Thursday, March 28, 2024

Tại sao Trung Cộng nghĩ sẽ thắng cuộc chiến mậu dịch?

Các lãnh tụ Trung Cộng có vẻ hết sức tự tin là họ sẽ thắng một cuộc chiến mậu dịch với Tổng Thống Donald Trump.

Các phương tiện truyền thông nhà nước đã diễn tả tổng thống là một kẻ bắt nạt liều lĩnh cố tình tìm các phá hoại hệ thống mậu dịch toàn cầu, trong khi diễn tả nhà cầm quyền Bắc Kinh là một chiến sĩ cho tự do mậu dịch. Và lãnh tụ Trung Cộng, ông Tập Cận Bình, đã lợi dụng cuộc đối đầu này để củng cố thông điệp của đảng Cộng Sản là Hoa Kỳ đang cương quyết chặn sự thăng tiến của Trung Cộng – nhưng rằng nay Hoa Kỳ không làm nổi nữa vì Trung Cộng quá mạnh, nền kinh tế của họ quá lớn.

“Trung Quốc không sợ chiến tranh mậu dịch,” Thứ Trưởng Tài Chánh Chu Quang Dao tuyên bố ở một cuộc họp báo bàn về những biện pháp phản công có thể đưa ra. Hơn một lần ông dẫn lịch sử của “Tân Trung Quốc” – vốn bắt đầu cuộc hồi sinh kinh tế phi thường cách đây bốn thập niên – như là bằng cớ rằng nó sẽ “không bao giờ đầu hàng áp lực từ bên ngoài.”

Thiếu vắng trong những lời tuyên bố hung hăng và tuyên truyền là những phương thức đáng đặt câu hỏi mà Trung Cộng đã sử dụng để đẩy các công ty ngoại quốc ra khỏi các thị trường kỹ thuật then chốt – và sự việc là trong tính toán lý trí của các nhà kinh tế, Trung Cộng dễ bị tổn thương trong một cuộc chiến mậu dịch hơn là các viên chức của họ công nhận.

Xuất cảng đóng một vai trò chính trong tăng trưởng kinh tế của Trung Cộng. Vì Hoa Kỳ mua quá nhiều từ Trung Cộng, Washington có thể có nhiều cách để tấn công vào các nhà sản xuất Trung Cộng hơn. Ngược lại, thuế quan trả đũa mà Bắc Kinh đề nghị đã chiếm đến một phần ba những gì mà Trung Cộng mua từ Hoa Kỳ, khiến họ sẽ có ít lựa chọn hơn để phản pháo.

Tuy vậy trong lãnh vực chính trị ông Tập có những lợi khí cho phép ông đối phó với hậu quả kinh tế hơn là ông Trump. Sự chế ngự độc tài của ông đối với truyền thông và đảng có nghĩa là không có bao nhiêu người cũng như không có bao nhiêu chỗ cho ai chỉ trích chính sách của ông, trong khi Tổng Thống Trump phải đối phó với những than phiền từ các công ty Hoa Kỳ và người tiêu thụ ngay trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào Tháng Mười Một.

Nhà cầm quyền Trung Cộng cũng có nhiều kiểm soát trên nền kinh tế hơn, cho phép họ có thể che chở cho công chúng khỏi bị mất công ăn việc làm hay đóng cửa xí nghiệp bằng cách ra lệnh cho các ngân hàng hỗ trợ cho những kỹ nghệ bị ảnh hưởng bởi thuế quan của Hoa Kỳ. Trung Cộng có thể rải cái đau đớn của một cuộc chiến mậu dịch trong khi chịu đựng nhiều năm thiệt hại trong các công ty quốc doanh vốn chế ngự khu vực chính của nền kinh tế.

Ông Arthur R. Kroeber, giám đốc điều hành của Gavekal Dragonomics, một công ty nghiên cứu thị trường ở Bắc Kinh, giải thích, “Cảm tưởng của tôi là ở Washington người ta có một cảm tưởng quá mức về sự đau đớn do các thuế quan này gây nên.”

Tệ nhất, ông dự đoán, hành động của Hoa Kỳ có thể cắt giảm một phần mười của một phần trăm trong tăng trưởng kinh tế của Trung Cộng – không đủ để buộc sự thay đổi toàn diện chính sách, nhất là khi các lãnh đạo Trung Cộng vẫn thấy những lợi ích quá lớn của khuôn mẫu kinh tế dựa trên sản xuất quốc doanh mà họ đã nhờ vậy đạt được phát triển kinh tế.

Đồng thời, các viên chức Bắc Kinh có vẻ tin là họ có thể lợi dụng điều mà họ coi là sự dễ bị tổn thương của hệ thống chính trị Hoa Kỳ. Giáo Sư Vương Dương, giáo sư kinh tế của Viện Đại Học Bắc Kinh giải thích tại sao Trung Cộng đã nhắm vào các nông sản như đậu nành như là những mặt hàng có thể bị thuế quan trả đũa “Khu vực nông nghiệp Hoa kỳ có khá nhiều ảnh hưởng ở Quốc Hội. Trung Quốc muốn hệ thống chính trị nội bộ của Hoa Kỳ làm hộ công việc cho mình.”

Và đã có dấu hiệu là nó có thể đúng. Chỉ vài giờ sau khi Trung Cộng loan báo thuế quan trả đũa hôm Thứ Tư, 4 Tháng Tư, chính phủ Trump đã tìm cách làm giảm lo sợ rằng một cuộc chiến mậu dịch sắp xảy ra, có vẻ như nói là họ sẽ không cần khai hỏa cho kế hoạch đánh thuế lên $50 tỷ hàng hóa xuất cảng từ Trung Cộng như ti vi màn hình phẳng, các dụng cụ y khoa và máy móc kỹ nghệ. Mặc dầu sau đó Tổng Thống Trump đã tiếp tục gây sự với yêu cầu cho Bộ Ngoại Thương tìm thêm các hàng trị giá $100 tỷ nữa để đánh thuế.

Tuyên bố trước đó một ngày, thứ trưởng tài chánh Trung Quốc, còn cám ơn các nhà nông chuyên trồng đậu nành của Hoa Kỳ và hiệp hội đại diện cho họ khi họ tuyên bố chống lại kế hoạch của chính phủ Trump.

Thêm vào đậu nành, Trung Cộng cũng đe dọa sẽ phản công với thuế đánh trên xe hơi Hoa Kỳ, hóa chất và các sản phẩm khác. Số 106 sản phẩm, nhiều loại được sản xuất ở những phần trên đất nước vốn đã ủng hộ Tổng Thống Trump, đã được chọn để gửi đến một khuyến cáo cho công nhân Hoa Kỳ và người tiêu thụ là họ sẽ bị thiệt hại trong một cuộc đối đầu kéo dài.

Ông Chu còn hung hăng tuyên bố “Nếu ai muốn chiến tranh, chúng tôi sẽ sẵn sàng nghênh chiến,” và sau đó hầu như đã đưa ra các điều kiện cho việc Hoa Kỳ đầu hàng: hủy bỏ mọi thuế quan đơn phương và giải quyết vấn đề qua Tổ Chức Mậu Dịch Quốc Tế. Ông Chu còn bảo “Nếu ông ta muốn điều đình thì cánh cửa vẫn mở.”

Trên toàn thế giới, chiến thuật của Trung Cộng là cô lập Hoa Kỳ, tách rời Hoa Kỳ ra khỏi các đồng minh Âu Châu và Á Châu vốn đáng lẽ chia sẻ quan ngại của Hoa Kỳ về chính sách mậu dịch trịch thượng của Trung Cộng nhằm bảo vệ những thị trường căn bản trong khi chiếm dụng kỹ thuật từ các công ty ngoại quốc.

Ông Kroeber nói một mặt trận đoàn kết chống lại Trung Cộng sẽ hữu hiệu hơn nhiều so với chỉ có thuế quan của Hoa Kỳ không thôi, nhưng cho đến nay tổng thống chưa xây dựng được một mặt trận như vậy.

Thay vì vậy, ông Tập đã phần lớn thành công trong việc chiếm thế thượng phong về đạo đức trên chính trường thế giới, trình bày Trung Cộng như là kẻ bênh vực tỉnh táo cho các thỏa thuận quốc tế về nhiều vấn đề từ mậu dịch quốc tế đến biến đổi khí hâu – mà tổng thống đã chỉ muốn từ bỏ.

“Phía Hoa Kỳ chỉ sẵn sàng tung ra chiến tranh mậu dịch viện bất cớ một lý do nào,” Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Trung Hoa hôm Thứ Năm, 5 Tháng Tư, vừa qua viết một bài bình luận gay gắt lên án chính sách thuế là “hoàn toàn đi ngược lại với chiều hướng kinh tế toàn cầu hóa.” Và tờ báo gằn giọng, “Hôm nay họ nhắm đến Trung Quốc, và ngày mai có thể nhắm đến các quốc gia khác.”

Đảng Cộng Sản cũng lợi dụng tranh chấp mậu dịch như là bằng cớ rằng Hoa Kỳ cố tình làm hại đến sự thăng tiến của Trung Cộng lên hàng một cường quốc toàn cầu, vốn đã là luận điệu chính sử dụng để biện minh cho sự cai trị của đảng và của ông Tập.

Hồi Tháng Mười Hai, 2017, truyền thông nhà nước cũng nhấn mạnh đến Chiến Lược An Ninh Quốc Gia mới được chính phủ Trump công bố, vốn tuyên bố là Trung Cộng “tìm cách thay thế Hoa Kỳ trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, nới rộng ảnh hưởng của nền kinh tế do nhà nước thúc đẩy và dựng lại trật tự vùng để có lợi cho họ.” Văn kiện này đánh dấu một sự thay đổi lưỡng đảng trong lập trường của Washington đối với Trung Cộng sau nhiều thập niên cộng tác và nhượng bộ kinh tế. Đảng Cộng Sản đã lý luận là mãi đến nay Hoa Kỳ mới thách thức Trung Cộng vì họ sợ mất vị trí ưu thế trong trật tự thế giới.

“Những biện pháp mới nhất của Hoa Kỳ chống lại Trung Cộng mang theo một ý tưởng bao vây, vốn được nói là khá thông thường trong các chính trị gia Hoa Kỳ,” tờ Global Times, tờ báo lá cải của Nhân Dân Nhật Báo viết. “Nhưng họ đã quên mất sự việc là Trung Quốc nay đã trở thành một trung tâm kinh tế khác cho thế giới.”

Rồi tờ báo nhắc lại là thị trường Trung Cộng nay “không nhỏ hơn hay ít hấp dẫn hơn” nền kinh tế Hoa Kỳ – kể ra thì nói quá hơi nhiều, nhưng không đến nỗi tệ như là cách đây một thập niên. Và điều đó làm cho Trung Cộng trở thành một đối thủ đáng kiêng nể hơn là Tổng Thống Trump tính toán.

Bài báo kết luận “Muốn lật đổ Trung Quốc sẽ có nghĩa là một trận chiến đặc biệt tàn nhẫn cho Hoa Kỳ.”

Chính sự kiêu căng đó mới thật đáng sợ. (Lê Phan)

Mời độc giả xem chương trình “Nói Chuyện Với Ngô Nhân Dụng” với đề tài “Tại sao các nước lại có hiệp ước thương mại?” (phần 1)

MỚI CẬP NHẬT