Thursday, March 28, 2024

Chợ Bà Hoa, chợ xứ Quảng giữa Sài Gòn

Trần Tiến Dũng/Người Việt

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Dù cho có thể kể thêm vài địa danh nữa, nhưng trước sau, dân nhập cư từ các tỉnh miền Trung vẫn đồng ý ở khu ngã tư Bảy Hiền vẫn là nơi dân Quảng Nam đông nhất; cộng đồng dân cư xứ Quảng nơi này, dù trải qua nhiều thế hệ ở Sài Gòn vẫn gìn giữ bản sắc mà điển hình là khu chợ Bà Hoa, vùng Bảy Hiền, Tân Bình.

Tất nhiên, chợ Bà Hoa do bà Hoa gầy dựng, dù công sức, công đức không bằng ông Thông Hiệp cất chợ Bình Tây; nhưng Bà Hoa từ những năm 1962, khi mà cộng đồng di dân người Quảng Nam đến Sài Gòn, công sức mở đất, dựng chợ cho dân tứ xứ mới đến mua bán tìm kế sinh nhai để được no ấm ở vùng đất mới, bấy nhiêu đó cũng làm nên công đức đáng truyền đời. Trò chuyện với một người thanh niên đến từ quận Bảy. Anh nói: “Tôi mới đến đây lần đầu nhưng nghe danh chợ Bà Hoa thì lâu rồi, khi thấy chợ đề bảng là chợ phường 11, tôi ngạc nhiên quá, vì chợ này có tên người lập, có lịch sử hình thành đáng tôn trọng, vậy mà họ xóa tên người sáng lập rồi gọi tên mới là chợ phường 11 là vô nghĩa, vô văn hóa hết chỗ nói.”

Đi chợ Quảng ở Sài Gòn, mua bánh tráng Quảng. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Thật ra chợ Bà Hoa chỉ là một chợ cỡ nhỏ của Sài Gòn-Chợ Lớn, nhưng coi vậy mà không nhỏ chút nào, cho dẫu không phải tất cả người dân gốc Quảng Nam đều đi chợ này, nhưng hầu hết các món đặc sản của vùng Trung phần “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm, rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say” đều có, hoặc duy nhất chỉ có thể mua, bán tại đây.

Gặp một người đàn ông, dáng công chức đang dẫn chiếc xe máy cũ đi chợ, trông ông có vẻ đang tìm kiếm thứ đặc sản nào đó. Hỏi ra thì đúng là ông đang đi tìm một loại chuối hột rừng về ngâm rượu uống trị nhức mỏi, đau lưng. Ông nói: “Mấy chợ nhỏ khác ở Sài Gòn đố tìm ra loại chuối hột rừng chỉ lớn bằng ngón tay. Tui nghe người ta chỉ ở chợ này có, nên đi kiếm, gởi người quen ở các tỉnh miệt ngoài mua cũng được nhưng không bảo đảm bằng ở đây.”

Bánh Thuẫn miền Trung. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Đường vô chợ, nổi bật là các quầy bán các sản vật gia vị đem từ Quảng Nam hay các tỉnh Trung phần vô để chế biến các món ăn đúng khầu vị người xứ Quảng. Chợ bán nhiều củ nén, một loại gia vị giống củ tỏi hoặc kiệu, nhưng vị cay thanh, thơm nồng hơn dùng để nấu món ăn ngon như lươn ướp củ nén nướng, cá kho củ nén, thịt bò ướp củ nén hay bánh canh cá lóc, đặc biệt là món cá chuồn chiên củ nén, món ăn dân dã, rẻ tiền nhưng hương vị thơm ngon của nó làm người ăn nhớ mãi. Gia vị bán nhiều ở chợ này sau củ nén là củ tỏi; vào thời tỏi Trung Quốc tràn ngập thị trường thì nhìn những củ tỏi Lý Sơn bày bán ở đây, có khi còn đáng tin là tỏi Lý Sơn, hơn cả các cửa hàng trong những khu du lịch ở các tỉnh Trung phần.

Ngày nay, khi các chuyến xe đò chạy đêm suốt từ miền Trung vô Sài Gòn thì sản vật xứ Trung phần tươi ngon từ con cá đến cọng rau thơm được bày bán đầy chợ bà Hoa. Người ta còn nhớ trước những năm 1990, các nhà hàng đặc sản cao cấp ở Sài Gòn thường khoe với khách hàng là cọng hành, trái ớt xanh và đặc biệt là cọng rau húng lủi xứ miền Trung được đáp máy bay vào tận Sài Gòn để có mặt trên tô mì Quảng của họ. Quả thật các loại rau thơm trồng ở xứ miền Nam không thể nào bì được với vị thơm nồng nàn hết ý của các loại rau gia vị miền Trung.

Một quầy bán gia vị đặc sản từ các xứ Trung phần. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Ở chợ Bà Hoa, phải kể đến các loại nguyên liệu để nấu “món đệ nhất Trung phần” là món mì Quảng. Trước biến cố 1975, do chiến tranh và đi lại khó khăn nên chợ này có nhiều tiểu thương tự chế biến tại chỗ các sợi mì Quảng. Sợi mì Quảng làm bằng bột gạo, xắt ra từ một loại bánh tráng dày còn tươi (không phơi khô), lúc đó ở khu chợ này chỉ có  vài người bán mì Quảng tự làm, truyền thống đó còn giữ đến ngày nay dù hiện giờ sợi mì Quảng, mì Cao Lầu đi xe đò vô nhiều, nhưng hương vị sợi mì Quảng làm ở chợ Bà Hoa-Sài Gòn vẫn có chỗ đứng riêng.

Bên cạnh các loại nguyên liệu chế món mì Quảng, chợ còn có một món không thể thiếu trong bữa cơm của người xứ Quảng là món mắm. Có thể kể ra đây các món mắm đặc trưng như mắm cái, mắm cá cơm, mắm cá thu, mắm cá nục, đặc biệt nhất là món mắm cá chuồn thính. Có câu ca: “Ai về nhắn với nậu nguồn/Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên.”

Bánh tráng là điểm đặc biệt khác của chợ Bà Hoa, dám cá là không có chợ nào ở Sài Gòn bán nhiều loại bánh tráng bằng ở đây. Môt vị Việt kiều Úc đi chợ nói: “Tôi tìm mua bánh tráng đem qua bển, bánh tráng mè ngon thiệt nhưng thằng con với mấy đứa cháu tôi ưa bánh tráng dừa lắm.”

(Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Một khác biệt của chợ Bà Hoa so với các chợ khác là ít có sạp quầy bán các đồ gia dụng thời thượng, hay mỹ phẩm nước ngoài; hầu hết là bán nguyên liệu thực phẩm đúng khẩu vị của người miền Trung xứ Quảng, ngay đến các loại bánh cũng vậy. Chúng tôi gặp mâm bán bánh thuẫn, loại bánh hầu như không còn tìm thấy đâu ngoài chợ này, người bạn đi cùng hỏi, anh có biết bánh tổ xứ Quảng không? Chúng tôi tưởng anh hỏi thứ bánh tổ của người Hoa Chợ Lớn, nhưng hóa ra không phải. Anh cười, nói:  Bánh tổ xứ Quảng là của người Quảng, Tết anh ghé chợ này mua ăn là biết liền hà.”

Thật ra giữa lúc Sài Gòn mọc lên như nấm sau mưa các cửa hàng tiện lợi theo mô hình nước ngoài thì việc ngôi chợ nhỏ, lâu đời nằm trong khu làng dệt Bảy Hiền này vẫn còn nhộn nhịp người ăn bánh bèo chén, bánh tráng nướng, xào các loại ốc biển ăn vặt, xe cà rem cây… dù chưa kể hết các món đặc trưng Trung Phần khác, người đi chợ vẫn tìm lại được không gian văn hóa chợ quê thân thương, điểm son truyền đời không bao giờ phai mờ trong ký ức người Việt. (Trần Tiến Dũng)

MỚI CẬP NHẬT