Friday, March 29, 2024

Phải chăng Tổng Thống Trump đứng trên pháp luật?

Lê Phan

Ngay cả theo tiêu chuẩn của một tổng thống vốn đã tạo nhiều cú shock kể từ khi ông lên cầm quyền, biến cố đã diễn ra ở hai tòa án khác nhau ở Hoa Kỳ hôm Thứ Ba, 21 Tháng Tám vừa qua, quả là đáng ngạc nhiên. Chỉ cách nhau có vài phút, hai trong số những phụ tá thân cận của Tổng thống, chủ tịch ban vận động tranh cử Paul Manafort và luật sư kiêm “fixer in chief” Michael Cohen đều trở thành những người đã mắc tội hình sự.

Ông Manafort, mà sự nghiệp vận động cho đảng Cộng Hòa bắt đầu suốt từ thời Tổng Thống Gerald Ford, sẽ bị kêu án cho tám cáo buộc từ gian lận ngân hàng đến tránh thuế. Tệ hơn, người có thời hết sức trung thành, ông Cohen, đã nói là tổng thống Hoa Kỳ đồng lõa trong một hành động phạm pháp, tuyên bố khi đã tuyên thệ là ông Trump đã ép ông trả tiền bịt miệng cho một cô tài tử phim sex và một cô người mẫu cho Playboy để chặn không cho tin tức từ các liên hệ ngoại tình với họ khỏi bị tiết lộ trước cuộc bầu cử năm 2016. Điều đó là một vi phạm luật tài chánh về bầu cử.

Đột nhiên, như tờ Financial Times ở London đã chỉ ra “Câu chuyện dài về Tòa Bạch Ốc đã chuyển từ một màn bi kịch chính trị trở thành một cuốn phim về một đám gangster.” Tối thiểu thì việc này tạo nên một nghi ngờ về khả năng phán đoán của tổng thống và về những thân hữu đã là bạn ông. Hơn thế, lời nói lập đi lập lại ở cửa miệng của ông – rằng ông là nạn nhân của một cuộc săn phù thủy – đang ngày càng trở thành vô nghĩa. Tuy tổng thống và Tòa Bạch Ốc cố gắng nhưng thật khó mà có thể nói bản án đạt được ở tòa lại là “tin dỏm.”

Sự bảo vệ của ông bây giờ cũng lung lay. Những vụ kết tội hôm Thứ Ba không liên hệ gì đến cáo buộc đồng lõa giữa ban vận động Trump và sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016, vốn đã nguyên thủy tạo ra cuộc điều tra do Công Tố Viên Đặc Biệt Robert Mueller thực hiện.

Nhưng hôm Thứ Tư, luật sư của ông Cohen nói là thân chủ của mình có thông tin liên quan đến chính điều đó. Cứ nghĩ đến Tom Hagen, “quân sư” của Vito Corleone, bố già trong cuốn phim “Godfather” của Francis Coppola, đe dọa sẽ tiết lộ hết mọi sự. Điều đáng nói nhất của lời thú tội của ông Cohen là ông đã khai trước tòa là ông Trump bảo ông làm một hành vi phạm pháp, rồi man khai để che dấu.

Dĩ nhiên đây sẽ không phải là ngày cuối cho Tổng Thống Trump. Nhưng nó có nghĩa là những nguy cơ pháp lý mà tổng thống thấy mình đang rơi vào ngày càng gia tăng. Việc ông Manafort bị kết tội đã cho thấy lối làm việc của Công Tố Viên Đặc Biệt Mueller hữu hiệu, và gây nguy hiểm hơn cho tổng thống nếu ông muốn chấm dứt cuộc điều tra này. Ông cựu giám đốc FBI chưa đụng chính diện vào vấn đề Nga. Nhưng ông đã bắt đầu lục tìm ra tham nhũng ở ngay trung tâm của hệ thống chính trị Hoa Kỳ.

Những vụ kết tội này cũng gia tăng thêm áp lực cho các ứng cử viên Cộng Hòa. Họ đi vào một cuộc bầu cử giữa kỳ với thêm một gánh nặng phải giải thích cho vụ scandal mới nhất. Những ủng hộ viên thật trung thành với tổng thống có thể không nhúc nhích. Đa số họ biết họ bỏ phiếu cho ai. Nhưng khi cái thòng lọng luật pháp siết chặt thêm quanh những phụ tá của tổng thống, bên Cộng Hòa sẽ cảm thấy khó mà không bị vạ lây. Những đối thủ Dân Chủ của họ đã được một món quà và đã nhanh chóng sử dụng nó, gọi bên đảng Cộng Hòa là “một doanh nghiệp tội phạm.”

Trong khi đó, cuộc tấn công không ngơi nghỉ của tổng thống và các luật sư của ông vào cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt đang mất hiệu nghiệm. Theo một cuộc thăm dò dư luận của Fox News phổ biến tuần này thì 59 người ghi tên trong danh sách cử tri ủng hộ cuộc điều tra của ông Mueller vào sự có thể có điều phối giữa Nga và ban vận động Trump trong cuộc bầu cử năm 2016, trong khi chỉ có 37% không ủng hộ. Đó là tăng từ 48% ủng hộ trong cùng một cuộc thăm dò đó hồi Tháng Bảy và 55% vào Tháng Sáu.

Với cái sự cứ từ từ như những giọt nước những tiết lộ và kết tội tiếp tục, người Mỹ phải đối diện với một câu hỏi đơn giản, tờ The Economist viết: Phải chăng ông Trump đứng trên pháp luật?

Ông Cohen nói ông Trump yêu cầu ông trả tiền bịt miệng – một việc không phạm pháp cho một công dân bình thường, nhưng coi như là tiền đóng góp không tuyên bố khi nhân danh một ứng cử viên như ứng cử viên Trump. Người ta có thể hỏi: Vậy có sao không? Bởi vì Hoa Kỳ coi việc vi phạm luật tài chánh bầu cử như là bị phạt vượt tốc độ hay bị ăn trộm: thường nó chỉ là kết quả của việc điền sai giấy tờ hay đếm sai. Có lý do cho thái độ bao dung này. Khi cử tri bầu một ai đã bẻ cong luật lệ, nó đặt ra một sự đối đầu giữa tòa án và cử tri vốn khó giải quyết.

Nhưng ông Trump không bị cáo buộc sai lầm trong việc lập hồ sơ, nhưng là trả tiền mua chuộc để chặn một câu chuyện gây thiệt hại. Chuyện đó nghiêm trọng hơn, và là một điều đã đủ để chấm dứt sự nghiệp của ông John Edwards, một chuẩn ứng cử viên tổng thống cho bên Dân Chủ, khi ông bị bắt quả tang trong một việc tương tự. Không thể nào biết được là liệu ông Trump có đắc cử nếu chuyện đó được công khai hay không. Ngay cả trong trường hợp này, triển vọng là ông có thể không thắng cử tạo nên những câu hỏi về tính chính đáng của sự đắc cử của ông, chứ không phải chỉ tuân thủ luật về tài chánh bầu cử.

Thế còn cái thông lệ, vốn đã có từ thời ông Nixon, rằng Bộ Tư Pháp không cáo buộc một tổng thống đương nhiệm? Cũng vậy, có lý do chính đáng cho việc này. Cũng như với vi phạm luật về tài chánh vận động, một sự cáo buộc như vậy sẽ dẫn đến tranh chấp giữa hành chánh và tư cách đại diện dân chủ của tổng thống và do đó khó có thể có kết quả tốt. Thông lệ này dĩ nhiên sẽ bị gạt sang một bên nếu một tổng thống đương nhiệm phạm một tội nghiêm trọng, chẳng hạn như sát nhân. Nhưng trả tiền bịt miệng để tránh những chuyện bất tiện về một vụ ngoại tình không nghiêm trọng như vậy.

Các vị cha già dân tộc Hoa Kỳ khi thảo ra hiến pháp muốn cho phép tổng thống thi hành nhiệm vụ mà không bị sự phân tâm không cần thiết. Nhưng, ngay sau khi mới lâm chiến chống lại Vua George III, họ khẳng định là chức vụ tổng thống không phải là một vị vua được bầu lên. Không thể vì tổng thống có một hành động mà hành động đó trở thành hợp pháp.

Vấn đề của Hoa Kỳ nay đang đối diện là thông lệ của Bộ Tư Pháp không khởi tố một tổng thống đương nhiệm là sản phẩm của một thời đại khác, khi một tổng thống có thể được chờ đợi từ chức với một tí xíu danh dự trước khi cáo trạng được đưa ra. Tổng Thống Nixon đã làm như vậy. Cái tiêu chuẩn đó không còn hiện hữu nữa. Hiến pháp bất thành văn nay nói trên thực tế, nếu ông tổng thống đủ mặt dày thì một tổng thống trên thực tế đứng trên pháp luật.

Điều này có nghĩa là giải pháp duy nhất cho một sự đụng độ mà ông Trump gây nên giữa tòa án và cử tri sẽ là một giải pháp chính trị. Cuối cùng quyết định đuổi việc một tổng thống là vấn đề chính trị, không phải luật pháp. Chả thế mà trong chương Federalist 65, ông Alexander Hamilton giải thích tại sao Thượng Viện chứ không phải Tối Cao Pháp Viện, sẽ xử một tổng thống, bởi “ai có thể xứng đáng làm người phán xét cho quốc gia hơn là chính các vị dân cử?” Không ai, theo ông, có đủ “niềm tin vào vị thế của mình” để làm điều đó.

Nhưng thật buồn thay vì niềm tự tin của các vị dân cử ngày nay có vẻ đã không còn nữa, để nền dân chủ Hoa Kỳ trong một trạng thái kỳ lạ. Cho đến nay các vị dân cử Cộng Hòa đã tiếp tục ủng hộ tổng thống. Chỉ có một cái có thể thay đổi là thành tích của cuộc bầu cử giữa kỳ tệ quá đến nỗi đủ số trong đám chính trị gia Cộng Hòa này coi tổng thống là một gánh nặng trong khi tranh cử. Nhưng bên Dân Chủ tuy có thể thắng được bên Hạ Viện và cả bên Thượng Viện nhưng đa số ba phần tư thật khó có thể đạt được.

Những gì ông Cohen nói ở tòa đã cho thấy tổng thống Hoa Kỳ là một đồng âm mưu không bị cáo buộc trong một số các tội liên bang. Điều này thật đáng buồn. Vì dầu sao chăng nữa, thế giới vẫn còn coi Hoa Kỳ là ngọn hải đăng dân chủ, và trong nền dân chủ lý tưởng đó, không một ai, kể cả tổng thống, có quyền đứng trên pháp luật. (Lê Phan)

MỚI CẬP NHẬT