Wednesday, April 17, 2024

Robot là thủ phạm chính làm công nhân mất việc

WASHINGTON, DC (AP) – Nước Mỹ mất hơn 7 triệu việc làm so với thời kỳ nhân dụng lên cao nhất trong ngành kỹ nghệ sản xuất năm 1979. Nhưng trị giá hàng sản xuất lại cao gấp đôi, lên tới $1,910 tỷ năm ngoái, đúng hàng nhì thế giới sau Trung Quốc.

Lý do của hai chuyển biến trái chiều này là vì tự động hóa, sử dụng robot.

Chủ đề tranh cử của ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump là việc làm, trong cuộc vận động ông luôn luôn nói tới “việc làm, việc làm, và việc làm…” với hy vọng thu hút niềm tin của cử tri.

Ông đổ lỗi cho Mexico và Trung Quốc, và hứa hẹn sẽ đem về lại hàng triệu việc làm của dân Mỹ đã bị chiếm đoạt trong thời đại toàn cầu hóa.

Sự thật mục tiêu ấy không thể nào đạt được.

Hơn bất cứ nguyên nhân nào khác, tự động hóa là lý do chính để các xưởng máy giảm số công nhân, có nghĩa là bớt tốn chi tiêu về tiền lương và như thế tăng lợi nhuận.

Một nghiên cứu của đại học Ball State University ở Indiana cho biết 13% việc làm mất vì mậu dịch và 88% vì tự động hóa.

Công ty xe hơi General Motors ngày nay chỉ còn sử dụng 1/3 trong số 600,000 công nhân thời thập niên 1970.

Kể từ 1997 đến nay, ngành kỹ nghệ thép và kim khí khác ở Mỹ giảm 265,000 việc làm, nhưng sản xuất tăng 42%.

Các kỹ nghệ sản xuất khác của Mỹ cũng tăng 35%.

Khi cần nâng cấp hay thay đổi sản phẩm, cải tiến robot cũng ít tốn kém và nhanh chóng dễ dàng hơn là tái huấn luyện công nhân.

Hãng tư vấn kỹ nghệ Boston Consulting nói rằng robot giúp giảm chi phí nhân dụng 22% ở Mỹ, 25% ở Nhật và 35% ở Nam Hàn.

Sản xuất tại hải ngoại và chuyên chở sản phẩm về Mỹ có nhiều khó khăn, tốn kém và bất trắc, chẳng hạn khi xảy ra thiên tai.

Vì thế nhiều xí nghiệp Mỹ đã tính tới việc chuyển cơ xưởng về lại Mỹ.

Nhưng như thế không có nghĩa là số việc làm cho công nhân sẽ tăng lên nhiều, bởi vì robot sẽ được dùng nhiều hơn. (HC)

MỚI CẬP NHẬT