Thursday, March 28, 2024

Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc bận rộn nhất Châu Á?

Phạm Chí Dũng/Người Việt

“Không biết thủ tướng còn thời gian ăn ngủ nữa không?”

“Không biết thủ tướng còn thời gian ăn ngủ nữa không?” giống như một câu hỏi tự vấn mà có thể được suy diễn theo nhiều nghĩa, phát ra bởi ông Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội – vào những ngày gần đây.

Kêu thủ tướng và xin thủ tướng có vẻ như đang là mô thức vận hành của nền quản trị quốc gia. Bị cát tặc đe dọa – kêu thủ tướng. Bị chậm trễ trong việc điều tra tội phạm ấu dâm – kêu thủ tướng. Xây resort- xin ý kiến thủ tướng. Ðiều chỉnh giá xăng dầu- xin ý kiến thủ tướng,…

Chưa xét theo nghĩa bóng mà chỉ nhìn vào nghĩa đen, ông Nguyễn Xuân Phúc đang đầy triển vọng để nhận danh hiệu “Thủ tướng bận rộn nhất Châu Á.”

Nhưng tiếp đó, liệu ông Phúc có được tôn vinh “Thủ tướng xuất sắc nhất Châu Á” như trường hợp thủ trưởng cũ của ông là Nguyễn Tấn Dũng?

Thật quá khó để cho rằng nếu Thủ Tướng Dũng từng được một tờ báo thương mại nhỏ của Hàn Quốc dành cho biệt hiệu trên, trong khi rất nhiều dư luận ở Việt Nam lại phán quyết triều đại của ông Nguyễn Tấn Dũng là “phá chưa từng thấy,” Thủ Tướng Phúc sẽ tạo được những thành tích đủ lớn để cũng được xem là như vậy, dù loại thành tích ấy còn lâu mới đạt đến mặt bằng “kiến tạo” mà ngay trước mắt chỉ đơn giản là “đổ vỏ” cho đời “ăn ốc” cũ.

Nông nỗi nào?

Một năm sau ngày ông Phúc – gương mặt hớn hở lộ diện để nhận bó hoa tươi thắm trao lại cái ghế thủ tướng từ nụ cười gượng gạo của Nguyễn Tấn Dũng, cho đến giờ đã bắt đầu hiện ra vài bài viết đẩy vọt Thủ Tướng Phúc lên đỉnh vinh quang.

Một trong những cái đỉnh vinh quang như thế là một bài viết tập trung liệt kê một cách lộ liễu những đầu việc mà ông Phúc đã “làm được” như : Xem xét vụ quán Xin Chào; Rà soát bãi bỏ giấy phép con cho doanh nghiệp; Xem xét lại đào tạo tiến sĩ; Rà soát giảm phí BOT; Ðiều tra vụ Formosa và hỗ trợ ngư dân; Chỉ đạo đảm bảo cuộc sống cho người Việt tạm cư ở Campuchia trở về; Chỉ đạo truy tìm hung thủ vụ giết 4 bà cháu ở Quảng Ninh; Yêu cầu làm rõ nguyên nhân mùi hôi thối ở phía Nam Sài Gòn; Yêu cầu bỏ điều 292 bỏ tù người kinh doanh qua mạng; Lập đội phản ứng nhanh về an toàn thực phẩm; Yêu cầu làm rõ vụ nước mắm công nghiệp chứa Arsen; Chỉ đạo làm rõ thông tin bổ nhiệm người nhà; Yêu cầu thanh tra một sở có 44 cán bộ quản lý; Tinh giảm biên chế nhà nước. Yêu cầu xác định trách nhiệm xả lũ sai; Chỉ đạo khoán xe công; Chỉ đạo vụ xây nhà cao tầng, chung cư ở Hà Nội; Yêu cầu xử lý lấn làm xe buýt nhanh; Chỉ đạo cắt giảm biên chế nhà nước; Vạch ra vấn đề con ông cháu cha tại các tỉnh; Cấm công chức chúc Tết lãnh đạo và dùng xe công đi lễ chùa.

Với những đầu việc đã làm được ở trên thì công bằng mà nói, cái nét “chịu thương chịu khó” của Nguyễn Xuân Phúc đã hơn hẳn thói quan liêu mút mùa Nguyễn Tấn Dũng.

Nhưng nếu lật úp trang giấy, người ta lại nhìn thấy ngay cái mặt trái phiến diện kinh khủng của nó: nông nỗi nào mà một thủ tướng như ông Phúc lại phải quán xuyến không chỉ loại việc “thượng vàng” mà cả “hạ cám” vốn thuộc phần hành của đám nha sai địa phương? Chẳng lẽ hiệu lực quản lý của “Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” sau hơn bảy chục năm lịch sử “đảng quang vinh” đã chỉ còn ý nghĩa điều hành nghiệp dư vụn vỡ đến thế?

Người chỉ còn là cựu phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội – ông Nguyễn Sĩ Dũng – đã lý giải thích tình trạng “tất cả đổ cho thủ tướng” như sau: “Trước hết, đó là vấn đề phân cấp, phân quyền không đủ rõ ràng, mạch lạc. Kể từ khi Hiến Pháp năm 1960 được thông qua, chúng ta đã áp dụng mô hình song trùng trực thuộc kiểu Xô Viết cho hệ thống quản lý nhà nước. Nét đặc trưng của mô hình này là các cơ quan quản lý nhà nước các cấp vừa trực thuộc Ủy Ban Nhân Dân cùng cấp, vừa trực thuộc cơ quan quản lý cấp trên. Chính sự song trùng trực thuộc này làm phát sinh nhu cầu phải xin ý kiến cả hai nơi. Và kiểu gì thì cũng phải xin ý kiến cấp trên: xã xin ý kiến huyện, huyện xin ý kiến tỉnh, tỉnh xin ý kiến trung ương. Và hậu quả là cả 63 tỉnh, thành đều xếp hàng xin ý kiến thủ tướng…”

Nhưng chẳng lẽ tình trạng trên đã kéo dài đến gần ba chục năm sau khi Việt Nam “mở cửa” mà không được điều chỉnh gì?

Ông Nguyễn Sĩ Dũng lại giải thích: “Trong quá trình đổi mới, chính phủ đã cố gắng phân quyền nhiều hơn cho các địa phương. Tuy nhiên, việc này thường được triển khai theo nhu cầu thực tế, mà ít được dẫn dắt bởi một lý thuyết nào cả. Ngoài ra, việc phân quyền lại thường không đi kèm với việc bổ sung các thiết chế giám sát phù hợp, nên sự tự tung, tự tác đã xảy ra ở khá nhiều nơi.”

“Không ăn không làm”

Song tất cả cũng chỉ đến thế. Cái thực tế chồng chéo khủng khiếp cố ý ấy được ông Nguyễn Sĩ Dũng cố gắng làm nhẹ đi lại là một mô phỏng cho một sự thật về việc từ rất nhiều năm qua, nhiều bộ ngành đã tìm cách “ôm” hết các thẩm quyền cấp giấy phép, từ giấy phép mẹ đến vô số giấy phép con, để thu lợi cho ngành và vô số thu lợi bất chính khác,… mà gần như không quan tâm đến vai trò và công tác “hậu kiểm.” Trong khi đó, nhiều chính quyền địa phương cũng chỉ chăm bẳm đòi hỏi buộc các bộ ngành trung ương phải “nhả” quyền cấp giấy phép cho mình mà cũng chẳng thèm đoái hoài đến việc phải quản lý kinh tế-xã hội sau khi cấp phép. Một cuộc tranh ăn không hơn không kém. Kết quả là trong lúc nạn cấp phép trở nên quá nhiều và bừa bãi, nền kinh tế lại xuất hiện quá nhiều doanh nghiệp “ma” mà chẳng ai biết ở đâu đến và biến mất đàng nào. Xã hội cũng bởi thế nhanh chóng rơi vào trạng thái “loạn”: loạn cấp phép, loạn cấp quản lý, loạn thanh tra, loạn hành dân…

Ðể cuối cùng, hậu quả đang ứng với cái điều mà ông Nguyễn Sĩ Dũng phải thừa nhận: “Việc chức năng, nhiệm vụ không được phân định rõ ràng đang tạo cơ hội cho tâm lý dựa dẫm, ỷ lại bùng phát. Một việc không rõ thẩm quyền thì tốt nhất là xin ý kiến Thủ tướng. Một việc đã rõ thẩm quyền, nhưng xin ý kiến Thủ tướng sẽ đỡ phần trách nhiệm thì tại sao lại không xin?! Xin ý kiến để không phải chịu trách nhiệm đang là tâm lý khá phổ biến của nhiều lãnh đạo địa phương và các ngành hiện nay.”

Thật dễ hiểu là sau quá nhiều năm “ăn của dân không chừa thứ gì,” giới quan lại Việt Nam đã tích tụ được não trạng và thói quen “có ăn mới có làm,” đi cùng với “không ăn không làm.” Tất cả những gì thuộc về “không màu,” “không ăn” đều được đẩy vọt lên cấp chính phủ để các phó thủ tướng và thủ tướng phải cùng chịu trách nhiệm.

Và đó cũng là nguồn cơn vì sao Nguyễn Xuân Phúc lại xứng đáng đạt danh hiệu “Thủ tướng bận rộn nhất Châu Á.” Trong một nền hành pháp thuộc loại vô trách nhiệm nhất và cũng yếu kém nhất, thủ tướng bị biến thành một khổ sai chung thân.

Thế nhưng không phải khổ sai chung thân nào cũng nhận chân được thân phận mình. Mới đây lại có một bài báo trong nước đã cả gan so sánh Nguyễn Xuân Phúc với “tư tưởng khai phóng” của chí sĩ Phan Châu Trinh cùng quê đất Quảng gần một thế kỷ trước. Khỏi phải nói, không chỉ dư luận xã hội buông lời đàm tiếu đối với Thủ Tướng Phúc, mà những đối thủ chính trị của ông cũng vớ được cơ hội để tuôn ra gièm pha bất tận.

Trong khi cung đường thủ tướng của ông Phúc mới chỉ bắt đầu và chưa có bảo đảm là ông ta sẽ ngồi vào cái ghế cao nhất ở Ðại Hội 13 của đảng cầm quyền, nếu quả thực còn có sự kiện này, những bài báo trên quả là một cách để “giết” Thủ Tướng Phúc nhanh nhất – tương tự tâm lý “thổi sao” trong giới ca sĩ và showbiz ở Việt Nam.

MỚI CẬP NHẬT