Trump lo lắng mậu dịch khiếm hụt

Ngô Nhân Dụng

Tổng Thống Donald Trump đã “tuýt” mấy lời giải thích sau khi tuyên bố sẽ đánh thuế nhập cảng thép, nhôm, và xe hơi: Ông than phiền tình trạng khiếm hụt mậu dịch của nước Mỹ. Ông quả quyết: “Chúng ta mất,… 800 tỷ đô la một năm. Không phải nửa triệu đô la, không phải 12 xu (cents) đâu. Chúng ta mất 800 tỷ đô la vì mậu dịch.” (We lost $800 billion a year on trade). Ông nhấn mạnh đến nước Tàu, Mỹ “mất 500 tỷ đô la” về khiếm hụt mậu dịch với Trung Quốc.”

“Mất hàng tỷ đô la” nghĩa là gì? Khi nào thì mình “mất” một tỷ đô la?

Nếu một tỷ đô la của quý vị chuyển qua tay người khác, mà quý vị chẳng nhận được cái gì cả, như vậy là “mất,” mất thật. Thí dụ như trong sòng bài. Thua một tỷ đô la là mất, mất biến luôn. Nhưng nếu quý vị đưa một tỷ đô la ra rồi được đổi lại bằng hàng hóa, dịch vụ, mà giá trị cũng bằng một tỷ, thì không thể nói là “mất.” Trong những lời chống khiếm hụt mậu dịch, ông Trump nói “mất” là theo ngôn ngữ sòng bài.

Trong đời sống kinh tế, không phải như vậy.

Nhưng Tổng Thống Trump không chú ý đến những chuyện nhỏ nhặt, ngay cả các con số do ông nêu ra. Ông nói, và nhắc lại nhiều lần, rằng cán cân thương mại nước Mỹ hụt $800 tỷ một năm. Nhưng trong năm đầu tiên ông Trump làm tổng thống, cán cân ngoại thương Mỹ chỉ thâm thủng khoảng $550 tỷ; năm trước 2016 chỉ hụt cỡ $500 tỷ. Với Trung Quốc cũng vậy, ông Trump cho con số $500 tỷ, nhưng lần đếm sau cùng, năm 2017, Mỹ chỉ bị hụt $375 tỷ khi mua bán với nước Tàu, và đó là con số cao nhất xưa nay, tăng 8% so với năm trước.

Khi một nước mua hàng ngoại quốc, trả tiền nhiều hơn số tiền nhận được khi bán cho nước ngoài, số tiền “khiếm hụt mậu dịch” đó chạy đi đâu?

Nếu mỗi năm người Mỹ chi ra 500 tỷ Mỹ kim, cứ như vậy trong 10 năm sẽ thành 5 ngàn tỷ. Năm này qua năm khác, đô la của Mỹ chạy qua nước khác! Không ai lại dại dột cất đô la dưới gậm giường hoặc chất đống trong “kho.” Những đồng tiền này sẽ tìm đường kiếm lợi. Và một con đường an toàn nhất là đem cho nước Mỹ vay. Chính số tiền cho vay đó giúp cho dân Mỹ tiếp tục tiêu thụ hàng hóa nước khác.

Có nhiều lý do gây nên khiếm hụt mậu dịch, nhưng một nguyên nhân căn bản là người dân thích tiêu thụ hơn tiết kiệm. Dân Mỹ tiết kiệm ít nhất, so với các nước kinh tế tiến bộ khác. Tiêu biểu là cách chi tiêu của chính phủ Mỹ. Ngân sách nước Mỹ luôn luôn thu ít, chi nhiều. Làm cách nào họ có thể cứ chi nhiều hơn thu như vậy? Vay nợ!

Chính phủ Mỹ đi vay bằng các bán công khố phiếu, ai muốn cho vay thì mua. Thế giới kéo nhau tới mua công trái Mỹ, tức là mua đô la Mỹ cho chính phủ Mỹ vay. Bởi vì họ nhiều tiền quá, cần  gửi vào một chỗ an toàn, ít rủi ro nhất. Tại sao họ nhiều tiền dư dả như vậy? Vì họ bán được nhiều hàng hóa cho các nước khác, trong đó có nước Mỹ.

Một quốc gia không thể nào kéo dài cảnh khiếm hụt mậu dịch nếu không vay nợ từ nước ngoài. Người ta có thể cứ tiếp tục đi vay như thế nếu những người cho vay không kéo đến đòi nợ cùng một lúc (và lãi suất thấp)! Cũng giống như một ngân hàng, họ đều “vay tiền” từ các trương chủ. Các ngân hàng mắc nợ những người gửi tiền. Nếu người ta cứ tiếp tục mang tiền tới gửi, không kéo nhau đến rút tiền ra cùng một lúc, thì ngân hàng còn tiếp tục “đi vay” cả bàn dân thiên hạ mãi mãi.

Nước Mỹ được lợi thế nhờ địa vị của đồng đô la, đang được dùng như đồng tiền chung của cả thế giới. Mỗi đồng đô la chúng ta cầm trong tay, đó là một “giấy nợ” của Ngân Hàng Trung Ương Mỹ. Khi cả thế giới dùng đô la mua bán với nhau, họ đang cho nước Mỹ vay nợ!

Năm 2017, Tổng Thống Trump thường khoe rằng nhờ có ông nên kinh tế tiến bộ, nhiều người có việc làm, tỷ số thất nghiệp giảm. Nhưng cũng trong năm đó, số khiếm hụt mậu dịch tăng thêm gần 10%! Có ai than phiền về cảnh phát triển kèm theo khiếm hụt không? Ngược lại, khi nào kinh tế Mỹ lâm cảnh suy thoái, thì lúc đó cán cân mậu dịch tự động bớt thâm thủng! Như trong mấy năm liền sau 2008!  Không người dân Mỹ nào muốn thấy lại cảnh đó!

Trong năm 2016, số khiếm hụt mậu dịch của Mỹ lớn bằng 2.7% Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP). Qua năm 2017, tỷ số tăng lên, bằng 2.9% GDP – nên nhớ GDP năm 2017 cũng cao hơn năm trước. Nếu bây giờ, năm 2018, chính phủ Mỹ cắt bớt được số thâm thủng mậu dịch, thì kinh tế Mỹ có nhờ thế mà phát triển hơn hay chăng?

Không chắc. Có thể ngược lại.

Thí dụ, sau khi Tổng Thống Trump đánh thuế cao hơn trên các món hàng nhập cảng, như thép, nhôm, xe hơi, như ông Trump đã hứa, số khiếm hụt mậu dịch của Mỹ đang từ 2.9% GDP (năm 2017) tụt xuống chỉ còn 0.9% GDP. Nói cách khác, nước Mỹ bớt nhập càng hàng ngoại, bớt được tới số lượng lớn bằng 2% GDP!

Câu hỏi là: Khi giảm bớt hàng nhập cảng lớn tới 2% GDP, thì số hàng sản xuất trong nước Mỹ có tăng lên một số tương đương, ít nhất cũng bằng 2% GDP hay không?

Giả thiết rằng các phương tiện sản xuất trong nước Mỹ (nhà máy, nguyên liệu, nhiên liệu, phương tiện vận chuyển, vân vân) hiện đang dư, chưa xài hết, muốn sản xuất thêm bao nhiêu cũng được. Khi đó, chỉ còn một vấn đề phụ: Phải có thêm người làm việc, để gia tăng số sản xuất bù vào lỗ trống vì bớt nhập cảng. Kiếm người ở đâu ra? Hiện nay kinh tế đang bước vào tình trạng “toàn dụng” (full employment), tức là rất khó kiếm ra thêm người làm việc. Tỷ lệ 4% thất nghiệp là con số bình thường khi kinh tế toàn dụng, vì lúc nào cũng có nhiều người đang tìm việc khi công việc thay đổi.

Một hậu quả là các xí nghiệp phải cạnh tranh đi tuyển người, giới lao động đòi tăng lương họ cũng phải chịu. Hơn nữa, khi hàng nhập cảng, như xe hơi, bị đánh thuế cao hơn, giá cả sẽ tăng lên ít nhất bằng số thuế bị đánh. Các nhà sản xuất nội địa sẽ có cơ hội tăng giá, ít nhất cũng gần bằng giá mới của hàng ngoại. Lương bổng tăng, giá cả tăng, lạm phát sẽ lên cao. Trước khi để chuyện đó xảy ra, Ngân Hàng Trung Ương sẽ phải tăng lãi suất. Lãi suất lên sẽ kìm hãm các hoạt động kinh doanh đồng thời đẩy giá trị đồng đô la Mỹ lên cao. Giá đô la tăng sẽ khiến hàng xuất cảng của Mỹ cũng tăng giá. Xuất cảng xuống sẽ khiến việc giảm khiếm hụt mậu dịch khó hơn.

Đó là chúng ta chưa nói đến phản ứng của các nước khác khi hàng hóa của họ bị Mỹ đánh thêm thuế nhập cảng. Họ sẽ trả đũa. Chiến tranh mậu dịch sẽ diễn ra. Nước Mỹ xuất cảng khó hơn. Thời 1930, chiến tranh mậu dịch đã kéo cả thế giới vào cơn đại khủng hoảng.

Trong khi đó thì số khiếm hụt mậu dịch không phải là thước đo kinh tế của một quốc gia mạnh hay yếu. Mà nếu muốn giảm bớt khiếm hụt mậu dịch, thì đánh thuế trên hàng nhập cảng không phải cách tốt nhất.

Khi nào nước Mỹ còn chi nhiều hơn thu, thì hậu quả tất nhiên là mậu dịch thâm thủng. Muốn mậu dịch bớt khiếm hụt, dân Mỹ phải để dành, tiết kiệm nhiều hơn. Muốn làm gương, biện pháp đầu tiên là chính phủ Mỹ giảm bớt thâm thủng ngân sách.

Điều này khó làm. Đạo luật cắt thuế mà Tổng Thống Trump mới ký sẽ làm tăng số khiếm hụt ngân sách thêm 1,000 tỷ Mỹ kim trong mười năm tới – nếu kinh tế phát triển tốt suốt 10 năm! (Ngô Nhân Dụng)

Nhật điều tra vụ người Việt bị lừa dọn rác phóng xạ ở Fukushima