Ðêm từ giã Saigon

Huy Văn

Rồi cũng  cũng đến ngày đối diện với thực tế và chấp nhận định mệnh. Một định mệnh nghiệt ngã đến không ngờ. Một tháng vui tạm để khỏa lấp nỗi trống vắng, để đánh lừa tâm trạng chao đảo suốt từ khi rời Đà Lạt sau ngày thi cuối khóa. Cả nhà thông cảm nỗi buồn của tôi nên từ Ba Má đến các em, luôn cố gắng hết mức trong việc tạo một nguồn vui trong những buổi cơm gia đình trong suốt thời gian qua. Hắn thầm cảm ơn Ba dù rất buồn, nhưng đã tận dụng những lúc chỉ có hai cha con, đã kể cho nghe về những ngày tầm vông vạt nhọn của thời chống Tây cùng những gian nguy mà ông đã trải qua để an ủi và chuẩn bị cho tôi vững tinh thần qua những gian nguy, khổ ải của những ngày chinh chiến. Má và các em thì không cần giấu cảm giác thật của mình. Ai nấy đều buồn thiu và cả tháng qua những nụ cười liến thoắng của mấy cô em, nhứt là của cô em kế, hầu như rất ít khi được biểu lộ. Ai nấy đều mang nét rầu rầu trên khuôn mặt, và tôi biết Má đêm nào cũng khóc. Vào lính là chuyện sẽ xa gia đình, sẽ vào sinh ra tử, nên buồn phiền là lẽ tất nhiên. Ngay cả khi sắp soạn cho tôi lên Đà Lạt trọ học Má cũng sụt sùi cả tuần lễ. Tôi hay trêu chọc bà: “Sao Má ‘cải lương’ quá vậy?” Bà chỉ bật cười, mắng yêu “…Cha mầy! Chọc quê hả?” Tôi là con trưởng, là niềm hy vọng của gia đình nên cả nhà không thể không lo lắng cho một tương lai bất định đang chờ đợi tôi. Không khí gia đình, vì vậy mà trầm lắng tới mức… thì thôi cũng đành!

Biết tôi sầu đời nên dù Sài Gòn đang lên cơn sốt chiến tranh và lệnh giới nghiêm lúc 10 giờ đêm, Ba Má đã không rầy rà khi tôi đi chơi quá khuya và nhậu nhẹt thường xuyên hơn trước. Tôi đi đâu, làm gì cũng không cần thưa, báo như đã làm hằng bao năm qua. Hôm nay cũng vậy. Ngày cuối cùng trước khi trình diện nhập ngũ là một ngày Hè ngập nắng. Một vòng Sài Gòn buổi sáng chỉ đủ để ngồi ngay góc Mai Hương nhìn ông đi qua, bà đi lại. Sài Gòn thật bình thản. Sài Gòn vẫn vui. Phố Sài Gòn vẫn đẹp. Người Sài Gòn vẫn thờ ơ với chiến tranh dù những màu áo trận và các loại quân xa luôn nhan nhản trên đường. Mới chia tay với thằng bạn thân ngay trước Casino Sài Gòn, vừa xong bữa ăn trưa thì anh chàng “mặt trắng như con gái” Võ Hữu Trí lại xách xe xuống nhà rủ đi chơi.

– Đi đâu?

– Đâu cũng được.

– Tao tưởng mày dành cho “Em” mới phải?

– “Bắt cóc” em nguyên ngày hôm qua rồi! Bữa nay rủ đi nữa thì chắc chắn sẽ bị ông bà bô của em dũa te tua!

– Ngày cuối mà!

– Chưa! Còn tới ngày 19 lận! Mà sao mày trình diện sớm làm gì vậy… Mình có ba ngày lận mà?

Tôi không trả lời hắn, chỉ thưa nhẹ với Má rồi lách nhanh theo Trí ra cửa, không dám nhìn đôi mắt sâu hoắm của Má và một thoáng gật đầu của Ba. Trí cũng im lặng khi phóng xe về phía Tân Định. Hai cuộc sống khác nhau nhưng chung một hoàn cảnh và cùng một định mệnh. Hắn biết tôi thấp thỏm chờ trông một bóng người nhưng cả tháng qua chỉ bóng gió hỏi han cho có chuyện. Ngược lại, chuyện tình của hắn thì tôi biết rõ như thể hắn đang ở chung xóm với tôi. Trí cũng buồn và cần có bạn để tâm tình. Chỉ lạ một điều là hắn không chọn anh bạn khá thân của hắn và cũng là bà con bên ngoại đã cùng trọ học chung một phòng với hắn, mà lại chọn tôi để tâm tình và giết thì giờ.

Cà phê Văn Hoa buổi xế trưa thường không đông khách nên chúng tôi ngồi ngay ngoài cửa nhìn ra đường. Nhạc thời trang từ giàn Akai phát ra vừa đủ nghe như để làm nền cho những câu chuyện trên trời, dưới đất. Chúng tôi không nói tới chuyện ngày mai mà nhắc nhau thời trọ học. Mới đó mà đã như xa xăm lắm. Chuyện Đà Lạt thì nói cả ngày cũng không hết và lần này Trí thoải mái hỏi tôi về… Nàng! Và tôi cũng không ngại ngùng khi thú thật với hắn là tôi vẫn trông ngóng một lần ghé thăm của tà áo dài mảnh khảnh của cao nguyên. Nhưng nàng vẫn biệt tăm, một lời thư cũng không có. Tôi buồn, nhưng không trách. Lời hứa không có chi ràng buộc, huống chi Nàng có quá nhiều bổn phận phải lo lắng cho gia đình ở Nha Trang và anh chị trên Đà Lạt.

– Mày kín đáo thật! Bây giờ tao mới biết mày đầu tư mái tóc Khánh Ly đó. Cứ tưởng đâu…

– Thì phải vậy chứ sao! Quen nhiều người, nhưng chỉ chọn một. Vậy mà vẫn không xong…

– Thôi thì cứ hy vọng đi. May ra…

– Tao không hy vọng… để khỏi tuyệt vọng. Cạnh tranh không lại “người ta” đâu. Coi như kỷ niệm đẹp vẫn tốt hơn.

– Ừ! Kỷ niệm thì lúc nào cũng đẹp.

Trí “phán” xong câu triết lý vụng là chỉ tay qua bên rạp xi-nê. Mười phút sau chúng tôi thoải mái thả người trên ghế trong cơn mát lạnh của rạp hát. Không ai nói với ai lời nào trong suốt thời gian xem phim. Rạp chiếu thường trực nên chờ xem lại từ đầu cũng đủ mất khá bộn thời gian. Vì vậy khi chúng tôi trở ra ngoài thì đã có gió mát và Sài Gòn cũng đã bắt đầu lên đèn.

– Đi ăn, hay về ngay. Trí hỏi tôi khi dắt xe xuống đường.

– Đi ăn! Về sớm làm gì?

– Mày muốn đi đâu?

– Cơm tấm Trần Quý Cáp.

– Không nhậu hả?

– Không! Ông bà già không vui đâu. Vả lại tao muốn mua cho ông già một phần. Ổng thích món này lắm.

– Ừ! Thì đi. Tao cũng thấy đói rồi.

Lại thêm những trao đổi bâng quơ về thời đi học khi ngồi trong chiếc quán quen thuộc. Và khi Trí thả tôi xuống đầu ngõ của con hẻm 152 bên đường Yên Đỗ thì phố xá đã bắt đầu thưa thớt xe cộ. Khi biết tôi trình diện đầu giờ vào sáng ngày mai, chỉ siết tay, nói lời hẹn gặp trong Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ trên Hốc Môn rồi phóng xe đi. Hẻm 152 của vùng Bến Tắm Ngựa là lối đi ngõ sau của nhà tôi. Phía cửa trước hướng ra đường Trương Minh Giảng. Vì vậy khi mở cửa sau vào nhà, chưa kịp đặt phần cơm lên bàn thì cô em kế đã níu áo tôi, nói:

– Chị Anh Đào ghé tìm anh, ở chơi từ chiều tới bây giờ mới chịu về. Anh chạy theo ngay đi, may ra còn kịp gặp chỉ!

Anh Đào! Sao lại là Anh Đào mà không phải là Nàng? Tôi vừa tự hỏi vừa phóng xe ra đường. Dưới ánh đèn vàng vọt của góc Yên Đỗ, Trương Minh Giảng là bóng dáng quen thuộc của người đồng môn Vovinam. Anh Đào thấy tôi đưa tay vẫy và không giấu diếm sự mừng rỡ. Tôi nhìn đồng hồ: đã gần chín giờ tối. Khi tôi nói để đưa cô bạn về thì Anh Đào không phản đối nhưng khi xe chạy gần tới “con hẻm thuốc lào” trên đường Võ Di Nguy thì Anh Đào vỗ vai bảo cứ đi thẳng để đến một quán cà-phê nổi tiếng trên… Gò Vấp!

Quán cà phê Hương Xưa nằm trong khu vườn của một ngôi biệt thự xinh xắn. Ban ngày cảnh trí vốn đã bắt mắt với bàn ghế được đặt cạnh những gốc cây có treo nhiều giỏ lan hay các chậu hoa đủ loại, về đêm càng tăng thêm vẻ hữu tình khi trên mỗi bàn là một ngọn đèn nho nhỏ vừa đủ để hai mái đầu chụm vào nhau… tình tự. Đã hơn chín giờ nhưng quán vẫn còn đông khách. Tôi đoán họ ở đâu đó trong vùng nên không màng giới nghiêm sắp đến và số xe đậu trong sân chỉ có vài ba chiếc. Mọi người thì thầm trong tiếng nhạc dìu dặt khe khẽ vang từ đâu đó trong bóng tối. Chúng tôi cũng vậy. Anh Đào hỏi han đủ thứ mặc dù đã gặp nhau mới hai tuần trước. Và như thông lệ, cô bạn có đôi mắt ướt mi cong nói, còn tôi ngồi nghe. Vẫn là câu chuyện về chàng trai Võ Bị khóa 26 tên Phước, vẫn là đề tài Vovinam với những sinh hoạt của hai Chi Đoàn Thanh Niên mà tôi đã bỏ bê để…” tìm thú lãng mạn trên cao nguyên.” Vẫn là những trách móc nhẹ nhàng khi thấy tôi hút thuốc quá nhiều. Và sau cùng là những lời an ủi thật chân tình làm tôi nhói lòng khi ước gì người ngồi trước mặt là Nàng, là tà áo trắng của Spellman đã làm tôi ngơ ngẩn ngay những ngày đầu nhập khóa.

Giá như Anh Đào là Nàng. Giá như mức độ tình cảm đủ dạt dào như tôi đã dành cho Nàng thì đêm nay, Anh Đào sẽ là một người yêu trọn vẹn. Nhưng tình cảm dành cho Anh Đào thì có giới hạn và còn nhiều dấu hỏi, còn tấm lòng dành cho Nàng thì…

– Nghĩ gì mà thừ người ra vậy?

Tôi định thần nhìn lại thì Anh Đào đã gọi trà hồi nào không hay. Tôi chỉ cười, không trả lời. Dường như trong thoáng chốc, tôi đã coi Anh Đào như một người tình, một người yêu chụm đầu tâm tình trong bóng tối. Tôi chạnh nhớ tới Tháng Ba vừa qua, tới đêm ngắm trăng Đà Lạt trên thềm Palace và từ trong căn phòng trên gác trọ. Nhưng tôi không thể nói với Anh Đào những gì tôi nghĩ về nhau. Thà để mọi người, kể cả gia đình tôi đoán già, đoán non mà thấy hay hay, vui vui. Hãy còn quá sớm để bắt trái tim trả lời cho trò chơi cút bắt này. Nhưng đêm nay thì khác. Anh Đào đã gián tiếp mang lại một hạnh phúc trong tôi, hạnh phúc dù ngắn ngủi và rất vội vàng nhưng cũng đủ để ấm lòng khi cùng nhau rời quán ngay lúc đồng hồ chỉ đúng 10 giờ đêm.

Sài Gòn giới nghiêm, thật sự giới nghiêm với những xe tuần tiễu ngược xuôi trên con đường đã vắng xe qua lại. Không ai để ý đến chúng tôi. Dưới mắt họ có thể vòng tay ôm một cách tình tứ là thể hiện tự nhiên của một cặp tình nhân đang muốn níu dài những giây phút bên nhau. Nhưng chỉ có thế. Vòng tay ôm ngang hông trở thành cái bắt tay thật chặt khi chiếc Suzuki dừng lại trước dãy nhà sau lưng tiệm thuốc lào nổi tiếng trên Phú Nhuận. Không có nụ hôn trong vòng tay từ giã. Không có lời yêu đương nồng thắm nhưng cũng đủ làm tôi cảm thấy lâng lâng trên đường về. Cảm giác này chỉ tan biến khi có tiếng còi ré lên khẩn thiết. Nhìn lại thì trên lề, ngay góc đường mà Anh Đào chờ đón taxi ngay trước đó chừng hơn một tiếng, là một nhóm tuần tiễu phối hợp gồm Quân Cảnh và Cảnh Sát.

– Anh có biết là đã vi phạm giờ giới nghiêm hay không?

Người cảnh sát viên chưa hỏi giấy tờ đã nghiêm giọng phủ đầu.

– Tôi biết!

Tôi vừa nói vừa đưa cho anh ta căn cước và mảnh giấy có in mộc tam giác mang số KBC 3567, nằm gọn dưới góc trái. Mảnh giấy của Nha Động Viên mở đầu bằng câu: “Thiếu Tướng Bùi Đình Đạm kính mời ông…”

– Sáng mai tôi trình diện nhập ngũ. Đêm nay chạy một vòng từ giã bạn bè nên về hơi trễ.

Viên cảnh sát liếc qua mảnh giấy, nhìn thẻ căn cước rồi vừa trả lại giấy tờ, vừa từ tốn nói lời chúc may mắn. Hôm đó là ngày Chúa Nhựt, 16 Tháng Bảy, 1972. (Huy Văn)

Cựu gián điệp Nga và con gái nghi bị đầu độc ở Anh