Cựu Chiến Binh

Trải niềm tâm sự

Tướng Ngô Quang Trưởng, có nhiều tác giả viết về đề tài này, hôm nay không may cho tôi, phải đọc thêm những dòng chữ viết về ông, không mấy chỉnh cho lắm, ai mà biết được lòng người.

Tôi không muốn nêu tên những tác giả này vì không đáng cho người lương thiện, phải đề cập đến họ. Có ông viết Thường Đức nằm trên đường mòn HCM. Chao ôi! Năm 1961; tôi là pháo đội phó cho Trung Úy Phan Văn Phúc, (sau này ông ấy là chỉ huy trưởng pháo binh SĐ1BB), pháo đội A, Tiểu Đoàn 2 pháo binh, dẫn hai khẩu đội lưu động tại Quảng Ngãi, mỗi lần hành quân như vậy, dọc đường thường là tự bảo vệ, nhưng đôi khi cũng được đại đội Biệt Động Quân của Trung Úy Nguyễn Thừa Du bảo vệ dọc đường, tới vị trí đóng quân chúng tôi tự phòng thủ, yểm trợ hỏa lực cho cuộc hành quân, đại đội BĐQ của Trung Úy Du tấn công vào mục tiêu, cuộc hành quân đôi lúc do Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 2 Bộ Binh chỉ huy, có khi do Tiểu Khu Quảng Ngãi chỉ huy, khi chấm dứt hành quân lại kéo súng về rặng nhãn cạnh tòa án Quảng Ngãi nghỉ dưỡng quân. Cứ như vậy, ban ngày tiếp tục ứng trực hành quân, lên đường 15 phút sau khi nhận được lệnh, vì vậy ban ngày súng luôn mắc sau xe, đêm đến hạ súng xuống, để phòng thủ vị trí, vì đêm không có nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực.

Sau đó tôi được lệnh làm pháo binh vị trí, nói cho vui là đi đóng đồn, tại những vị trí này không có đơn vị bộ binh bảo vệ, vị trí pháo binh đầu tiên tôi thiết lập trên đồi cầu Cộng Hòa, Nghĩa Hành; tại vị trí này tôi được tướng tư lệnh quân đoàn khen thưởng, lúc đó Đại Úy Nguyễn Văn Thiệu làm tiểu đoàn trưởng, Đại Úy Lê văn Thân chỉ huy trưởng pháo binh sư đoàn, Thiếu Tá Phan đình Soạn chỉ huy trưởng pháo binh quân đoàn, sau đó làm vị trí pháo binh đầu tiên cho đồi Minh Long, Quảng Ngãi. Ngày 12 Tháng Mười Một, năm 1961. Tại đồi Minh Long tôi nhận được lệnh về làm pháo đội trưởng Pháo Đội B/TĐ2PB, thay thế nhiệm vụ của Trung Úy Trương Duy Tài, (K4TĐ) Trung Úy Tài có lệnh thuyên chuyển đi đơn vị khác. Lúc đó mỗi sư đoàn bộ binh chỉ có một tiểu đoàn pháo binh (12 khẩu súng 105 ly kiểu M101) mà thôi, như vậy mỗi pháo đội chỉ có 4 khẩu đội. Tiểu đoàn 2 Pháo binh trước năm 1954 là 5me GAVN, sau năm 1954 mới có tên là TĐ2PB và trực thuộc SĐ2BB từ đó, sau năm 1963 được đổi tên là TĐ21PB. Đọc (Nhật ký hành quân của đơn vị). Pháo đội B của 5me GAVN năm 1951 bắn về làng tôi, (Xuân Bảng, Xuân Trưởng, Nam Định) thi hành tác xạ theo lệnh của secteur Hành Thiện, căn cứ trên báo cáo của tình báo địa phương, địch quân đang đồn trú tại làng tôi một đơn vị lớn, thực tế không có một đơn vị nào của địch, tin tình báo gì lạ vậy, mà chỉ có dân lành nằm chết khắp nơi trong làng! Dưới cơn mưa pháo, mẹ tôi ôm chúng tôi dưới gầm giường, hy vọng che chở mảnh đạn pháo binh không làm hại cho đàn con dại, mẹ Việt Nam vùng quê đơn giản suy nghĩ như vậy đó, thời gian qua mau, không ngờ đúng 10 năm sau tôi lại chỉ huy pháo đội này.

1/4 quân số đơn vị đã tham dự cuộc pháo kích năm 1951, vẫn còn tại hàng. Vừa nhận bàn giao xong, sau không đầy một tuần làm quen đơn vị, mùa Đông bắt đầu, cái lạnh giá buốt hành hạ, lần đầu tiên trong đời tôi thấy em bé gầy gò khoảng 6 tuổi, cõng một em khoảng 2 tuổi, cả hai không có đủ áo chống lạnh, oái oăm là cả hai cùng ngậm điếu thuốc xì gà rất lớn (Cẩm Lệ), hai điếu thuốc đang bốc khói, trông hai em rất hạnh phúc, cõng nhau đi ngoài trời gió lạnh tại ga xe lửa Tam Kỳ. Tôi bắt đầu nhập cuộc trở lại. Rồi cũng lại kéo hai khẩu súng đại bác của pháo đội B lưu động tại tỉnh Quảng Nam, ai cũng sợ phải làm nhiệm vụ lưu động, vì sợ phải gần đại tá tư lệnh, tôi lại bằng lòng với nhiệm vụ lưu động, vì dù sao tối đến cũng hay được ở thành phố, chính vị tiểu đoàn trưởng Đại Úy Nguyễn văn Thiệu, cũng muốn tôi làm nhiệm vụ này, ai cũng muốn được vô sự, tôi luôn mang vô sự đến cho ông.

Được lệnh đóng vị trí tại chân núi Bà Nà yểm trợ hỏa lực cho trung đoàn Địa Phương (?) trung đoàn phó là Đại Úy Nguyễn văn Ngơi, vì Đại Úy Ngơi là trưởng phòng an ninh quân đội của SĐ5BB, lúc tôi là pháo đội phó pháo đội A, tiểu đoàn 5 súng cối, hơn nữa ông hay sang pháo đội uống cà phê nên mới nhớ tên ông, thật sự quên tên vị trung đoàn trưởng, hình như là Đại Úy Tất, cuộc hành quân chưa chấm dứt. Nhận lệnh kéo súng về hậu cứ, ngày hôm sau, lại nhận lệnh kéo súng đi Thường Đức, không có hộ tống dọc đường, đóng quân tại Thường Đức, yểm trợ trực tiếp cho Tiểu Đoàn 1, trung đoàn 4 (hay 6 ?) thuộc SĐ2BB do Đại Úy Võ Mạnh Đông làm tiểu đoàn trưởng, đơn vị này đang hành quân tại vùng Ben Hiên, Ben Hiên nổi tiếng là vùng nước độc, người ta đồn rằng: Qua suối là rụng hết lông chân, dưới lòng suối nước trong vắt, nhìn thấy từng viên sỏi dưới đáy suối, trông dòng suối thật hiền hòa, nào có ai biết giông bão đang chờ, hôm Tiểu Đoàn 1 băng qua suối, ba đại đội đầu vượt suối bình yên, không có một hiện tượng gì là nguy hiểm, nên an toàn, vô sự. Lúc đó Thiếu Úy Nguyễn Văn Lước là sĩ quan tiền sát của tiểu đoàn này, mỗi tiểu đoàn chỉ có một sĩ quan pháo binh đi để điều động hỏa lực pháo binh. Đại đội sau cũng vừa bắt đầu băng suối, chỗ sâu nhất chỉ tới háng mà thôi. thì thình lình nước chảy cuồng loạn, đúng là như thác đổ, cuốn mất một trung đội, mà lúc đó trời đang trong sáng, sau mới biết là do mưa lũ từ thượng nguồn, nước trào dâng, tràn về nhanh như vậy, cuối cùng trung đội này bị chết đuối mất 2 người. Tôi có lội xuống suối thử một lần, thấy không rụng lông chân, mà nhổ lông chân không cảm thấy đau.

Đ/U Đông lúc ra trường về TĐ5ND, rồi luân lưu về SĐ2BB dưới quyền trung đoàn trưởng Thiếu Tá Võ Hữu Thu kiêm tỉnh trưởng Quảng Nam, cả hai ông này đều là anh ruột của anh hùng Võ Đại Tôn. Đó là thời Đại Tá Lâm Văn Phát Tư Lệnh SĐ2BB, ba trung đoàn trưởng kiêm ba tỉnh trưởng Quảng Nam Thiếu Tá Thu, sau này Quảng Tín Đại Uý Thọ, vì năm 1961 chưa có tỉnh Quảng Tín và Quảng Ngãi Thiếu Tá Tụ. Sau đó tôi kéo súng về Bến Giàng phía Tây của Thường Đức, cách Thường Đức khoảng 10 cây số đường chim bay, nhưng đi đường bộ thì khoảng 14 cây số, rồi lại được lệnh kéo súng về Khâm Đức hướng Tây của Bến Giàng khoảng 10 cây số đường chim bay, đường bộ khoảng 15 cây số. Tại đây tôi gặp Đại Úy Vũ văn Giai, chi khu trưởng chi khu Khâm Đức, lại Tây tiến nữa Ngoktavak cách Khâm Đức khoảng 11 cây số đường chim bay, khoảng 16 cây số đường bộ, đây mới là vị trí nằm ngay trên đường mòn HCM. Ngoktavak nơi khỉ ho cò gáy, chúng tôi gặp đại đội trưởng Bộ Binh, Thiếu Úy Bùi Đức Cẩn khoá 17 Võ Bị Đà Lạt, mới ra trường.

Từ Ngoktavak tới ngã ba biên giới khoảng 15 cây số đường bộ. Tại đây thiết lập vị trí pháo binh rất quy mô, vì nó nằm ngay trên đường mòn HCM. Phải rất thận trọng ấm ớ, là (chuối đó cưởng). Vị trí này nếu bay trên trời quí vị chỉ thấy vị trí hai khẩu pháo, trơ trọi trên đỉnh đồi, không thấy các cơ quan khác. Như nhà ở của các pháo thủ, hay hầm đạn đều nằm dưới mặt đất… Nhờ vậy tôi được tư lệnh sư đoàn khen thưởng. Tôi nói vòng vo Tam Quốc như vậy để quí vị đọc giả hiểu rõ tác giả, dù ở cấp bậc nào, viết về tướng Trưởng, không biết đọc bản đồ nào, mà lại viết Thường Đức nằm trên đường mòn HCM, trong khi Thường Đức nằm cách xa đường mòn HCM, khoảng gần 50 km, tôi không muốn biết tác giả có cấp bậc gì, trình độ nào, nhưng viết như vậy, thì bài viết này khả tín bao nhiêu? Tác giả viết nhiều điều buồn hơn vui, nhưng một điều hơi đè nặng trên vai vị tướng có nhiều điểm tốt hơn điểm xấu, tôi sợ nhiều người hiểu sai, không nên vì hằn học với hiện tại, mà làm mất đi sự cảm mến của hậu thế với Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, một vị tướng có nhiều điểm tốt hơn xấu mà bị bôi trét như vậy có chỉnh hay không? Ngay con cháu chúng ta, có còn coi trọng chúng ta hay coi thường chúng ta. Ôi một vị tướng có điểm cao, mà còn vô trách nhiệm như vậy, vậy các quân nhân khác, sẽ bê tha tới mức nào đây! Đó chính là nguyên nhân tôi thấy phải có trách nhiệm viết, có đoạn tác giả viết đại để như thế này: (Khi nhận được tin nóng từ máy bay quan sát cho biết từ điểm X một đoàn xe địch rất đông đang từ đó di chuyển về hướng Quân Đoàn II). Tư lệnh Quân Đoàn I, lạnh lùng trả lời:

– Hãy để cho nó đi!

Lời nói nhẹ nhàng! Nhưng nó biểu lộ một sự lựa chọn vô trách nhiệm, nhất là nó phát ra từ lồng ngực của một quân nhân có tinh thần trách nhiệm cao, tinh thần kỷ luật cao, mà còn vô trách nhiệm như vậy! Ôi! Có thể như vậy sao? Ông Trời tuy xa vời vợi, khó với tới, nhưng rất dễ cho mọi người cảm nhận được, trời ở nơi nao? Lời văn độc ác trời có thể thấy rất rõ, thấy rất chi tiết, thấy rất công bằng và phán xét rất công minh. Ra ngoại quốc ai mà không khắc khoải nhớ về quê hương thân yêu, tôi hoàn toàn chới với giữa giòng đời chen chúc bởi lòng vòng trong ghen tị, ôi chao với kẻ thù cũng có mà với bạn bè cũng khá nhiều, nhưng với bạn thì chan chứa độc ác, phát xuất từ ganh tỵ, cái ta cao chót vót, không dung tha một người nào, càng nhiều danh vọng, càng lắm tên bay, đạn lạc. Cả hàng tá tổ chức phục quốc, tôi không biết phải làm gì với sự mong muốn hèn mọn của mình, sau một thời gian suy diễn lung tung, tôi chỉ còn thấy tổ chức của ông Nguyễn Ngọc Huy là chỗ dựa tinh thần vừa phải, nên phải bước vào lắng nghe, xem thực hư thế nào, một buổi chiều Thứ Tư đẹp, Tháng Tư, năm 1986. Thật lòng mà nói, trước năm 1975 tôi nhìn Tướng Trưởng với con mắt thật bình thường, không ác cảm, mà cũng không có nhiều cảm mến. Trung Tá Nguyễn Văn Viên, người anh quí mến của tôi, năm 1954 là quyền tiểu đoàn trưởng TĐ5ND lúc đó Tướng Trưởng mới ra trường là trung đội trưởng, anh Viên rất tốt với ông Trưởng, mời về nhà dùng cơm nhiều lần. Nhưng rồi đường binh nghiệp của anh Viên lắm chuyện không hay, nên anh phải tự chọn con đường giải ngũ… Sau này lúc Tướng Trưởng (1 sao) làm tư lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh, anh Viên bị gọi tái ngũ với cấp bậc Thiếu Tá làm việc tại địa phương, chi khu, dưới quyền Tướng Trưởng, anh Viên không muốn gặp ai cả, lại còn mặc cảm thông thường thế nhân, bất ngờ Tướng Trưởng tới thăm đơn vị, nên anh Viên đành phải trình diện. Tướng Trưởng nhận ra cấp chỉ huy cũ của mình, nên Tướng Trưởng mời gặp tại văn phòng lúc 11:00 ngày hôm sau. Anh Viên rất thận trọng, đến trước giờ ấn định, nhưng vẫn không được như ý, anh bắt buộc phải ra về, anh hơi buồn rồi bỏ luôn. Anh nghĩ rằng Tướng Trưởng rất khó sắp xếp cho mình, anh rất thông cảm hoàn cảnh éo le, anh không muốn nhờ vả một ai, nếu anh muốn làm việc tại Sài Gòn lúc bị gọi tái ngũ, cũng không khó khăn. Không may nay gặp phải tình trạng này, nên anh buộc lòng phải gọi về Sài Gòn, gặp bạn cũ, xin về vùng lV, với mục đích chính, xa hẳn ảnh hưởng của Tướng Trưởng. Trước khi đáo nhận đơn vị mới anh Viên có cùng chúng tôi hàn huyên tại Sài Gòn. Anh không hề nói gì về việc anh xin thuyên chuyển. Mãi sau này khi gặp Tướng Chinh tôi mới biết. Tướng Chinh cũng như Tướng Giai đều nói, nếu biết anh Viên bị tái ngũ, thì anh Viên muốn về đâu, hai vị này đều có thể lo cho anh Viên được như ý.

Anh Viên được như ý, thuyên chuyển về Quân Đoàn lV, không may Tướng Trưởng lại về vùng lV, lần này may mắn không phải như trước do thời gian ngắn ngủi. Nên chưa gặp mặt trực tiếp. Tướng Nam thay thế Tướng Trưởng. Tướng Nam muốn cất nhắc anh Viên. Anh từ chối và xin Tướng Nam cho anh được an phận. Anh Viên lên Trung Tá thường niên rồi mất nước. Năm 1976 anh Viên xin được một chiếc máy đánh chữ và một chiếc máy quay ronéo, cả hai máy đều đã quá cũ, từ Tướng Đỗ Kế Giai, (Tướng Giai nổi tiếng như cụ Vương Hồng Sển) anh in được một số truyền đơn, rải tại Sài Gòn và Bà Rịa, không may bị lộ, Việt Cộng đã xử bắn anh Viên tại bến xe đò Bà Rịa năm 1976; sau 1 tháng tra tấn dã man. Việc này do Tướng Đỗ kế Giai kể lại, cho tôi tại San Jose, có Bác Sĩ Trần Lữ Y và Văn Văn Của cùng nghe. Tại bàn Tướng Giai không uống rượu, còn hai vị bác sĩ thì khỏi phải nói, tôi là bệnh nhân của Bác Sĩ Trần lữ Y tại Sài Gòn, trước năm mất nước. Chúng tôi có được buổi gặp mặt, tại tư gia anh NQV, anh NQV là một người bạn tốt, mà còn là một thành viên cốt cán của Giáo Sư Huy, anh cư trú tại phía Nam thành phố San Jose, tôi cố ý đến sớm hơn mọi người, để được nói vài câu chuyện, xa xưa, may mắn được gặp Tướng Trưởng tại đây. Tôi uống bia, còn Tướng Trưởng uống theo sở thích của ông, căn phòng rộng thênh thang, chỉ có hai chúng tôi. Đương nhiên tôi biết ông đã lâu, từ lúc sư đoàn Nhảy Dù thành lập trung tâm huấn luyện quân sự, lúc đó thì tôi chưa đội nón đỏ, cũng như chưa có tiểu đoàn Vương Mộng Hồng, tinh thần làm việc của ông, tôi không sao có thể so sánh với bất kỳ một ai, riêng sức chịu đựng làm việc thì tôi có thể theo chân ông được. Theo sau thôi! Chúng tôi cũng có những câu xã giao với nhau thường lệ, như mọi người. Sức khỏe của ông lúc đó không có gì khác cho lắm, nhưng hình như ông bắt đầu vào thời kỳ suy thoái, là con người ai mà không phải chịu cảnh sinh, lão, bệnh, tử! Tôi nghĩ rằng: Lúc này đất nước còn đang cần những người như ông, tôi biết ông sẵn lòng đóng góp, thật tình không biết tổ chức nào, có sức hấp dẫn với ông. Mới đây một người bạn không thân thiết, so sánh Tướng Trưởng với Tướng Nguyễn Chánh Thi, nhưng anh ta nặng đầu óc địa phương quá! Tôi mỉm cười cho qua chuyện, không bao giờ tôi lại đi so sánh hai vị niên trưởng, ở những lúc không cần thiết, tranh luận vô bổ, một người thì bày, một người thì dọn dẹp, một người thì to miệng, một người thì bé mồm; hãy để cho thế nhân bình luận cũng đủ lắm rồi!

Thưa niên trưởng tôi có một thắc mắc, niên trưởng có thể trả lời, nếu không muốn niên trưởng có thể không trả lời. Cái gì mà nghiêm trọng vậy? Lúc sắp mất nước, Không Quân quan sát thấy… Tôi vừa nói tới đó, ông giơ tay cắt ngang, ông thở dài chậm rãi nói: Tôi hiểu rồi! Tôi tưởng việc gì trọng đại, tôi nghĩ việc này anh phải biết rồi chứ, pháo binh phải hiểu hơn ai hết… Sau hiệp định Ba Lê quân đội ảnh hưởng nặng nề nhất, pháo binh chỉ được bắn mỗi ngày 20 viên đạn/một khẩu, trước đó bắn không hạn chế. Không phải chỉ có như vậy là thôi đâu, đến cuối năm thì chỉ còn 10 viên, rồi 5 viên… Không Quân còn bi đát hơn nữa, hạn chế các phi vụ, hạn chế xăng nhớt, hạn chế bom đạn, nếu mình cho đánh bom đạn bừa bãi thì là hành động tự sát. Vì khi các thành phố, cứ điểm của ta bị tấn công, lấy hỏa lực ở đâu để yểm trợ cho các đơn vị này, chúng ta bó tay, chịu đựng hay sao? Vấn đề này quân đoàn đã tiên liệu từ lâu, nếu có sự kiện xảy ra như vậy, quân đoàn có nhiệm vụ phải báo cáo ngay cho Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, nơi đây có trách nhiệm điều động hỏa lực tiêu diệt lực lượng địch, như vậy việc tiêu diệt địch di chuyển bằng xe hay là di chuyển băng đồng, nếu không có đụng độ trực tiếp với các đơn vị cơ hữu của quân đoàn, thì đều do sự điều động hỏa lực của BTTM/QLVNCH. Quân đoàn bó tay, những sự kiện này xảy ra nhiều lúc rất đau đầu, tôi thấy đây cũng chính là một trong những lý do đưa chúng ta đến mất nước, lưu vong như ngày hôm nay. Vì thấy địch mà không được đánh, từ đâu ra nông nỗi này. Nhiều người không hiểu đã ăn nói bừa bãi, gây đau lòng nhau, không ích lợi gì, mà chỉ có lợi cho lòng tự tôn, tự đại của họ mà thôi, tôi thấy thương họ, hơn là oán hận họ, lúc này là giai đoạn cần phải thận trọng, thêm bạn bớt thù, đó mới chính là mục tiêu hàng đầu của chúng ta. Đã là con người ai cũng có những lúc lầm lẫn, tôi biết chính tôi đã có những lời nói, việc làm gây tổn thương người khác. Trong thời gian đó trăm ngàn dâu đổ đầu tằm, tôi chỉ còn biết công vụ và công vụ mà thôi; nội công vụ đã làm tôi quên hết mọi việc, gia đình xã hội tôi đều mắc lỗi, lỗi nặng, tôi rất ân hận vô cùng, xin gia đình, xin các chiến hữu hiểu, thông cảm và tha thứ tất cả hành động không vừa ý của tôi đã đối với họ. Tôi xin ngẩng cao đầu chịu tội. Trưởc linh hồn các chiến hữu đã khuất, trước ý chí cương cường các chiến hữu còn nuôi ý định quang phục quê hương, trước gia đình thân yêu của họ và của tôi. Cho nên khi Không Quân xin oanh tạc, tôi đành phải cắn răng mà nói, như anh đã nghe. Không lẽ mỗi khi có sự kiện xảy ra đau lòng như vậy! Tôi phải giải thích với từng người; về hoàn cảnh ê chề của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, như vậy hay sao? Thú thật tôi không có thì giờ, tôi cô độc lắm. Hoàn cảnh khó khăn, tàn độc mà chúng mình phải chịu chi có những người chung số phận, mới hiểu được, còn những vị chuyên ăn trên ngồi trốc làm sao hiểu được, họ là những người chuyên (ăn t… nói p… Mà thôi! Càng không nên tranh luận với những người này). Lúc đó tôi có trăm ngàn việc phải lo, đâu phải chỉ có những việc đơn giản như vậy đâu! Chúng ta hãnh diện là những quân nhân vào sanh ra tử, không trốn tránh trách nhiệm khi đất nước cần đến sự hy sinh xương máu của chúng ta, không lẽ bây giờ chúng ta lại trốn tránh trách nhiệm với đồng bào ruột thịt của chúng ta, tôi không muốn lên tiếng vì tôi thấy khó chịu khi phải nói chuyện với những chuyên viên như vậy! Anh nên cẩn thận khi nói chuyện với họ! Tôi không quên toán tiền trạm năm Mậu Thân, do anh điều động thay anh Lưỡng đã giải tỏa áp lực địch cho tôi.

Thưa niên trưởng, đó là chuyện bình thường thôi! Thưa quí vị, sở dĩ có việc này là do, Tết năm Mậu Thân, Cộng quân tấn công vào Huế, vì bất ngờ, nên đặc công đã chọc thủng hàng rào phòng thủ của trại Mang Cá, rồi lần mò vào tới sân cờ của BTL/SĐ1BB. Các đơn vị cơ hữu của SĐ1BB đều không thể điều động được. Tướng Trưởng không liên lạc được với Chiến Đoàn 1 Nhảy Dù, tất cả hệ thống liên lạc chỉ huy của Chiến Đoàn Nhảy Dù, cũng như nhiều hệ thống chỉ huy khác trong vùng đều bị phá, không liên lạc được, bắt đầu từ thời điểm đó, hệ thống liên lạc, cũng như vũ khí, đồ trang bị của địch, hơn hẳn ta! Nhưng trên hệ thống tác xạ của Pháo Binh, vì máy GRC5 dùng bình điện xe, nên công suất mạnh, nhờ vậy tổng đài của pháo binh vẫn liên lạc tốt, do đó tôi mới làm trung gian (nhận lệnh và chuyển lệnh) toán tiền trạm đã nhận lệnh của Chiến Đoàn Trưởng, do tôi chuyển lệnh, nhờ vậy toán tiền trạm đã có mặt kịp thời trợ giúp cho BTLSĐ1BB, tránh được điều đáng tiếc xảy đến. Tôi nhìn Tướng Tưởng mờ mờ qua giòng lệ hiếm hoi, tôi tự thấy mình đã có điểm sai, tôi không còn đủ can đảm hỏi ông điều nào nữa. Chúng tôi như đang ôn lại thế ra cửa máy bay, dấu giầy saut in đậm trên áng mây trắng rất hiền hòa miền Hậu Giang, miền Đông, v.v… Trận mạc đâu còn ý nghĩa gì, hãy quên đi, nhưng thế ra cửa phi cơ phải khắc ghi trong tủy sống. Tiếng thở dài không biết phát xuất từ lồng ngực nào, hãy tha thứ cho họ, hãy vui đi, hãy cười lên, cho dù là nụ cười muộn màng, héo hon. Lúc đó mới… Chợt nhận ra: Người làm nhiều điều vô vụ lợi cho tha nhân! Là người ngu đần, dại dột. Người hy sinh nhiều! Là người u mê nhất trần gian. Người giúp đỡ nhiều người! Là người muốn tự hủy hoại mình… Vì hậu quả sẽ nhận lại, chỉ có đắng cay mà thôi, chắc chắn sẽ được bồi hoàn không thiếu một chỉ! Đời sống là như vậy đó, càng oán hận lại càng u u minh minh. Người quên ơn, là người bất nghĩa, liệu đường mà đi, không được oán hận, mà phải đón nhận. Vui cười mà đi. Đừng buồn chi! Ai ơi! Tôi không đủ can đảm nhìn lại bóng ngày qua.

(Tháng Tư, năm 2018)

Disqus Comments Loading...
Share

Recent Posts

  • Hoa Kỳ

Mưa đá trút xuống phá nát trang trại điện mặt trời ở Texas

Cơn mưa đá ồ ạt trút xuống miền Đông Nam Texas phá hủy phần lớn…

3 mins ago
  • NHÀ ĐẤT

91% thị trường nhà ở Mỹ vẫn bị định giá quá cao

Nhà từng bị định giá quá cao thêm 11.1% tính đến quý ba, xu hướng…

59 mins ago
  • Đời Sống

Cách bật Dark mode đang được thử nghiệm trong Google Chrome

Google đang thử nghiệm một tính năng mới trong Chrome nhằm buộc các trang web…

3 hours ago
  • Phụ Nữ

Giảm căng thẳng cho cơ thể và tâm trí với glutathione

Nếu việc chống lại các gốc tự do gây ra căng thẳng cho cơ thể…

4 hours ago
  • Giải Trí

Những phim kinh dị mang nhiều thông điệp cho phái nữ

Phim kinh dị là thể loại phim luôn làm khán giả kinh sợ, nhưng Hollywood…

6 hours ago
  • Little Saigon

Đến JD’s Wingz & Thingz thưởng thức cánh gà nướng đút lò

Tôi tìm đến JD’s Wingz & Thingz ở Placentia để thử các loại cánh gà…

7 hours ago

This website uses cookies.