Tổng Thống Trump đưa banh Iran qua quốc hội

Ngô Nhân Dụng

Tin từ Tòa Bạch Ốc cho thấy trong tuần tới Tổng Thống Donald Trump có thể sẽ “không xác nhận” rằng chính phủ Iran “thi hành đầy đủ” thỏa hiệp ngưng vũ khí nguyên tử. Hậu quả là nước Mỹ có thể sẽ xóa bỏ bản hiệp ước đã ký kết năm 2015. Trong khi tranh cử năm 2016 ông đã đả kích kịch liệt cựu Tổng Thống Barack Obama về bản hiệp ước “tai hại” này, và hứa với cử tri sẽ xóa bỏ.

Nếu tổng thống Mỹ “không xác nhận” cho Iran, hậu quả sẽ ra sao?

Trước hết, tổng thống sẽ trút trách nhiệm cho quốc hội quyết định phải làm gì. Tất cả tùy thuộc ý kiến của đa số các đại biểu, đặc biệt là các dân biểu và nghị sĩ Cộng Hòa. Trái banh ở chân họ, muốn đá sao thì đá.

Năm 2015, để hiệp ước Iran được quốc hội chấp thuận, ông Obama đã nhượng bộ, buộc vị tổng thống mỗi ba tháng phải báo cáo xác nhận “Iran thi hành đầy đủ;” và “bản thỏa hiệp bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ.” Nếu không đủ hai điều kiện này, quốc hội sẽ hành động. Trong năm nay Tổng Thống Trump đã hai lần “xác nhận” các điều kiện trên. Kỳ hạn sắp tới là ngày 15 Tháng Mười, ông có thể đổi ý kiến. Quốc Hội Mỹ có 60 ngày để quyết định.

Hiệp ước với Iran được ký kết với Mỹ và ba nước Châu Âu, Anh, Đức, Pháp, cùng với Nga, Trung Cộng, và đại diện Liên Hiệp Quốc. Những điều khoản chính trong đó đòi hỏi Iran phải giảm bớt 97% kho chất uranium đã tinh luyện (3% còn lại chỉ được sử dụng vào mục đích hòa bình); giảm bớt hai phần ba số nhà máy tinh luyện; và thanh tra Liên Hiệp Quốc có quyền kiểm soát coi Iran có làm đúng hay không. Để đổi lại, các quốc gia khác sẽ ngưng không cấm vận kinh tế Iran. Nhưng Mỹ vẫn được giữ những lệnh cấm vận đã đưa ra từ trước, không liên can đến bom nguyên tử.

Cho tới nay, các thanh tra Liên Hiệp Quốc vẫn xác nhận chính phủ Iran thi hành đầy đủ các cam kết; và khi bị tố giác các vi phạm nhỏ thì họ đều chấp nhận và thay đổi cho thích hợp. Các nước Châu Âu, Nga và Trung Cộng đều đồng ý với các thanh tra.

Nếu Mỹ rút khỏi bản hiệp ước 2015, Iran có thể lấy cớ đó tái lập các hoạt động tinh luyện uranium, đủ để làm bom nguyên tử, dù họ sẽ vẫn hứa hẹn không nhằm mục đích. Nếu các nước Châu Âu chấp nhận lời hứa của Iran, họ sẽ không tái lập các biện pháp cấm vận đã bỏ. Từ hai năm qua, Iran đã bán được dầu lửa cho Châu Âu, và nhận được nhiều chục tỷ đô la tiền đầu tư.

Các nước Châu Âu có thể không theo gót Mỹ mà rút ra khỏi bản hiệp ước, Nga và Trung Cộng chắc chắn sẽ chống lại. Khi đó, nước Mỹ sẽ phải hành động một mình.

Đa số dân Iran ủng hộ bản hiệp ước năm 2015, cho nên Tổng Thống Hassan Rouhani năm nay tái đắc cử; ông đánh bại các đối thủ “diều hâu” vốn không chấp nhận một thỏa hiệp nào với Tây phương và vẫn muốn làm bom nguyên tử. Nếu Mỹ rút, cán cân chính trị trong xứ Iran sẽ thay đổi.

Tại Mỹ, trong 60 ngày quốc hội có thể tái lập các biện pháp cấm vận Iran đã có trước khi ký hiệp ước. Họ cũng có thể đưa ra một đạo luật cấm vận mới. Luật mới này sẽ mở rộng phạm vi ngoài lãnh vực bom nguyên tử; đòi Iran phải ngưng cả các hoạt động khác nhằm bành trướng ảnh hưởng trong vùng Trung Đông.

Hiện nay Iran đang gây ảnh hưởng lớn trong vùng chung quanh. Quốc gia theo phái Shi A trong Hồi Giáo này đã trở thành một mối đe dọa cho các nước Ả Rập theo giáo phái Sun Ni trong đạo Hồi.

Từ năm 2003, sau khi Mỹ lật đổ chế độ Saddam Hussein tại Iraq, Iran càng ngày càng lên chân. Kẻ tử thù Hussein bị Mỹ treo cổ, Iran đã đặt chân vào nước này, nơi đa số dân theo phái Shi A, mà trong nửa thế kỷ trước bị một chính quyền theo phái Sun Ni cai trị. Cuộc nội chiến tại Syria giúp Iran cơ hội xâm nhập nước này, nơi gia đình Assad thuộc thiểu số Shi A nắm quyền. Lực lượng Hezbollah, theo phái Shi A ở Lebanon, được Iran trang bị và tiếp tế để qua Syria giúp Assad, đã chiến thắng và kiểm soát một vùng biên giới giữa hai nước. Iran cũng đang gây ảnh hưởng trên các nước Ả Rập nhỏ như Qatar và Oman, cạnh tranh với Vương quốc Saudi.

Iran đang đưa người, vũ khí và tiền bạc qua lũng đoạn các xứ Hồi Giáo khác, như tại Yemen, giúp nhóm người phái Shi A nổi loạn chống chính quyền phái Sun Ni được Ả Rập Saudi ủng hộ. Tại Iraq, quân nổi loạn Hồi Giáo cực đoan IS đang tan rã, nhưng chính phủ Haider al-Abadi phải lo làm sao đối phó với lực lượng “dân quân” do Iran huấn luyện và trang bị, đám quân thiện chiến đã giúp họ chiếm các cứ điểm sau cùng của quân IS. Trong những năm tới, nhóm này có thể trở thành một thế lực chính trị không khác gì quân Hezbollah ở Lebanon.

Cho tới nay, chính phủ Mỹ hầu như không có một chiến lược nào để đối phó với cuộc bành trướng của Iran, từ vùng Trung Á sang Địa Trung Hải và Hồng Hải. Tổng Thống Trump chỉ chú ý diệt quân khủng bố IS, vô tình giúp Nga và Iran bành trướng ở Syria, và riêng Iran tại Iraq. Nay ông Trump quay sang lo vấn đề Iran nhưng ông đặt trọng tâm vào vấn đề hiệp ước cấm làm bom nguyên tử.

Nếu Tổng Thống Trump có thể “đá trái banh Iran” sang cho Quốc Hội Mỹ, họ có thể nhân cơ hội này hành động giảm bớt tốc độ bành trướng ảnh hưởng của Iran trong cả vùng này. Nước Mỹ có thể sẽ yêu cầu Iran và các nước đã ký kết hiệp ước cũ mở cuộc đàm phán khác, để tiến tới một hiệp ước mới nhắm vào mục đích đó.

Mỹ có thể mở rộng phạm vi ngăn cấm những hoạt động của Iran ngoài lãnh vực bom nguyên tử, như việc chế hỏa tiễn (không nằm trong hiệp ước cũ). Họ cũng có thể yêu cầu kéo dài thời gian thi hành hiệp ước thay vì chỉ tới năm 2030. Ngoài ra, Mỹ sẽ đòi Iran cho các thanh tra Liên Hiệp Quốc được hoạt động dễ dàng và rộng rãi hơn.

Nhưng bằng cách nào chính phủ Mỹ có thể tạo áp lực cho các nước Châu Âu đồng ý theo con đường của mình?

Hiện nay bang giao giữa Mỹ và Châu Âu đang lỏng lẻo, sau khi Mỹ rút ra khỏi Hiệp Định Paris về bảo vệ khí quyển và lơ là với việc thảo luận một hiệp ước mậu dịch tự do xuyên Đại Tây Dương. Thái độ thân thiện với Nga của Tổng Thống Trump đi ngược với chính sách của các nước Đức, Pháp và Anh. Đại sứ Đức ở Washington, Peter Wittig, mới tuyên bố với nhà báo Mỹ rằng: Chúng tôi vẫn tôn trọng hiệp ước với Iran, và chúng tôi cũng mong quý quốc không ra khỏi hiệp ước đó mà tiếp tục tôn trọng.

Chính phủ và Quốc Hội Mỹ có thể làm đạo luật cấm vận mới, không cho các công ty buôn bán và làm ăn với Iran đi qua hệ thống ngân hàng Mỹ, trong đó có các công ty Châu Âu. Không thể biết trước điều này sẽ có hậu quả nào, vì chính các công ty và ngân hàng Mỹ cũng sẽ chịu thiệt hại.

Nhưng một hậu quả chắc chắn là phe diều hâu trong nước Iran sẽ thắng thế, thúc đẩy tinh thần chống Mỹ và quyết tâm chế tạo bom nguyên tử.

Có lẽ vì đứng trước hậu quả không sáng sủa đó, cả Ngoại Trưởng Rex W. Tillerson và Bộ Trưởng Quốc Phòng Jim Mattis đều đã nói rằng chính phủ Mỹ không nên xóa bỏ hiệp định Iran năm 2015, trước khi họ được nghe Tòa Bạch Ốc nói khác. Cũng vậy, Cố Vấn An Ninh Tòa Bạch Ốc HR McMaster đã gặp các nghị sĩ đảng Dân Chủ để tham khảo ý kiến về vấn đề hiệp định Iran, mà chắc chắn họ không muốn xé. Một khi Mỹ xé hiệp ước, Iran sẽ lập tức làm theo. Không còn bị ràng buộc nữa, họ có thể bắt đầu tinh luyện uranium có thể làm bom nguyên tử ngay bây giờ, không còn phải chờ 13 năm như cũ.

Ngoại Trưởng Iran Mohammad Javad Zarif mới hỏi một nhà báo Mỹ rằng: Nếu xóa bỏ hiệp định, thì bao giờ các nước trả lại chúng tôi 10 tấn uranium đã được tinh luyện? Những vật liệu nguy hiểm này đã được chuyển ra ngoài sau khi Iran ký hiệp định. Phần lớn được trao cho chính phủ Nga, ở nơi gần Iran nhất.

Dù Quốc Hội Mỹ sẽ quyết định chính sách nào đối với Iran nếu Tổng Thống Trump quyết định “không xác nhận” trong mươi ngày tới, ông đã “đưa trái banh” cho quốc hội đá. Các dân biểu và nghị sĩ Cộng Hòa sẽ phải lãnh trái banh này.

Đây là một nước cờ chính trị khôn khéo của ông Donald Trump, giống như ông vẫn thường làm trước đây. Việc xóa bỏ Obamacare, ông hoàn toàn giao khoán cho các nhà lập pháp, hai viện làm gì thì làm. Khi thất bại, ông có thể trút hết trách nhiệm cho họ. Ông cũng làm như vậy khi đá trái banh DACA sang cho quốc hội. Thay vì tự quyết định hành pháp sẽ làm gì với các di dân lậu là trẻ em được cha mẹ đưa vào Mỹ, ông Trump tỏ ra hòa hoãn sau khi gặp các đại biểu đảng Dân Chủ; nhưng chỉ phép thi hành thêm sáu tháng. Tương lai, ông để cho quốc hội toàn quyền quyết định. Giới lãnh đạo đảng Cộng Hòa sẽ còn lãnh nhiều trái banh từ Tòa Bạch Ốc đá qua.

Trong trận đá banh nội bộ này, Tổng Thống Trump luôn luôn thắng. Mối quan tâm lớn nhất của ông là bảo vệ niềm tin tưởng của 30 đến 40 triệu cử tri nòng cốt ủng hộ mình. Trong trận đá Iran, ông Trump có thể khoe với mọi người rằng ông đã làm đúng lời hứa tranh cử, vì ông muốn xé bỏ hiệp ước với Iran! Chuyện xảy ra sau đó là việc của quốc hội! Với Obamacare cũng vậy, không xóa được vì quốc hội bất lực. Với bức tường Mexico cũng không khác. Việc cấm di dân Hồi Giáo không thành thì lỗi tại tòa án! Ngoài ra, tất cả các tội lỗi khác đều có thể đổ cho giới truyền thông “fake news!” Những người ủng hộ Tổng Thống Trump đều rất hài lòng!