Thursday, March 28, 2024

Nhiều người Mỹ không được xóa nợ đại học

Lê Tâm (Theo NYTimes)

Hàng trăm ngàn người ở Mỹ, từng vay những món nợ tiền học lớn lao từ chính phủ Mỹ, đã không quá lo lắng về việc phải trả nợ, vì họ trông cậy vào một chương trình của chính phủ liên bang, theo đó sẽ xóa nợ nếu những người này làm ít nhất 10 năm trong một công việc được coi là “công ích xã hội” (public service).

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu định nghĩa về “public service” bị chính phủ thay đổi giữa chừng trong thập niên đó?

Mới gần đây, Luật Sư Đoàn Mỹ (American Bar Association ABA) và bốn luật sư từng nghĩ rằng họ đáp ứng đúng theo định nghĩa về “public service” đã đưa đơn kiện Bộ Giáo Dục, để có câu trả lời về việc này.

Bộ Giáo Dục đã từng thông báo cho mấy người trong số này rằng công việc của họ đáp ứng đúng đòi hỏi về việc làm công ích xã hội để được xóa nợ, nhưng sau đó lại nhận được thư nói rằng quyết định đó đã thay đổi.

Chương trình xóa nợ do công việc liên quan tới “public service” đã khởi sự từ năm 2007, và dành cho những người làm việc trong các cơ quan chính phủ, các nhóm bất vụ lợi 501(c)(3) và những nhóm được coi là có công việc đáp ứng “công ích xã hội,” theo trang web của chương trình này.

Những người không chắc chắn rằng việc mình làm có được chấp nhận là hội đủ điều kiện để được xóa nợ hay không, có thể điền đơn yêu cầu Bộ Giáo Dục xác nhận cho mình. Trang web cũng khuyến khích người mượn nợ tiền học chính phủ hãy nộp đơn này mỗi năm, để bảo đảm là họ vẫn còn đáp ứng điều kiện.

Một khi đã đi làm, người mượn nợ phải làm việc toàn thời gian trong một công việc về “public service” và trả đủ 120 lần tiền trả hàng tháng trong 10 năm. Đến nay, chưa có món nợ nào được xóa vì chương trình này chưa hoạt động đủ 10 năm.

Đơn kiện, được nộp tại D.C. nói rằng một số người mượn nợ lúc đầu được chấp thuận là hội đủ điều kiện, nhưng mấy năm sau, được thông báo ngược lại.

Và quyết định này có tính cách hồi tố, nghĩa là không một lần trả tiền nào trước đó được kể vào 120 lần trả nợ hàng tháng để được coi là đủ điều kiện. Do vậy, ngay cả trong trường hợp đi kiếm một việc làm khác đáp ứng theo đòi hỏi, họ vẫn phải trả đủ 120 tháng nữa.

Ảnh hưởng tài chánh của điều này cũng có thể sẽ rất nặng nề, vì một số người đã trả tiền hàng tháng căn cứ theo lợi tức của họ. Số tiền trả hàng tháng đôi khi thấp vì lương họ cũng thấp, do vậy tổng cộng số tiền họ thiếu thật ra lại tăng lên theo từng tháng.

Trước đó, việc tiền thiếu gia tăng không là điều làm họ lo sợ, vì đủ 10 năm là được xóa nợ, so với các chương trình khác chỉ xóa nợ sau khi trả liên tục từ 20 đến 25 năm. Hơn thế nữa, số tiền được xóa còn có thể bị tính thuế, coi như lợi tức, trong khi số tiền được xóa do làm việc “public service” thì không phải trả thuế.

Một trong những người đi kiện làm việc cho ABA và một người khác từng làm việc cho tổ chức này. Người thứ ba làm việc cho tổ chức Vietnam Veterans of America, trong khi người thứ tư làm cho American Immigration Lawyers Association.

Kelly Leon, một giới chức đặc trách báo chí tại Bộ Giáo Dục, nói rằng cơ quan này muốn thi hành chương trình “Public Service Loan Forgiveness” theo các quy định mới nhất. Nhưng không ai có thể giải thích vì sao sau khi thay đổi quy định giữa chừng họ lại trừng phạt người mượn nợ bằng cách khiến quy định mới có hiệu lực hồi tố.

Kate Voigt, nguyên đơn làm việc cho tổ chức American Immigration Lawyers Association, nói rằng nhận được thư từ Bộ Giáo Dục nói rằng công việc của cô chỉ coi như đáp ứng đủ điều kiện “public service” nếu bao gồm cả việc hướng dẫn học sinh và gia đình họ. Với món nợ hiện nay vào khoảng $240,000, Voigt than phiền rằng Bộ Giáo Dục không có quy định và chỉ dẫn rõ ràng, khiến những người như cô lâm vào hoàn cảnh rất khó khăn.

MỚI CẬP NHẬT