Friday, April 19, 2024

Mừng: Bỏ phiếu xong rồi!

Ngô Nhân Dụng

Dân Mỹ đã bỏ phiếu xong rồi! Dù kết quả ra sao, cũng rất mừng khi các phòng phiếu đóng cửa! Các nhà chính trị và những người ủng hộ họ sẽ tạm ngưng, hy vọng sẽ chấm dứt không “vận động tranh cử” như suốt năm qua nữa!

Vì nước Mỹ cần phục hồi những tập quán tốt của nếp sống dân chủ tự do: Tôn trọng đối thủ, cư xử nhã nhặn, biết thỏa hiệp với người chính kiến khác mình, vì ích lợi chung! Những giá trị đó đã bị quên, bị gạt đi, khi người ta giành phiếu!

Chưa bao giờ thấy nhiều cử tri, thuộc cả hai đảng, chia rẽ, nổi giận và chống đối nhau dữ như trong mùa bầu cử vừa qua!

Ba phần tư các cử tri nghĩ rằng nước Mỹ đã chia rẽ quá, chỉ có 10% nghĩ dân Mỹ đang đoàn kết hơn. Hai phần ba người đi bầu chọn lá phiếu chỉ vì họ ủng hộ hoặc chống Tổng Thống Donald Trump, không màng đánh giá các ứng cử viên.

Chính kiến khác biệt là bản chất tự nhiên trong cuộc sống dân chủ; nhưng hiện nay trong mỗi đảng có rất nhiều người đi về hướng cực đoan. Tình trạng này sẽ khiến cho ngay cả những người ôn hòa trong mỗi đảng cũng khó thỏa hiệp với đảng kia, là căn bản của chế độ dân chủ!

Chúng ta thường chỉ thấy trong các chế độ độc tài mới có cảnh bọn cầm quyền mạt sát những người đối lập. Chúng mở miệng ra là gọi tất cả những ai khác ý kiến với mình là “gian,” là ngụy,” là “phản quốc,” tệ hơn nữa, là “kẻ thù của nhân dân.”

Một đảng độc tài thường tự phong mình là Toàn Thiện, những người khác ý với họ bị gấn nhãn hiệu là đại biểu cho cái Ác. Lập trường cực đoan này dùng để biện minh các hành động đàn áp tàn bạo và các luận điệu tuyên truyền gian trá. Vì khi nhân danh Thiện chống Ác, người ta sẵn sàng đổi trắng thay đen và hy sinh hàng triệu mạng sống con người cũng không ngại!

Trong mùa tranh cử năm nay, nhiều nhà chính trị Mỹ cũng bôi nhọ, phỉ báng nhau thậm tệ khi nói đến những người không đồng ý với mình. Hiện tượng này diễn ra không những giữa hai đảng chính trị, mà còn phô bày trong cùng một đảng khi những người cực đoan phê phán phe ôn hòa.

Tình trạng phân cực này tạo nên một không khí nhiễm độc. Trong bầu khí đó người ta không thể dùng lý trí tranh luận với nhau khi bàn về các chính sách quốc gia. Di dân đóng góp gì cho nước Mỹ hay không? Nên nhận di dân với các điều kiện nảo? Hệ thống y tế nên tổ chức lại ra sao? Kinh tế toàn cầu hóa ích lợi đến đâu và làm thiệt hại cho ai? Tất cả các vấn đề đó cần được thảo luận nghiêm chỉnh, dựa trên sự thật, với các con số. Khi những người bất đồng ý kiến không lắng nghe sự thật mà lúc nào cũng nhắm “vạch mặt chỉ tên” phe đối nghịch là những bọn gian ác, xảo trá, thì tình tự yêu ghét nổi lên làm chủ, không ai dùng đến lý trí biện hộ lạnh lùng nữa.

Hình ảnh trên, nổi bật trong thời gian tranh cử, gây ra hai hậu quả. Thứ nhất, người dân bớt tin tưởng vào các định chế tự do dân chủ. Những định chế căn bản giúp quyền lực cân bằng và kiểm soát lẫn nhau; guồng máy hành chánh, quân đội và các thẩm phán đứng ngoài chính trị; quyền tự do phát biểu tạo nên mạng lưới cung cấp thông tin trung thực và khách quan, vân vân, tất cả đang mất dần giá trị sau khi bị chỉ trích, bêu rếu, nhiều khi tấn công tàn nhẫn.

Hậu quả thứ nhì là cảnh tượng chính trị phân cực làm cho bộ mặt của nước Mỹ và hình ảnh thể chế dân chủ tự do kém hấp dẫn, có thể đã thành xấu xí, trước cả thế giới.

Nhiều người có thể nghĩ Tổng Thống Donald Trump chịu trách nhiệm về tình trạng chia rẽ và phân cực hiện nay. Nhưng thực ra không cá nhân nào có thể chuyển hưởng cả xã hội như vậy. Các thế hệ những nhà chính trị trước đây chịu trách nhiệm chung; khi họ không ý thức, thờ ơ hoặc chỉ lợi dụng tình trạng chia rẽ trong xã hội để thắng phiếu.

Không khí ô nhiễm chính trị đã tăng dần dần từ nửa thế kỷ qua, từ cuối thập niên 1960. Mỗi bốn năm các những mối xung khắc lại ngoi lên khi các ứng cử viên dùng ngay những mâu thuẫn trong lòng dân để giành phần thắng.

Những biến chuyển kinh tế, xã hội, văn hóa khiến cho mâu thuẫn tư tưởng và quyền lợi xung khắc nổi lên mạnh hơn. Nhiều người dân được đẩy từ từ về phía hai đầu cực đoan vì họ bị các nhà chính trị ngoảnh mặt, bỏ rơi. Giới chính trị không hiểu và không biết cách giảm bớt các khó khăn cụ thể trong cuộc sống của họ. Ông Trump chỉ xuất hiện đúng vào lúc tình trạng phân cực lên cao điểm; ông nhân ngọn triều đó mà nổi lên; cho nên ông có thể muốn con nước đó còn dâng cao hơn.

Nhưng dân Mỹ nói chung vẫn có tinh thần thực dụng. Bản Hiến Pháp đầu tiên của nước Mỹ rất vắn tắt, chỉ là một bản hợp đồng, nhằm sắp xếp cuộc sống chung giữa 13 tiểu bang lập quốc. Ý tưởng dẫn đạo của các nhà lập quốc Mỹ là mọi quyền hành đều phải bị hạn chế! Những định chế cân bằng quyền lực để kiểm soát lẫn nhau trong Hiến Pháp Mỹ đã giữ cho quốc gia trẻ này sống ổn định trong hơn hai thế kỷ. Chế độ tự do dân chủ Mỹ vẫn còn sức sống để giúp người ta tìm cách giải quyết các mâu thuẫn và xung đột trong xã hội loài người.

Dân Mỹ đã bỏ phiếu xuống rồi. Kết quả đã được công bố. Có hàng triệu người vui, người buồn; nhưng chắc ai cũng thở ra nhẹ nhõm. Trận đấu võ đã xong một hiệp, ai cũng cần nghỉ ngơi chuẩn bị hiệp tới!

Đối với những người dân vừa đóng vai khán giả, vừa đóng vai trọng tài, thì mỗi hiệp đấu chấm dứt đều đáng mừng. Dân không phải nghe họ chửi nhau nữa! Có thể còn được nghe những lời dịu ngọt khi người thắng và kẻ bại chúc mừng hoặc an ủi nhau!

Các chính khách phải đóng kịch, tỏ ra mình lịch sự, có tư cách; chính vì đại đa số người dân muốn xã hội này phải sống như vậy! Nền tảng văn hóa đó vẫn còn mãi, sau khi được huân tập nhiều thế kỷ! Các nhà chính trị có tìm cách phá nát nền nếp văn minh đó, cũng không phá được!

Hy vọng sau cuộc bầu cử vừa qua, không bên nào thắng bên nào bại quá lớn, hai đảng chính trị đều suy nghĩ lại để tự thay đổi. Họ muốn chinh phục nhân tâm trước kỳ bầu cử trong hai năm nữa. Họ phải thấy rằng muốn “đại thắng” thì chỉ có một cách là mở rộng cửa mời những người không hoàn toàn đồng ý với mình vào “căn lều lớn” của đảng. Những mũi nhọn cực đoan sẽ bị mài cho bớt sắc bén. Chính sách quốc gia sẽ bớt bị đẩy nghiêng về một hướng. Ngôn ngữ sỗ sàng sẽ giảm bớt vì không thu hút được những người trung dung tỉnh táo. Từ đó, mọi người dễ thỏa hiệp với nhau hơn.

Nghĩ cho cùng, con người không có cách nào khác. Khi mọi người quần tụ với nhau thì cuộc sống phát sinh mâu thuẫn. Chế độ tự do dân chủ không tạo ra phép lạ nào, mà chỉ là những cách xếp đặt đời sống chung để chia phần quyền lợi được ổn thỏa, trong hòa bình. Cách chia phần lâu lâu cũng thay đổi, miễn sao giải tỏa các mâu thuẫn và xung đột mà không cần dùng bạo lực.

Trong khung cảnh tự do dân chủ đó, mỗi người theo đuổi các sở thích, lý tưởng, niềm tin của mình, miễn là công nhận người khác cũng có quyền như vậy. Cách sống tự do dân chủ đã tạo nên môi trường cho cuộc sống vật chất được nâng cao; ai cũng đã thấy. Riêng điều đó cũng đủ hấp dẫn rồi! Người Mỹ thực tế sẽ bảo vệ môi trường tự do dân chủ, vì rõ ràng nó ích lợi nhất! (Ngô Nhân Dụng)

Mời độc giả xem Bầu Cử 2018: Các ứng cử viên gốc Việt tạo nên lịch sử!

MỚI CẬP NHẬT