Tuesday, April 16, 2024

Góc nhìn của người lính cũ: Bốn mươi năm mới được phép nhìn lại!

Chính Biên

Tuần lễ vừa qua, báo chí trong nước đột nhiên thi nhau viết về cuộc chiến tranh biên giới với Tầu Cộng vào ngày 17 Tháng Hai, năm 1979.

Các cơ quan ngôn luận lớn thuộc “lề phải” như Thanh Niên, VietNamNet, VNExpress, Tuổi Trẻ đồng loạt tung ra hàng loạt bài viết về cuộc chiến tranh này với “tư duy” mới là dùng những ngôn ngữ còn hơn thời chiến tranh “chống Mỹ cứu nước” nữa. Không ai bảo ai mà các cơ quan ngôn luận này đều gọi cuộc chiến tranh biên giới với Tầu Cộng là cuộc chiến tranh “bảo vệ tổ quốc chống quân xâm lược bành trướng Bắc Kinh đã dầy xéo mảnh đất tiền phương…”

Những từ ngữ như “giặc,” “xâm lược,” “kẻ thù” và đặc biệt là nêu đích danh “Trung Quốc” đã được viết trong tất cả những bài viết về cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 với Tầu Cộng.

Ô hay, thật là cả một điều đáng cho người dân trong nước ngỡ ngàng. Bởi từ sau cuộc chiến tranh ấy nhà cầm quyền Hà Nội đã tuyệt đối cấm không cho bất cứ một ai được nói đến, nhắc nhớ đến cuộc chiến tranh ấy. Nói đến là phạm tội phá hoại tình nghĩa “môi răng Việt-Trung.” Nhắc đến là phản động là mắc mưu kẻ thù nước ngoài, v.v…

Nhưng cũng có một người lính trong “quân đội nhân dân VN” quá “bức xúc,” quá uất hận đã liều chết viết lại cuộc chiến hãi hùng ấy mà người lính này tham dự và chứng kiến. Đó là cuốn tự truyện “Xe Lên, Xe Xuống” của Nguyễn Bình Phương. Cuốn sách được in ra, không biết từ một nhà xuất bản nào, nhưng đã bị nhà nước Hà Nội tịch thu ngay. May, lại có một tên “phản động” nào đó đã gửi lén ra hải ngoại nên cuốn sách đã được phổ biến vào năm 2010 tại hải ngoại.

Nội dung cuốn sách mô tả những cảnh kinh hoàng chết chóc dã man mà người lính của quân đội nhân dân Trung Quốc đã thi hành theo lệnh trên là đốt sạch, giết sạch không chỉ dân “Á nàm nhần” mà cả trâu bò, chó lợn gà nghĩa là không để một sinh vật nào còn được sống sót trên mảnh đất mà chúng đi qua. Cuốn sách cũng mô tả quang cảnh tan nát, xác xơ không chỉ ở nơi có người ở mà cả rừng rú trong 6 tỉnh biên giới mà 600 ngàn lính Tầu Cộng đánh chiếm theo lệnh của Đẳng Tiểu Bình “cho Việt Nam một bài học.”

Cuộc chiến tranh chỉ diễn ra trong 16 ngày, nhưng 6 tỉnh biên giới đã trở thành nơi hoang địa không còn có sự sống.

Trước tình trạng bị nhà nước Hà Nội cấm đoán, không chỉ có một người lính viết “Xe Lên, Xe Xuống” mà nhiều người dân miền Bắc cũng nhắc nhau nhớ tới cuộc chiến tranh giặc thù tàn sát này, nhất là người dân Hà Nội. Từ nhiều năm nay, cứ đến ngày 17 Tháng Hai, lại có hàng chục người kéo đến tụ tập dưới chân tượng vua Lý Thái Tổ bên hồ Hoàn Kiếm để cùng nhau làm lễ Tưởng Niệm Chiến Sĩ trong cuộc chiến chống lại 600 ngàn lính của quân đội nhân dân “anh em” Trung Cộng, mặc cho bọn công an đến giải tán hung hãn đánh đập, bắt bớ, giam cầm.

Thế mà năm nay, Đảng Ba Đình lại cho phép báo chí tung hê tin tức mạt sát Trung Cộng. Phải chăng nhà nước Hà Nội đã có tư duy mới? Nhiều người cho rằng nhà nước đang cơn túng quẫn, nợ công cao vút chỉ hy vọng hút cạn nốt những giếng dầu trời cho, nhưng cứ bị người anh em cản trở thô bạo nên không có hãng dầu quốc tế nào vào khai thác được, nên “con giun xéo lắm cũng quằn,” đánh bạo cho lũ truyền thông ăn lương nhà nước mở “van” nồi súp de uất ức của toàn dân, mong xoa dịu được phần nào sự chống đối.

Hay là Việt Nam hiện nay đang được Mỹ ve vuốt, chiều chuộng để Mỹ lại có tên lính xung kích ngáng chân tên khổng lồ đầy tham vọng, mà nghĩ rằng mình đã có chỗ dựa như ngày xưa dựa vào Liên Xô để sau đó bị Trung Cộng tặng cho một bài học.

Tuy nhiên, nhà nước Hà Nội dù có cho phép (hay ra lệnh) cho truyền thông ồn ào nhắc lại cuộc chiến tranh biên giới với Tầu Cộng, nhà nước vẫn còn run vì chỉ cho truyền thông ồn ào chống giặc Tầu nhưng lại cấm không cho người dân hay bất cứ một cơ quan tổ chức nào được phép tổ chức những cuộc tập trung để làm lễ tưởng niệm vinh danh các chiến sĩ đã hy sinh trong trận giặc này.

Hiện chưa thấy Trung Cộng tỏ một phản ứng gì trước sự việc này. Có lẽ ông Tập Cận Bình còn đang phải lo đón đỡ những đòn thương chiến hiểm của Hoa Kỳ hay là ông Tập lại đang âm thầm sửa soạn cho Việt Nam một bài học thứ hai đây.

Với những người lính cũ chúng tôi, nhất là những người ở trong trại tù cải tạo K3 Vĩnh Phú thì nhắc đến cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 giữa hai đảng CS anh em chúng nó, chúng tôi lại nhớ đến những cái hào mà cán bộ trại bắt anh em chúng tôi ngày đêm phải đào chung quanh lán chúng tôi ở, cho xong sớm nói là “để anh em cải tạo tránh pháo kích của giặc. Anh em chúng tôi lúc ấy thiếu tin tức chỉ nghe lỏm từ một vài vệ binh (cán binh theo gác chúng tôi khi đi lao động) nói chuyện với nhau và một vài bạn tù được công tác trên “ban” đã chứng kiến có hàng chục tên công an bỏ chạy từ Lào Cai về qua trại, mỗi người chỉ còn có mỗi chiếc quần cộc mặc trên người, nên chúng tôi rất hoang mang.

Sau này, khi được chuyển về các trại tù cải tạo ở miền trung, một vài vệ binh được anh em “chiêu đãi” khi có quà nhà gửi ra đã tiết lộ rằng “các anh là may mắn lắm đấy. Nếu mà bọn Tầu chúng không ngưng lại sau 16 ngày mà cứ tiến về Hà Nội thì các anh sẽ bị lùa hết xuống hào mà các anh đào, rồi một tràng tiểu liên của các vệ binh thanh lý các anh trước khi chúng tôi phải bỏ trại mà chạy lấy thân.”

Còn một chuyện nữa, khi tin tức giặc Tầu tiến công vũ bão vào 6 tỉnh miền Bắc, một số anh em đã bàn nhau làm một lá đơn xin tình nguyện đi đánh quân xâm lược.

Nào có ai biết được cái dã tâm của những tên cán bộ coi trại, mà cũng là của cấp trên từ Bộ Nội Vụ, khi bàn nhau làm đơn tình nguyện ra chiến trường chống giặc Tầu. Xin miễn bàn! (Chính Biên)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT