Từ Dunblane đến giới hạn sở hữu súng ở Anh

Lê Phan

Hôm 13 Tháng Ba, 1996, chỉ bốn năm sau khi chúng tôi đã định cư ở Anh, tôi còn nhớ bản tin “Breaking News” của đài BBC lúc đó, ở cái thời chưa có điện thoại di động và Internet, đài loan báo tin qua hệ thống loa phát thanh. Bản tin cho biết một tay súng đơn độc xông vào một trường tiểu học ở Dunblane, Scotland, bắn chết 16 em học sinh và một giáo viên.

Chuyện xảy ra vào lúc 9 giờ sáng, khi ông Thomas Hamilton, 43 tuổi, có thời là huynh trưởng hướng đạo, xông vào sân vận động của một trường tiểu học ở thị trấn Dunblane hiền lành của Scotland. Chỉ 15 phút sau, 15 em học sinh cỡ năm, sáu tuổi gục chết dưới lằn đạn. Một em nữa chết ở bệnh viện. Cô giáo của các em, bà Gwen Mayor, 44 tuổi, một bà mẹ hai con, cũng thiệt mạng, được nói là cố che chở cho mấy đứa học trò. Hai giáo viên nữa bị thương nặng trong cố gắng tìm cách bảo vệ học sinh. Hung thủ Hamilton sau đó quay súng tự tử. Vũ khí của Hamilton là bốn khẩu súng lục, hai khẩu Browning HP, và hai khẩu Smith & Wesson Magnum.

Trong số 700 học sinh của ngôi trường tiểu học này có Andy Murray, cậu bé mà sau này trở thành cầu thủ quần vợt số 1 của nước Anh. Mãi đến năm 2014, bà Judy Murray, mẹ của Andy, mới đủ bình tĩnh để kể lại cho tờ Guardian biết về câu chuyện hôm đó. Bà kể lại: “Lớp của Andy đang sắp đi đến sân vận động. Nó ở gần vụ đó đến thế đấy. Họ nghe tiếng ồn và gửi người đi điều tra. Họ trở về và bảo đám học trò vào ngồi phòng của hiệu trưởng và giám học. Họ bảo tụi nhỏ ngồi thấp xuống rồi bắt đầu dạy các em hát. Các giáo viên và mấy bà làm bếp cho nhà trường đã làm một điều thật tuyệt vời, giữ yên được bầy trẻ con rồi đưa chúng ra mà chúng không biết chuyện gì xảy ra cả.” Bà cũng cho biết trong nhiều năm Andy từ chối nói về ngày hôm đó. Mãi đến khi xảy ra vụ thảm sát ở trường tiểu học Sandy Hook ở Newtown, Connecticut, anh mới đưa lên một thông điệp trên trang web: “Tôi vô cùng đau đớn chia sẻ với các em nhỏ tội nghiệp, gia đình của các em và cộng đồng ở Newtown ở Connecticut, buồn vô cùng.”

Trong cuốn tự truyện “Hitting Back,” Andy nhớ lại khi đó mới 8 tuổi đang đi đến sân vận động khi vụ bắn người xảy ra. Và nhớ lại một cô giáo đã giắt mình và các bạn vào phòng của ông hiệu trưởng để né tránh. Andy cũng bảo là các bạn mình có em bị thiệt mạng.

Nhiều người địa phương nghĩ là Hamilton là một kẻ hơi kỳ cục, một người cô đơn bị súng và các em bé trai ám ảnh, một người không thích ứng với cuộc sống. Nghe nói, hung thủ thù ghét phong trào Hướng Đạo và cộng đồng địa phương sau khi cảnh sát hỏi cung ông về những hành vi không thích hợp với các em hướng đạo sinh. Ông Raymond Reid, thư ký của câu lạc bộ săn bắn địa phương, từ chối cho Hamilton tham dự. Ông kể lại: “Hắn là một trong những người mà bạn có cái cảm tưởng là có cái gì không có cảm tình, hay ít nhất riêng tôi, tôi không ưa hắn.” Nhưng Hamilton có giấy phép mang súng, tuy chỉ là súng lục.

Vụ thảm sát này, vụ thảm sát bằng súng kinh khủng nhất ở Anh, có tạo một cú sốc cho quốc gia này. Sau vụ thảm sát, dân chúng địa phương ở Dunblane và thân nhân của các nạn nhân đòi hỏi được cho biết tại sao một người như Hamilton có thể được cho phép sở hữu súng. Một chiến địch vận động rất thành công trong những tháng sau đó chống lại sở hữu súng dẫn đến một kiến nghị thu thập được 750,000 chữ ký.

Chính phủ Bảo Thủ của Thủ Tướng John Major cho thành lập một ủy ban độc lập để thẩm định luật về súng và cách nào tốt hơn bảo vệ công chúng.

Cũng xin thêm là hồi năm 1987, sau một vụ một tay súng bắn chết 16 người, Quốc Hội Anh thông qua Luật Vũ Khí năm 1988 theo đó tất cả mọi người phải đăng ký súng trường và cấm hoàn toàn các loại súng bán tự động và tự động.

Chỉ một năm sau rưỡi sau vụ thảm sát ở Dunblane, Quốc Hội Anh thông qua lệnh cấm tư nhân sở hữu súng lục ở lục địa Anh, tạo cho Anh một trong những đạo luật kiểm soát súng cứng rắn nhất thế giới. Và sau cả hai vụ bắn tập thể này, cảnh sát Anh tổ chức nhiều cuộc “ân xá” súng trên toàn quốc, với kết quả là nhiều ngàn vũ khí và đạn dược được đưa tới nộp.

Nước Anh, cũng phải thêm, chưa từng có một “văn hóa súng” như ở Hoa Kỳ, nhưng trước khi có lệnh cấm, có khoảng 200,000 khẩu súng lục có đăng ký, hầu hết là sở hữu của những người thích đi săn và một số là kỷ niệm chiến tranh của các cựu quân nhân. Đạo luật dưới thời Thủ Tướng John Major còn cho phép các loại súng 22 ly được sử dụng cho việc bắn bia. Trừng phạt những ai sở hữu súng bất hợp pháp là từ phạt vạ đến tối đa 10 năm tù. Năm sau, chính phủ Lao Động lên và loại súng 22 ly cũng bị cấm luôn. Nhưng một số các câu lạc bộ bắn súng, câu lạc bộ săn, vẫn được quyền sở hữu súng, mặc dù những khẩu súng này phải có giấy tờ và cất trong tủ khóa kín.

Mặc dù có những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt như vậy, nhưng Anh vẫn còn khá nhiều súng. Scotland có khoảng 75,000 vũ khí có giấy phép kể cả súng săn. Ở Anh và xứ Wales, con số lên đến 1.8 triệu khẩu súng. Và dĩ nhiên có súng thì có chết người.

Tuy nhiên, kể từ khi các đạo luật kiểm soát súng được thi hành từ năm 1996, có vẻ như chiều hướng đã giảm. Năm xảy ra vụ thảm sát Dunblane được coi là năm mà án mạng về súng lên đến tột đỉnh, 84 vụ trên toàn quốc. Ngày nay, số những vụ án mạng vì súng chỉ còn một phần ba con số đó. Ở Anh và xứ Wales trong năm 2012-2013 chẳng hạn, cảnh sát ghi nhận 30 vụ án mạng dùng súng, 12 vụ ít hơn năm trước đó. Hiện nay ở Scotland, chỉ có 2% các tội sát nhân là do súng gây nên.

Ảnh hưởng lớn nhất tuy vậy là trong các hoạt động băng đảng. Ở Anh và xứ Wales chẳng hạn, trong năm 2015, chỉ có 28% tất cả các tội ác sử dụng súng dùng đến súng lục. Và ngay cả trong trường hợp này chỉ có 11% là có chạm súng, tức là khoảng 250 lần một năm.

Trong khi đó, Hoa Kỳ là nơi mà đến 90% các vụ sát nhân là dùng súng.

Và so với vụ Dunblane thì hồi năm 1996 có một vụ còn gây chấn động hơn nữa, không phải ở Anh mà là ở Úc, bên kia bờ đại dương. Năm đó, ở Port Arthur, tiểu bang Tasmania, một tay súng dùng súng bán tự động hạ sát 35 người. Vụ đó, cũng như vụ Dunblane, dẫn đến một phản ứng chính trị và việc quốc hội ban hành một đạo luật kiểm soát súng rất mạnh. Một loạt những loại súng lớn và bán tự động bị cấm. Chính phủ tổ chức nhiều đợt mua lại súng của dân. Kết quả thật là thành công mỹ mãn, một điều mà chính Tổng Thống Barack Obama cũng nhắc đến. Trong giai đoạn 18 năm từ 1979 đến 1996, có 13 vụ bắn người hàng loạt. Kể từ khi có luật mới, không có vụ bắn hàng loạt nào xảy ra cả.

Điều hiển nhiên là kiểm soát súng sẽ dẫn đến ít tử vong bằng súng hơn. Ở những quốc gia như Nhật, nơi hầu như không thể sở hữu súng, hầu như không có tử vong vì súng. Trong khi đó, ở Hoa Kỳ, nơi có trên 300 triệu khẩu súng, con số các vụ án mạng, tự tử, và thảm sát liên quan đến súng rất cao.

Sau mỗi lần có một vụ thảm sát ở Hoa Kỳ, đều có những kêu gọi kiểm soát vũ khí, nhưng bao giờ cũng vậy, những tổ chức như Hiệp Hội Súng Trường Quốc Gia (NRA) luôn dùng luận điệu “cấm sở hữu súng,” một điều mà họ nói là vi phạm Tu Chính Án số 2 của Hoa Kỳ, sẽ không ngăn cản những vụ thảm sát.

Dĩ nhiên, nếu khi người ta muốn giết người thì không có súng người ta sẽ dùng thứ khác. Một cái xe vận tải, một cái xe hơi, mấy con dao cũng có thể giết người. Nhưng ít nhất dao hay ngay cả xe vận tải cũng khó giết người hơn là súng. Và đó là lý luận mà người Anh chấp nhận.