Thursday, March 28, 2024

Cơn lốc thời gian

Trang Luân

Phải! Anh là một người lính! Một người lính thật sự với đầy đủ mọi ý nghĩa giản dị và thuần túy của nó. Người lính của những thập niên trước đây ở miền Nam, nơi mà tuổi thơ anh đã vươn mình, lớn lên rồi trưởng thành ở đấy.

Làm sao mà anh có thể quên được từng ngôi trường mà trước đây anh thường ngồi, cho đến các bài học thuộc lòng, cùng những bài lịch sử oanh liệt, ca tụng tinh thần đấu tranh bền bỉ của dân tộc ta. Từng bài công dân nồng nàn, dạt dào. Anh đều nhớ rõ tất cả. Chưa bao giờ anh quên! Chưa bao giờ! Từng khuôn mặt bạn bè cho đến các đồng đội đã sát cánh với anh trên cùng một trận tuyến trong cuộc chiến tranh vừa qua. Anh không khi nào phủ nhận, hoặc chối bỏ về quá khứ của chính mình, mặc dù quá khứ đó không có gì đáng nói cho lắm. Lúc nào anh cũng tỏ ra hãnh diện về con đường chông gai mà anh vừa đi qua. Lương tâm không bao giờ cho phép anh cầm bất cứ mũi dao nhọn nào để đâm lại bạn bè hoặc đồng đội anh trước đây, hầu mưu cầu lấy sự sống còn cho riêng chính bản thân mình. Anh cho đấy là hành động đê hèn, bẩn thỉu và xấu xa nhất.

Ngược lại, ngay chính em cũng vậy. Em sinh ra rồi lớn lên ngay trên mảnh đất thân yêu miền Nam này. Nó gắn bó, ăn sâu vào tiềm thức em bằng các hình ảnh thân thuộc, cùng mọi diễn biến về tình cảm, thể hiện trong đời sống hằng ngày, đúc kết thành chuỗi xâu lụa là của kỷ niệm. Anh nghĩ rằng: Không khi nào em có thể quên được, mặc dù em cố tình lẩn trốn hoặc chối bỏ, khước từ dĩ vãng. Từ con đường ngày xưa mà em thường đi qua, cho đến người tình xa xăm đã gục ngã, vùi thây trong khoảnh rừng già âm u, ngút ngàn, tận vùng cao nguyên hẻo lánh, nơi anh đồn trú trước đây. Tín chết! Chết một cách khủng khiếp trong trận đánh khốc liệt, dữ dội. Chính anh chứng kiến tận mắt nó chết. Chết vội vã, tức tưởi. Trong khóe mắt sâu hút, anh đọc thấy được nỗi khắc khoải, băn khoăn còn đọng lại, phảng phất ở nơi đấy. Nó chết đi và cuốn theo cái mộng ước bình dị, dở dang vào không gian bất tận. Chính anh đành phải bất lực trước sức phản kháng dữ dội của địch quân. Với biết bao nhiêu đợt xung phong để rồi cuối cùng anh vẫn không tài nào lấy được xác nó. Vì thế mà đơn vị anh phải hứng chịu những trận mưa pháo kinh hoàng nổ tung tóe, cùng các cuộc tấn công ồ ạt, điên cuồng, tơi tả, thê thảm như chiếc áo rách rưới, loang lỗ bám trên thân hình tiều tụy của người dân vùng kinh tế mới.

Anh thoát chết trong trận đánh ấy là nhờ vào bản tính liều lĩnh, nẩy sinh ra ý định táo bạo, mở đường máu tìm sự sống. Anh đánh điện tín về Sài Gòn báo tin cho em hay. Vài ngày sau, anh nhận được thư em với đầy dẫy lời lẽ đay nghiến, trách cứ anh thậm tệ. Anh im lặng, sững sờ nghe lòng mình tê điếng. Anh tưởng rằng sau cái chết của Tín sẽ làm cho em chua xót, sống âm thầm bên các công thức, phương trình cùng mọi khuôn mặt ngây dại đóng khung ở lớp học. Anh vẫn còn nhớ câu mà em thường nói với anh:

Đời em chỉ có Tín là tuyệt đối. Nói dại, ngộ nhỡ sau này Tín có mất đi, em sẽ trở thành vô nghĩa giữa giòng đời rộng lớn này.”

Nhưng! Rồi em đã quên. Quên đi một cách vội vã, nhanh chóng. Anh phân vân tự hỏi: “Sao vậy?” Phải chăng đó là phương tiện, cứu cánh để chạy trốn dĩ vãng. Anh tìm đủ mọi lý do để biện minh cho em. Em còn trẻ. Trẻ thật sự. Anh biết điều ấy. Em bước lên xe về nhà chồng vỏn vẹn sau bốn tháng Tín mất. Anh nhớ, đã có lần em khoe với anh vào dịp phép ngắn hạn:

Bây giờ thì em đầy đủ quá rồi. Em chẳng còn thiếu bất cứ thứ gì từ tinh thần cho đến vật chất.”

Em ngừng lại trầm ngâm giây lát rồi nói tiếp:

Anh Ngữ mỗi ngày hai buổi đi làm. Em cũng thế. Cháu Lan thì còn nhỏ, ở nhà với bà ngoại. Cháu rất ngoan anh ạ! Như vậy, em còn đòi hỏi gì nữa bây giờ? Em mãn nguyện lắm rồi. Chân lý về hai chữ hạnh phúc là gì hở anh? Phải chăng đó là thành tựu của mọi cố gắng mà mình đã xây dựng được. Có phải đúng như vậy không anh?”

Anh lưỡng lự, suy nghĩ về câu nói ấy. Nó như thứ âm hưởng, vương vấn thường xuyên nơi đầu óc anh, cũng giống như món hành trang đem theo anh trên những chặng đường hành quân diệu vợi. Thời gian cứ lạnh lùng trôi qua. Anh vẫn chỉ là người lính không hơn không kém. Anh giẫm chân xuôi ngược trên các khoảnh rừng già biên giới Tây Nguyên, cho đến miền sình lầy của Vùng Bốn Chiến Thuật. Anh vẫn là anh. Miệt mài và thầm lặng. Từ chiến trường Ben Hét nẩy lửa. Chư Pa heo hút. Daksan ngùn ngụt khói súng. Căn cứ hỏa lực năm kinh hoàng trong mưa pháo của địch quân. Chính anh nằm trên ngọn đồi ấy ròng rã suốt ba ngày đêm không ngủ.

Với ba ngày đêm khiến cho thần kinh anh bị căng thẳng tột cùng. Mọi tế bào trên thân thể anh hầu như muốn vỡ tung ra. Anh cùng đồng đội phải nằm dưới giao thông hào, chăm chú, quan sát, hầu đối phó với từng đợt tấn công điên cuồng, liên tục. Đầu óc anh lúc bấy giờ bị quay cuồng trước các tọa độ phản pháo, các hỏa tập cận phòng cùng mọi từ ngữ quân sự quen thuộc để điều chỉnh những phi tuần oanh kích. Anh tưởng rằng, mình sẽ chết trong trận đánh ấy! Rốt cuộc anh vẫn sống, rồi trở về Tân Cảnh, nhận sự vụ lệnh thuyên chuyển về miền Tây sình lầy. Trong lần này, anh lại có dịp gặp em ở Sài Gòn. Em với Ngữ mời anh ăn cơm, với dụng ý là mừng anh thoát nạn. Dí dỏm hơn nữa, em còn xin lễ tạ ơn cho anh. Anh vô cùng cảm động trước mối dây tình cảm nồng nàn đó và đóng khung nó vào cái vị trí đặc biệt trong toa tàu kỷ niệm ở trong anh.

Sau lần gặp gỡ ấy, anh lại tiếp tục lầm lũi, âm thầm đi vào chiến trường mới. Từ Chương Thiện, U Minh, Cam Bốt, Cà Mâu, Kiến Phong, Kiến Tường, Cô Tô, Hòn Me, Hòn Sóc,… Nơi nào anh cũng đến rồi đi. Máu cùng mồ hôi anh từng nhỏ xuống đấy, thấm luồn vào mạch đất. Đã bốn lần trực thăng đưa anh từ chiến trường về Quân Y Viện điều trị. Bốn lần xuất viện, nghỉ dưỡng bệnh rồi quay đầu trở lại chiến trường.

Đời anh là cả một chuỗi ngày dài sương gió.” Chính em thốt lên câu nói ấy. Phải! Đúng thế! Đời anh gắn liền với mặt trận, đối diện trưc tiếp với sự chết. Anh không thích sống ở văn phòng. Kiểu cách và khúm núm. Điều đó anh không thích. Anh không muốn luồn cúi và nịnh bợ. Chính vì điểm này mà đời anh mới khổ.

Anh lầm lũi trong đời sống tác chiến, để rồi trong thoáng giây ngơi nghỉ, chuếnh choáng trong cơn say, hầu tạm quên đi nỗi xót xa, nhọc nhằn, nghiệt ngã khoác lên trong cuộc sống. Chưa bao giờ anh khước từ bất cứ mục tiêu nguy hiểm nào! Anh vẫn là người lính có kỷ luật với đầy đủ mọi ý nghĩa thầm kín của nó. Quân đội chỉ có kỷ luật. Bởi vì điều dễ hiểu: Kỷ luật là sức mạnh của quân đội. Trong binh thư cũng chưa hề dạy anh đầu hàng một cách nhục nhã như vậy. Cuối cùng rồi bài toán cũng dẫn tới đáp số chua chát bằng cả sự thất bại toàn diện ở miền Nam. Anh cùng đồng đội đành phải miễn cưỡng buông súng, để rồi nhận lãnh cái hậu quả ê chề đè nặng xuống người anh.

Thấp thoáng mà mười năm qua đi. Mười năm trôi qua đời anh chẳng khác nào cơn ác mộng hãi hùng. Anh vẫn là anh. Anh vẫn sống, thở đều đặn, đi, đứng, ngồi, ngủ như mọi người khác. Với mười năm cuốn trọn nơi tâm tư anh, vỏn vẹn có mỗi một điều duy nhất, là không khi nào anh quên được cái biến cố của mười năm trước đây. Nó ghi lại trong ký ức anh bằng những đắng cay, ê chề mà theo anh nghĩ, khó có thể nào nhạt phai ở cuộc đời còn lại. Anh cố gắng quên đi tất cả để sống im lặng với chuỗi ngày tháng hờ hững trước mặt. Anh ráng tìm cách xua đuổi, tẩy uế các vết thương ấy ra ngoài tâm thức, nhưng ngược lại, nó chẳng khác nào như chứng bệnh nan y, lở loét, ung thối, bám cứng thường xuyên ở tâm não anh.

Chưa bao giờ anh xây dựng bất cứ ước vọng to lớn nào cả! Chưa bao giờ! Anh muốn sống bình thường, giản dị như mọi người khác, hầu tích lũy vốn liếng căn bản cho tương lai những đứa con anh đang sống ở Việt Nam. Chúng đang đi trên vỉa hè thối tha ở Sài Gòn. Chúng đang ngủ chập chờn hoặc suy nghĩ về thân phận mơ hồ của người cha chúng nó trước đây. Chúng đang bị tiêm nhiễm, đầu độc bởi cái lý thuyết mù quáng, vong bản, đi ngược lại với những nguyện vọng thiết tha của dân tộc. Chúng sẽ bị lôi cuốn, nhập cuộc vào các cuộc chiến tranh phi lý, vô nghĩa. Anh không biết phải làm gì bây giờ! Thất vọng, anh phác lên cử chỉ yếu ớt. Hằng bao nhiêu người chôn vùi tuổi xuân vào chiến trường Campuchia. Bao nhiêu người ra đi vĩnh viễn để xây dựng lý tưởng hão huyền, mù quáng. Còn bao nhiêu người nữa để chuẩn bị lấp vào cái khoảng trống rộng thênh thang đó! Chán nản, anh cất nhẹ lên tiếng thở dài, buông thả niềm suy tư, nổi trôi về quá khứ của giai đoạn lịch sử tang thương nhất.

Lịch sử sau này sẽ viết gì về thời điểm ấy! Viết gì! Cho đến bây giờ anh mới nhận chân ra rằng: Chính biến cố năm một nghìn chín trăm bảy mươi lăm mới phơi bày, lột tả hết được từng góc cạnh về chữ “trung,” chữ “tín” cùng mọi thái độ hèn nhát, đê tiện váng lên tại cái trại tù được mang tên là cải tạo. Cũng chính cái biến đó mới chứng minh được những người đàn bà can đảm, sống vì chồng và tận tụy với chồng. Nhờ đấy mới nhận ra được chân tướng của những kẻ bội bạc, phũ phàng. Họ quên đi nhanh chóng, vùi dập quá khứ một cách trắng trợn, trơ trẽn. Điển hình ngay chính em cũng nằm trong cái hàng ngũ xấu xa, nhơ nhớp đó. Em đang tâm xoay lưng, chối bỏ cả quá khứ để chung sống với kẻ thù địch của chồng mình.

Hoàn cảnh ư? Điều ấy anh không bao giờ tin! Em đoạn tuyệt với tất cả mọi kỷ niệm vàng son, óng ả của một thời dĩ vãng. Chính em là tên hung thủ giết Ngữ không gươm giáo. Cuối cùng nó phải chết tức tưởi trong nhà tù. Nó chết đi mà tâm tư nó còn đem theo niềm uất hận. Sao em lại quá nhẫn tâm như vậy? Sự thật ngay chính anh cũng không có thể nào ngờ được. Những sợi mưa đầu mùa tiễn đưa Ngữ đến nơi an nghỉ quạnh hiu. Đêm hôm ấy, anh cảm thấy ray rứt, buồn rũ rượi. Cuộc đời là những dấu chấm, dấu hỏi cùng chuỗi chán trường dài lê thê. Em thật sự là kẻ đã lột xác, thay đổi toàn diện từ thể chất đến đời sống tâm linh chính mình. Em cố tình quên đi tất cả góc trời vàng son ở dĩ vãng, để đuổi theo rượt bắt những ảo tưởng phù phiếm trước mặt. Em tung hô, đề cao những kẻ xấu xa, phản bội lại dân tộc. Nghĩ đến đấy, anh phân vân tự hỏi: Anh không biết tại nguyên nhân hoặc động lực nào đã thúc đẩy em xoay chiều trên lãnh vực tư tưởng! Bao nhiêu đêm anh trằn trọc suy nghĩ. Bao nhiêu đêm anh vẫn chẳng tìm ra được câu trả lời thích đáng. “Chính các anh là những kẻ có tội với tổ quốc và nhân dân.” Anh nhớ mãi câu nói ấy mà em nói với anh vào lần gặp gỡ đầu tiên, kể từ ngày anh ra tù, và đấy cũng là lần anh chuẩn bị giã từ Sài Gòn.

Bây giờ thì anh đang đứng ở bên đây bờ đại dương. Một vùng đất hứa xa lạ với anh về tất cả mọi phương diện. Quê hương chỉ còn là hình ảnh lung linh, mờ ảo, tiềm ẩn ở tâm trí. Ở đây, hai chữ tự do được tôn trọng triệt để. Anh không còn cái cảm giác hoang mang, hồi hộp trước bóng dáng công an đứng lầm lì trên đường phố Sài Gòn trước đây. Anh chiêm nghiệm về ý nghĩa cao quí, đích thật của hai chữ tự do. Chỉ có tự do mới là hạt giống vô giá nhất để ươm lên cái thảm nhung mượt mà, bóng bẩy của hạnh phúc. Hành trang mà anh mang đến đây chỉ còn lại có số kỷ niệm và mọi hình ảnh thân thuộc. Vỏn vẹn thật đơn giản mà anh cũng vẫn sống. Sống để hun đúc niềm hy vọng về một ngày nào đó, anh sẽ trở lại và đi trên từng con đường quen thuộc xưa cũ. Ghé vào các quán cóc bên vỉa hè mà trước đây anh thường ngồi. Anh tin chắc rằng, ngày đó sẽ đến và phải đến.

Lịch sử sẽ quay đều, liên tục vào không gian lẫn thời gian bất tận. Lịch sử sẽ chẳng bao giờ ngừng lại. Đấy là điều khẳng định chắc chắn. Làm sao mà em có thể biết được những gì sẽ xảy ra ở hôm nay lẫn ngày mai! Làm sao mà em có thể quả quyết rằng, chế độ Cộng Sản hiện nay sẽ tồn tại, bất diệt! Theo anh, rồi đến một ngày nào đó, chế độ ấy sẽ phải đi xuống và tuần tự rã ra, cũng giống như những tảng băng trên vùng Bắc Cực bắt đầu chuyển mình vào một ngày Hạ nắng ấm. Đấy! Em cũng thấy: Chiến thắng mùa Xuân năm một nghìn chín trăm bảy mươi lăm đưa bạo quyền miền Bắc lên đến đỉnh cao của vinh quang, thì cũng chính chiến thắng ấy đã đánh dấu sự phân hóa, lũng đoạn trên bề mặt của hệ thống tư tưởng. Nhờ vào năm bảy mươi lăm nhân dân miền Bắc mới nhìn thấy rõ được đời sống của nhân dân miền Nam. Từ đó họ mới có ý niệm sâu sắc về hai chữ tự do, để rồi dẫn tới thái độ đánh giá và so sánh, đồng thời mới thấy được dã tâm thâm độc của chế độ. Nhân dân trở nên mất niềm tin vào tập đoàn thống trị.

Trong khi ấy, trên cơ cấu thượng tầng kiến trúc, thường xuyên diễn ra những tấn bi kịch tranh chấp vì ảnh hưởng, quyền lợi. Đấy là anh chưa đề cập tới các tệ trạng thối nát đang bành trướng, hoành hành, thao túng dưới hang ngũ của hạ tầng cơ sở. Phải chăng đó là hiện tượng mở màn dẫn đến con đường suy thoái cho cả một chế độ. Bao nhiêu mâu thuẫn, hoài nghi đang thấm dần, đục khoét, xoáy mòn nơi tâm não người cán binh Cộng Sản. Họ được bù đắp gì sau khi toàn thắng ở miền Nam? Trong khi đó, chế độ lại theo đuổi tham vọng mù quáng là xô đẩy nhân dân vào cuộc chiến tranh phi lý ở Campuchia. Chính họ là những tay đồ tể khát máu và hung bạo nhất trong lịch sử của dân tộc. Họ chà đạp lên nhân dân Việt Nam, lợi dụng xương máu của đồng bào để mưu cầu những tham vọng điên cuồng, bất chánh. Lịch sử sau này sẽ gay gắt lên án họ. Họ mới chính là những kẻ phản bội lại tổ quốc.

Bao nhiêu năm rồi! Bao nhiêu năm đưa họ đạt tới mục đích cuối cùng, đó là chiến thắng ở miền Nam, đồng thời đề ra chính sách cải tạo xã hội ở miền Nam lên ngang hàng với xã hội miền Bắc, theo chiều hướng đi lên của chủ nghĩa xã hội. Thử hỏi, với công cuộc xây dựng xã hội, họ đã đạt đến được những thành quả nào rực rỡ, ngõ hầu kiến thiết tương lai hứa hẹn, ngời sang đến với đất nước. Anh không đồng ý với em về quan điểm lẫn lập luận cho cho nhân sinh quan theo chiều hướng của Marx. Giữa lúc mọi người đang thức tỉnh nhìn thấy mọi sai lầm, nằm trơ trẽn trên bình diện của lý thuyết đó, thì ngược lại ngay chính em lại cuồng tín, ca tụng, cổ võ cho đường lối phi nghĩa, vô nhân đạo. Nghĩ đến đấy, anh cảm thấy tâm tư mình đau nhói, buồn rũ rượi.

Anh vẫn đi! Đi miệt mài, phiêu lãng trên khoảnh trời xa lạ. Cuộc đời chẳng khác nào vì sao đổi ngôi, phải không em? Anh chính là tên lãng tử, lê gót trên nẻo đường vô định. Trong thoáng giây dừng bước, anh chạnh nhớ về em, về các con cùng mọi khuôn mặt đăm chiêu trên vỉa hè Sài Gòn. Anh đem niềm nhung nhớ về thành phố ấy, về mảnh đất điêu tàn, nhực nhằn, về thân phận làm người như em cùng mọi người khác nữa, đang bị bao vây, bưng bít bởi những bất công, nghiệt ngã. Trời Tháng Tư chói chang khiến anh có cảm giác như mình đang đi dưới sức nóng cay nghiệt của những ngày tháng tư năm nào. Tháng Tư nặng nề, tang tóc, cuốn theo những sự kiện bất hạnh đến với đất nước. Phòng tuyến Phan Rang thất thủ, tiếp nối đến Long Khánh ngùn ngụt khói sung và cuối cùng rơi vào sự kiểm soát của địch quân. Sài Gòn lên cơn sốt tột cùng. Sài Gòn lo âu, hớt hải, chen chúc nhau chờ di tản. Tháng Tư diễn ra với những cuộc bàn giao vội vàng, hấp tấp. Tháng Tư đau nhói trong bản tin cay đắng đầu hàng. Tháng Tư buông súng. Tháng Tư hạ màn, kết thúc. Tháng Tư ảm đạm, thê lương.

Ngay buổi chiều hôm ấy, địch pháo kích vào bệnh viện nhằm cảnh cáo, uy hiếp Tiểu Khu. Tướng Hưng tự sát. Tướng Nam cũng tìm cái chết để đền nợ nước. Nghe đâu cả Tướng Hai ở căn cứ Đồng Tâm cũng kết liễu cuộc đời bằng viên độc dược oán hờn. Một người bạn cùng đơn vị nói với anh như thế. Anh nghiêng mình đem niềm kính phục về ba vị tướng tuẫn tiết này. Những vị tướng noi gương Hoàng Diệu, Phan Thanh Giản. Những vị tướng đi vào lịch sử. Những vị tướng đã nêu cao tinh thần bất khuất của dân tộc. Anh liên tưởng đến buổi sáng thật u ám hơn bao giờ hết. Buổi sáng mà người dân tỉnh lỵ đứng ngơ ngác, hoang mang trước các đơn vị địa phương, xốc xếch trong bộ đồng phục nylon dầu cùng chiếc nón tai bèo, lác đác vào tiếp quản thành phố. Anh nhớ đến cánh cửa sắt nặng nề của khám đường từ từ mở ra và mọi người đều sững sờ nhìn nhau thầm hiểu. Từng bài học chính trị nhạt nhẽo cho đến cái chính sách lật lọng, bịp bợm đã chôn vùi tuổi trẻ ở trong anh xuống tận cùng của hố thẳm đen tối, của ngục tù, của nông trường lầm than, đọa đầy, bỏng cháy. Anh vẫn còn nhớ câu mà anh nói với em vào lần gặp mặt đầu tiên kể từ ngày anh bước chân vào trong tù:

“Anh chẳng khác nào một tên nô lệ thời trung cổ. Một tên nô lệ không hơn không kém trước những hành động thô bạo, dã man của những kẻ chiến thắng hung tàn, bạo ngược.”

Nói xong, anh nhếch miệng cười chua chát. Em thỏ thẻ bên tai anh:

“Chừng nào thì anh được trả tự do! Em nghe nói là không lâu đâu anh ạ! Nhưng vấn đề đặt ra là mình phải kiên trì để đạt tới sự tiến bộ thật sự về cả hai lãnh vực tư tưởng lẫn lao động.”

Anh ngước lên dằn từng tiếng:

“Cho đến giờ này em còn tin tưởng ở nơi họ hay sao? Tiến bộ! Thế nào gọi là tiến bộ? Chẳng qua đấy chỉ là tấm vải thưa để che đậy dã tâm quỷ quyệt, xảo trá ở bên trong. Anh không tin! Không khi nào anh tin! Ngay từ khi anh bước chân vào khám đường Vĩnh Long, anh mới thấy rõ được sự sai lầm của chính mình. Anh đã quyết định vạch sẵn cho mình một con đường để đi. Một con đường mà theo anh nghĩ, khó có thể nào thành tựu được, nhưng anh vẫn phải theo đuổi nó! Bởi vì anh không còn giải pháp nào khác để lựa chọn. Anh sẽ trốn, từ giã khỏi nơi này. Không có lý do nào trói buộc anh phải chôn vùi cuộc đời ở nơi đây. Anh biết rằng, đây là quyết định táo bạo, rủi nhiều, may ít, nhưng anh vẫn phải chấp nhận nó, bởi vì lý do như anh đã trình bày với em ở phần trên.”

Ngừng lại vài giây, anh đổi giọng chán chường:

“Anh chán quá rồi. Chán thật sự. Chưa bao giờ anh nghĩ đến ngày về! Bởi vì nó còn xa lắm, mù mịt ở mãi tận cuối chân trời.”

Em rơm rớm nước mắt:

“Đừng! Anh! Đừng bao giờ dại dột! Trốn ra trong lúc này thì chỉ có mỗi con đường duy nhất là dẫn đến sự chết.”

Thoắt chốc mà mười năm qua đi. Tốc độ thời gian thật quá nhanh em nhỉ? Mười năm làm cho chúng ta già hẳn đi. Mười năm còn đọng lại nơi ký ức của chúng mình được những gì! Đau đớn, tủi nhục cùng nỗi băn khoăn về tương lai đục tối của đàn con chúng mình. Có phải đúng như vậy không em?

Mười năm đi qua đời anh bằng cả chặng đường dài nhục nhằn, gian khổ. Mười năm kéo lê thân xác héo gầy qua các nhà tù Tri Tôn, Tịnh Biên, Long Xuyên, Châu Đốc, Tà Đảnh, Chí Hòa với chuỗi ngày tháng dài hồi hộp, lo âu. Suối Máu cùng năm tháng khổ sai lao động trên nông trường Đồng Hòa hẻo lánh. Rốt cuộc, anh cũng vẫn sống, rồi trở về nhìn lại em cùng các con, nhìn lại Sài Gòn với nỗi xót xa gợn nhăn ở tâm thức. Sài Gòn tiều tụy hẳn đi từ khuôn mặt cho đến chiều sâu của nó. Anh có cảm giác như mình đang đứng trên một thành phố xa lạ nào khác. Sài Gòn hôm nay khác hẳn với Sài Gòn ngày xưa. Một Sài Gòn lạc quan biến mất, nhường bước cho Sài Gòn của lo âu, của khắc khoải, của đăm chiêu, tư lự cùng những khuôn mặt cằn cỗi, nhăn nheo, già nua đi trươc tuổi.

Anh gửi về em nỗi nhớ nhung thầm kín hôm nay, cùng những ưu tư, khắc khoải, phiền toái đang âm ỉ, gậm nhấm trong tâm linh anh nơi chân trời mới này. Anh mơ về ngày nào đó, một ngày thật đẹp trời, chan hòa với đầy đủ mọi ý nghĩa sâu sắc, trọn vẹn về hai chữ tự do cùng nền hòa bình đích thực trải rộng trên quê hương mình. Quê hương là tiếng gọi thiêng liêng, cao cả, là nơi mà anh được sinh ra, uống từng giòng sữa mẹ ngọt ngào ở nơi đấy. Nó có hấp lực đặc biệt gắn bó anh vào từng con đường quen thuộc, cho đến từng cánh đồng phẳng lì, mượt mà thẳng tắp. Từng ngôi làng thân yêu cho đến các cụm rừng già ngút ngàn và những giòng sông hiền hòa, rực rỡ. Từ đấy, nó gói ghém, chắt chiu thành những tháp ngà vàng óng của kỷ niệm. Anh có bổn phận ôm ấp, nâng niu nó như một thứ kỷ vật ngà ngọc, vô giá khó quên ở tại đời sống này.

Anh mang nỗi uẩn khúc tới một thành phố xa lạ. Thành phố mà anh mới đặt chân đến được mấy hôm nay. Chung quanh anh, mọi người đương xôn xao, náo nức, chuẩn bị đón mừng mùa Giáng Sinh tưng bừng đến cùng một năm mới dương lịch tràn đầy hy vọng. Thành phố rực sáng với những ánh đèn màu lấp lánh về đêm cùng những trận mưa tuyết âm thầm, mịt mùng rơi xuống. Thành phố mà ai nấy đều sống bình thản, lạc quan về tương lai đất nước họ. Họ sống với đầy đủ ý nghĩa sống. Anh buông ý nghĩ về quê hương đọa đày, về bóng tối đương trùm kín trên mọi nẻo đường đất nước hôm nay, về đám bạn bè đang tuyệt vọng trong phạm vi hạn hẹp của bốn bức tường thối tha, đen tối.

Tự nhiên anh muốn thắp lên điếu thuốc. Anh thò tay vào túi quần, lấy ra điếu thuốc cài lên môi, rồi bằng động tác khoan thai, bật hộp quẹt châm lửa. Anh cố rít hơi cay xé xuống buồng phổi rồi ngước lên thở ra nhè nhẹ. Từng lọn khói no tròn uốn éo tỏa ra, cuốn theo biết bao nhiêu nỗi phiền muộn, đắng cay, tê tái của người dân tỵ nạn.

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT