Tưởng niệm Lưu Hiểu Ba

Ngô Nhân Dụng

Năm 1989 nhà phê bình văn học Lưu Hiểu Ba đang làm giáo sư thỉnh giảng ở Đại Học Columbia, New York, thì cuộc biểu tình của các sinh viên và công nhân tại Bắc Kinh bùng lên. Ông vội vã bay trở về Trung Quốc tham dự. Dần dần, ông được coi là một người lãnh đạo. Ngày 2 Tháng Sáu, Lưu Hiểu Ba cùng ba người bạn bắt đầu tuyệt thực đòi hỏi đảng Cộng Sản phải dân chủ hóa nước Trung Hoa.

Họ tuyên bố: Chúng tôi hô hào phát triển chế độ dân chủ ở Trung Quốc theo đường lối hòa bình. Chúng tôi chống bạo động dưới mọi hình thức. Nhưng chúng tôi cũng không sợ bạo lực.

Hai ngày sau đó, khi đảng Cộng Sản Trung Quốc đem lính và xe tăng tới bắn vào đoàn người biểu tình tại Thiên An Môn, Lưu Hiểu Ba tự đứng ra thương thuyết với đám sĩ quan chỉ huy để những sinh viên muốn bỏ cuộc có thể rút đi trong trật tự, nhờ thế đã cứu được hàng ngàn mạng sống. Khi lính bắt đầu bắn, nhiều sinh viên hăng hái quyết tâm bám trụ chống cự; cũng chính Lưu Hiểu Ba đã khuyên họ tránh mặt chờ thời. Lưu Hiểu Ba đã bị bắt và biến mất suốt hai năm trong nhà tù Cộng Sản mang tên Tần Thành (Qincheng, 秦城监狱), lúc đó ông 33 tuổi. Sau khi được trả tự do, ông được mời ra nước ngoài nhiều lần nhưng đều từ chối vì lo không được trở lại tranh đấu đòi dân chủ tự do ngay trên quê hương mình.

Năm 2008, Lưu Hiểu Ba cùng các đồng chí đưa ra bản Tuyên Ngôn Hiến Chương 08, công bố 19 bước tiến cụ thể dân chủ hóa nước Trung Hoa, thay đổi chính trị đồng thời với cải tổ kinh tế. Điều đáng khâm phục nhất là Tuyên Ngôn này đưa ra các thay đổi rõ ràng từng bước, tiệm tiến, chậm và vững chắc, bảo đảm kinh tế, xã hội không xáo trộn, và chính đảng Cộng Sản có thể thực hiện được một cách an toàn. Ông lại bị bắt giam vào cuối năm 2008, đưa ra tòa vào ngày 25 Tháng Mười Hai, 2009, và bị tuyên án 11 năm tù vì gán vào tội “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân,” giống như Việt Cộng vẫn kết án các nhà tranh đấu dân chủ ở Việt Nam.

Trong phiên tòa đó, Lưu Hiểu Ba đã giải thích, “Từ hai chục năm nay, 1989 đến 2009, tôi luôn luôn nói rằng cải tổ chính trị ở Trung Quốc cần thay đổi từ từ, trong trật tự, hòa bình, có thể kiểm soát được. Tôi luôn luôn chống đường lối thay đổi cực đoan gấp rút, lại càng chống cách mạng bạo động…, để chúng ta chấm dứt một chế độ phi dân chủ đàn áp nhân dân bằng gươm súng.”

Năm 2010, khi Lưu Hiểu Ba đang ở trong tù được bà vợ báo tin ông được trao giải Nobel Hòa Bình. Ông đã khóc vì nghĩ tới hàng trăm sinh viên, có thể hàng ngàn, đã bỏ mình tại Thiên An Môn năm 1989. Trong cuốn sách “Không Hận Không Thù” in trước đó, ông đã viết: “Tôi biết rằng từ đó trở đi tôi sẽ sống với mặc cảm phạm tội của một người còn sống, trước vong linh của những người đã chết.” Ông khiêm tốn thú nhận: “Cuộc thảm sát Lục Tứ (ngày 4 Tháng Sáu) ở Thiên An Môn… cho tôi thấy tôi thiển cận và ích kỷ thế nào, như giờ này tôi vẫn như thế; nó cũng dậy cho tôi bài học về sức mạnh của tình thương yêu; giúp tôi biết cái gì quan trọng nhất của cuộc sống.”

Vì Lưu Hiểu Ba ở trong tù, lễ trao giải Nobel đã đặt một chiếc ghế trống làm biểu tượng cho ông, trong lúc nữ tài tử điện ảnh quốc tế Liv Ullmann đọc bài diễn văn của ông. Lưu Hiểu Ba đã chọn ngay những lời tự biện hộ của mình trước tòa án năm 2009 làm diễn văn nhận giải Nobel Hòa Bình, với tựa đề “Lời tuyên bố sau cùng: Tôi không có kẻ thù.” Trong lời biện hộ này Lưu Hiểu Ba nói rõ ông không thù oán những kẻ đã bỏ tù ông, và ông nhắc lại niềm hy vọng Trung Quốc sẽ được tự do dân chủ. Tình yêu của bà vợ ông, thi sĩ Lưu Hà, (Liu Xia, 刘霞), được ông đặc biệt ca ngợi.

Trước tòa án Cộng Sản, Lưu Hiểu Ba đã nói đến niềm hy vọng của mình cho nước Trung Hoa, những lời này đã được cô Liv Ullmann đọc lại ở thủ đô Na Uy:

“Tôi hy vọng sẽ đến ngày trên đất nước tôi người dân sẽ có quyền tự do phát biểu; là nơi mà mọi công dân đều bình đẳng với nhau khi cất tiếng nói; nơi các ý kiến, niềm tin, giá trị và quan điểm chính trị khác nhau đều bảo đảm được nói lên để cạnh tranh với nhau một cách hòa bình; khi những ý kiến của cả đa số và thiểu số đều được bình đẳng…; nơi tất cả các quan điểm chính trị khác biệt đều được tự do phổ biến dưới ánh sáng mặt trời cho nhân dân lựa chọn; nơi người dân dám phát biểu các tư tưởng chính trị của mình mà không sợ bị đàn áp… Tôi hy vọng tôi sẽ là nạn nhân sau cùng của cuộc thanh trừng đàn áp bất tận trong giới văn học và mong rằng từ đây về sau không còn ai bị kết tội chỉ vì nói tự do nữa.”

Những ý kiến của Lưu Hiểu Ba do Liv Ullmann đọc lên sẽ được tất cả những người tranh đấu đòi tự do dân chủ ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc. Ông coi “… tự do phát biểu là nền tảng của quyền sống như những con người; là nguồn gốc của tình nhân loại, là mẹ đẻ của sự thật. Bóp nghẹt quyền tự do phát biểu là trà đạp lên nhân quyền, tình nhân đạo, và bóp chết sự thật.”

Ông biện hộ trước tòa án cộng sản rằng: “Để quyền tự do ngôn luận ghi trong hiến pháp được thể hiện, chúng ta, với tính cách một công dân Trung Quốc, cần (thi hành quyền tự do này để) làm tròn trách nhiệm xã hội của mình. Từ trước đến nay tôi chưa làm một điều gì trái với pháp luật. Nhưng nếu chỉ vì thế mà bị bỏ tù thì tôi cũng không than vãn gì cả.”

Trong nhà tù, Lưu Hiểu Ba đã viết: “Thù hận làm hư cả trí lẫn tâm con người.” Và “Nhìn người khác như kẻ thù là phá hoại đức bao dung và tình nhân đạo trong xã hội.” Ông đã sống theo đúng những điều ông nghĩ.

Lưu Hiểu Ba đã ra đi. Lịch sử Trung Quốc sẽ ghi tên ông như một người yêu nước, yêu tự do dân chủ, và suốt đời tranh đấu cho cả hai lý tưởng đó. Có lẽ những lời ông viết cho bà Lưu Hà khi đang ngồi tù sẽ còn được truyền tụng trong “văn chương tù” mãi mãi:

“Tình yêu của em là ánh sáng mặt trời vượt qua những bức tường cao, xuyên qua các chấn song sắt ở cửa sổ phòng anh, vuốt ve trên từng phân vuông trên da thịt anh, sưởi ấm từng tế bào trong thân thể của anh… giúp cho mỗi giây phút anh sống trong tù đều có ý nghĩa.”