Thursday, March 28, 2024

Chín địa phương ở Việt Nam ‘cả nhà làm quan’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Bộ Nội Vụ của nhà cầm quyền Việt Nam bị thúc giục “khẩn trương kiểm tra, rà soát” việc tuyển dụng, bổ nhiệm “người nhà” tại 8 tỉnh và một bộ ở trung ương, tưởng đã chìm xuồng.

Theo VietNamNet hôm 3 Tháng Ba, 2018, Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc bị một đại biểu Quốc Hội gửi thư chất vấn nên đã thúc hối Bộ Nội Vụ phải điều tra bới móc lại một số sự việc tưởng đã được các ông cho “chìm xuồng” một hai năm trước sau mấy màn điều tra lấy lệ.

VietNamNet kể rằng một số bộ, ngành và địa phương “có tình trạng tuyển dụng, bổ nhiệm công chức không đúng quy định, như bổ nhiệm lãnh đạo nhiều hơn công chức chuyên môn, nghiệp vụ, bổ nhiệm người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, bố trí người nhà vào vị trí vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng…”

Cho nên ông thủ tướng đã “chỉ đạo Bộ Nội Vụ khẩn trương kiểm tra, rà soát” việc tuyển dụng, bổ nhiệm “người nhà” tại 9 địa phương, đơn vị. Thấy liệt kê ra trong đó có các vụ “bổ nhiệm người nhà” tại xã Hạ Sơn tỉnh Hà Giang; huyện Quỳ Hợp tỉnh Nghệ An; huyện A Lưới, Thừa Thiên – Huế; huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk; tỉnh Bình Định; huyện Phong Điền, Cần Thơ; Cục Thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thuộc Tổng Cục Thuế, Bộ Tài Chính; tỉnh Yên Bái; Trung Tâm Pháp Y thuộc Sở Y Tế Đà Nẵng.

Đồng thời cũng đã cho “kiểm tra, làm rõ nội dung báo chí phản ánh gia đình phó chủ tịch UBND huyện An Dương, Hải Phòng có 6 người cũng giữ các vị trí chủ chốt trong bộ máy chính quyền; người thân trong gia đình bí thư và phó bí thư huyện ủy Kim Thành, Hải Dương nắm giữ nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt trong huyện.”

Tất cả những vụ việc ở các tỉnh và cơ quan nêu trên đều đã thấy báo chí trong nước moi móc lai rai một hai năm trước về tình trạng “cả họ làm quan” tại một số địa phương. Chỉ có một hai nơi có một số người bị “cho thôi chức” tượng trưng còn phần lớn đều vẫn yên vị, lấy cớ “đúng quy trình.”

Ngày 26 Tháng Tư, 2017 nhân có chuyện ông phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình “yêu cầu Bộ Nội Vụ khẩn trương kiểm tra, làm rõ nội dung báo chí phản ánh” việc người thân trong gia đình bí thư và phó bí thư huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, phó chủ tịch UBND huyện An Dương, thành phố Hải Phòng “nắm giữ nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy chính quyền,” ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên thứ trưởng Bộ Nội Vụ nói trên trang mạng của đài VOV rằng: “Nếu thanh tra đồng bộ, toàn diện thì sẽ phát hiện nhiều nơi có hiện tượng ‘cả họ làm quan’ chứ không phải họa hiếm.”

Để chui vào guồng máy cầm quyền hầu có cơ hội ăn hối lộ tại Việt Nam, hai con đường phổ biến mọi người đều biết. Hoặc là con ông cháu cha, hoặc phải đút lót bằng tiền hoặc rất nhiều tiền tùy chức vụ, vị trí đẻ ra bao nhiêu tiền sau này.

Khi dư luận đang xôn xao thông tin tại huyện Kim Thành, theo tờ Dân Trí ngày 15 Tháng Tư, 2017, tỉnh Hải Dương có rất nhiều người thân của hai vị lãnh đạo huyện là Phó Bí Thư Lê Ngọc Sang và Bí Thư Nguyễn Hữu Tiến cùng làm lãnh đạo tại địa phương này, thì “chính quyền huyện Kim Thành lại cho rằng đây là việc hết sức bình thường, phổ biến.”

Nói chuyện với phóng viên tờ Dân Trí về việc này, “Đại diện UBND huyện Kim Thành nhìn nhận: Cái ‘mô hình’ này thì cả nước có nhiều. Còn như ở huyện này là hết sức bình thường.”

Theo ông Trương Trọng Nghĩa, một luật sư ở Sài Gòn và cũng là đại biểu Quốc Hội, lương công chức cán bộ rất thấp chỉ đủ cho 40% nhu cầu cuộc sống mà người ta vẫn tìm cách để chui vào. Báo mạng VOV ngày 2 Tháng Ba, 2017 thuật lời ông Nghĩa giải thích nguyên nhân là do “nguồn lợi và quyền lực.”

“Quyền lực” đẻ ra “nguồn lợi” nên cái đồng lương phát ra từ ngân sách nhà nước dù chết đói vẫn hấp dẫn. Ông Nghĩa phàn nàn: “… Người ta vẫn đua nhau để vào, bố trí cho người thân vào, chứng tỏ tham nhũng tiềm ẩn trong đó; vào đó cùng nhau tham nhũng, che chắn cho nhau.”

Giữa Tháng Hai năm ngoái, tờ Dân Trí kể rằng, theo Bộ Nội Vụ, sau hơn 1 tháng kiểm tra tại 9 địa phương, đơn vị mà dư luận, báo chí phản ánh được cho là có tình trạng “cả họ làm quan,” có 18 người có quan hệ ruột thịt, 40 người có quan hệ họ hàng…

Các địa phương, đơn vị này thấy liệt kê ra gồm: tỉnh Hà Giang; xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An; huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế; huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk; tỉnh Bình Định; huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ; Cục Thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thuộc Tổng Cục Thuế, Bộ Tài Chính; tỉnh Yên Bái; Trung Tâm Pháp Y thuộc Sở Y Tế thành phố Đà Nẵng.

Lúc đó, tờ Dân Trí kể: “Bộ Nội Vụ đã khẩn trương tiến hành kiểm tra, rà soát theo thông tin báo chí phản ánh, tổng hợp được 9 địa phương, đơn vị và yêu cầu báo cáo Bộ Nội Vụ về tình hình thông tin mà một số báo đưa tin.”

Bây giờ thì lại thấy ông thủ tướng “chính phủ kiến tạo” hô “khẩn trương” sau khi Bộ Nội Vụ của ông đánh trống xong đem dùi trống cất vào kho. (TN)

Mời độc giả xem phóng sự “Còn cần lắm những tấm lòng vàng ở trại phong Di Linh”

MỚI CẬP NHẬT