Thursday, March 28, 2024

Chuyến đi cuối năm

CSVSQ Bùi Đức Tính - 323

Có tiếng xuồng ghe chạm bên hông tàu, tôi ngưng tay cuốn vòng dây neo, xoay lại thì thấy Hải vừa cặp xuồng vào, nó ngước nhìn tôi cười thật tươi:

-Chạy chưa anh Vinh!

Vinh là tên của em tôi. Tôi dùng tên này lúc ẩn trốn trên tàu. Tôi làm thằng Vinh, dân lao động, phụ việc trên tàu chở hàng với Vũ. Chúng tôi hầu như chân không, áo quần bê bết dầu máy. Mấy lúc được rảnh rỗi, thấy thèm nhớ sách báo lắm, nhưng không dám chứa trên tàu và tẩn mẩn ngồi đọc.

Hải liếng thoắng mai mối:

-Dạ, có hai dì này xin có giang tàu…

Dì Năm hướng về người đàn bà đang ngồi vịn chặc thành xuồng, dáng như chưa quen sóng nước lắm, tiếp lời:

-Tui với thím Bảy đây có giang ra ngoài xóm trạm nghen mấy chú.

Cho bà con có giang tàu là việc bình thường, tôi mời khách:

-Lên, lên tàu đi hai dì, tàu phải chạy đi lấy nước đá bây giờ…

Đang kiểm máy móc, nghe lời qua tiếng lại, Vũ đứng lên trên nấp hầm máy, nhóng người qua khung cửa trổ lên mui để xem. Thấy Hải, Vũ hỏi thăm:

-Ê Hải, mấy đứa bây sáng nay nay đâu hết rồi, có đứa nào muốn vác nước đá hông vậy?

-Tụi nó chèo lợi đẳng trước hết rồi anh Vũ ơi, tui thì mắc chở hai dì này lại đây nè!

Hải đã quen nghề rồi, miệng nói tay lần chiếc xuồng ra sau đuôi tàu cho thấp, và giúp khách lên tàu. Dân đi buôn có giang tàu xuống xóm trạm, tức là cái xóm nhỏ có chợ quán ở quanh đồn công an biên phòng, để mua lỉnh kỉnh các thứ tôm khô, cá khô… về bán lại kiếm chút lời. Chạy không cũng phí, miễn là tàu còn chỗ trống, ai cần chúng tôi cho lên tàu hết. Dì Năm đi buôn thuờng, tôi biết bà dì này, nhưng người bạn của dì thì tôi chưa từng gặp. Nhìn Vũ và dì Năm cùng giúp cho người đàn bà này lên tàu thì khó mà tin bà là bạn đi buôn, là dân chuyên nghiệp hay theo ghe tàu. Bộ dạng thanh nhã và nhút nhát sóng nước như thế này, thì chắc bà là dân chỉ quanh quẩn nơi thành thị mà thôi, tôi ngẫm nghĩ.

Khách rời xuồng xong, không cần hỏi han hay ai kêu bảo, Hải đã xếp xuôi đôi chèo lên xuồng, leo gọn lên tàu. Nó vòng dây quấn vào móc sau đuôi tàu để giòng chiếc xuồng của nó theo, khỏi mất công chèo đến hãng nước đá.

Thấy mọi người đã yên chỗ, tôi cuốn lẹ tay cho xong dây neo, rồi nới lỏng sợi dây cột mũi tàu. Tôi ngó Vũ đang đứng chờ trên hầm máy:

-Cho máy chạy đi anh Tư!

Trong gia đình thì Vũ thứ Tư. Vũ là một trong tám đứa ăn cơm chung một mâm với nhau, suốt những năm còn trọ học ở ký túc xá. Năm 1972, tôi gặp lại Phát (U.N.P.), cùng chung Đại Đội 32 Khóa Sinh, không ăn chung “bốn người một mâm,” chung… Nhà Bàn. Rồi Vũ cũng vào quân đội, bảo trì trực thăng. Khi tôi đi tù về, gặp lại nhau thì Phát và Vũ đều có vợ và bồng con; tôi tôn lên làm đàn anh hết, gọi Vũ là anh Tư.

Cái máy dầu cặn gầm lên khởi động, rồi bắt trớn ngoan ngoãn chạy ngay. Tiếng máy nổ ấm, nhịp nhàng thật dễ thương.

Động cơ tàu được lấy ra từ chiếc máy cày hiệu John Deer cũ, ráp vào tàu được gần hai năm nay rồi. Tám máy đẩy chiếc tàu trọng tải mười lăm tấn cũng không quá tệ. Hồi tháng trước đây thì cái head gasket bị cháy, neo tàu cả tuần để chờ xoay kiếm đồ phụ tùng. Theo bạn ghe đồn chỉ, Vũ mò sang Vĩnh Long và tìm được người biết làm gasket. Dựa theo tấm giấy mà chúng tôi đồ theo hình dạng có đủ vị trí lỗ ốc rãnh trong máy, kèm với miếng gasket đã bị cháy, người thợ già chế biến cái mới cho chúng tôi. Khó tính đến đâu, thấy miếng gasket sáng bóng, gồm nhiều lớp nhôm mỏng đã cuốn ép thật tỉ mỉ, cũng phải thán phục tài khéo tay của ông. Trong tình trạng khan hiếm phụ tùng lúc này, quả thật, ông chính là vị cứu tinh, là đại ân nhân; còn việc có bền được bao lâu thì đành chịu phó thác cho thời vận. Vũ đặt làm luôn ba miếng, để phòng hờ trên tàu. Cầu mong sao, ngày ra đi, cái máy nó vẫn thương giúp chúng tôi, chạy thật ngoan như hôm nay.

Điều khiển tàu còn chút lượm thượm, trông quê mùa, nhưng che được âm mưu vượt biên, ít bị lưu ý. Cho nên, khi rời và cặp bến, cần có người đứng gần máy sử dụng clutch để đổi số, vô số giống như lái… máy cày vậy! Vũ giỏi về máy, đứng bên dưới lo phần chạy máy, sang số. Người giữ tay lái trên mui, thì chỉ có cái cần gia giảm tốc độ mà thôi.

Lúc lái tàu rời bến nhà là có định trốn đi, nhưng toán đưa đón người bị thất lạc nhau, chậm trễ, âm mưu vượt biên bất thành. Đem tàu quay trở về bến nhà thì bị bắt, chỉ còn cách là ẩn náu quanh quẩn nơi đây. Chúng tôi di chuyển tàu từ bờ này sang bến khác, và ráo riết làm quen ghe tàu xung quanh tìm mối chở hằng ngày, để tránh tai mắt của tụi công an địa phương và kiếm cơm cháo sinh sống chờ cơ hội khác may mắn hơn.

Chở hàng nào cũng có cái sướng và cái khó riêng của nó.

Chở cá khô cho hợp tác xã thì nhẹ nhàng, khuân vác khoẻ re! Đến chừng giao hàng xong, dọn rửa ghe thì mới trắng mắt ra! Y hệt như là cái giống Cộng phỉ; giỏi ăn bám, đục khoét, rút trốn trong khô, rồi thừa cơ hội yên tĩnh, chúng nó theo nhau ló đầu ra, lễnh nghễnh trắng lòng tàu và chui len lỏi cùng khắp kẻ kẹt dưới khoan.

Dọn rửa tàu, thở hụt hơi, ngán ngẩm cái giống giòi bọ bẩn thỉu!

Từ đó, chán ngán đến nổi cứ thấy mặt lũ Cộng nô và cái đám đón gió trở cờ súc sinh, là lại thấy đám giòi bò lúc nhúc. Tôi thà uống rượu khan, nhất định không cắn răng vào miếng khô của hợp tác xã.

Chở cây rừng, bốc vác nặng và trầy dập người chỉ là việc nhỏ, còn thua xa cái thời bị tù đày, đói mệt bơ phờ hốc hác mà mỗi chiều tối còn phải vác cây rừng, lội về trại. Cái khó là chở ít thì trông không giống ai, không giống ghe tàu cùng chạy trong đoàn, bị trạm biên phòng nghi là tàu đi dọ đường để vượt biên. Để bị xét hỏi tới người trên tàu, thì chắc chắn là tôi bị bắt và anh em chung tàu bị liên lụy, nên đành phải chở cho giống như… dân làm ăn! Tàu chở khẳm nặng và người lái thì toàn là dân “a-ma-tơ” mới kinh nghiệm sông biển. Canh sóng gió, canh con nước trở, canh neo… sơ suất là chìm tàu ngay. Lo sợ mất ăn mất ngủ!

Xong chuyến cây, mừng vô cùng. Vũ sắp ngay hương hoa cúng tạ ơn thuỷ thần đất trời, nhớ danh xưng nào van vái tạ ơn hết và chẳng dám đi làm chuyến thứ hai.

May sao, chúng tôi chạy lo được cái mối chở hàng cho công ty xuất cảng. Công ty yêu cầu phải làm thêm mui lá để che tôm cá và nước đá trên khoang. Thêm được một cái may, có lý do để che khoang tàu, sau này sẽ giúp cho việc che giấu người lúc trốn đi rất nhiều.

Tàu có ba người. Anh Ba, anh của Vũ, về quê nhà thăm gia đình, nên mấy hôm nay tàu chỉ còn hai đứa. Vũ đứng máy và sang số, tôi lái và chịu mũi.

Chờ cho máy chạy đều tốt một lát, Vũ đứng ló người lên trên mui, vịn cần sang số và gọi vọng ra ngoài mũi tàu:

-Chạy, bác tài!

Nghe gọi, tôi tháo hẳn dây, lấy sào chống xoay mũi hướng ra ngoài sông, rồi chạy lẹ trên miếng be của thành tàu xuống đuôi, để leo lên mui giữ cần lái. Chuyến đi, tàu đến hãng nước đá, lấy nước đá chở ra trạm ở ngoài biển. Chuyến về, xuống tôm cá đã ướp nước đá xây, chạy về giao cho công ty ở tỉnh. Cần từ bốn đến sáu giờ chạy từ sông ra biển, để ra đến trạm. Khi hải sản từ trạm về tới công ty, giai đoạn kiểm hàng và lên hàng, có nhanh cũng phải hơn hai tiếng. Hàng lên xong, dù là hai hay ba giờ sáng cũng phải lo rửa tàu cho sạch, không thì nước tôm nước cá chảy ra đã nằm ứ trong khoang cả ngày rồi, sẽ sình thối lên. Không thể làm biếng!

Mỗi chuyến, ba anh em chúng tôi xuống khoảng 150 cây nước đá. Cây nước đá có phần nhẹ hơn bao xi măng, nhưng hơi phiền khi đi trên cái miếng ván gác dài từ trên bờ đến mũi tàu. Miếng ván bị nhồi lên sụp xuống bất chừng theo nhịp đi của nhiều người, và sóng thì cứ lắc lư con tàu. Cây nước đá vừa trơn lạnh, vừa cứng, sút tay rớt cấn lên bàn chân trần trụi không giày dép thì cũng ngán lắm. Thấy vậy, vác nước đá riết rồi quen, hết ngán. Mấy đứa chèo xuồng như Hải vác nước đá rất nghề.

Nước đá, khi giao cho trạm thì nhân viên chỉ đếm kiểm đầu cây. Cây đá dài ngắn, họ dư biết, nhưng có ăn nhậu giao thiệp với nhau, thì họ dễ dãi bỏ qua hết, miễn đừng làm gì quá đáng. Có cớ vác tiếp nước đá, thì Hải và bè bạn vào trong tàu chặt nước đá, đem bán kiếm thêm tiền nuôi gia đình.

Hải ngồi thòng chân đong đưa với những cuộn sóng vòng lên sau đuôi tàu, trông chừng chiếc xuồng con của nó, than vãn:

-Mấy anh biết hông? Chuyến rồi, tụi tui chia nhau hỏng tới đâu hết, kỳ này…

-Ba đứa tụi bây, chặt hết bốn năm khúc nước đá mà mày dám than là hỏng tới đâu. Cho tao nửa khúc của tụi bây thôi, ba anh em tao có hủ tiếu, có cà phê sữa đá và còn chơi cả thuốc ba số năm, tụi mày xạo tổ mẹ. Tới… thấy bà, chớ mà hỏng tới, mậy!

Bị Vũ ngắt lời, Hải cười hề hề, rồi lại kèo nài thêm:

-Hôm nào lên tôm, anh cho tui vô hốt một mớ, cho bà nội tui bồi dưỡng nghen anh.

-Ừ,… mày lên kêu Ba Tơ xuống đây hốt tao với thằng Vinh luôn cho gọn. Giỡn mặt hoài mậy! Bộ mày hỏng thấy mấy đứa áp tải, nó đứng thò lõ cặp mắt kiểm hàng à!

Ba Tơ coi bộ phận chuyên chở, ký giấy phép cho ra biển, ký sổ hàng của tàu chở hàng, dĩ nhiên là phải theo nguyên tắc phổ thông “đầu tiên,” tức là tiền đâu. Cơ quan nào cũng thế, quan nào cũng vậy, biết điều có phong bì, quà biếu thì có chuyến đi; không thì neo tàu, húp cháo, nằm ngó sóng nước. Công việc thì chỉ có vậy, nhưng Ba Tơ thích đeo cây K54, xuống bến tàu, la hét thị oai xua đuổi đám xuồng đưa khách, như Hải, không cho lảng vảng gần tàu chở hàng cho công ty, trông rất uy quyền từ cái văn phòng trên công ty xuống tới dưới bến cảng. Hắn rất hăng say, làm cả những công việc không phải của hắn như chiều chiều sách súng đi theo tàu công an tìm bắt tàu vượt biên. Cơ hội để vừa lập công, thêm thành tích, mà lại thêm tiền vàng ăn cướp từ những nạn nhân vượt biên bị bắt.

-Ê Hải, bây giờ tao không có tôm tươi, tao có nồi mực kho nè, chịu thì vô đây làm miếng cơm với tao cho vui.

Nghe Vũ gọi, Hải lẹ làng lau khô chân, chui tọt vào trong mui, quên mất phải trông chừng chiếc xuồng của nó, miệng ngọt xớt:

-Để đó em, để em dọn cơm cho anh Vũ!

Hải sống với bà nội ở bên kia sông, chúng tôi chưa nghe mà cũng không ai hỏi thêm về cha mẹ của Hải. Cùng trang lứa mười bốn, mười lăm tuổi, Hải và bè bạn đã nhiều năm mưa nắng chèo xuồng đưa khách sang sông, lúc ế khách thì la cà trên bến, xin khuân vác phụ việc. Mấy đứa nó khôn lanh, lẹ làng, chịu khó, nhưng lắm lúc vẫn còn vướng vất nét trẻ thơ rất tội nghiệp. Tôi giảm tốc độ cho bớt sóng và ngó cầm chừng chiếc xuồng hộ Hải.

Đã gần chín giờ sáng rồi mà trời vẫn còn u ám, có lẽ trời sắp mưa. Sáng sớm, tiết trời cuối năm sẽ lạnh, lại mưa, lại phải vác nước đá! Ngó chân trời, tôi mong cho đám mây đen chậm kéo tới, chờ xuống nước đá xong hãy mưa.

May là sáng nay, hãng chỉ có một trăm cây nước đá, nên khi xuống xong thì mưa mới bắt đầu lâm râm. Vũ và tôi đứng nghỉ tay hút thuốc, rồi phụ nhau che khối cây nước đá trên tàu.

-Ra biển mà mưa, tao chán quá.

Vũ làu bàu, để tấm nylon lên đống nước đá:

-Còn một tấm, mày đậy luôn giùm tao cho rồi… Giờ này không thấy mấy đứa trên công ty, chắc là không có đứa nào đi theo rồi… Kệ, tao phóng lẹ lên quán lấy một lít phòng hờ.

-Xách vài ba lít đi! Lát nữa tới trạm biên phòng, tụi nó đi theo tàu, mày có mà đổ cho tụi nó đi kiếm chỗ ngủ, tao đỡ phải nghe lải nhải ba cái đồ “hồ hởi” “phấn khởi,” xốn lỗ tai lắm.

-Ráng nhịn, mày!

Vũ vỗ vai tôi:

-Tụi mình còn bà con đang trông cậy. Đừng để hư bột, hư đường, mậy… Tao đi mua rượu rồi mình dông.

Vũ thay cho người chú, trông coi tàu để chờ cơ hội mang gia đình đi. Thân với nhau từ lớp tám. Nhờ Vũ thương bè bạn và dám che chở cho thằng bạn tù trốn quản chế, tôi mới có được chỗ ẩn náu trên tàu để chờ dịp trốn đi. Xuống đây, nhằm Tháng Ba, “bà già đi biển,” vậy mà chiếc tàu chưa ló mũi được tới cửa biển. Đã biết bao lần ra vào cửa biển như hôm nay, vẫn chưa biết bao giờ sẽ là lần vượt trốn. Lo lắng, mong chờ, nhưng phải tùy thuộc vào gia đình chú của Vũ. Sống gần cửa biển, tất nhiên có nghe thấy thảm cảnh của đồng bào vượt biên. Biết mà không giúp được cho đồng bào bị thảm hại, cái uất ức cứ vương vấn hành hạ lương tâm mình. Đêm nghe tiếng súng ngoài biển, thảng thốt ngồi bật dậy nhìn đêm đen, tôi nghe có tiếng trách hờn, xót đau lắm.

Trời cuối năm thường không mưa nặng hạt và dai dẳng, nhưng tàu hướng ra biển, chỉ thấy trời âm u thôi, đúng như Vũ nói, cũng chán thiệt!

Nước sông đang đổ ra biển, mực nước ròng thấp xuống khá nhiều. Khi nước lớn đầy sông, những cây cọc đáy bị gãy đứng ngầm bên dưới mặt nước đón lườn tàu, bây giờ chúng đâm đầu lên nhấp nhô trên mặt sóng. Tôi giữ tay lái xem chừng để tránh và ôn nhớ vị trí tất cả cọc đáy dọc theo sông. Đây là một trong ba tuyến đường tôi cần ghi nhớ, để đêm trốn đi, tàu sẽ phải chạy ra cửa biển mà không được dùng đèn rọi để tìm tránh cọc đáy, ngán nhất là các cọc đáy ngầm.

Phía trước có chiếc xuồng đang hướng ra chợ. Cô gái nghe tiếng máy tàu phía sau, từ xa đã ngưng tay chèo, nép xuồng sát vào bờ. Thấy vậy, tôi cũng hạ thấp tốc độ máy, cho bớt dậy sóng, khi tàu chạy ngang qua. Cánh áo đã bạc màu, sắc tím lan đây đó phơn phớt, mộc mạc như đóa hoa lục bình ven sông. Cho tàu chạy thật chậm, nhẹ lướt qua chiếc xuồng. Ngó sang, thấy xuồng chở đầy dưa hấu, tôi lên tiếng chào hỏi:

-Cô ơi, dưa đã có mối chưa cô?

Trong màn mưa lất phất, có đôi mắt ngước nhìn lên e dè:

-Dạ… có rồi… biếu… chú một trái ăn Tết cũng được.

-Chúng tôi xin mua một cặp được không cô?

Cô gái kéo nón che đôi mắt, ấp úng:

-Dạ… má… rầy!

Tôi nhìn vói theo xuồng đang xa dần ra phía sau:

-Cám ơn cô!… Cô cho tôi kính lời thăm má, sang năm mới mua may, bán đắt nhé!

Bên dưới vành nón lá, nụ cười bẽn lẽn còn mọng ướt hạt nước mưa.

-Ê, làm một điếu cho ấm đi.

Nghe gọi, tôi xoay lại, thấy Vũ đưa cho điếu thuốc đã mồi sẵn.

Tôi cám ơn Vũ, cầm xoay điếu thuốc vấn vào trong che mưa, để đóm lửa con con sưởi ấm lòng bàn tay. Điếu thuốc rê, hơi khói nặng đặc quánh. Thà vấn thuốc rê mà hút, tôi ghét căm cái nhãn hiệu thuốc hút có cái tên rất là dị hợm: Sài Gòn Giải Phóng. Chẳng cần biết thuốc hút ngon hay dở ra sao, tôi ghét chữ “giải phóng” của chúng nó, đâm ra ghét lây gói thuốc thế thôi. Thà nhịn thèm, tôi ghét hút cái thứ có chữ “giải phóng” quỷ quái đó. Hồi trước, nhằm lúc mới lãnh lương, dừng quân có chợ quán là tôi tìm mua một gói Pall Mall. Tôi mê nhớ điếu thuốc có dáng thon dài, thơm nồng nàn, thật tuyệt ! Bây giờ, tôi ước gì có được điếu thuốc Bastos Quân Tiếp Vụ!

Trên mui, trống thoáng, gió đùa khói thuốc tạt qua thật nhanh, tôi nói với Vũ:

-Sắp Tết rồi!

Bao nhiêu cái Tết, tôi không về với gia đình? Tết trong rừng bụi, Tết trong tù và thêm một năm nữa, một cái Tết lưu lạc lẩn trốn trên chiếc tàu này. Rồi khi tôi rời quê hương, bao giờ thì hết loài quỷ đỏ, để được cùng đồng bào tôi đón Tết, mừng xuân quê hương!

-Ừ, mau quá!

Tiếng Vũ trầm buồn.

Tôi nhìn dì Năm và bà bạn đang ngồi trước mũi tàu, áy náy:

-Hai bà này ngồi dầm mưa trông kiếm cái gì đó bên kia sông?

-Tao mời vào trong này cho đỡ gió mưa, rồi cũng trở ra ngồi miết ngoài ấy. Mày xem, mình để ý hỏi thì mấy bà có bao giờ dám nói cho người lạ như tụi mình nghe đâu, nhiều khi còn làm cho mấy bà lo ngại… Mà, cũng gần tới xóm trạm biên phòng rồi, hai bà cũng lên trên bến đó. Thôi, tao xuống chuẩn bị giấy tờ để đi trình ra biển.

-Ừ, chỉ qua cái vàm lục bình đàng trước!

Tôi chợt nhớ ra, ngó theo hướng nhìn của hai người khách, cho tàu chạy chậm lại và áp sát bờ hơn. Phía vàm lục bình, đất bồi nên cạn lài ra, tàu chở nặng, không thể chạy quá gần. Dọc theo bờ sông, dãy lục bình đang lao xao đón làn sóng gợn đưa vào. Trên thảm lá xanh mướt sau cơn mưa, sắc hoa tím điểm nhụy vàng trông càng tươi thắm. Những mầm sống này trôi dạt lửng lờ từng mảng theo dòng nước; như có hẹn nhau, chúng gom tụ vào đoạn sông gần cửa biển này, rồi nấn níu nhau, không chịu rời đi nơi nào khác.

Không rõ từ hôm nào, bên dãy lục bình dày đặc, mấy ngày nay lại thấy nổi phập phìu một phần lưng áo sơ mi ngắn tay có sọc vuông màu nước biển. Cái quầng nâu sậm gần cuối lưng, không rõ là do vướng đất phù sa hay là vết máu. Mặt nạn nhân nằm úp xuống nước, nên khó định được dạng tuổi. Sau những lần nghe tụi biên phòng rượt bắn tàu vượt biên, thì thỉnh thoảng lại thấy có xác người nổi lên, trôi dạt và thường vướng vào đoạn sông này. Lũ man rợ muốn như thế, cứ để thi thể trôi nổi hay bị cuốn ra biển khơi mặc tình; để đe doạ những người đang mưu toan vượt trốn, và rình chờ thân nhân đến nhận xác để ăn tiền, ăn trên xác chết của nạn nhân.

Hôm nay, đã sắp qua khỏi vàm lục bình rồi, mà sao tôi vẫn không thấy màu áo sọc xanh nữa. Để tàu chậm chậm chạy theo dòng nước, tôi thẫn thờ nhìn theo những vệt sóng phía sau vẫn còn đang nối nhau chạy vào bờ rì rào tìm kiếm. Ngoài mũi tàu, dì Năm kín đáo vỗ về người bạn đang gục đầu cố nén giấu tiếng khóc trong đôi bàn tay. Dáng thân gầy guộc của người đàn bà bất hạnh giờ chùng rũ xuống, run rẩy, chơi vơi; trông thật tội tình với những mất mát đớn đau, mà thời gian sẽ không bao giờ mang lại được an lành.

Không biết thi thể của người đàn ông vương ven bờ, bây giờ đang trôi chìm nơi đâu? Mùa Xuân hy vọng mà ông đi tìm, đã vĩnh viễn theo ông chìm vào hư vô. Rồi đây, mùa Xuân có còn trở về trong nước mắt của những người thân thương còn sót lại? Hay mỗi năm Xuân đến, ngày Rước Ông Bà về vui Xuân, chỉ còn là mâm cơm chiều để nhớ ngày giỗ kỵ và ánh nến trắng tang thương vẫn đốt cháy thiệp Xuân hồng. Tôi thấy mắt mình cay xót, nghẹn đắng lời và dòng nước đổ ra biển đang cuộn dậy, sôi sục sóng uất hờn.

Đêm thật dài, giấc ngủ chập chờn chóng vánh theo thân tàu đang nương theo sóng. Tôi khẽ trở mình trên hai miếng ván ghép lại làm băng ghế ngồi lái tàu, và cũng là chỗ ngủ của tôi. Trên băng ghế có mái che nhỏ, đủ che nắng và sương. Hôm nào không mưa to, tôi ngủ trên mui. Tuy phải chui vào nóp để tránh muỗi, nhưng nằm trên này trống khoáng, nghe thấy được tình hình lùng xét của công an từ xa, nhanh lẹ hơn là nằm trong mui kín bít bùng. Rờ lớp đệm làm nóp đã thấm hơi sương lạnh ướt, tôi đoán chừng chắc cũng gần sáng rồi.

Hồi tối, Vũ rót hết phần rượu trong chai vào chén đẩy sang tôi:

-Hết mẹ nó rồi! Thôi… tao với mày… chia hai nghen mậy,… mai, mà không mắc sửa máy, tao… tao đi kéo thêm chay nửa mới đã phải hong mậy!

Như phần rượu còn sót lại, bạn bè chia nhau uống lần này, biết đâu cũng là lần sau cùng.

Hôm nay không phải là ngày sửa máy. Vũ cố ý mượn rượu giả say nói lớn tiếng cho các ghe tàu đậu kế cận nghe để họ không lưu ý dòm ngó khi chúng tôi bỏ chuyến, nằm bến cả hai ngày.

Theo dự tính, sáng hôm nay từ chuyến xe đò rời bến sớm nhất, gia đình và thân hữu sẽ tuần tự đi đến các điểm hẹn, rồi sẽ xuống tàu theo từng nhóm nhỏ và phương cách khác nhau. Trưa hôm qua, anh Ba, anh rể của Vũ đóng vai chủ tàu và là tài công chính, đi báo với phòng vận chuyển là máy tàu bị hư, không nhận đi chở hàng. Với cớ máy hư, anh Ba nói là phải về thành phố tìm mua đồ phụ tùng, để về thu xếp đem vợ và hai con đi theo. Dưới tàu, phần Vũ và tôi tháo nấp máy, bày biện dụng cụ và đồ phụ tùng, tạo cảnh máy hư. Thỉnh thoảng, chúng tôi tay lem luốc dầu máy, thay nhau đi tìm mượn dụng cụ ở các ghe đậu quanh, như đang lo sửa máy. Thực ra, chúng tôi chỉ kiểm điểm lần chót tất cả hệ thống bơm nước và vận chuyển từ máy ra ngoài chân vịt, để sẵn sàng cho chuyến vượt đại đương.

Sau những tháng ngày dài ngấm ngấm tìm tạo điều kiện, tìm cơ hội để vượt thoát, chú của Vũ đã quyết định ngày đi. Tối nay, chiếc tàu 3392 này sẽ làm một chuyến vận chuyển mà không bao giờ trở lại quê hương yêu dấu.

Tôi trăn trở, đi là trốn lánh, xa rời quê hương, bỏ lại đồng đội chiến hữu. Rời bỏ quê hương là bỏ mất những gì cao quý nhất.

Một lần đi, có lần trở lại?

Nhưng ở lại thì tiếp tục bị tròng cổ, trói tay, cùm chân trong cái lao tù mới, chúng nó gọi là quản chế. Ngày lại ngày, đường tương lai bí cùn, đen thẩm và là chuỗi ngày dài gánh nặng âu lo của gia đình.

Nỗi thương nhớ ba mẹ và các em ray rứt trong lòng, gia đình đã hy sinh cho tôi rất nhiều để có được cơ hội vượt thoát như hôm nay. Từ khi ra đơn vị, chỉ một lần về phép. Ngày đi đường, chưa trọn ngày còn lại với gia đình. Thăm mừng chưa xong đã đến lúc từ biệt. Trở lại đơn vị, Chuẩn Úy Tuyết thay tôi dẫn đơn vị đi đổ toán, đạp mìn cụt chân trái. Chỉ bốn ngày trước khi Tuyết đi phép kết hôn! Thiếu người, tôi phải theo toán đi ngay, không kịp đi thăm Tuyết, trước khi bệnh viện chuyển Tuyết đi. Lần đi phép duy nhất, gia đình thấy mặt, rồi tôi lại biệt tăm. Ba mẹ trông mong tin tức, không biết tôi còn sống sót hay bỏ xác nơi đâu. Khi tụi cai tù “quản giáo” cho gởi thư thì gia đình mới biết là tôi đã bị bắt từ trưa ngày 30 Tháng Tư và đang bị tù đày.

Tháng Tư Đen là địa ngục trần gian!

Là tang tóc đổ lên đầu dân Việt!

Hôm nay, nhìn lại đã gần hai năm ẩn náu trên tàu. Nhớ hôm đạp xe vào ruộng, từ giã ba mẹ để xuống tàu ẩn náu và tìm cách vượt biên với Vũ, ba ân cần đưa cho tôi non chục trứng gà:

-Con mang xuống tàu cho mấy anh em lai rai.

Từ khi ba tôi bất cộng tác, không chịu giảng dạy học trò theo giáo điều của bọn Cộng phỉ, bỏ trường lớp về nông thôn làm ruộng, ba mẹ tôi sống chật vật lắm. Đi tù về, thân phận tôi, tôi lo còn chưa xong, nói gì đến việc đáp đền ơn sinh thành dưỡng dục Thái Sơn.

Trứng gà còn hơi ấm, ba mới lấy ra từ ổ trứng đang ấp, tài sản rất lớn của ba mẹ tôi trong lúc này. Tôi cố cầm giữ xúc động:

-Con cám ơn Ba và Vú. Ba cho phép con đưọc để trứng lại, để gà mẹ ấp tiếp tục, tội nghiệp công của gà mẹ lâu nay… Hoàn cảnh nhà mình sa sút anh em đều biết… Ba và Vú tha lỗi cho con đã không phụ giúp mẹ cha trong ngày cao tuổi và lúc gặp khó khăn.

Mẹ tôi quay đi, bước vội vào nhà bếp. Mẹ đi tránh giấu nước mắt khi nghe tin phân ly; dù mẹ đã từng hối thúc tôi tìm đường vượt biển và biết trước sẽ có lúc tôi phải đi. Tình mẫu tử suối nguồn dạt dào. Mới những năm vừa qua, mẹ đã bao lần lội ruộng, băng rừng, ngủ vất vưởng qua đêm chờ sáng vào thăm con. Bây giờ, con lại ra đi, lần này từ biệt hay là lần vĩnh biệt.

Ba quen trầm tĩnh nhận giữ mất mát:

-Con chỉ cần lo sao cho các em sớm đoàn tụ là Ba và Vú mãn nguyện lắm rồi. Anh em dưới tàu cũng thừa biết, có thời gian nên tính toán cho thận trọng, làm một lần cho thành công. Ba hay nói đi nói lại câu nói của anh hùng Nguyễn Thái Học, con ghi nhớ: “Không Thành Công, cũng Thành Nhân.”

Ba đưa tay cho tôi bắt. Tôi ngạc nhiên, cầm lấy bàn tay của Ba và nhìn ánh mắt nghiêm nghị của Ba:

-Con xin hứa! Cám ơn Ba rất nhiều. Xin Ba và Vú giữ sức khỏe chờ con. Con thoát được thì gia đình mình sẽ đoàn tụ.

Nghe tiếng tôi bước vào gọi tìm, Mẹ gạt nhanh nước mắt, nhìn tôi cười cho tôi yên tâm:

-Củi còn ướt, khói quá, làm cay mắt Vú… Thấy cũng chiều rồi, Vú tính làm miếng cơm, cho cha con ăn. Ba khuyên nên để con đi sớm, không nên nấn ná trong xóm này lâu… Thôi, con đi với anh em mạnh giỏi!

Đến lúc này, tôi nghẹn lời, nhìn mẹ tôi giữ nụ cười qua màn nước mắt.

Tiếng dân chúng chở hàng ra chợ buôn bán nghe nhộn nhịp hơn, tôi hé nóp nhìn những ngọn đèn dầu trên ghe xuồng, lung linh nhấp nhô theo nhịp bơi chèo ngoài sông.

Không ngủ thêm được, nằm cũng không yên, tôi chui ra khỏi nóp, quấn mền ngồi đốt thuốc hút.

Sáng sớm, bến tàu thật yên tĩnh. Hàng đèn vẫn còn đó, ánh sáng vàng buồn quen thuộc trong đêm đen; thân gầy guộc đứng gục đầu nhìn sóng nước, tiếc sao mình không được làm một con tàu, như những chiếc đang cột chen chút nhau quanh bến, biết đâu sẽ có một ngày nào đó, được cùng thuyền nhân vượt thoát đến bến bờ tự do.

Hôm nay trời không mưa, gió lặng, sóng nước thật yên bình.

Tôi nhìn ra hướng cửa biển, bâng khuâng lo lắng, thầm cầu nguyện ơn trên cho yên bình đến tất cả thuyền nhân, với chuyến ra khơi của chúng tôi.

Có tiếng động bên dưới mui tàu, chắc Vũ cũng không ngủ được, đã thức dậy sớm. Tôi ngồi nán lại, hút cho hết điếu thuốc. Muỗi ở đây trông như như đã quen hay cũng ghiền khói thuốc. Mới ngồi dậy đốt xong điếu thuốc thì chúng nó ào ào kéo nhau bâu bám khắp nơi có da thịt. Lấy tay đuổi chỗ này, chúng đáp vào nơi khác. Tôi bất cần, bỏ mặc chúng châm chít, cứ ngồi thưởng thức điếu thuốc đầu ngày, nghe chúng vi vo bên tai:

-Như thế này là nhất rồi, hồi bị tống vào trong connex làm gì có nóp, có mùng mền.

Nhìn cái bụng con muỗi phình to tròn mà vẫn cấm chúi đầu đâm hút trên tay tôi:

-Lũ ruồi muỗi chuột bọ chúng mày y hệt như loài súc sinh Cộng phỉ, hở ra là bâu vào cắn hút máu mủ để sống!

-Ê!… Vinh!… Cà phê, mậy!

Vũ hé nấp mui tàu, gọi tôi trở về với thực tại.

Lấy mền quạt mạnh xua đám muỗi bay cho xa, tôi thả người tuột lẹ xuống mui rồi đậy nắp mui lại.

Ghe tàu đậu kế cạnh còn yên ngủ. Như phòng chung vách ván, chúng tôi dùng bút viết để bàn tính thêm những việc cần thiết cho chuyến đi hôm nay. Chưa được hai năm, nhưng mong đợi làm ngày tháng thấy dài đăng đẳng, rồi đến ngày ra khơi thì lắm việc phải làm cho kịp với thời gian.

Cảnh tượng đồng bào vượt biên đã phải trả cái giá cho ước vọng tự do bằng oằn người chịu đựng trận đòn thù tra tấn, bằng sinh mạng của mình, tất cả uất hận nằm trong ký ức, giờ trỗi dậy, nghe xót đau chừng như mới vừa hôm qua.

Đã qua gần nửa thế kỷ, hình ảnh “thuyền nhân” Vinh vượt tuyến tìm tự do trong phim “Chúng Tôi Muốn Sống,” từ giữa thập niên 1950, cùng tất cả các chứng tích và tội ác man rợ của chế độ Cộng Sản hãy còn đó, âm vang oán hờn. “Chúng Tôi Muốn Sống” vẫn là hiện thực, vẫn tiếp nối nhau tái diễn từ Bắc vào Nam. Hàng triệu “thuyền nhân” Vinh từ sau Tháng Tư năm 1975, may mắn thoát khỏi bọn cướp “cạn” Cộng phỉ man rợ, còn phải đối đầu với bọn cướp biển dã man. Không ai có thể đếm được bao nhiêu triệu “thuyền nhân” Vinh đã đi mà không đến được bến bờ tự do như mong ước!

Tôi nhìn đồng hồ, ngày đã khởi đầu và vụt qua mất sáu giờ. Một ngày trọng đại khởi đầu cho chuỗi ngày định mệnh. Định mệnh của con tàu 3392 này và sinh mạng nó sẽ mang theo. Đến lúc này, lo lắng trách nhiệm đã lấn át mọi sợ hãi.

Một lần đi, là mãi mãi thương đau!

Đã biết rằng, ra đi là chấp nhận cái chết, thuyền nhân của chiếc 3392 chỉ còn con đường duy nhất: phải vượt thoát!

Nén hương kính dâng lên anh linh của đồng bào đã tử nạn trên đường tìm tự do, cùng tưởng nhớ Ba, Mẹ, anh Hai, em Sáu của nhà tôi.

Viết cho ngày giỗ cuối năm Mậu Tý.

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT