Vì sao Trump và Tập khó tránh được một cuộc chiến mậu dịch

Lê Mạnh Hùng

Trong mấy tuần qua cả thế giới chăm chú theo dõi và đặt câu hỏi một cuộc chiến mậu dịch giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ làm sao xảy ra. Khởi đầu với $50 tỷ, rồi lên $100 tỷ chẳng mấy chốc là một cuộc chiến toàn diện về mậu dịch có thể sẽ xảy ra ngay.

Nhưng thực tế trước kia cho thấy, các cuộc đụng độ này thông thường cũng không dẫn đến một cuộc chiến mậu dịch toàn diện dù rằng việc dừng lại có thể làm mất mặt cả hai bên. Điều làm cho một cuộc chiến mậu dịch lần này có nhiều triển vọng xảy ra không những là vì bản tính của hai vị lãnh tụ hai nước mà còn vì một nguyên nhân sâu xa khác nữa.

Đối với ông Donald Trump, không tiến hành với việc tiếp tục đánh thuế quan gia tăng vào hàng Trung Quốc nếu Bắc Kinh không có những thay đổi có ý nghĩa trong chế độ bảo đảm tài sản trí tuệ và mô hình kinh tế của họ, là một điều không những chứng tỏ yếu đuối địa vị chính trị mà còn đánh vào chính bản chất “người hùng” của ông.

Đối với ông Tập Cận Bình nhượng bộ trước những gì mà chính phủ Trump đòi hỏi là một hành động tự sát về chính trị. Thành ra khó có một cách nào ra khỏi nan đề này mà không liên quan đến một cuộc chiến hoặc là một sự đầu hàng nào đó.

Động thái này được thể hiện qua một cuộc trao đổi hôm Thứ Sáu tuần rồi, 6 Tháng Tư, giữa Larry Kudlow, cố vấn kinh tế mới của ông Trump và một nhà báo Trung Quốc vốn cùng với khoảng một chục nhà báo Trung Quốc khác đến Tòa Bạch Ốc để nghe ông Kudlow giải thích về con số $100 tỷ thuế quan mới mà “boss” của ông loan báo tối hôm trước.

Nhà báo Trung Quốc này hỏi ông Kudlow: “Chủ Tịch Tập Cận Bình rõ ràng là không có bao nhiêu lựa chọn trong tay vì chính ông cũng đã thấy hiện đang có cao trào tinh thần dân tộc tại Trung Quốc. Theo quan sát của tôi thì có đến 90% dân chúng Trung Quốc sẵn sàng chiến đấu chống lại Mỹ trong một cuộc chiến thương mại. Nhưng tại Mỹ tôi không nghĩ là có 90% dân Mỹ sẵn sàng chiến đấu chống lại Trung Quốc. Như vậy làm sao ông chờ đợi rằng Trung Quốc sẽ nhượng bộ trong tình trạng này?”

Câu hỏi này đã làm cho vị cựu bình luận gia của Fox News phải dừng lại suy nghĩ và một lúc sau mới trả lời: “Liệu Trung Quốc có muốn là một phần của hệ thống kinh tế và thương mại toàn cầu hay không? Anh bạn, họ đang ở trong một tình trạng không thể tiếp tục được. Họ không thể nào tiếp tục vi phạm các luật lệ về thương mại như họ đã làm trong 20 năm qua. Họ không có ai khác ủng hộ. Đây không phải là vấn đề thể diện mà là vấn đề của một nền kinh tế hàng đầu hội nhập vào với phần còn lại của thế giới!”

Cuộc trao đổi còn tiếp tục, nhưng chỉ hai câu trao đổi này đã chỉ cho ta thấy một sự tính toán sai lầm quan trọng tại Washington vào lúc này. Chính quyền Trump có vẻ đã bất chấp không để ý đến động thái chính trị nội bộ của Trung Quốc khi họ theo đuổi các mục tiêu đòi hỏi các lãnh tụ Trung Quốc phải khuất phục trước những đòi hỏi của họ.

Trong một thế giới “America First” lý tưởng của ông Trump, điều đó cố nhiên là rất đúng. Ông Trump nghĩ rằng ông có thể làm áp lực với những thuế quan nhằm đền bù lại hàng chục năm trộm cắp các tài sản trí tuệ và bằng ý chí sẵn sàng chấp nhận một cuộc chiến thương mại toàn diện để buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ. Chính quyền ông biện hộ, hàng chục năm cố gắng thầm lặng của các chính quyền Mỹ trước đó đều đã thất bại. Bắc Kinh đã nuốt lời quá nhiều để có thể tin tưởng vào những hứa hẹn mơ hồ của họ.

Chính quyền Obama có một cách khác để đối phó với thách thức Trung Quốc. Ông Obama cũng đến kết luận rằng trật tự kinh tế thế giới không còn hoạt động hữu hiệu nữa, và cần phải đối phó với Trung Quốc. Nhưng giải pháp của chính quyền Obama là xây dựng những liên minh mậu dịch vùng rộng lớn và lâu dài bên ngoài khuôn khổ Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO) và dùng những liên minh này để đặt ra những luật lệ mới cho nền kinh tế toàn cầu mà dần dà sẽ buộc Bắc Kinh phải đi theo.

Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương mà ông Trump xé bỏ ngay trong ngày đầu nhậm chức chính là vũ khí để làm việc đó. Tương tự như vậy, một thỏa hiệp khổng lồ khác thương thuyết với Liên Hiệp Châu Âu mà hai bên hy vọng là sẽ cho một đối trọng mới cho các giá trị, quy luật và tiêu chuẩn của Tây phương trước thách thức của Bắc Kinh.

Trong lúc ông Trump và những phụ tá của ông lựa chọn một sự đối đầu gay gắt ngắn hạn để chiến đấu chống lại những thách thức có tính cách sinh tử thì những người tiền nhiệm của ông lựa chọn những giải pháp có tính cách chiến lược lâu dài. Thế nhưng cả hai đều thấy rõ là một cuộc chiến về kinh tế với Trung Quốc là một điều không thể tránh được. Và đó là lý do mà một cuộc chiến mậu dịch khó có thể tránh được xảy ra vào lúc này.

Cả hai đều không thể nhượng bộ trong cuộc chiến kinh tế này. Làm như vậy có nghĩa là bỏ thế kỷ thứ 21 cho bên kia chi phối. Phần thưởng mà hai bên dự trù có được thì lớn hơn nhiều những thiệt hại mà một cuộc chiến thương mại có thể tạo ra cho nền kinh tế bất chấp những cố gắng mà họ dùng để trấn an các thị trường tài chánh.

Thuế quan chỉ là một cách mà ông Trump và những cố vấn của ông dùng để đánh trong trận chiến này. Họ cũng đưa ra những hạn chế mới đối với việc Trung Quốc đầu tư vào Hoa Kỳ để ngăn chặn Bắc Kinh mua kỹ thuật của Mỹ.

Nhưng Trung Quốc cũng không thể nào cho phép Mỹ làm vậy mà không trả đũa. Trung Quốc thấy rõ những cố gắng này là nhằm chặn đứng kế hoạch của Trung Quốc nhằm bảo đảm một vai trò hàng đầu cho mình trong các lãnh vực kỹ thuật tiền tiến như AI hoặc Robot mà ông Tập đưa ra trong kế hoạch “Made in China 2025.”

Thành ra mặc dầu các nhà kinh tế, các nhóm doanh nghiệp và giới đầu tư trên thế giới tuần qua đều lên tiếng kêu gọi hai ông Trump và Tập hãy xuống thang và thương thuyết, ta vẫn thấy một cuộc chiến mậu dịch khó có thể tránh được. (Lê Mạnh Hùng)

Mời độc giả xem chương trình “Nói Chuyện Với Ngô Nhân Dụng” với đề tài “Tại sao các nước lại có hiệp ước thương mại?” (phần 2)