Wednesday, April 24, 2024

Bác Sĩ Kiều Quang Chẩn, người tìm sự sống trong cái chết

Văn Lan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Với nhiệm vụ là một bác sĩ Quân Y của Binh Chủng Nhảy Dù Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Bác Sĩ Kiều Quang Chẩn đã từng sát cánh với những cuộc hành quân tác chiến để chăm sóc thương binh nơi mặt trận. Ông cũng tham gia các chiến dịch hành quân ngoại biên, trong đó có công tác Dân Sự Vụ, khám bệnh và phát thuốc cho đồng bào ở các nơi, ngay cả những vùng xa xôi hẻo lánh.

Bác Sĩ Kiều Quang Chẩn trong ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa 19 Tháng Sáu tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, Westminster. (Hình: Kiều Quang Chẩn cung cấp)

Ông là sinh viên sĩ quan Khóa 12 Trưng Tập tại Trường Bộ Binh Thủ Đức và Trường Quân Y Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), tốt nghiệp Y Khoa Đại Học Sài Gòn 1969 và phục vụ tại Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù trong ngành Quân Y.

Vào quân đội ngay sau khi ra trường

Khi vừa tốt nghiệp trung học, ông Kiều Quang Chẩn thi vào Đại Học Y Khoa Sài Gòn năm 1962, ra trường cuối năm 1969. Sau đó ông vào Khóa 12 Trưng Tập căn bản quân sự tại Trường Bộ Binh Thủ Đức chung với các y sĩ, dược sĩ, nha sĩ, rồi học tiếp về điều hành quân sự tại trường hành chánh Quân Y.

Sau khi ra trường, Bác Sĩ Chẩn về ngay Tiểu Đoàn 1 Sư Đoàn Nhảy Dù, đời binh nghiệp bắt đầu từ đấy mặc dù ông có nhiều người nhà đã mất trong chiến đấu. Khi hay tin ông gia nhập binh chủng Nhảy Dù, cả gia đình cũng ưu tư lo lắng.

“Lúc đó tôi không biết sợ chết là gì, đời trai chinh chiến khắp nơi ngại gì sương gió, cái chết cho đất nước là lý tưởng của bao lớp trai hùng thời bấy giờ! Tôi luôn đi tìm sự sống trong cái chết, nhất là trai tráng mặc đồ Nhảy Dù với chiếc mũ đỏ trông thật oai phong!” Bác Sĩ Chẩn hào hứng nói.

Ông cho biết khi ra trường Quân Y là đầu năm 1970, lúc đó đang có chiến dịch hành quân ngoại biên qua Cambodia, và chiến dịch này gần tới thời điểm cuối.

“Khi quân ta theo đường bộ tới Tây Ninh, vượt qua biên giới để vào Cambodia, đi tới đâu thì địch bỏ chạy tới đó. Khi tới những hầm bệnh viện của Cục R của Việt Cộng, Quân Y tiểu đoàn tịch thu rất nhiều chiến lợi phẩm gồm dụng cụ y tế, thuốc men của địch khi bỏ chạy. Trận đó quân ta thắng lợi. Sau đó về nghỉ dưỡng quân, rồi có vài cuộc hành quân lẻ tẻ cho tới mùa Xuân năm 1971, Tiểu Đoàn 1 lại sang Hạ Lào,” Bác Sĩ Chẩn kể.

Bác Sĩ Kiều Quang Chẩn (thứ hai từ trái) tại bệnh viện Đỗ Vinh của Sư Đoàn Nhảy Dù năm 1974. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

Nhảy Dù vào chiến dịch Lam Sơn 719, 45 ngày đêm máu lửa

Chiến dịch Lam Sơn 719 Hạ Lào được coi là cuộc hành quân ngoại biên lớn nhất của Quân Lực VNCH do các lực lượng Quân Đoàn I phụ trách, với sự tham dự của các Lữ Đoàn Nhảy Dù cùng Thủy Quân Lục Chiến, và Liên Đoàn 1 Biệt Động Quân, dưới quyền chỉ huy của Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư Lệnh Quân Đoàn I và Vùng I Chiến Thuật.

Suốt 45 ngày đêm hầu như lúc nào cũng đụng trận, sau này ông mới biết kế hoạch chi tiết của trận đánh đã bị lộ nên địch biết trước để chuẩn bị. Mục đích của chiến dịch Lam Sơn là phá vỡ hệ thống hậu cần của Cộng Sản Bắc Việt và Quân Giải Phóng Miền Nam tại Lào, cắt đứt đường 9 (Việt Cộng gọi là đường mòn Hồ Chí Minh), căn cứ tiếp liệu đầu não của Cộng Sản Bắc Việt tại đó.

Bác Sĩ Chẩn cho biết sau Tết 1971, lúc đó Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù đang ở Cambodia được lệnh về Sài Gòn dưỡng quân rồi ra Đông Hà. Từ Đông Hà nhìn sang bờ sông Thạch Hãn là vùng phi quân sự, ai cũng nghĩ là xong đợt này sẽ đánh ra Bắc, buộc địch quân phải rút về và chiến tranh sẽ chấm dứt rất nhanh!

“Khi ông tiểu đoàn trưởng đi họp với bộ tư lệnh sư đoàn về, ai cũng mừng vì nghĩ rằng đánh một trận quyết liệt này rồi thôi, nhưng không ngờ ông rất ưu tư khi cho biết mình phải sang Lào,” Bác Sĩ Chẩn nhớ lại.

Bác Sĩ Chẩn cho biết đó là trận thảm khốc nhất, khi xuất quân Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù có hơn ngàn binh sĩ chiến đấu, lúc về chỉ còn 256 người! Khi về tới Đông Hà được tin Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ra thăm ủy lạo, lúc đó mọi người nhìn nhau thật buồn cười khi có nhiều anh em mặc đồ lính Cộng Sản Bắc Việt, do đó cấp chỉ huy phải về Huế lấy quần áo của Biệt Động Quân lên tiếp tế cho binh sĩ mặc thế!

Giải thích vì sao mình phải mặc đồ lính Việt Cộng, Bác Sĩ Chẩn kể: “Trận ấy chỉ xảy ra 45 ngày đêm, lúc nào cũng chiến đấu quần thảo với quân địch, quần áo đã rách nát tả tơi nên chúng tôi đành phải lấy quần áo của lính Việt Cộng để mặc tạm!”

Bác Sĩ Kiều Quang Chẩn phải mặc áo của lính Việt Cộng trong chiến dịch Lam Sơn 719 Hạ Lào năm 1971. Phía sau là bom B52 đang tiêu diệt địch quân. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

Trong ký ức gần nửa thế kỷ đã qua, Bác Sĩ Chẩn nhớ lại trong trận Lam Sơn 719, Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù từ Đông Hà đi đường bộ qua Khe Sanh, từ đó trực thăng bốc qua Hạ Lào. Khe Sanh là nơi Sư Đoàn Nhảy Dù đóng bộ chỉ huy do Trung Tướng Dư Quốc Đống, tư lệnh sư đoàn, trực tiếp chỉ huy.

“Sau đó Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù từ chỗ đóng quân ở bên bờ sông phía Nam Đông Hà, đã đổ thẳng sang Lào bằng máy bay Mỹ, không đi đường bộ qua Khe Sanh nữa, thay vì đổ bộ xuống đường 9 do Cộng Sản Bắc Việt thiết lập trên đất Lào để vận chuyển quân, vũ khí đạn dược chuẩn bị tấn công miền Nam,” ông nhớ lại.

Cả tiểu đoàn băng rừng lội suối tới điểm đóng quân về hướng Tây trên đất Lào, khi tới nơi là lúc chiều tối, phải lập tức ổn định ngay để hôm sau tới các điểm truy tìm địch. Trên đường tiến quân, Bác Sĩ Chẩn cho biết tiểu đoàn không bị pháo lớn của địch tấn công, chỉ bị những loại pháo nhỏ.

“Cảm giác của tôi là ta và địch nằm xen kẽ nhau ở thế cài răng lược, cách bên kia suối là địch bên này là ta, hoặc bên này ngọn đồi là mình bên kia đồi là địch, cứ thế lẫn lộn mà quần thảo suốt 45 ngày đêm.  Từ lúc vào trận cho đến lúc rút trở ra, mỗi đơn vị nằm ở một vị trí và địa thế khác nhau, khi thì lính Dù, lúc thì Thủy Quân Lục Chiến, khi thì Biệt Động Quân, mỗi đơn vị có một vùng trách nhiệm riêng,” Bác Sĩ Chẩn nhớ lại.

“Thường Quân Y chúng tôi cấp cứu băng bó tại chỗ những thương tích như cầm máu, gắp mảnh đạn, hoặc đặt ống thông phổi trong những trường hợp bị đạn bắn thủng phổi, phải rút máu ra chứ không tràn máu nhiều sẽ bị ngộp thở chết rất nhanh, hoặc như những vết thương thủng ruột. Còn lại, chúng tôi không thể làm gì hơn chỉ truyền dung dịch, cho trụ sinh, sau đó phải cấp tốc chuyển bằng trực thăng về bệnh viện,” bác sĩ cho biết.

Ông kể: “Phải nói là người Mỹ yểm trợ cho đơn vị Nhảy Dù thật tối đa. Khi lính dù bị thương được trực thăng Việt Nam đưa về bệnh viện, nhưng hầu hết là do trực thăng cấp cứu của Mỹ đến tản thương, và luôn luôn có vài trực thăng võ trang đi theo yểm trợ. Người Mỹ không trực tiếp đánh nhau bằng Bộ Binh nhưng họ luôn yểm trợ mình bằng Pháo Binh, nhất là bằng Không Quân tối đa, như máy bay C130 trang bị súng gunship bắn đại bác trực xạ hoặc loại năm nòng bắn liên tục, là nỗi kinh hoàng của Việt Cộng trên chiến trường.”

“Mỗi lần tấn công một ngọn đồi, chúng tôi đều thả khói trắng làm dấu, lập tức trực thăng Cobra đến bắn phía trước chúng tôi hàng loạt, hai chiếc trực thăng thay nhau quần đảo khu vực để quân Dù tiến lên, trong khi Việt Cộng nấp trong lỗ châu mai nhỏ bắn ra, nhưng cũng chính vì thế làm cản nòng súng của địch không thể linh hoạt, nhất là những trường hợp phải hướng đầu súng lên trời bắn theo máy bay, ngay cả bắn vào quân Dù, khiến địch quân cũng bị hạn chế tầm bắn,” ông giải thích.

Ông cho hay, khi Nhảy Dù tấn công lên với cả ngàn lính xáp trận, lính cũng như Quân Y đều xung phong với hàng loạt tiếng hô vang áp đảo, khí thế vang trời, và chỉ mang theo đầy đủ súng đạn để chiến đấu mà thôi.

Bác Sĩ Kiều Quang Chẩn (hàng đứng trước, thứ sáu, phải) tại trạm cứu thương của Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù thiệt hại nặng trên đất Lào

Bác Sĩ Kiều Quang Chẩn kể, thường có một toán tiền thám đi trước tiểu đoàn cả trăm mét, dày dạn kinh nghiệm chiến trường sẽ báo tình hình về phía sau để ứng phó kịp thời.

“Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù có lần bắn chết tướng của địch. Hôm đó chúng tôi đang đi theo con đường mòn trong rừng, bỗng nghe một loạt tiếng đạn nổ vang phía trước. Biết toán tiền thám đã đụng độ, lát sau nghe báo về là hạ được một toán địch chỉ có súng ngắn, trong đó có một người mặc quân phục không đeo lon, chỉ mặc áo của người chỉ huy cao cấp. Lục trong người thì thấy có nhiều hình ảnh ông ấy đứng cạnh chiếc xe hơi màu đen ở Nga, về sau khi người Mỹ cho điều tra mới biết đó là tướng Việt Cộng, và cả một dàn sĩ quan cao cấp đi theo trong toán hơn chục người,” ông Chẩn kể tiếp.

“Toán tiền thám đi trước thấy có tiếng động bèn nằm xuống phục kích, mấy tay sĩ quan Việt Cộng ỷ y đi trên đường mòn, không có lính bảo vệ đi theo lại còn nói chuyện um sùm, chắc họ chỉ đi một đoạn ngắn giữa hai ngọn đồi trong rừng, tưởng đâu khu vực của họ là an toàn. Thế là vừa tới điểm phục kích, cả toán tiền thám đồng loạt quạt cả băng đạn chết sạch,” Bác Sĩ Chẩn kể thêm.

Ông Chẩn cho biết trên đường rút về cùng với đơn vị tùng thiết và thiết vận xa M113, Thiếu Tá Nguyễn Xuân Phan, tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 1, đi cùng với sĩ quan đề lô Hoàng Cơ Thụy Hạnh, một ông sĩ quan Ban 3, cùng với sĩ quan đại đội trưởng chỉ huy, tất cả đều ngồi trên nóc thiết vận xa M113.

“Thấy tôi đi bộ cùng với anh em binh sĩ, Thiếu Tá Phan kêu tôi lên xe đi cùng. Tôi cảm ơn không lên xe chỉ xin gởi mấy anh em thương binh rồi tiếp tục đi phía sau. Không ngờ chiếc xe ông đang ngồi khi chúc đầu xuống để vượt qua con suối, bị lãnh nguyên trái B40 của Việt Cộng từ bên kia đồi bắn sang, làm tất cả những người ngồi trên nóc xe bị cháy!” Bác Sĩ Chẩn nhớ lại.

“Khi tiếp tục vượt qua được con suối lại gặp ngay toán Việt Cộng dàn chào sẵn ở đó, nhưng chiếc xe tiếp tục chạy thoát được về phía trước, được y tá ở đó cấp cứu, nhưng họ chỉ có đúng một chai nước biển, một lượng nước quá ít cho người bị phỏng nặng! Thật đau lòng trong khi tôi có đầy đủ dụng cụ thuốc men nhưng lúc đó tiểu đoàn bị địch chia cắt làm hai, tôi ở đoạn sau nên không thể cứu chữa được người chỉ huy quý mến,” ông Chẩn kể.

“Chờ đến sáng mới có trực thăng lên chở về, Thiếu Tá Phan bị cháy phỏng toàn thân, bị mất nước rất nhiều, nên khi mang về tới Khe Sanh thì ông đã không qua khỏi. Tướng Dư Quốc Đống và các sĩ quan cao cấp trong bộ tư lệnh hành quân ai cũng đứng nghiêm chào với lòng quý mến và tiếc thương vô hạn,” Bác Sĩ Chẩn xúc động kể.

Hầm của bác sĩ, cũng là hầm cứu thương, Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn năm 1973 tại căn cứ Alpha. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

Ông Chẩn cho hay từ đó tiểu đoàn trên đường rút về, thay vì đi về phía Nam thì Sư Đoàn Dù đi ngược ra phía Bắc qua sông Tchepone để từ đó về Khe Sanh. Khi ngang qua đèo Lao Bảo, có nguyên một sư đoàn Việt Cộng chặn đường ở đó. Sông Tchepone lúc đó chưa phải là mùa mưa, địch biết thiết vận xa M113 không thể qua sông được vì bờ sông dựng đứng.

“Trong khi chúng tôi đi bộ, thiết vận xa đi giữa đường 9, chỉ cần trúng quả B40 là cả chiếc xe bốc cháy ngay. Thế là hai bên đường là Đại Đội 1 đi trước, khoảng cây số thì dừng lại để đặt mìn, đào đất dựng chướng ngại vật chặn đường để các đại đội sau tiến lên và Đại Đội 1 lại tiến tới, cứ thế cuốn chiếu mà đi,” ông Chẩn kể.

Khi Đại Đội 4 lên tới trên đỉnh đèo thì cứ thế mà rút lui. Nhưng lúc này thay vì đi tiếp trên đường 9 để tới Lao Bảo bị Việt Cộng chặn không đi được, Sư Đoàn Dù phải đi con đường khác mới thiết lập để tiếp tục vượt sông Tchepone, với lòng sông vách dựng đứng nên địch nghĩ rằng mình không thể nào qua sông được. Lúc đó phải nhờ công binh Mỹ đem trực thăng câu một xe ủi đất lớn đến, ủi đất đủ dốc xuống sông để thiết vận xa có thể lội qua.

“Bờ bên kia cũng được công binh Mỹ ủi đất đủ dốc để thiết vận xa lên bờ được, thế là thiết vận xa cùng Tiểu Đoàn 1 Dù lội qua sông, từ đó về tới Khe Sanh. Trong khi đó cả sư đoàn Bắc Việt nằm chặn đường của quân ta thì bị ăn bom B52 tan xác,” Bác Sĩ Chẩn kể.

Khe Sanh là nơi tiếp tế và nhận thương binh, có bệnh viện dã chiến dưới hầm để mổ cấp cứu hoặc chữa trị khẩn cấp tại chỗ, còn trường hợp nặng phải chuyển bằng máy bay trực tiếp về Quân Y Viện Sài Gòn. Trong trận Lam Sơn 719, Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù thiệt hại mất bốn sĩ quan đề lô! (Văn Lan) [qd]

Kỳ cuối: Bác Sĩ Kiều Quang Chẩn luôn giữ gìn hồn Việt nơi hải ngoại

MỚI CẬP NHẬT