Thursday, March 28, 2024

Poncho buồn

 


Bảo Ðịnh


 


Không biết từ bao giờ, chiếc áo poncho đã trở thành chiếc áo đi mưa của người lính VNCH. Thời chiến tranh Việt-Pháp, người lính Pháp dùng áo đi mưa bình thường như ta vẫn dùng, nhưng màu sắc là màu kaki.

Bộ đội Việt Minh thì dùng “tơi” làm bằng lá cọ, rất bất tiện. Về sau họ được trang bị bằng tấm vải nylon được lén lút mua từ vùng “Tề.” Trong những món quân trang được cấp phát cho người lính, có tấm poncho màu ô liu, dùng để làm áo đi mưa. Ý nghĩ đầu tiên của người lính giản dị chỉ có thế.


Nhưng khi vượt sông, người lính được chỉ cách dùng tấm poncho, gói tất cả ba lô, quân trang quân dụng, cột túm lại để trở thành cái phao mà vượt qua dòng nước. Khi đi hành quân, với hai tấm poncho nối lại với nhau, một sợi dây căng dùng làm đòn dong, người lính đã có một “túp lều lý tưởng của anh và của em,” của ba người lính, hay ba chàng “ngự lâm pháo thủ.” Vì cần thêm một người lính nữa chung vào, tấm poncho thứ ba làm tấm drap trải nền. Người lính đi hành quân dài ngày, ngoài ba lô quân dụng, phải mang một cấp số rưỡi đạn dược, nhiều trái lựu đạn, hành trang thường nặng trên 20 ký lô, nên ít ai mang theo chăn mền. Do đó tấm poncho thứ ba, khi đêm khuya lạnh lẽo giữa nơi núi non, hay vùng đồng không mông quạnh, đã trở thành chiếc mền cho ba người lính đắp chung. Ba người lính cùng dựng “túp lều lý tưởng,” cũng là tổ “tam tam” trong cơ chế quân đội, là đơn vị nhỏ nhất: tổ tam tam, tiểu đội, phân đội, trung đội, đại đội,…


Khi đi vào những vùng khan hiếm nước, hay không có nước như mật khu Hắc Dịch thuộc tỉnh Phước Tuy chẳng hạn, người lính đào một cái hố cạn, phủ poncho lên trên, tạo thành một cái giếng cạn để hứng những giọt sương đêm, hay gặp may, có một cơn mưa nào bất ngờ chợt đến để hứng nước. Sau cùng, khi người lính hy sinh nơi chiến địa, tấm poncho đã trở thành chiếc áo quan “phủ kín thân xác của người chiến sĩ.”


 


Mùa Hè đỏ lửa năm 1972, Tiểu Ðoàn 2/43 cùng đại đơn vị Sư Ðoàn 18 BB nhảy vào An Lộc thay thế Sư Ðoàn 5BB, trấn giữ thị xã này của “Bình Long Anh Dũng.”


Ngày 12 tháng 6 năm 1972, khi lá cờ vàng ba sọc đỏ phất phới tung bay trên đỉnh đồi Ðồng Long, người hùng An Lộc, Tướng Lê Văn Hưng tuyên bố với phái viên VTVN: “Thành phố An Lộc đã được hoàn toàn giải tỏa.”


Sau hơn hai tháng giao tranh, lực lượng tấn công cộng sản xâm lăng Bắc Việt với quân số đông gấp 4 lần lực lượng của QLVNCH, nhưng quân trú phòng đã gây cho chúng thiệt hại ít nhất là 30 ngàn quân trong tổng số 4 sư đoàn quân CSBV. Tổn thất về phía QLVNCH cũng khá nặng nề. Nhưng điều quan trọng là họ đã giữ vững được thị xã. Mặc dù An Lộc đã trở thành một địa ngục của trần gian! Mưu đồ của CSBV mong chiếm được An Lộc để đặt làm thủ đô của cái gọi là “Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam,” con đẻ của Hà Nội, và làm bàn đạp tiến đánh Thủ đô Sài Gòn hoàn toàn bị bẻ gãy. Cuối cùng bọn đầu lĩnh Bắc Bộ Phủ đành phải chọn Lộc Ninh, một quận nhỏ của tỉnh Bình Long, nằm cách biên giới Việt-Miên vài cây số để làm thủ đô! Thật là khôi hài!


An Lộc đứng vững là nhờ sức chịu đựng, tinh thần chiến đấu dũng cảm, và lòng hy sinh vô bờ bến của người lính VNCH. Họ là những chiến sĩ Nghĩa Quân, Ðịa Phương Quân tỉnh Bình Long của Ðại Tá Trần Văn Nhựt, Sư Ðoàn 5 BB của Tướng Lê Văn Hưng, vài đơn vị của Sư Ðoàn 9, Sư Ðoàn 18, Sư Ðoàn 21, Biệt Ðộng Quân, và lực lượng Nhảy Dù. Hai câu thơ của một cô giáo An Lộc, được viết lên trên một tấm gỗ của thùng đạn pháo binh, cắm trước nghĩa trang Biệt Cách Dù, ngay giữa khu phố chợ Bình Long:


“An Lộc Ðịa, sử ghi chiến tích,


Biệt Cách Dù, vị quốc vong thân”


đã nói lên lòng biết ơn sâu xa của người dân địa phương đối với sự hy sinh cao cả của người lính VNCH.


An Lộc đã đứng vững, các ngọn đồi chung quanh như Ðồi Ðồng Long, Ðồi Gió, Ðồi 169,… đã được tái chiếm. Quân CSBV bị thua nặng, bị kiệt quệ, nên thôi mở những cuộc tấn công thiêu thân. Nhưng vòng vây bao quanh thị xã vẫn siết chặt. Không đủ khả năng hay không còn dám mở những cuộc tấn công bằng bộ chiến, chúng tấn công bằng trận địa pháo. Những trận mưa pháo liên tục trút lên thị xã nhỏ bé, ngày cũng như đêm. Những người lính VNCH tử trận không có phương tiện để mang về Hậu cứ trong hoàn cảnh súng phòng không dày đặc, đường bộ thì bị cắt tại Tàu Ô trên QL13, đành phải “vùi nông một nấm” tại chỗ. Nhưng mỗi tấc đất của An Lộc là một tấc lãnh đạn pháo của địch. Do đó chuyện “người chết hai lần, thịt xương nát tan” chuyện thường tình. Tại An Lộc, Tiểu Ðoàn 2/43 đã có những người lính chết ba lần, bốn lần, thậm chí năm lần! Thử hỏi thịt xương còn gì? Không chỉ là nát tan!


Sư Ðoàn 18BB của Ðại Tá Lê Minh Ðảo, sau khi nhảy vào An Lộc, để cùng với Trung Ðoàn 52 và một tiểu đoàn của Trung Ðoàn 48 tăng phái cho Sư Ðoàn 5, đã có mặt tại đây ngay từ những ngày đầu của trận chiến, liền cấp tốc mở những cuộc hành quân tái chiếm những vùng đất bị mất, nới rộng vòng đai phòng thủ, hầu giảm thiểu những trận mưa pháo của địch. Phi trường Quản Lợi nằm cách xa thị xã An Lộc lối 10 cây số về hướng Ðông Bắc. Trong thời kỳ quân đội đồng minh còn tham chiến ở VN, nơi đây là căn cứ của một lữ đoàn quân đội Hoa Kỳ. Người bạn đồng minh đã xây dựng tại đây những pháo đài, những bunker rất là kiên cố để bảo vệ sân bay. Khi trận chiến An Lộc xảy ra, đây là địa điểm tốt để đặt sở chỉ huy của chúng, nhất là những dàn đại pháo để bắn vào An Lộc. Do đó, Tư lệnh Mặt trận Lê Minh Ðảo quyết định bằng mọi giá, phải tái chiếm phi trường Quản Lợi.


Vào một ngày đầu Thu năm 1972, Sư Ðoàn 18 BB đã mở cuộc hành quân cấp trung đoàn để tái chiếm phi trường Quản Lợi. Ðây là vùng đồn điền cao su Ðất Ðỏ (Terre Rouge) của người Pháp. Từ An Lộc đi về hướng Ðông theo con đường 303. Trước khi đến phi trường, phải vượt qua một thung lũng hẹp. Ðây là thung lũng mà những người lính của Tiểu Ðoàn 2/43 gọi là “Thung lũng Tử thần.” Chính cái thung lũng nhỏ hẹp này đã cướp mất biết bao nhiêu là sinh mạng của các chiến sĩ Tiểu Ðoàn 2/43.


Từ sáng sớm, những phi cơ chiến đấu thay nhau trút bom đạn lên đầu giặc; tiếp theo là những tràng đạn pháo 105ly, 155ly. Những khẩu pháo này đã hoạt động liên tục trong suốt trận chiến, nòng súng bị nở rộng, đường khương tuyến bị mòn, nên bây giờ tác xạ không còn chính xác. Ðộ sai số có thể lên đến 500 mét! Sau những đợt mưa bom và đạn pháo, Tiểu Ðoàn 2/43 của Ðại Úy Nguyễn Hữu Chế, khóa 13 Võ Khoa Thủ Ðức, và Tiểu Ðoàn 3/43 của Thiếu Tá Lê Thanh Quang, khóa 16 Võ Bị Ðà Lạt, bắt đầu mở cuộc tấn công.


Trước khi mặt trời lặn, hai tiểu đoàn đã tiến chiếm được một đầu phi đạo. Trận chiến diễn ra rất ác liệt, sự thiệt hại của cả hai bên đều khá cao! Nhưng quân bạn đã lập được đầu cầu, xua quân địch về bên kia và về cuối phi đạo! Cuộc hành quân chỉ tiến đến được ngang đó. Bên kia phi đạo là một dãy pháo đài và bunker kiên cố của quân đội Mỹ để lại. Sức chống trả của địch thật mãnh liệt, quân bạn không thể tiến xa hơn. Sau nhiều ngày tạm nghỉ ngơi, một trận đánh quyết liệt đã diễn ra mà nỗ lực chính là Tiểu Ðoàn 2/43 để giải quyết trận địa.


Tiểu đoàn được tăng phái Ðại Ðội Trinh Sát 43 của Ðại Úy Nguyễn Tấn Chi, khóa 12 Võ Khoa Thủ Ðức. Từ sáng sớm, bom và đạn pháo thay nhau trút xuống mục tiêu. Thời gian của cơn mưa bom đạn kéo dài gần suốt ngày. Trước khi tấn công, một màn khói nhân tạo, do những trái đạn khói pháo binh tạo thành, dày đặc, làm màng che cho bộ binh tiến lên. Trận đánh kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ để vượt qua một phi đạo không rộng lắm. Nhưng quân bạn không thể nào chiếm được những pháo đài và bunkers. Cộng quân với các khẩu súng cộng đồng 12ly7, đại liên, trung liên, SKZ, B40, B41 đã chống trả quyết liệt. Một vài toán quân tiến được qua bên kia phi đạo, nhưng không thể nào xâm nhập vào bên trong, đành phải bỏ cuộc, rút lui. Con số thương vong khá cao. Trời vừa tối, trước mặt vị tiểu đoàn trưởng là 19 chiến sĩ QLVNCH nằm ngay hàng với tấm poncho phủ kín.


Còn nỗi buồn nào hơn nỗi buồn này. Chỉ trong một cuộc tấn công ngắn ngủi, con số thiệt hại đã lên quá cao! Nhiệm vụ chưa hoàn thành. Mục tiêu vẫn chưa bị thanh toán. Bóng đêm đến nhanh. Ta và địch đều phải bận rộn lo việc tản thương và tiếp tế. Ðịch bên kia phi đạo. Ta ở bên này, mặt đối mặt, tất cả đều mệt mỏi rã rời! Không ai buồn bắn pháo vào nhau.


Một đêm yên tĩnh trôi qua. Trời Thu ảm đạm, mây đen vần vũ. Cơn mưa chợt đến. Gió núi từng cơn thổi qua. Người lính VNCH áo quần ướt nhẹp, co ro trong cái lạnh đầu mùa. Nhưng súng không rời tay, mắt đăm đăm nhìn về hướng địch đang cố bám bên kia phi đạo, để theo dõi động tĩnh của đối phương.


Ngày hôm sau, trận đánh lại tiếp tục. Nhưng lần này tiểu đoàn được tăng cường Trung Ðội Hỏa tiễn TOW của Chuẩn Úy Phương, vị sĩ quan tốt nghiệp trường Fort Benning bên Mỹ. Khi đưa Trung Ðội Hỏa Tiễn TOW vào, tư lệnh cho biết mỗi trái đạn trị giá 7 triệu đồng (vàng lúc đó là 20 ngàn/lượng). Hỏa tiễn TOW là loại vũ khí chống xe tăng ra đời vào khoảng năm 1945. Nhưng hình như chưa được tung ra mặt trận thì cuộc Ðại chiến Thế giới lần thứ hai chấm dứt. Không biết trong trận chiến tranh Cao Ly, quân đội đồng minh đã có dịp sử dụng loại hỏa tiễn này chưa?


Trong chiến tranh Việt Nam, loại hỏa tiễn này chỉ mới trang bị cho QLVNCH từ hồi mùa Hè đỏ lửa năm 1972, và chỉ mới xuống đến cấp trung đoàn Bộ Binh. Mỗi trung đoàn có một trung đội gồm hai khẩu, gắn trên xe jeep. Tầm bắn của viên đạn là 3000 mét. Khi viên đạn rời nòng súng, nó kéo theo một sợi dây kim tuyến. Chính nhờ sợi dây kim tuyến này mà ta có thể điều khiển viên đạn đến mục tiêu theo ý muốn. Trên ống nhắm có một chữ thập. Ta chỉ cần đưa chữ thập vào mục tiêu thì nhất định viên đạn phải trúng mục tiêu. Khi nổ, sức nóng tỏa ra trên 3000 độ. Ðặc biệt viên đạn có thể luồn lách qua những hàng cây như cây cao su. Ðây là loại vũ khí chống xe tăng rất hữu hiệu. Chỉ tiếc rằng người bạn đồng minh đã viện trợ cho ta quá trễ!


“Mất bò rồi mới làm chuồng!” Cũng giống như hồi Tết Mậu Thân năm 1968, khi quân CSBV xâm lăng sử dụng AK47 để tấn công trên toàn cõi VNCH thì người bạn đồng minh mới cung cấp cho ta súng M16. Sau này khi bộ đội CSBV sử dụng xe tăng T-54, ta mới được ông bạn quý nhượng lại cho M48, do họ rời chiến trường VN, nặng quá không tiện mang theo! Có lẽ ông bạn Mỹ không muốn ta thắng VC, chỉ muốn ta thủ huề! Họ sợ ta thừa thắng rồi mở cuộc Bắc tiến! làm mất thế cân bằng toàn cầu của họ. Ôi! Thương thay cho thân phận người lính của một nước nhược tiểu.


Vị tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 2/43 hân hạnh được bắn phát đạn đầu tiên. Viên đạn chạm trúng mục tiêu, vị trí của khẩu thượng liên 12ly7. Viên đạn nổ, khẩu súng câm họng ngay. Hàng mấy chục tên bộ đội bỏ chạy tán loạn. Chúng tìm cách nhào xuống triền đồi, lủi nhanh vào rừng sâu. Thêm hai viên đạn nữa rời nòng súng. Những ổ kháng cự mạnh nhất của cộng quân bị vỡ. Tiểu đoàn trưởng cho lệnh tấn công. Chỉ trong một khoảnh khắc, toàn bộ trận địa của địch đã bị quân bạn chiếm lĩnh.


Xác địch nằm la liệt. Nhiều tên bị xiềng vào chân súng, vào bunkers. Nhiều tiếng rên, nhiều tiếng khóc la. Nào là “Bác ơi! Ðảng ơi! Con chết mất.” Tuyệt nhiên không có tiếng “Bố ơi! Mẹ ơi!” hay “Trời ơi! Phật ơi!” như ta vẫn thường thốt lên mỗi khi đau đớn hay gặp cơn nguy biến. Khói súng, và mùi da thịt cháy khét lẹt của giặc tỏa ra cả một vùng. Súng cá nhân, súng cộng đồng vất bỏ ngổn ngang. Kết quả ta thu được 1 súng thượng liên 12ly7, 1 súng cối 82ly, 2 khẩu 61 ly, nhiều AK, B40 và B41. Bên ta hoàn toàn vô sự! Phi trường Quản Lợi đã được tái chiếm.


Nhưng chiến thắng này tiểu đoàn đã phải trả cái giá quá đắt! Ðó là mười chín sinh mạng của các chiến sĩ Tiểu Ðoàn 2/43. Những người lính dũng cảm, ra đi không hẹn ngày về. Họ đã nằm lại trên mảnh đất quê hương, đã hy sinh thân xác để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam được độc lập, tự do, và mang lại hạnh phúc, ấm no cho toàn dân. Họ đã hy sinh thân xác để chống lại làn sóng đỏ tiến vào từ phương Bắc. Nhưng cuối cùng, vì sự ngu dốt của bọng người “ăn cơm Quốc Gia thờ ma cộng sản,” bọn người ngây thơ và nhẹ dạ và vì sự phản bội của Ðồng Minh, sự hy sinh của người lính VNCH xem ra có vẻ oan uổng! Họ đã bỏ phí đời trai trẻ. Khi nằm xuống, những tấm poncho đã phủ kín đời họ. Họ đã ra đi, đã chết trong vinh quang, không phải sống nhục sau ngày 30 tháng 4, 1975 khi phải chứng kiến cảnh nước mất nhà tan.

MỚI CẬP NHẬT