Wednesday, April 24, 2024

Người Việt: Một câu chuyện Mỹ-Việt

Ngô Nhân Dụng

Khi báo Người Việt ra đời, Internet chưa thông dụng, không ai tưởng tượng ra Người Việt Online hay Người Việt TV. Chủ tâm của ông Đỗ Ngọc Yến là xuất bản tờ báo in trên giấy, mãi mãi. Không ai ngờ ngày nay số người làm việc để xuất bản tờ báo Người Việt in trên giấy chỉ bằng một nửa số người làm cho ra tờ báo trên mạng, trong đó có phần truyền hình.

Năm 1978 số người Việt chạy thoát chế độ Cộng Sản ra sống ở nước ngoài còn ít, ở nước Mỹ chỉ gần 200,000, tại Quận Cam chưa tới 40,000. Tờ báo Người Việt đầu tiên chưa in tới 1,000 bản, phát hành tới San Diego và Los Angeles là xa nhất. Hiện nay có bốn triệu người Việt ở ngoài. Năm 2018, có ngày hơn 600,000 người vào đọc Người Việt trên mạng, từ khắp thế giới. Mỗi ngày, số người sống ở Việt Nam đọc báo Người Việt đứng thứ nhì, chỉ thua ở Mỹ. Nếu không có bức tường lửa thì độc giả Người Việt ở Việt Nam chắc sẽ đông nhất.

Tại sao Người Việt có thể phát triển như vậy?

Phải kể đến công sức, nghị lực và lòng tận tụy hy sinh của những người xây dựng tờ báo trong thời gian đầu. Nếu không phải con người kiên nhẫn, tận tụy hy sinh như Đỗ Ngọc Yến thì không ai có thể gây dựng thành tờ báo này. Từ lúc bước chân vào đất Mỹ, ông Yến đã chỉ muốn làm báo, làm báo bằng tiếng Việt, cho người Việt tị nạn đọc. Được các bạn Nguyễn Hoàng Đoan và Khánh Ly giúp phương tiện trong những tháng đầu tiên, nhưng ông Yến hoàn toàn tự túc về tài chánh, với số tiền tiết kiểm nhỏ nhoi, dành dụm sau ba năm hai vợ chồng làm việc.

Đỗ Ngọc Yến được mấy người làm báo trước năm 1975 như Duy Sinh, Du Miên, góp tay trong một thời gian đầu, nhưng phần lớn số người đến giúp sức cho tờ báo, trong đủ thứ công việc, là những thanh niên đã hoạt động cùng với Yến trong các phong trào công tác xã hội, giúp đồng bào tị nạn và những vùng thôn quê nghèo ở Việt Nam, trong những năm từ 1964, 1965.

Vì vậy những “cổ đông” đầu tiên sáng lập công ty Người Việt, vào năm 1981, chính thức khai thuế từ năm 1983, gồm có tám người, mà trong đó, ngoài Đỗ Ngọc Yến, không người nào đã từng làm báo. Những người bạn “công tác xã hội” này gồm Nguyễn Khả Lộc, Phan Huy Đạt Nguyễn Đức Quang, Tống Hoằng, Nguyễn Thiện Cơ, Lý Văn Chương, và Nguyễn Phước Quan. Họ góp tay với Đỗ Ngọc Yến vì thói quen “giúp ích” đồng bào, như họ đã từng làm công tác xã hội ở Việt Nam trước năm 1975.

Người Việt tị nạn cần có một tờ báo chuyên nghiệp, đứng đắn. Phải “nhào vô” xây dựng! Ý nguyện “giúp ích xã hội” này khiến sinh hoạt tờ báo giống như một hội thiện nguyện, không có vẻ gì của một cơ sở kinh doanh – nhất là trong mươi năm đầu tiên, không tạo được một đồng lợi nhuận! Nhiều người đi làm chỗ khác, lúc rảnh lại đến “làm báo.” Nhiều người chỉ làm cho tờ báo mà không lãnh một đồng lương!

Tinh thần “giúp ích xã hội” vẫn tiếp tục trong 40 năm, đúc kết trong quyết định sau cùng: Công ty Người Việt thuộc quyền sở hữu của Quỹ Hưu Bổng Nhân Viên Người Việt, quen gọi là ESOP. ESOP là một hình thức tổ chức kinh doanh đặc biệt chỉ có ở nước Mỹ, đặc biệt trong ngành truyền thông, để các nhân viên thụ hưởng thành quả do công việc mình làm. Ngay từ đầu, Đỗ Ngọc Yến vẫn chủ trương tờ báo phải thuộc về các nhân viên, giống báo Le Monde ra đời ở nước Pháp sau Thế Chiến, ông nói với phóng viên báo New York Times như vậy.

Nhưng báo Người Việt phát triển được tới ngày nay là nhờ ra đời ở nước Mỹ và hoạt động trong môi trường kinh tế, chính trị, xã hội nước Mỹ.

Có thể nói, báo Người Việt là một “Câu Chuyện Mỹ” tiêu biểu, “An American Story!”

Trước hết, đây là câu chuyện một “xí nghiệp garage!” Người Mỹ bây giờ vẫn hãnh diện về các đại công ty ra đời trong “nhà để xe” của người sáng lập, như HP hoặc Google. Trong hai năm đầu tiên, báo Người Việt cũng được “sản xuất” trong nhà để xe mà gia đình Đỗ Ngọc Yến thuê ở đường Euclid, thị xã Garden Grove, căn nhà hiện nay vẫn còn đó!

Người Việt không thể lớn bằng các đại công ty như HP, vì ngay từ đầu đã nhắm vào một góc thị trường rất nhỏ trong nghề truyền thông. Nhưng hiện giờ Người Việt cũng là tờ báo tiếng Việt lớn nhất ở ngoài nước Việt Nam! Trong lịch sử báo chí tiếng Việt, Người Việt là tờ báo tư nhân sống lâu nhất, không kể những tờ báo do những người cầm quyền nuôi nấng, từ thời Pháp thuộc tới thời Cộng Sản.

Chỉ nước Mỹ mới tạo cơ hội cho một tờ báo bắt đầu trong nhà để xe, sau 40 năm có thể phát triển để có 617,000 độc giả khắp thế giới vào đọc trong một ngày. Trong một hệ thống kinh tế tự do, những người làm việc cần cù, lương thiện, cung ứng những sản phẩm và dịch vụ được nhiều người chuộng nhất sẽ thành công mà không cần nhờ vả một chính quyền nào.

Hệ thống kinh tế tự do ở Mỹ phát triển được là do môi trường chính trị tự do dân chủ, pháp luật bảo đảm ai cũng có cơ hội đồng đều. Không cần phải thuộc dòng dõi quý tộc hay “con ông cháu cha,” ai cũng có thể tiến lên trên các bậc thang xã hội.

Đối với một cơ sở truyền thông như Người Việt, nước Mỹ đã tạo một điều kiện đáng quý nhất, là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Báo Người Việt đã thừa hưởng di sản của Tu Chính Án Thứ Nhất trong bản hiến pháp Mỹ, bảo vệ quyền công dân và quyền làm người.

Nhưng nếu chỉ có những cơ hội do hệ thống kinh tế, xã hội và chính trị của nước Mỹ tạo ra thì cũng không thể giải thích quãng đường thăng tiến của báo Người Việt trong 40 năm qua. Tờ báo dùng tiếng Việt ở một quốc gia nói toàn tiếng Anh chỉ có thể lớn lên khi dựa vào sự phát triển của cộng đồng những người sử dụng tiếng Việt!

Trong 40 năm qua, những người Việt Nam tị nạn Cộng Sản đầu tiên ở Quận Cam từ 1975 đã trở thành một khối nam châm, thu hút thêm nhiều người Việt khắp nơi kéo về. Với các đức tính nhẫn nại; cần kiệm; biết hy sinh hưởng thụ để xây dựng tương lai; đầu óc đầy sáng kiến và thích ứng nhanh với hoàn cảnh; nhiều lớp người Việt ở Quận Cam tiếp tay nhau đã tạo thành một cộng đồng kinh tế phồn thịnh. Mấy trăm ngàn người đó, hoặc sản xuất, hoặc cung cấp dịch vụ, hoặc tiêu thụ, đã nuôi sống những cơ sở truyền thông đa dạng và phong phú như hiện nay. Cho nên Người Việt không phải chỉ là một “câu chuyện Mỹ,” mà phải gọi là một câu chuyện “Mỹ-Việt!”

Lịch sử 40 năm của nhật báo Người Việt đi song hành với lịch sử phát triển của người Việt Nam sống trong vùng “thủ đô” của người Việt chạy nạn Cộng Sản, của người Việt khắp thế giới. Chúng ta mừng ngày kỷ niệm Người Việt 40 năm, đồng thời chung vui với những tiến bộ do mọi người Việt khắp năm châu đã đạt được trong 43 năm qua. (Ngô Nhân Dụng)

MỚI CẬP NHẬT