Thursday, March 28, 2024

Show ‘Táo Quân’ Tết Mậu Tuất trên ‘VTV bị chê ‘rẻ tiền, tục tĩu’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 15 Tháng Hai, tức 30 Tết, show diễn “Táo Quân” được phát trên đài truyền hình quốc gia (VTV) và thu hút sự tranh cãi sôi nổi trên mạng xã hội, chủ yếu ở khu vực Hà Nội và miền Bắc.

Trước giờ show này phát sóng, báo Zing tường thuật: “Để có được chương trình ‘Táo Quân’, êkíp và các nghệ sĩ đã phải tập luyện hàng tháng trời. Và lại chủ yếu là tập đêm, thậm chí xuyên đêm vì chỉ có đêm mới tập trung được đông đủ nghệ sĩ.”

“Táo Quân” cũng được coi là show diễn quy tụ đông đảo nghệ sĩ hài nổi tiếng của miền Bắc: Quốc Khánh, Công Lý, Tự Long, Vân Dung, Xuân Bắc, Quang Thắng, Minh Vượng,…

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải của show này được báo VNExpress dẫn lời: “‘Táo Quân’ là chương trình hài kịch giải trí. Việc tạo ra các tình huống gây cười là yếu tố tiên quyết. Nhưng bên cạnh sự hài hước, vui vẻ, ê kíp gửi gắm nhiều thông điệp, đồng thời phản ánh các vấn đề nhức nhối của xã hội trong năm qua. Xây dựng kịch bản ‘Táo Quân’ 2018 hay là một bài toán khó. Nhiều vấn đề nóng được chúng tôi cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng để mang lại hiệu quả tối ưu, vừa tạo ra tiếng cười, vừa có tính châm biếm, trào phúng sâu sắc. Đến phút chót tôi vẫn còn thay đổi và đưa thêm một phần kịch bản vào nội dung. Tôi nghĩ chương trình năm nay có nhiều điểm nhấn đặc biệt và sẽ tạo ra những luồng ý kiến khác nhau từ phía khán giả.”

Điều kỳ lạ là truyền thông Việt Nam tường thuật về chương trình “Táo Quân” giống như “sự kỳ vọng của đông đảo người dân” rằng show này sẽ điểm lại các vấn đề thời sự chính trị-xã hội-văn hóa nóng bỏng ở Việt Nam trong một năm qua. Chương trình năm nay được ghi nhận châm biếm thói sống ảo câu like, nghiện livestream của giới trẻ trên mạng xã hội.

Nhà báo Đào Tuấn của báo Lao Động bình luận trên trang cá nhân: “Chọn chủ đề ‘tranh ghế’ sau một năm biến loạn, phải công nhận ‘Táo Quân’ 2018 đã dũng cảm và chính xác khi chọn một cuộc ẩu đả quanh ‘cái ghế’, thay vì nịnh thối bằng một thanh thượng phương bảo kiếm! Một ‘vườn trẻ’ với những đứa bé vắt mũi chưa sạch ‘dậy thì thành công’ nhờ vào việc ‘cha mẹ là quan to’! Và ‘giá trị duy nhất của chúng mày là bố chúng mày’!”

“Những nguyên, cựu, đinh, lim, sến, táu, nắm giữ bí mật mặc cả bằng những cái ghế cho con cháu mà việc chúng bị loại/kỷ luật khỏi cái ghế thực ra mà những trò cùi chỏ, ngáng chân dưới thắt lưng, những cuộc đấu đá quyền lực chứ không phải vì cái sai của chúng. Và cả những nhóm lợi ích thù bạn, trắng đen trong một cái phẩy tay, cũng chỉ vì một cái ghế. Làm ‘Táo’ về những chủ đề nhạy cảm không dễ. Làm để hay, để lọt, để nói được một cách thâm thúy ai cũng hiểu nhưng ai cũng nghĩ chắc nó trừ mình ra thì còn khó hơn.”

Tuy vậy, xem xong show này, nhiếp ảnh gia Lê Thế Thắng, tự Thắng “Sói” bình luận trên trang Facebook cá nhân: “Là công dân bố đ** cần mang BOT với thuốc giả ra diễn táo quân làm trò cười rồi hòa cả làng. Bố cần dẹp trạm BOT, bố cần xử lý bộ trưởng Bộ Y Tế, cần mang bọn bán thuốc giả ra dựa cột. Bà mẹ Việt Nam anh hùng chỉ giỏi mị dân xỏ lá ba que.”

Ngay khi chương trình vẫn đang phát sóng, một số báo ghi nhận lời bình luận của ca sĩ Trung Quân “Idol” rằng “Táo Quân” là “chương trình nhạt nhất thế kỷ.”

Blogger Nguyễn Ngọc Long ở Sài Gòn bình luận trên Facebook: “Phí công hóng ‘Táo Quân’ cả tuần trời, cuối cùng phải coi một show hơi bị rẻ tiền, lạm dụng chọc cười bằng mấy trò dơ bẩn và tục tĩu.”

Đến nay, chương trình truyền hình “Táo Quân” bước sang năm thứ 15. Một tuần trước khi show diễn năm nay được phát, nghệ sĩ Chí Trung được các báo dẫn lời nói “Táo Quân” “đã lên đến đỉnh sau 15 năm và do vậy đã đến lúc dừng lại để thực hiện một chương trình khác.” (T.K.)

Mời độc giả xem phóng sự “Những chiếc bánh tét gói trọn yêu thương”

MỚI CẬP NHẬT