Tuesday, April 16, 2024

‘Những Ðứa Con Vong Quốc,’ trang nhật ký viết bằng máu và nước mắt

Vũ Ðình Trọng/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Ðúng ngày Quốc Hận 30 Tháng Tư năm nay, đánh dấu 42 năm ngày miền Nam Việt Nam bị Cộng Sản cưỡng chiếm, cũng như ngày di tản của hàng triệu người Việt đến vùng trời tự do, đài truyền hình SBTN sẽ trình chiếu bộ phim tài liệu, và nhạc kịch mang chủ đề “Những Ðứa Con Vong Quốc.”

Chương trình quy tụ nhiều ca, nghệ sĩ nổi tiếng như Nguyên Khang, Ngọc Minh, Ngọc Ðan Thanh, Huỳnh Phi Tiễn, Hồ Hoàng Yến, Lâm Nhật Tiến, Nhật Lâm, Băng Tâm, Quốc Tuấn, Hoàng Sỹ Phú, Hoàng Thục Linh, Quốc Khanh, Thế Sơn, Thương Linh, Mai Thanh Sơn, Mỹ Huyền, Thiên Kim, Ðoàn Phi, Sỹ Ðan, Y Phương, Diễm Liên, Theresa Mai,… với phần hòa âm của các nhạc sĩ Trúc Hồ, Trúc Sinh, Sỹ Ðan, Mai Thanh Sơn, và Quốc Khanh.

Bộ DVD và CD nhạc, cũng được phát hành trong ngày 30 Tháng Tư.

Nhân dịp này, phóng viên nhật báo Người Việt phỏng vấn nhạc sĩ Trúc Hồ, tổng giám đốc đài, về việc thực hiện tác phẩm này.

Người Việt (NV): Thưa nhạc sĩ Trúc Hồ, đây có phải là câu chuyện của chúng ta, những người Việt lưu vong?

Nhạc sĩ Trúc Hồ: Vâng. Ðây là câu chuyện của chúng ta, những đứa con vong quốc. Rất nhiều thế hệ bị mất nước. Sau năm 1954, dù đất nước bị chia đôi, nhưng chúng ta còn có nước VNCH ở miền Nam. Sau 30 Tháng Tư, 1975, chúng ta mất nước VNCH. Hàng triệu người đã phải ra đi tìm tự do.

NV: Câu chuyện đó được kể như thế nào?

Nhạc sĩ Trúc Hồ: Câu chuyện được kể lại trong những ngày cuối cùng của nước VNCH, những ngày cuối của Tháng Tư Ðen. Và sau đó là làn sóng di tản chạy trốn Cộng Sản. Chúng ta chỉ biết xuống ghe, xuống tàu đi đại ra ngoài khơi vậy thôi chứ chẳng biết tương lai như thế nào. May mắn thì được tàu ngoại quốc cứu vớt, lên đảo tị nạn, rồi được nhập cư vào nước thứ ba.

Chúng tôi cũng kể lại câu chuyện của những người thuộc diện H.O. đã phải trải qua tại địa ngục trần gian ở Việt Nam như thế nào, người dân bị đánh tư sản mại bản, bị đi vùng kinh tế mới ra sao. Người miền Nam bị trả thù vì chủ nghĩa lý lịch, bị bắt học tập cải tạo và những thảm họa gặp phải trên đường vượt biên.

Câu chuyện được kể theo thứ tự thời gian, nhưng phải đi ngược lại một chút để chúng ta hiểu làm sao có nước VNCH. Tại sao nước chúng ta bị Hiệp Ðịnh Geneva chia cắt, để sau đó Việt Nam bị chia đôi thành hai quốc gia với hai thể chế khác nhau, miến Bắc là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa theo Cộng Sản, miền Nam là Việt Nam Cộng Hòa theo tự do.

Ca sĩ Diễm Liên trình bày ca khúc “Người Di Tản Buồn” của nhạc sĩ Nam Lộc. (Hình: Trúc Hồ cung cấp)
Ca sĩ Diễm Liên trình bày ca khúc “Người Di Tản Buồn” của nhạc sĩ Nam Lộc. (Hình: Trúc Hồ cung cấp)

Và cuối cùng là câu chuyện của những đứa con vong quốc. Cộng đồng chúng ta vẫn cố gắng sống, làm việc và thành công. Chúng ta đã có những đóng góp đáng kể, giúp người trong nước, gần đây nhất vận động cho công cuộc tranh đấu cho tự do, nhân quyền, giúp người dân trong nước có tiếng nói.

Câu chuyện kể rằng những người con VNCH dù mất nước vẫn nhìn về quê hương và mong ước một ngày quê hương sẽ thanh bình, hay nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng và tôi viết rằng: “Hỡi những bước chân Việt Nam lưu vong đang còn chu du trên thế giới. Hãy cất tiếng ca cùng tôi câu ca mang tình thương gửi tới quê nhà” trong bài “Việt Nam Niềm Nhớ.”

NV: Trong bộ phim này, ông dùng rất nhiều thước phim tài liệu có giá trị lịch sử. Xin ông cho biết SBTN đã tìm kiếm những phim tài liệu đó như thế nào?

Nhạc sĩ Trúc Hồ: Quá trình làm phim tài liệu rất công phu. Ðể thực hiện bộ phim này, cách đây 10 năm, SBTN gởi đạo diễn Vũ Trần đến Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ, tìm hình ảnh và phim tài liệu liên quan đến Việt Nam đem về lưu giữ làm chương trình. Vũ Trần cũng đi Pháp để thu thập những thước phim và hình ảnh mà ở Hoa Kỳ không có.

Một số phim đạo diễn Vũ Trần phải đi quay. Nơi nào có cộng đồng người Việt là đến quay phim, từ Mỹ, sang Âu Châu, Á Châu,… Như thế qua bộ phim này, chúng ta cũng thấy được hình ảnh của cộng đồng người Việt trên toàn thế giới, với nhiều sinh hoạt như các lớp dạy tiếng Việt, sinh hoạt hội đoàn, chùa, nhà thờ,…

Mặc dù tôi làm truyền hình cũng lâu rồi, nhưng lần này tìm được nhiều hình ảnh, tài liệu mà tôi cũng phải ngạc nhiên, trong đó có những thước phim về xã hội Việt Nam sau năm 1975 của các nhà làm phim Ðông Ðức (cũ) và Ba Lan. Trước đây là những quốc gia Cộng Sản, nên mới được phép đến Việt Nam quay phim. Rồi nhiều hình ảnh những ngày cuối Tháng Tư, 1975, tại Sài Gòn, mà Quốc Hội Hoa Kỳ mới công bố khoảng hai năm nay thôi.

NV: Ðược biết, lồng trong những phim tư liệu lịch sử, bộ phim còn có 24 ca khúc, do các ca sĩ trung tâm Asia trình bày. Lý do nào ông lại đưa những bài hát này vào một bộ phim lịch sử?

Nhạc sĩ Trúc Hồ: Các ca khúc cũng nói lên lịch sử. Ðó là những câu chuyện có thật, như thảm cảnh người vượt biên qua bài “Lời Kinh Ðêm” của nhạc sĩ Việt Dzũng:

 “Trời mong manh ôi đời lênh đênh.
Thuyền bấp bênh cuộc sống mơ hồ.Lời kin
h cầu từng ngày quen thuộc
Lời mẹ buồn giữa tiếng nam mô. 

Thuyền trôi xa về đâu ai biết
Thuyền có về ghé bến tự do.
Trời cao xanh hay trời oan nghiệt.
Trời có buồn hay trời chỉ làm ngơ.

Ca sĩ Thế Sơn trình bày ca khúc “Căn Gác Lưu Ðày,” sáng tác của Anh Bằng. (Hình: Trúc Hồ cung cấp)
Ca sĩ Thế Sơn trình bày ca khúc “Căn Gác Lưu Ðày,” sáng tác của Anh Bằng. (Hình: Trúc Hồ cung cấp)

Hay bài “Xác Em Nay Ở Phương Nào” của nhạc sĩ Trần Chí Phúc: 

“Chiều ra biển đứng ê chề
Tìm trên ngọn sóng có về xác em
Vớt rong rêu ngỡ tóc mềm
Quay về hướng gió tưởng em thở dài
Tìm trong bọt trắng thân người
Nghẹn ngào dấu vết còn phơi lõa lồ.

Hay như ca khúc “Trả Lại Cho Dân” của người tù lương tâm Duy Quốc Nam. Sau khi SBTN và Asia phổ biến ca khúc này ra trên toàn thế giới thì bài này trở thành như một bài “quốc ca” cho những người tranh đấu trong nước, để đòi lại những quyền rất căn bản của con người. 

“Trả lại đây cho nhân dân tôi
Quyền tự do, quyền con người
Quyền được nhìn, được nghe, được nói
Quyền được chọn chân lý tự doQuyền xóa bỏ độc tài độc tôn.

Người nhạc sĩ viết lên những sự thật. Họ ghi lại qua âm nhạc. Nhưng ca khúc này không viết về tình yêu bình thường, mà viết về thân phận của những người vong quốc. Ðó là những trang nhật ký được viết bằng máu và nước mắt. Nó theo vận mệnh nổi trôi của dân tộc Việt Nam.

Những thước phim này không chỉ dành riêng cho người Việt tị nạn Cộng Sản ở Hoa Kỳ, hay trên toàn thế giới, mà dành cho tất cả người Việt trong và ngoài nước, yêu chuộng tự do, công lý.

NV: Xin cám ơn nhạc sĩ đã dành cho Người Việt buổi phỏng vấn này.

Nhạc sĩ Trúc Hồ: Xin cám ơn nhật báo Người Việt. Trúc Hồ mong rằng các ông bà, cha mẹ hãy cho con cháu mình xem. Thế hệ sau cần xem để hiểu biết lý do chúng ta có mặt ở đây, lý do chúng ta sống lưu vong, và lý do mà dân tộc chúng ta phải gánh chịu biết bao gian khổ, nhọc nhằn.

MỚI CẬP NHẬT