Friday, April 19, 2024

Một thỏa thuận mậu dịch Mỹ Trung chỉ là ngưng bắn

Lê Phan

Không có một cái tweet nào của Tổng Thống Donald Trump lại có ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán mạnh bằng cái tweet của ông về thuế quan với Trung Cộng hôm cuối tháng trước.

Sau khi tổng thống xác nhận là ông hoãn việc nâng thuế quan lên mức trừng phạt 25% cho $200 tỷ hàng xuất cảng của Trung Cộng sang Hoa Kỳ nhờ điều đình mậu dịch “có kết quả,” mọi thứ từ gia cổ phần toàn cầu đến giá dầu thô và đồng đô la Úc tăng vọt. Tiến bộ đi đến một thỏa thuận đều được chào đón. Nhưng điều đó không thể là kết thúc câu chuyện.

Bất cứ một thỏa thuận nào có thể chấm dứt bảy tháng đụng trận mậu dịch giữa hai bên về những cáo buộc của Hoa Kỳ là Trung Cộng buộc các công ty phải trao những bí mật mậu dịch cho họ và ăn cắp kỹ thuật ngoại quốc đều là một điều tích cực. Ngay cả một thỏa thuận xấu, nếu nó có thể tránh được một cuộc chiến mậu dịch, còn tốt hơn là không có thỏa thuận. Với dấu hiệu là cả hai nền kinh tế đang đi vào giai đoạn trì trệ, thật là trong quyền lợi của cả ông Trump lẫn ông Tập Cận Bình ở Trung Cộng tìm cách chế ngự căng thẳng.

Nhưng cũng có lý do cho thị trường chứng khoán giới hạn sự ăn mừng. Một là, ngoài sự việc là những “văn bản ghi nhớ” (memorandum of understanding) đang được bàn thảo bao gồm những khu vực căn bản – tuy tổng thống công khai ra lệnh cho ông đại diện thương mại, ông Robert Lighthizer, rằng ông muốn một “hợp đồng” – chi tiết của một thỏa thuận vẫn còn chưa ai biết. Mức độ mà nó có thể giải tỏa được căng thẳng lâu dài giữa Washington và Bắc Kinh còn tùy thuộc vào chi tiết, và liệu nó có thể được thực thi và theo dõi hay không.

Trên thực tế, bất cứ một thỏa thuận nào cũng không hơn không kém chỉ là một cuộc ngưng bắn trong một cuộc chiến còn kéo dài. Các thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư và các công ty đã đánh giá quá thấp mức độ mà Hoa Kỳ và Trung Cộng đã đi vào một thời đại mới của cạnh tranh chiến lược vốn sẽ bao trùm tất cả mọi khía cạnh trong liên hệ song phương. Nó sẽ có những tiềm ẩn đáng kể cho chu trình cung cấp cho toàn Á Châu, và thế giới và mang lại những giao động trong thị trường chứng khoán cho một vùng vốn đã là động cơ chính thúc đẩy kinh tế toàn cầu trong thập niên qua.

Sự việc Tổng Thống Trump bị thăng bằng mậu dịch ám ảnh là một điều lạc hướng ngắn hạn. Cuộc đụng độ thực sự đến từ mục tiêu mà Trung Cộng đã công bố về chế ngự kỹ thuật cũng như chế ngự vùng và việc Hoa Kỳ cương quyết duy trì vị thế là cường quốc hàng đầu về kỹ thuật.

Trung Cộng có thể dễ dàng thỏa mãn đòi hỏi thăng bằng mậu dịch của tổng thống bằng cách mua thêm đậu nành – mà họ hứa sẽ mua thêm 10 triệu tấn nữa – thêm nhiều phi cơ Boeing và microchip nữa. Phải nói là đứng về phương diện chính trị, và có lẽ ngay cả vật chất nữa, ông Tập Cận Bình không thể chịu thua về mục tiêu lâu dài và rộng lớn hơn của Trung Cộng. Sau khi đã hứa hẹn “sự hồi sinh của nước đại Trung Hoa,” bất cứ một sự sẵn sàng nào để trì hoãn hay giảm thiểu những tham vọng của ông đối diện với những đe dọa của Hoa Kỳ, sẽ là một mối nguy cho ông chủ tịch nước Trung Cộng.

Thái độ của cả hai bên đã căng thẳng vượt mức mà liên hệ có thể trở lại mức độ bình thường trước đây. Ở Bắc Kinh, một chính quyền ngày càng độc tài đang khoe khoang một chế độ tư bản nhà nước độc đáo như là một giải pháp thay thế cho điều được gọi là đồng thuận Washington của một chế độ tư bản dân chủ. Chế độ tư bản nhà nước này tìm cách viết lại những luật lệ và định chế toàn cầu theo chiều hướng của nó.

Ở Washington, trong khi đó, chủ nghĩa cô lập vốn là phản xạ của tổng thống bị mọi người chống đối, trừ có trường hợp khi cố gắng của ông để lập lại một sân chơi cân bằng với Trung Cộng. Không có điều gì đoàn kết giới lãnh đạo Hoa Kỳ xuyên qua mọi khác biệt đảng phái như là mối lo sợ về đe dọa của Trung Cộng cho trật tự thế giới mà Hoa Kỳ đã xây dựng. Ngay cả các nhà kinh doanh Hoa Kỳ, vốn đã hưởng lợi vì nhiều thập niên chuyển việc sản xuất sang Trung Cộng, nay đang lặng lẽ khuyến khích tổng thống trong hy vọng ông sẽ giải quyết những khó khăn mà họ đang gặp làm ăn với Trung Cộng.

Có lẽ khi ông Trump gặp ông Tập ở Mar-a-Lago trong Tháng Ba này chúng ta sẽ thấy một cuộc ngưng bắn, nhưng nó sẽ khó bền. Trung Cộng vốn có thành tích chưa bao giờ tôn trọng một thỏa thuận nào cả. Thỏa thuận mà ông Lighthizer soạn thảo rồi thể nào cũng có những điều khoản để “đóng lại” vốn cho phép Hoa Kỳ tái áp dụng thuế quan lên hàng Trung Cộng.

Ấy là chưa kể một thỏa thuận mà phía Trung Cộng không thực sự đầu hàng sẽ khiến bên Dân Chủ có cớ để nói là tổng thống “yếu với Trung Quốc.” Sau khi được bầu lên vì ông hứa sẽ cứng rắn với Trung Cộng, bất cứ một điều gì khiến đối thủ có thể đổ cho là ông “yếu với Trung Cộng” sẽ làm cho tổng thống cảm thấy khó khăn hơn trong việc lờ đi một khi Trung Cộng lại chứng nào tật nấy không thi hành những điều họ đã ký.

Cách đây một năm, Tổng Thống Trump tuyên bố “chiến tranh mậu dịch là tốt và dễ thắng lắm.” Cuối Tháng Hai vừa qua, một cuộc nghiên cứu mới của Viện Tài Chánh Quốc Tế (Institute of International Finance-IIF) cho thấy là trả đũa của Trung Cộng về thuế quan đã tạo nhiều khó khăn cho các nhà xuất cảng Hoa Kỳ hơn là so với những đối tác của họ ở phía Trung Cộng. Theo cuộc khảo sát này thì trả đũa của Trung Cộng có ảnh hưởng trầm trọng hơn cho xuất cảng của Hoa Kỳ. Con số thiệt hại tính cho toàn năm 2018 theo IIF lên đến $40 tỷ, gần một phần ba con số $130 tỷ mà Hoa Kỳ xuất cảng sang Trung Cộng năm 2017.

Trong hoàn cảnh đó, hẳn là rồi sẽ có một thỏa thuận ngưng bắn. Nhưng thỏa thuận đó kéo dài bao lâu và rồi khi bùng nổ lại cuộc chiến sẽ mang hình thức nào thì chúng ta còn phải chờ xem. (Lê Phan)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT