn thấy tại nhiều ngành khác. Trong mười năm qua, sáu công ty hàng không lớn nhất nước Mỹ đã thu lại chỉ còn ba, sau khi cá lớn nuốt cá bé.

Những công ty lớn chiếm phần lợi tức càng ngày càng lớn. Năm 1975, có 109 công ty chia nhau một nửa số lợi nhuận của tất cả các công ty mua bán trên thị trường chứng khoán. Năm nay, chỉ có 30 công ty đã chiếm phân nửa tiền lời. Những năm cuối thập niên 1990 năm ngân hàng lớn nhất nước Mỹ làm chủ khoảng 20% tài sản của cả hệ thống ngân hàng thương mại. Năm nay, năm ngân hàng tương tự làm chủ một nửa. Thị trường Internet không dây (wireless market) ở Mỹ nằm trong tay bốn công ty, họ kiểm soát 98%. Nếu T-Mobile và Sprint được phép kết hợp thì sẽ chỉ còn ba công ty.

Tình trạng tập trung quyền lực kinh tế vào tay một số các công ty lớn sẽ khiến người tiêu thụ lo lắng rằng họ sẽ đồng lõa với nhau để tăng giá! Một hiện tượng đã thấy là các công ty tin học lớn đồng lõa để thao túng thị trường nhân dụng. Họ có thể đồng ý tránh không cạnh tranh với nhau trong việc tuyển nhân viên và công nhân. Đặc biệt trong lãnh vực kỹ thuật cao, một số công việc trở thành rất chuyên môn, nếu bạn làm ở công này thì sẽ khó kiếm việc làm ở công ty khác. Các cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy nhiều công ty đã đồng ý không “cướp” (poach) nhân viên của nhau. Nhiều nhân viên phải ký hợp đồng không được bỏ việc trước một thời hạn, nếu không phải bồi thường. Tất nhiên, các đại công ty còn một một vũ khí mạnh khác, là đem công việc làm ra nước ngoài, nơi lương bổng rẻ hơn.

Với sức mạnh mà “thị trường” trao cho, các công ty có thể không cần tăng lương cho người cộng tác, hậu quả là lương bổng của tất cả giới lao động ở Mỹ đã trì trệ không tăng suốt từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế 2008.

Hậu quả là mức chênh lệch về lợi tức ở trong nước Mỹ ngày càng rộng hơn. Từ khi kinh tế hồi phục, năm 2009, đến nay, lợi nhuận các công ty tăng trung bình 6.5% một năm, còn lương bổng trung bình được giữ nguyên trong nhiều năm, đến nay vẫn chưa tăng được tới 3% mặc dù tỷ lệ thất nghiệp đã xuống dưới 4%.

Hai yếu tố góp sức tạo ra lợi tức và tài sản là tiền vốn, tư bản, và sức lao động. Chiếc bánh lợi tức chung được đem chia cho hai giới, những người làm việc, và những người bỏ vốn. Năm 2009, các công ty chiếm 8% lợi tức của cả nước, giới lao động được chia 66%. Năm 2018, người đi làm chỉ còn được chia 62%, các công ty chủ nhân chiếm 13%. Tình trạng bất công về lợi tức ngày càng trầm trọng, nhiều người với mức lương thấp và trì trệ nhất đã “nổi loạn” bằng lá phiếu! Tổng Thống Donald Trump thắng cử vì ông đã nhìn nhận cảnh bất công đó, mà ông kết tội một nguyên nhân chính là kinh tế toàn cầu hóa.

Nhưng một nguyên nhân kinh tế quan trọng là tình trạng tập trung quyền lực vào tay một số công ty có khả năng trấn áp đối với những người trao đổi với họ trong thị trường nhân dụng: giới lao động. Trong khi đó, hệ thống thuế khóa đã giúp các công ty trên thâu lời rất nhiều. Tổng Thống Trump đã nhiều lần chỉ trích ông Jeff Bezos, đứng đầu công ty Amazon, vì ông Bezos cũng là chủ nhân nhật báo Washington Post, một tờ báo loan nhiều tin xấu về ông Trump.

Nhưng Tổng Thống Trump cũng là người ký đạo luật cắt giảm thuế cho các công ty, mà Amazon sẽ được nhờ ơn đó mà tăng thêm lợi tức trong tay. Amazon năm ngoái được lợi chừng $789 triệu nhờ ông Trump cắt thuế! Các cổ đông công ty Apple cũng được lời hàng tỷ nhờ đạo luật này.

Trước đó, năm 2016 Apple trả thuế gần 23% trên lợi cứ, đến Tháng Sáu năm nay chỉ phải trả 13.3%. Công ty đã “trả lại” cho các cổ đông $25 tỷ mỗi tam cá nguyệt, qua việc mua lại cổ phiếu và trả cổ tức. Ông Trump đánh thuế nhẹ trên lợi tức kiếm được ở nước ngoài đem về, chỉ có 15.5%. Apple đã “hồi hương” 220 tỷ. Một phần ba số iPhone bán được là nhờ bán cho dân Trung Hoa lục địa, với 243 triệu cái máy, trong số 728 triệu khắp thế giới, vào Tháng Bảy năm ngoái!

Nghe tin Apple lên giá đến ngàn tỷ đô la chúng ta nghiệm thấy sức mạnh của một thị trường tự do. Nhưng đằng sau chiến tích đó, có những vấn đề xã hội do thị trường tạo ra chưa tìm ra cách nào sửa đổi. Quyền lực kinh tế thu gọn cào tay một số đại công ty. Chênh lệch giàu nghèo gia tăng vì thị trường tưởng thưởng một thiểu số, bỏ qua đa số. Thành phần gọi là trung lưu ở nước Mỹ đang bị đe dọa ngày càng nhỏ hơn. Mà giới trung lưu bao giờ cũng là cột trụ của chế độ tự do dân chủ.

Các nhà lập pháp sẽ phải tìm ra cách ngăn chặn những triệu chứng bất thường trên. Nhưng không ai hy vọng họ sẽ đem đề tài đó ra nói với công chúng trong mùa bầu cử sắp tới. (Ngô Nhân Dụng)

MỚI CẬP NHẬT