Thursday, April 18, 2024

Có cần một cuốn quân sử cho QLVNCH sau khi bị bức tử?

 


Chính Biên


 


Trước năm 1975, Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH đã cho soạn thảo một bộ Quân Sử QLVNCH gồm 4 tập dưới sự chỉ huy của sử gia cựu Ðại Tá Phạm Văn Sơn. Hiện nay bộ sử đó chỉ thấy có tại một vài thư viện trong đó có Thư Viện Việt Nam tại Nam California.


Bộ Quân Sử do sử gia cựu Ðại Tá Phạm Văn Sơn đã lược khảo về quân đội VN từ thời cổ trong 3 tập đầu, chỉ tập 4 mới đề cập đến QLVNCH. Có thể vì còn đang trong thời kỳ soạn thảo bổ khuyết nên nhiều cựu chiến binh VNCH thấy hình như chưa đủ, nhất là về mặt tinh thần trong các tổ chức của QLVNCH.


Từ sau ngày Quân Lực ấy bị bức tử vào 30 tháng 4 năm 1975, nhiều học giả trong QLVNCH và các cựu chiến binh VNCH đã cố gắng trong nỗ lực của mình soạn ra những cuốn sách có tính cách sử liệu về quân đội VNCH. Nhìn trên những kệ sách của các tiệm sách lớn ở hải ngoại, người ta có thể thấy số sách này chiếm phần lớn các sách được xuất bản ở hải ngoại. Từ những cuốn quân sử cho từng binh chủng như của Thủy Quân Lục Chiến, Hải Quân, Không Quân, Quân Y do một số cựu chiến binh thuộc các quân binh chủng này tập họp nhau soạn thảo cho đến những cuốn do cá nhân cựu quân nhân bỏ công biên soạn, người đọc nhất là các cựu chiến binh VNCH chợt nghĩ, “Tại sao các anh em trong các quân binh chủng không kết hợp với nhau lập một ban Tu Thư san định lại tất cả những tài liệu trong các cuốn sách viết về QLVNCH để chúng ta có được một cuốn quân sử tương đối hoàn chỉnh cho các thế hệ sau này?”.


Chiến tranh VN, với người cộng sản đang nắm giữ quyền hành, thì QLVNCH đã được ghi trong sử liệu của họ là thứ “ngụy quân,” một thứ lính đánh thuê do các nước thực dân đế quốc Pháp Mỹ tổ chức huấn luyện và tham chiến trong sự điều động của họ.


Ngay cả bạn đồng minh Hoa Kỳ cũng để cho giới truyền thông phản chiến thời đó bóp méo nhiều sự kiện chiến tranh theo đường hướng của họ, coi QLVNCH như một thứ quân đội phải lệ thuộc vào quân lực Hoa Kỳ.


Thực tế thì ngay cả những người viết sử trong chế độ cộng sản đều nghĩ là không phải thế, nhưng vẫn phải viết, phải ghi lại theo chỉ thị của đảng. Bây giờ, chiến tranh mới qua 35 năm, thế hệ chiến tranh còn tại thế rất nhiều, nên còn gióng lên được những tiếng nói của sự thực. Nhưng rồi sau này, 10 năm, 20 năm, 30 năm nữa, khi thế hệ chiến tranh đã ra đi hết thì những tiếng nói của sự thực sẽ không còn cho dù chế độ cộng sản có bị giải thể như ở các nước Ðông Âu và Liên Xô vì đã không có được những chứng liệu, sách vở tài liệu có tầm vóc lớn.


Nên một cuốn quân sử VNCH được viết sau khi bị bức tử là điều rất cần thiết, không chỉ để cho mai hậu mà để ngay cho tuổi trẻ trong và ngoài nước hiện tại đang có chiều hướng bùi tai với luận điệu của người cộng sản.


Nhưng tập thể tổ chức nào có thể đứng ra kêu gọi thành lập một ban Tu Thư Quân Sử VNCH? Người ta nghĩ đến những Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH đã có thực lực tại nhiều nơi trên thế giới. Người ta cũng nghĩ đến tổ chức Tập Thể Chiến Sĩ VNCH được hình thành từ lâu nay.

MỚI CẬP NHẬT