Thursday, March 28, 2024

Tâm thư của bà quả phụ Trung Tá Lê Văn Ngôn

Võ Thị Bé, quả phụ cố Trung Tá Lê Văn Ngôn

Kính gởi:
-Anh Đổng Duy Hùng
-Cùng các anh bạn đồng nghiệp Khóa 21
-Các anh em Võ Bị Đà Lạt
-Các chiến hữu của anh Lê Văn Ngôn

Tôi tên Võ Thị Bé, là vợ của Trung Tá Lê Văn Ngôn. Chúng tôi có hai cháu trai, và hiện vẫn đang sống tại Việt Nam. Địa chỉ hiện tại của tôi do anh chị chồng tôi, hiện sống ở Quận Cam, cất giữ. Nếu ai có cần minh xác điều gì, anh chị tôi sẵn sàng cung cấp.

Cha mẹ của anh Ngôn cưới hỏi tôi cho anh với đầy đủ nghi thức, danh chính ngôn thuận. Khi cưới tôi là lúc anh Ngôn vừa rời trường Võ Bị Đà Lạt, và liên tục sống trong quân ngũ cho đến ngày 30 Tháng Tư, 1975, mới chấm dứt binh nghiệp của mình.

Rời đơn vị cuối cùng, từ An Lộc trở về Sài Gòn, nhiều bạn bè, bà con thân thuộc nhiều lần mời gọi anh cùng gia đình ra nước ngoài, nhưng anh Ngôn không quyết định được vì cha mẹ anh khăng khăng không chịu. Ông bà cho rằng chiến tranh đã hết, hòa bình đã vãn hồi, rất tốt để gia đình sum họp, hãy cùng nhau hồi hương sinh sống với ruộng vườn. Đó là điều ông bà ước nguyện từ lâu. Cũng bởi thương cha mẹ già yếu, từ lâu sống xa con, thương vợ yếu con thơ, anh Ngôn nghe theo định đoạt của ông bà.

Kết quả là sau đó không bao lâu, anh Ngôn phải đi trình diện, bị đi tù cải tạo, để rồi phải bị lưu đày ra tận miền Bắc xa xôi, rồi bỏ mình một cách đau thương. Cha mẹ chồng tôi lúc đó hối tiếc thì đã quá muộn màng.

Suốt cuộc đời nhà binh, hoàn toàn sống trong quân ngũ, những lúc được về phép thăm gia đình, anh Ngôn cũng không có thời gian lâu dài. Khi anh đi tù cải tạo, hai đứa con thơ, một mới lên 4, một còn đang bú sữa mẹ, nhà không có tiền bạc dự trữ, của cải cũng không có chi đáng giá, cha mẹ chồng tôi một lần nữa quyết định phải về quê, lo việc ruộng vườn sống qua ngày, chờ đợi anh Ngôn về.

Chúng tôi đã sống những ngày túng thiếu, cơ cực, bốn người con trai của ông bà đều bị đi tù cải tạo, vợ con ở nhà nheo nhóc, ai lo phận nấy, có giúp đỡ chúng tôi cũng chỉ phần nào. Tôi mua bán lụn vụn qua ngày. Cha mẹ anh Ngôn phần già yếu, phần bệnh tật, phần buồn thương các con tù tội. Tiếp đến không bao lâu có giấy báo tử từ miền Bắc gởi về báo tin anh Ngôn lâm trọng bệnh qua đời, quá đau đớn, thất vọng, ông bà không chịu nổi, nên cũng lần lượt từ trần.

Khi ấy, mấy anh em chồng tôi vẫn còn trong trại cải tạo, việc hậu sự của ông bà chỉ có các chị em dâu chúng tôi chung nhau lo liệu. Người chủ mảnh đất quê nhà thương tình cho chúng tôi chôn cất hai ông bà ở sau vườn nhà, với điều kiện, khi họ cần bán, hoặc lấy lại làm nhà ở thì chúng tôi phải lo di dời hài cốt, mộ phần đi nơi khác. Nếu không làm như đã hữa, ông sẽ không chịu trách nhiệm hư hao hoặc thất lạc.

Quả thật, sau đó một thời gian, ông báo cho biết ông bán đất cho người khác. May mắn một người anh chồng của tôi trở về sau nhiều năm tù tội, cùng các con cháu của chồng tôi xin phép bốc mộ, tiếp theo là làm lễ hỏa táng, đem tro cốt ông bà gởi vào một ngôi chùa ở Cần Thơ, nơi có các cháu sinh sống để tiện việc viếng thăm.

Anh Ngôn có một người chị theo chồng vượt biên, định cư ở Quận Cam, từng làm giấy tờ bảo lãnh cho mẹ con tôi. Khi cha mẹ anh Ngôn qua đời, tôi trở lại Sài Gòn, tìm cách mưu sinh, chờ tin lành từ người chị. Với hai bàn tay trắng và hai đứa con còn thơ dại, bơ vơ, rất khó khăn tìm cách mưu sinh.

Một người chị dâu của tôi, chồng vẫn còn trong tù cải tạo, may mắn còn được lưu dụng làm việc ở một nhà thương lớn, vì cảm thương tình cảnh mẹ con tôi, cho tôi gởi hai đứa con nhỏ để chúng được đến trường, để tôi có điều kiện đi tìm việc, mua bán qua ngày để phụ nuôi hai con.

Rồi tôi được gọi đi phỏng vấn một, hai, ba lần, nhưng luôn bị từ chối, vì lời khai của tôi không trùng hợp với với hồ sơ bảo lãnh, tôi không rõ tại sao. Người anh chồng tôi, sau nhiều lần vượt biên thất bại, cuối cùng đến được bến bờ tự do, định cư ở Quận Cam, gần nơi chị chồng tôi ở, tìm hiểu, mới rõ vì sao tôi bị từ chối phỏng vấn, vì tôi thiếu hiểu biết, lại thêm làm ăn vất vả, không có thời giờ kiểm chứng và theo dõi hồ sơ, lại hoàn toàn đặt lòng tin vào người chị bỏ tiền lo liệu công việc một cách cẩu thả.

Họ phạm những sai lầm tai hại, phiên dịch sai, chức vụ anh Ngôn là trung tá, lại đánh máy sai là trung úy. Ngày chết của anh Ngôn cũng không đúng theo giấy tờ cấp cho anh làm tài liệu.

Thêm một chi tiết quan trọng khác nữa, đó là, giấy báo tử của anh Ngôn từ miền Bắc gởi về, ghi ngày mất của Trung Tá Ngôn là ngày… năm 1968, trong khi tới năm 1975 miền Nam mới bị cưỡng chiếm. Chúng tôi phải lo điều chỉnh năm mất là 1978.

Thế nhưng, khi đi phỏng vấn, họ cho là tôi giả mạo giấy tờ, vì người sửa chỉ cầm viết sửa số “6” thành số “7” và viết chồng lên nhau, nhưng lại không chứng nhận với dòng chữ “Chúng tôi xác nhận đã sửa,” đóng dấu mộc lên, và ký tên và viết tên của người sửa.

Với những sai trái liên tục như vậy, nên khi được gọi phỏng vấn, tôi đã nhờ ông Nam Lộc và bà Khúc Minh Thơ, vốn có biết anh Ngôn, đã sẵn lòng giúp đỡ chúng tôi, và theo lời bà Khúc Minh Thơ cho tôi biết, việc sửa đi sửa lại nhiều lần khiến tôi bị nghi ngờ không chân thật trong những điều đã khai báo, tôi thật sự hết hy vọng.

Từ lâu, tôi đã có ý định đi bốc mộ anh Ngôn, hỏa táng, và đem về gởi ở ngôi chùa gần nhà tôi đang ở, nhưng vì quá xa xôi, lại không có tiền, nên mãi vẫn chưa thực hiện được. May sao, một đứa con của anh chồng tôi chơi quần vợt rất giỏi, thường được đi thi đấu xa nhà. Lần đó, cháu được ra Hà Nội, cháu cho tôi hay, sau khi thi đấu xong, sẽ tìm cách hỏi thăm đường đi đến Hoàng Liên Sơn, nơi có địa điểm chôn những người chết trong tù cải tạo, cháu sẽ tìm cách thực hiện việc bốc mộ chú ruột của mình.

Tôi bảo cháu “cho thím đi với,” cháu bảo chính nó không chắc có tìm được nơi mình muốn tìm không. Hơn nữa, vì quá xa xôi, đi lại rất tốn kém, và tôi đi xa nếu có bề gì, còn hai em ở nhà, đâu thể vắng mẹ được. Cháu nói cháu còn trẻ, khỏe mạnh, cháu nguyện sẽ cố gắng làm mọi cách để đưa cốt chú về cho tôi và hai con tôi. Cháu nói tôi chỉ cần cầu nguyện cho cháu trong việc này là đủ rồi.

Non một tháng sau, một hôm, đang đêm, cháu đến gõ cửa, mang theo tro cốt anh Ngôn về cho mẹ con tôi. Tôi hết lòng cảm tạ ơn Trời, cảm ơn cháu làm một việc hết sức quan trọng, đầy ơn phước, mà không phải ai cũng sẵn lòng giúp. Cháu đã cho mẹ con tôi một niềm vui lớn lao không tưởng. Sau đó, tôi đem hũ tro của anh Ngôn vào chùa, làm phép gởi ở đây, để tiện bề hương khói. Lúc đó tôi mới hết lo buồn chuyện này nữa.

Tôi chủ ý viết những lời khá dài dòng sau đây về hành trình cháu tôi kể lại, làm từ lúc bắt đầu cho tới khi xong việc hỏa thiêu, để hợp lệ việc đem tro cốt từ Hà Nội về Sài Gòn. Việc ấy trong thời điểm đó không đơn giản chút nào. Sau cuộc thi đấu, cháu được một người bạn quen giới thiệu với một vị giám đốc xưởng vải sợi ở Hà Nội, nhờ ông chỉ dẫn để tìm đường tới nơi có mộ phần của chú mình. Thật may mắn, ông cho biết tài xế của ông quê ở Hoàng Liên Sơn, có biết việc, và biết nơi thường chôn cất các sĩ quan “ngụy” qua đời, ở rất gần nơi anh cư ngụ. Ông giám đốc tốt bụng này cho người tài xế nghỉ phép về thăm nhà, lại cho mượn luôn chiếc xe hơi của ông, để cháu tôi theo người tài xế về Hoàng Liên Sơn, để hỏi thăm và lo việc quan trọng mà cháu hằng mong thực hiện.

Đường đi rất xa xôi, qua nhiều đoạn đường rất khó đi, người tài xế bất lương này biết cháu tôi còn trẻ, lại từ Sài Gòn lần đầu tiên đến một nơi rất xa lạ, nên toan giở trò bất lương xâm phạm tiết hạnh cháu tôi, nên cháu liền cho hắn biết sẽ gọi về cho ông chủ của hắn. Lúc ấy, hắn mới nói chịu nói lời xin lỗi, mong cháu bỏ qua. Vì muốn được việc, cháu tôi đồng ý không tố cáo, để hắn tiếp tục việc đưa đường dẫn lối cho được việc của mình.

Qua hai ngày trời, dù đến đúng nơi muốn đến, tìm được tên chủ tịch xã ở nơi có phần mộ của anh Ngôn. Tuy nhiên, sau nhiều năm, các chủ tịch xã lần lượt thay đổi, nên sự hỏi han gặp nhiều khó khăn, phải tìm cho được người giữ sơ đồ nghĩa địa, mới xác nhận được địa điểm, và tên tuổi của Trung Tá Lê Văn Ngôn chôn ở nơi nào.

Cháu tôi phải ngủ đêm tại vùng đồi núi hoang vu đó, để hôm sau mới diện kiến được chủ tịch xã, vì ông ở tại nhà, chứ không có mặt ở văn phòng xã hàng ngày. Nhờ người tài xế tận tâm tìm kiếm hộ, cuối cùng, cháu tôi mới gặp được người cần gặp. Cháu tôi trình đủ giấy phép từ Hà Nội để được đến đây xin bốc mộ chú mình. Sau khi xem xét đủ thứ, ông đồng ý cho cháu tôi thực hiện, với điều kiện, phải nộp cho ông 5 triệu đồng. Cách đây nhiều năm, đó là số tiền rất lớn, cháu tôi không đủ sức lo. Sau khi hết lời nài nỉ ông, ông bớt từ từ, từ 5 triệu xuống còn 2 triệu. Cháu tôi nói cháu chỉ có 700,000 đồng, dù thêm bao nhiêu nữa cũng đành chịu, và đành phải trở về mà thôi. Sau một hồi lâu, biết không thể đòi hỏi gì được nữa, ông mới đồng ý nhận số tiền này, và ký giấy cho phép bốc mộ.

Tuy có giấy phép trong tay, nhưng khi nhờ đủ người lo việc, cháu tôi vẫn không yên với bọn côn đồ địa phương rất hung dữ. Chúng ngăn cản không cho mọi người tiến hành công việc. May nhờ có người chủ đất can thiệp, bảo cháu tôi trình giấy tờ của ông chủ tịch xã, và cháu tôi phải nói năng nhỏ nhẹ, năn nỉ mọi điều, chúng mới chịu rời khỏi ngôi mộ.

Thật thương tâm khi cháu đọc thấy tên các vị sĩ quan nằm trong vùng đất có các mộ chí, ghi rõ tên tuổi, cấp bậc, còn nằm tại nơi đây. Chắc chắn có nhiều thân nhân không hay biết, khắp vùng cây cỏ hoang vu, mọc tự do, phải phát hoang rất lâu mới lộ ra từng tầng lớp các bia mộ. Cháu đã tìm thấy mộ của chú mình, có một bia mộ cũ kỹ, sơ sài, ghi Trung Tá Lê Văn Ngôn, mất ngày, tháng, năm…, quê ở Vĩnh Long, chữ “Vĩnh Long” mất chữ “Long,” chỉ còn chữ “Vĩnh.”

Xong việc lấy hài cốt (còn có cả thẻ bài), cháu mang về Hà Nội, lại phải xin phép rồi mới được đưa đến Văn Điển (Hà Nội) để hỏa thiêu, lấy tro cốt để vào bao bì cẩn thận, đem về Sài Gòn, cho vào bình (hũ cốt)…

Tôi quá cảm động, vui mừng, khi nhận được tro cốt của người chồng vắn số của mình, cũng như vô cùng biết ơn đứa cháu vất vả, tận tâm, tận lực, hao tốn bao nhiêu bạc tiền của mình, để làm trọn công việc đầy gian khó, tình thương, và công đức này…

Sau sự việc này, người anh chồng của tôi, sau khi định cư ở Mỹ, đã bảo lãnh vợ và các con của anh đi đoàn tụ…, người chị dâu tôi, khi ấy đã xin nghỉ việc ở bệnh viện để chuẩn bị ra đi. Trước ngày đi không lâu, chị tổ chức cho cả nhà gồm mẹ con tôi và các con của chị ấy ra Nha Trang để thăm người em gái của chị. Chị chủ ý cho con và cháu đi chơi xa một chuyến trước khi xa quê nhà. Sau chuyến du lịch này, khi trở về Sài Gòn, từ Bến Xe Miền Ðông, cả nhà đón xích lô đạp và vừa ra khỏi cổng bến xe khoảng vài trăm thước, thì một chiếc xe vận tải lớn lạng lách rất đáng sợ, với tốc độ khá nhanh, có lẽ do tài xế say rượu, đụng phải nhiều người đi bộ, các xe xích lô chở khách rồi đâm sầm vào hàng quán ven đường. Nạn nhân bị xe tông trong số đó có con của tôi và con của chị dâu, người bị thương và người chết nằm la liệt trên đường lộ, thật kinh hoàng. Ðứa con nhỏ của tôi bị thương rất nặng, cháu phải nằm điều trị ở bệnh viện Chợ Rẫy một thời gian khá dài mới bình phục… Sau đó chị dâu tôi và các cháu sang Mỹ định cư, và mẹ con tôi được một người bà con cho ở tạm trong một căn nhà nhỏ hẹp cho đến giờ này.

Bà quả phụ Trung Tá Lê Văn Ngôn cùng hai con trai. (Hình: Gia đình cố Trung Tá Lê Văn Ngôn cung cấp)

***

Trở lại bài báo của anh Ðổng Duy Hùng đăng trên nhật báo Người Việt ngày 12 Tháng Mười Hai, 2018, và bài báo hôm nay…

Qua những tin tức do các thân nhân của tôi đang sống trên đất Mỹ, tôi được biết đã có nhiều tờ báo có bài vinh danh Trung Tá Lê Văn Ngôn, với những cảm tình nồng nhiệt. Tuy nhiên, với một bài viết do một người bạn cùng khóa của anh Ngôn đối với tôi, vẫn không thể xem là thừa, đó là bài viết của anh Ðổng Duy Hùng.

Tôi rất cảm động và thực sự tri ân lòng nhiệt thành của anh, nghĩ đến người bạn đồng ngũ với mình sau nhiều năm người bạn ấy vĩnh viễn không còn có mặt trên cuộc đời này. Nhưng tiếc thay, do những thông tin không hiểu từ đâu – rất sai lạc với sự thật trong đời sống thực sự của gia đình anh Ngôn, mà trực tiếp là mẹ con tôi, khiến cho những người liên hệ trong gia đình tôi, cũng như bạn bè thân hữu từng hiểu rõ tình cảnh của chúng tôi trước và sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, hết sức kinh ngạc. Ai cũng quá lạ lùng khi nhìn thấy hình ảnh của người đàn bà cùng những đứa con xa lạ không hiểu từ đâu ra hiện lên mặt báo với chú thích là vợ và con của Ngôn, và lạ lùng hơn nữa là những sự tình kể trong bài báo hoàn toàn không đúng với sự thật khiến tôi rất ngỡ ngàng. Sau khi bài báo phát hành, có người gọi cho anh Hùng nói về sai lầm của bức ảnh đó.

Từ Mỹ, anh Hùng gọi điện thoại về Việt Nam ngỏ lời xin lỗi tôi. Khi tôi hỏi anh, ai là người cung cấp bức ảnh đó cho anh làm tài liệu đăng trong bài báo, anh bảo do thông tin từ trường Võ Bị Ðà Lạt…

Ðiều này làm tôi khó hiểu, vì từ lâu nay, do thông cảm cảnh sống khó khăn của mẹ con tôi, nên hàng năm tôi vẫn được quỹ bảo trợ cô nhi quả phụ của Hội Võ Bị Ðà Lạt cấp cho một số tiền tuy không nhiều, nhưng tôi rất tri ân hội còn tưởng nhớ đến những mảnh đời không may, cụ thể gần đây nhất là số tiền $160 tôi nhận được.

Ðiều này nói lên sự hiện hữu của bà quả phụ Trung Tá Lê Văn Ngôn là danh chính ngôn thuận, vì không ai vô cớ mang tiền trao, cho dù chỉ một đồng bạc lẻ, mà không biết người nhận được là ai? Vậy ai là người trong ảnh trên mặt báo kia, thiết tưởng anh Hùng có thể tìm cách xác nhận giả chân…

Những điểm không đúng trong bài báo kia là những điều có xảy ra trong gia đình tôi, nhưng rất nhập nhằng, chứng tỏ người cung cấp bức ảnh kia hoặc người trong ảnh có biết qua gia cảnh nhà tôi, nhưng biết qua loa hoặc dựa vào những nguồn tin không chính xác, mà kể vào việc của mẹ con người đàn bà này, nên việc kể ra chẳng đâu vào đâu gây ngộ nhận cho những người ngoài cuộc. Tôi muốn kể ra đây vài ví dụ cụ thể để anh Hùng có thể tự đó suy ra những điều vô lý của những sự việc thật sự hiển nhiên được nhập nhằng vào các điều có thể xem là tương tự:

1-Bài viết nói anh Ngôn có người anh cả là giáo học đã cùng dạy học nhiều năm với cha anh Ngôn ở tỉnh nhà – Sự thực anh Ngôn không có người anh cả nào là giáo học, mà chỉ có người em út tốt nghiệp sư phạm, nhưng đã về quê vợ làm nghề nông ở tỉnh Cà Mau nhiều năm trước và sau 1975, và mất cách đây 6 năm, còn lại mấy anh em đều phải đi tů cải tạo…

2-Việc đi hốt cốt của anh Ngôn do người cháu ruột thực hiện trong một hành trình không dễ dàng và qua những thủ tục rất khó khăn từ Hà Nội đến Hoàng Liên Sơn, vất vả và tốn kém mới thực hiện được. Dĩ nhiên chính phủ sở tại không thể cho hai giấy phép để cho hai người cùng hốt cốt một người nên không thể có việc người nào đã đi hốt cốt Lê Văn Ngôn một lần nữa. Hơn nữa, đó không là một cuộc du lịch thú vị để dẫn con nhỏ vào rừng núi hoang vu “cưỡi ngựa xem hoa” để con phải gặp nạn trên đường về Hà Nội.

3-Theo bài báo, sau khi hốt cốt chồng về, người đàn bà nọ đã đem hài cốt về an vị bên cạnh cha mẹ anh Ngôn ở quê nhà. Điều này thật là quá quắt. Cha mẹ chồng tôi ngày trước được chủ đất cho chôn cất tạm ở mảnh đất sau vườn với điều kiện phải dời đi khi chủ đất bán được đất. Và khi được báo tin thì bên nhà chồng tôi đã cải táng hài cốt rồi hỏa táng và đem về một ngôi chùa ở Cần Thơ từ nhiều năm nay, nơi có các cháu chồng tôi đang sinh sống để tiện việc nhang khói, viếng thăm. Làm gì còn đất đai nào để ai đó đem hài cốt nào về quê chồng an táng bên cạnh cha mẹ?

Qua một vài sự việc đó chứng tỏ những tin tức về gia đình tôi đã được khai thác để làm thành bối cảnh của một chuyện nửa thật nửa giả, nửa kỳ lạ, nửa buồn cười, không rõ với ý đồ gì? Lại thêm một bức ảnh mẹ con người quả phụ nào xa lạ, có thật hay không thật, quả tình tôi không thể nào suy ra được điều muốn biết…

***

Người chết rồi không thể nào đội mồ dậy để nói lên điều muốn nói, người còn sống bây giờ qua những sự tình nêu trên cũng chẳng thêm hay bớt đi quyền lợi cụ thể nào. Tuy nhiên, nếu nói là không động tâm thì khó mà bảo là không động tâm cho được. Bản thân gia đình tôi đau khổ, mất mát đã nhiều, xin cuộc đời ban cho sự bình an trong cuộc sống, mang chi đến cho chúng tôi đã nhiều đau thương lại nhiều mối động tâm đến thế, khiến cho tôi thêm nhiều buồn tủi.

Tôi đã chờ đợi một thời gian khá dài, từ ngày bài báo xuất hiện cho đến nay đã hơn hai tháng dài, tôi không hề thấy một lời xác minh, một sự sửa sai nào với bất cứ hình thức nào. Điều ấy nói lên một sự vô tình, vô cảm của người trong cuộc, khiến tôi không khỏi xót lòng. Tuy anh Hùng đã nói lên lời xin lỗi, nhưng điều ấy chỉ có anh biết, tôi biết, còn hàng trăm, hàng vạn người từng đọc, từng xem qua bức ảnh và bài báo với những sự sai lạc khó xem là bình thường, thì điều anh và tôi biết với nhau qua lời xin lỗi tay đôi như thế có nghĩa gì đâu!…

Ðiều đáng buồn nhất là tôi không được cái quyền đòi hỏi phải được thấy sự sửa sai đó, bởi vì đã hai tháng dài trôi qua, sự chờ đợi đã đi vào hư không, tôi phải tự biết rằng, mọi sự việc dù có sai lầm đến đâu cũng đã xem như chẳng có gì quan trọng, đã bị lãng quên… Chỉ có nỗi buồn là còn ở lại.

Và riêng anh Ðổng Duy Hùng, anh cũng không thể trách tôi vì sao phải có bài viết này với nỗi buồn đã nói, vì nếu tôi ở trong địa vị vợ con anh, chắc chắn chị ấy sẽ có những lời thống trách như trên hoặc là hơn thế nữa…

Người chết không thể đội mồ lên để đòi hỏi sự công bằng. Sự thực trên cõi thế, nếu có linh hồn, hẳn bạn anh không khỏi ngậm ngùi thương xót cho cảnh vợ con của anh ấy đang phải chịu trong lúc này. Chết là hết, nhất là trong cảnh ngộ ngày hôm nay, người đang sống đang tưởng nhớ rất mơ hồ về những người đã chết…

***

Cùng các anh em xuất thân từ trường Võ Bị Ðà Lạt,

-Tôi, quả phụ của Trung Tá Lê Văn Ngôn – tốt nghiệp Khóa 21 trường Võ Bị Ðà Lạt, vừa qua đã có bài trần tình trong bức tâm thư trên báo Người Việt.

-Qua đó, các anh em đã nghe thấy lời vinh danh của anh Ðổng Duy Hùng, bạn đồng khóa của anh Ngôn với những lời lẽ chân tình thể hiện tình bạn, tình chiến hữu rất sâu sắc. Thân nhân, gia đình tôi, và nhất là bản thân tôi, rất cảm động và thực lòng gửi đến anh lời cảm ơn chân thành nhất. Tuy nhiên, do những thông tin cung cấp cho anh viết nên bài báo ấy có những điều sai lạc, và nhất là anh đã cho đăng tin vợ con của anh Ngôn không đúng sự thật gây kinh ngạc cho thân nhân bạn bè. Con cháu của chúng tôi hiện đang sống ở trong nước, cũng như nhiều nơi ở hải ngoại, không khỏi thắc mắc, khiến đời sống mẹ con tôi có nhiều chao đảo, buồn phiền… vẫn biết đó không phải là cố ý của người viết, nhưng chúng tôi không thể xem là điều không thể nêu lên và muốn sự thật thì bao giờ cũng được tôn trọng và không thể nói khác đi được.

-Hôm nay, tôi có đôi lời thành thật tri ân đến toàn thể các anh em Võ Bị Ðà Lạt lâu nay không quên gia cảnh của mẹ con tôi, hàng năm vẫn ít nhiều gửi những món tiền giúp đỡ. Tôi không cần đặt vấn đề thật-giả ra đây, vì dĩ nhiên không ai vô cớ mang tiền giúp cho người mà không biết người đó là ai…

-Tuy vẫn biết do số phần ai có phận nấy, các anh cùng gia đình sau những ngày phải chịu cảnh lao tù, hoặc những cuộc vượt thoát gian nan, có cơ may thoát khỏi những cảnh ngộ khó khăn đến bến bờ tự do, được định cư yên ổn, đủ vợ, đủ chồng, các con được học hành đến nơi đến chốn,…

-Riêng con cái của anh Ngôn phải chịu số phận chẳng ra gì, mang tiếng là con của sĩ quan Mỹ-Ngụy, học hành bị phân chia giai cấp, bị bạc đãi, vì nghèo khổ, phải tìm công ăn việc làm rất khó khăn… bao năm dài trôi qua, hết đời con đến đời cháu vẫn không thể ngẩng cao đầu, không hề biết đến tương lai là gì, hy vọng về một ngày mai không hề có. Nay lại thêm những sự việc lạ lùng làm rối thêm cuộc sống vốn đã chẳng mấy lúc bình yên, tốt lành, khiến tâm tôi không ổn, trí tôi không vui, nên tôi phải viết ra những dòng chữ này làm bận lòng đến những người mà mẹ con tôi vẫn xem là những người bạn quý của gia đình từ bấy lâu nay. Quả thật lòng tôi vô cùng áy náy nên tôi rất mong sự thông cảm của các anh chị cho gia đình tôi, xin mãi mãi không quên lòng ưu ái của các anh chị đã dành cho mẹ con tôi, một trong trăm ngàn kẻ không may trong cuộc đời này.

Tôi cũng không quên ngỏ lời cảm ơn nhật báo Người Việt dành cho tôi mảnh đất cho bài viết này. Tờ báo từng dành cho những bài viết giúp đỡ, đưa tin cho những người thiếu phương tiện cần thiết, để được nói lên tiếng nói của sự thật của những kẻ cùng khổ, kém may mắn để độc giả bốn phương hiểu rõ những sự thật được chứng minh, những điều cần hiểu đúng, tránh điều sai lạc, chứ không phải chỉ nghe toàn những lời nói đãi bôi, qua loa, nghe qua rồi bỏ.

Kính chúc quý báo luôn mạnh tiến để phục vụ quý đồng hương đúng theo tôn chỉ đáng quý trọng của báo giới mãi mãi.

Trân trọng,

Võ Thị Bé, quả phụ cố Trung Tá Lê Văn Ngôn

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT