Thursday, March 28, 2024

Miến lươn quán Bà Hai, đặc sản xứ Nghệ ở Sài Gòn

Bài và hình: Nguyễn Đạt/Người Việt

SÀI GÒN (NV) –  Quán Bà Hai ở số 188 Nguyễn Hồng Đào, phường 14, quận Tân Bình, là một địa chỉ để nhớ về món miến lươn-cháo lươn, đặc sản của vùng đất Nghệ An.

Quán khang trang, xinh xắn; và hai món miến lươn-cháo lươn mang bản sắc độc đáo của xứ Nghệ, không hề biến dạng, pha trộn dù dời chuyển vào miền Nam, tồn tại nhiều năm giữa lòng Sài Gòn, thành phố lớn nhất nước.

Trên bàn chúng tôi có đủ hai món miến lươn-cháo lươn, vì cả hai món đều đặc sắc, chúng tôi đã từng thưởng thức tại quán Bà Hai nhiều lần trước đây. Tô miến lươn và cháo lươn hấp dẫn từ lúc mới nhìn: những khúc lươn mềm mại cuộn vòng đầy đặn trên mặt tô miến, tô cháo; hành lá, rau răm được xắt nhỏ, rải xanh đều, xen kẽ là màu đỏ thắm của ớt.

Thịt con lươn, khi chế biến đã được ướp tẩm với nghệ, với dầu điều, làm nên thứ nước lèo của tô miến có sắc màu óng ánh vàng đỏ, vừa đẹp mắt nhìn, vừa ngon miệng ăn. Tô cháo lươn cũng vậy. Và để khử mùi của lươn, cũng thứ mùi tanh như cá, bàn tay của người chế biến chuyên nghiệp không quên bỏ củ nén vào nồi nước lèo.

Quán Bà Hai không hề giấu thực khách, là làm sao để có được thứ nước lèo đậm đà, đặc sắc dùng cho tô miến lươn và nồi cháo lươn. Khi chế biến con lươn, để tạo nên nước lèo cho tô miến, cho nồi cháo, thì phải tách riêng phần xương sống của lươn. Rồi giã nhuyễn phần xương sống lươn, lọc lấy nước để làm nước dùng cho tô miến và tô cháo.

Quán miến lươn Bà Hai.

Sợi miến để dùng cho tô miến lươn của quán Bà Hai là thứ miến làm từ củ dong, nên khi thưởng thức tô miến lươn, thấy sợi miến từ lúc ăn tới khi đã ăn hết tô miến, sợi miến vẫn đủ dai, không bị bở. Tô miến lươn xào của quán Bà Hai cũng đặc sắc như tô miến lươn nước, sợi miến của tô miến lươn xào không quá khô và không quá ướt, như thường thấy như khi ăn miến xào ở những nơi khác.

Quán Bà Hai luôn chọn thứ gạo ngon để nấu cháo lươn. Thứ gạo ngon này hẳn không phải là loại gạo mới, nên khi ninh nhừ mà vẫn giữ nguyên dạng hạt gạo. Lúc nấu, rắc gạo từ tốn vào nồi nước để ninh, cháo sẽ không bị vón cục. Có nhiều quán hàng cháo, khi chế biến, giã nhỏ hoặc xay nát hạt gạo. Ăn cháo như vậy sẽ dễ ngán, vì cháo bị nhuyễn và sền sệt như bột.

Những đĩa rau thơm, rau sống ăn kèm tô cháo lươn, tô miến lươn của quán Bà Hai chu đáo, đầy đủ: rau ghém (một thứ xà-lách, gọi theo tiếng miền Bắc), lá tía tô, húng quế, húng cay, húng lủi,… Lại thêm đĩa hành phi, nghệ tươi băm nhỏ, ớt xay,… để thực khách tùy nghi thêm vào tô cháo lươn, miến lươn của mình.

Ngoài hai món ăn đặc sản xứ Nghệ là miến lươn và cháo lươn, quán Bà Hai còn chế biến nhiều món ăn khác, cũng với thịt con lươn, như: súp lươn bánh mì nướng, súp lươn bánh mì chiên, súp lươn bánh ướt, súp lươn bánh khô, bánh canh lươn, bún lươn, lươn xào xúc xích bánh khô. Các món ăn này có giá từ 35,000đ- 55,000đ/phần; riêng món lươn xào xúc xích có giá 80,000đ/phần. Đặc biệt, mỗi món ăn này có hương vị đặc trưng, nhưng đều không thiếu các gia vị chính yếu như: nghệ, mẻ, củ nén, rau răm, hạt tiêu, ớt,… Đây cũng là bản sắc của ẩm thực xứ Nghệ.

Thưởng thức miến lươn-cháo lươn tại quán Bà Hai, chúng tôi mới biết con lươn được người dân vùng Nghệ An gọi là “sâm động vật,” ăn rất bổ dưỡng. Đặc biệt hương vị thịt lươn ở vùng này ăn có vị ngọt, không tanh. Khi dời chuyển vào Sài Gòn, quán Bà Hai không thể có thứ lươn thiên nhiên ấy nữa. Ở miền Nam, hầu hết phải dùng thứ lươn do các cơ sở thả nuôi. (Nguyễn Đạt)

Mời độc giả xem chương trình nấu ăn “Canh rong biển tàu hủ non”

MỚI CẬP NHẬT