Tuesday, April 23, 2024

Microsoft đụng độ chính phủ Mỹ về vấn đề lục soát điện thư

WASHINGTON, DC (AP) – Các nhân viên công lực liên bang Mỹ mới đây thuyết phục một chánh án cho trát đòi Microsoft phải cung cấp nội dung của một trương mục điện thư, vốn theo họ có thể từng được sử dụng trong việc buôn bán ma túy.

Tuy nhiên, công ty Microsoft, có trụ sở đặt ở Mỹ, nhưng lại giữ các điện thư này trong một máy chủ đặt tại Ireland.

Microsoft nói rằng điều đó có nghĩa rằng các điện thư này ở ngoài tầm hiệu lực của trát tòa. Một tòa kháng án liên bang sau đó ra phán quyết đồng ý với lập luận của Microsoft.

Hồi cuối tháng qua, chính phủ Donald Trump yêu cầu Tối Cao Pháp Viện xét xử việc này.

Đây chỉ một trong số mấy vụ tranh tụng mà công ty Microsoft, có trụ sở đặt tại Redmond, tiểu bang Washington, cùng với các công ty kỹ thuật cao khác đang có với chính phủ Mỹ về vấn đề quyền giữ bí mật cá nhân đối với nhu cầu tìm hiểu tin tức của giới chức an ninh nhằm chống tội phạm và thành phần quá khích.

Các chuyên gia pháp lý về quyền giữ bí mật cá nhân nói rằng kể từ khi có các tin tức rò rỉ về những chương trình do thám người dân Mỹ của các cơ quan tình báo, các công ty này có thái độ cứng rắn hơn trước các đòi hỏi của chính phủ.

Chính phủ Mỹ nói rằng chỉ cần “một cái nhấp của con chuột” là Microsoft có thể cung cấp tất cả các dữ kiện về điện thư mà họ muốn, cho dù là máy chủ đặt ở đâu chăng nữa.

Nhưng tổng giám đốc Microsoft, ông Brad Smith, nói rằng điều này sẽ đưa các công ty Mỹ vào tình trạng khó khăn vì những trái ngược pháp lý giữa các quốc gia và đe dọa an ninh, công việc làm, cũng như quyền cá nhân của người dân Mỹ.

Các công ty kỹ thuật và các chuyên gia pháp lý về quyền bí mật cá nhân đang theo dõi vụ này rất kỹ.

“Đây là vấn đề quan trọng trong thời đại Internet toàn cầu này. Máy chủ không chỉ đặt ở Mỹ. Chúng được đặt ở khắp nơi trên thế giới và để hiểu rõ nhằm có thể tuân hành luật lệ về giữ gìn dữ kiện cá nhân ở các quốc gia đó là điều quan trọng, không chỉ cho chúng ta mà còn đối với các chính phủ ngoại quốc đó,” theo lời ông Orin Kerr, một giáo sư Luật tại đại học George Washington University. (V.Giang)

MỚI CẬP NHẬT