Friday, April 19, 2024

Viết từ quê nhà: Chuyện một chiến hữu sống 12 năm trong hầm kín

Bài và ảnh: T.V (Cần Thơ)

An Giang có 2 nhánh sông Tiền và Hậu Giang chảy qua và sông Thoại Hà do vua Gia Long giáng chỉ cho ông Nguyễn Văn Thoại đào vào mùa Xuân 1818.

Thuở còn đi học, tôi rất thích bài Dòng An Giang của Anh Việt Thu vì dễ đàn, dễ hát và lời ca rất hay:

Dòng An Giang sông sâu nước biếc
Dòng An Giang cây xanh lá thắm
Lả lướt về qua Thất sơn
Châu Đốc dòng sông uốn quanh
Soi bóng Tiền Giang Cửu Long.
Dòng An Giang trăng lên lấp lánh
Dòng An Giang tung tăng múa hát
Đêm đến dòng sông thở than
Bên mấy hàng cau hắt hiu
Đã mấy mùa Xuân thái bình.
Dòng An Giang ai qua vẫn nhớ
Dòng An Giang xinh xinh nước biếc
Đây những thuyền ai lắc lơ
Đôi mái chèo trăng lướt qua
Lơ lửng vầng trăng vỡ tan.
Dòng An Giang xanh xanh khóm trúc
Dòng An Giang lơ thơ bến nước
Đây những người thôn nữ xinh
Duyên dáng chuyền tay dắt nhau
Múc mấy vầng trăng đổ đi…

An Giang cách Sài Gòn 189 km, có nhiều ruộng lúa, sông hồ, đồi núi. Phong cảnh đẹp. Có nhiều khu du lịch: bến đá núi Sam, lâm viên núi Cấm, đồi Tức Dụp, Miễu bà Chúa Xứ, Lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An và nhiều… cù lao.

Cù lao Ông Hổ gồm một cồn lớn nằm cạnh thị xã Long Xuyên (nay thuộc xã Mỹ Hòa Hưng gồm năm ấp) và một cồn nhỏ Phó Ba (có một ấp). Xuống bến phà Ô Môi phía Long Xuyên chỉ cần 15 phút đi đò là đã bước lên bờ cù lao.

Cồn có chiều dài 9 km và chỗ rộng nhất 3 km. Diện tích tự nhiên 17.6 km vuông.

Trước đây cù lao thuộc tổng Bình Thành, tỉnh Long Xuyên. Đời vua Minh Mạng (1820-1840) cù lao có một nghĩa binh tên Trương Công Lý mất được vua cho lập đình và sắc phong là vị thần tại đình làng Mỹ Hòa Hưng.

Tên gọi cù lao Ông Hổ có nhiều cách lý giải. Có truyền thuyết cho rằng khi cù lao mới hình thành có đôi vợ chồng già đi lượm củi vớt được 1 con mèo con. Lớn lên hóa ra là một con hổ. Ông bà cụ mất, hàng năm đến ngày giỗ, hổ về với một con thú rừng phủ phục trước phần mộ để tưởng nhớ công ơn. Lâu dần, dân địa phương gọi là cù lao ông Hổ và cho lập đền thờ. Hiện nay, miếu thờ vẫn còn ở đầu rạch Cái Mơn ấp Mỹ Long.

Ngoài cù lao ông Hổ còn cù lao ông Chưởng, cù lao Giêng với xóm đạo Công giáo và trại mồ côi. Ngay địa phận 2 xã Hòa Hảo và xã Hưng Nhơn, trên Chợ Mới một chút, sông Tiền Giang phía Tân Châu và sông Hậu Giang phía Châu Đốc ăn thông với nhau bằng sông Vàm Nao rất rộng. Sông này có những dòng nước xoáy ngầm làm sụp lỡ 2 bên bờ mỗi ngày thêm thênh thang.

Dân An Giang hiền hòa trong đời sống tâm linh, hiếu khách thật thà khi tiếp xúc, được thiên nhiên ưu đãi, có nhiều ruộng lúa sản lượng cao. Đến với cù lao ông Hổ, bạn có thể nghỉ đêm sinh hoạt với cư dân (homestay) như ân tình ruột thịt bên dòng An Giang cây xanh, nước biếc.

Buổi sáng, vừa thức dậy nhìn ra sông bạn sẽ thấy ngay nhiều miệng chài nở tròn sau vòng tay vẩy của ngư dân đứng trên đầu một chiếc xuồng con bé xíu, những chiếc vó khẳng khiu vừa cất lên lấp lánh vảy bạc dưới ánh nắng buổi bình minh và một chợ nổi với những cây “bẹo” tòn ten rau củ, trái cây trước mũi ghe.

Buổi trưa sau khi đi trên một xuồng ba lá qua các kênh rạch ruộng vườn, nhìn các cô thôn nữ với nét mặt ưa nhìn thoăn thoắt ngắt những bông điên điển màu vàng óng và trở về với món ăn dân dã: cá lóc nướng trui, mắm thái Châu Đốc, bông điên điển nhúng lẩu cá linh,…

Bạn H.V.T (Houston-TX), một chiến hữu của vùng sông nước miền Nam, có bài thơ “vàng bông điên điển,” tôi thích nhất đoạn chót:

… Nắng chiều soi bóng chao nghiêng,
Em say sưa hái để quên dáng ngồi.
Tóc dài rẽ lệch đường ngôi,
Ôm bờ vai để tơ trời mân mê.
Đầy bông điên điển xuồng về,
Em thung dung giữa bốn bề nước mây.
Hương đồng quyện tóc huyền bay,
Anh làm lữ khách thương hoài màu bông.
(thơ Huyền Vân Thanh)

Buổi chiều, bạn có thể mượn một xe đạp chạy xuyên đường làng quanh co hơn 10 cây số để thăm vườn mai của các nghệ nhân, trong ánh nắng nhạt dần của buổi hoàng hôn.

Đêm xuống, bạn dễ dàng chìm trong giấc ngủ, đâu đây tiếng hát ngọt ngào của một thôn nữ hay giọng ca mộc mạc của một lực điền trong tiếng bập bùng của ghi-ta phím lõm u buồn…

Ông Hổ là một cù lao Nam bộ vẫn còn giữ nguyên vẹn nét đẹp hoang sơ: phong cảnh nên thơ hữu tình, con người thủy chung son sắt.

Dù ai xuôi ngược bốn bề,
Chưa đến ông Hổ, chưa về An Giang.
(ca dao Nam bộ)

Gần đây, do đưa đón vài đoàn khách ngoại quốc đến cù lao Ông Hổ, vô tình tôi biết chuyện một chiến hữu sống 12 năm dưới hầm sâu tại ấp Mỹ Thuận, phía Đông của cù lao. Câu chuyện càng nung nấu tâm can tôi hơn khi biết vợ bạn là cựu học sinh trung học Đoàn Thị Điểm niên khóa 1970-1976.

Bạn Lý Bá Bổ sinh ngày 9 Tháng Bảy, 1954, tại ấp Mỹ Thuận, xã Mỹ hòa Hưng, Châu Thành, An Giang (cù lao Ông Hổ). Bạn còn tám anh chị em: năm trai, ba gái . Bạn thứ 9, còn một em trai và một em gái. Mẹ bạn mất năm 2000 và cha mất năm 2003, thọ 92 tuổi. Bạn là cựu học sinh trung học Thoại Ngọc Hầu Long Xuyên.

Bạn Bổ và vết thương cũ từ Tháng Mười Hai, 1973.

Tháng Mười Hai, 1973, đồn Cầu Cây-Rạch Gòi do Chuẩn Úy Nguyễn Thành Trát làm trưởng đồn bị các Tiểu Đoàn Tây Đô VC bao vây (TĐ.1+2+3). Đơn vị bạn được lệnh đánh giải vây, bạn bị một viên đạn AK xuyên vai phải, nằm QYV Phan Thanh Giản Cần Thơ một tháng. Tái khám hai lần 29 ngày.

Sau đó, bạn được chuyển về TĐ.407/ ĐPQ thuộc TK Phong Dinh do Đại Úy Nguyễn Văn Giúp làm TĐT, đóng ở kinh Thị Đội, Bà Đầm, Thới Lai-Cờ Đỏ. Bạn được thăng cấp thiếu úy ngày 11 Tháng Hai, 1975.

Sáng 30 Tháng Tư, 1975, bạn tháp tùng theo đoàn quân của nhiều đơn vị dùng tàu vượt biển Mỏ Ó, Sóc Trăng. Gồm hai tàu cây, mỗi tàu chở hơn 100 binh sĩ, đầy đủ súng ống đạn dược. Vừa ra biển hơn 5 km sóng lớn làm chìm một tàu (tất cả đều chết). Tàu bạn Bổ bị vô nước, chết máy dạt vào bờ neo đậu bên trong cửa sông chờ sóng yên sẽ ra đi. Nhưng khoảng 3 giờ sáng, tàu bị bộ đội bao vây và bị bắt dẫn về căn cứ hải quân Đại Hải, Long Phú, Sóc Trăng. Toàn bộ quân trang và vũ khí bị tịch thu.

Sau chín ngày nhốt ở một trường tiểu học, bạn được cấp giấy cho về địa phương và bị đưa tập trung ở trường ĐTĐ Cần Thơ và Tháng Tám, 1975 được đưa lên TTHL Cao Lãnh, Châu Đốc. Bạn ở khung 7. Khoảng tám tháng sau được đưa về Liên Trại 2 Vĩnh Điều, Vĩnh Gia thuộc Tri Tôn, Châu Đốc, gần kinh Vĩnh Tế và bắt đầu đào kinh về Ba Thê, núi Sập. Con kinh ngang 50 m, sâu 5 m từ kinh Vĩnh Tế nhắm tới núi Ba Thê.

Đêm 23 Tháng Giêng, 1977 (5 Tháng Mười Hai âm lịch), lúc 10 giờ đêm nhóm cải tạo khoảng 50 người được lịnh ra bờ kinh Vĩnh Tế nhận hàng đem về trại (lộ trình khoảng 10 km). Bạn và 50 trại viên bơi ngang sông, vượt trại. Mười phút sau, bộ đội truy đuổi bắn chết một số và một số bị bắt sống, còn được 14 người tìm đường sang Tỉnh Tà Keo. Thiếu Úy Đức người Sài Gòn chết chìm vì không biết lội.

10 giờ sáng hôm sau đoàn còn 13 người. Có một anh bạn đem một số hình ảnh ướt ra phơi, phản chiếu ánh mặt trời nên bị Khơ Me đỏ phát hiện. Chúng cho quân bao vây. Một số bị bắn chết. Một số bị bắt chúng đánh đập tàn nhẫn. Bạn Bổ chui vào rừng tràm trốn, may chúng xom không gặp. Sau khi bọn Khơ Me đỏ rút, chỉ còn bạn và Thiếu Úy Thiết Giáp Nguyễn Văn Non (tức soạn giả Yên Hà). Nửa đêm, bạn Non trốn một mình tìm đường sang Thái Lan. Bạn Bổ cô đơn chờ đêm đến lội sang kinh Vĩnh Tế trở về Việt Nam, lưu lạc hơn 15 ngày trong rừng, chỉ ăn lá tràm non, đọt chạy, ốc sống và uống nước ruộng. Bạn tìm đường về nhà cha mẹ ở Cù Lao Ông Hổ đúng đêm giao thừa Tết âm lịch năm 1977.

Với sự chở che của cha mẹ già, bằng cách đóng một thùng cây âm dưới đáy một bồ lúa sau nhà. Bạn đã ở trong hầm này trong 12 năm. Bạn luôn nghĩ cha mẹ thương che dấu nhưng hết sức nguy hiểm. Tình cờ một đêm, bạn nghe radio mục tìm bạn bốn phương, bạn biên thư làm quen một cô giáo tật nguyền ở Cần Thơ bị giảm biên chế. Cô ta lên Cù Lao Ông Hổ tìm bạn và dẫn bạn về Cần Thơ. Hai cuộc đời hẩm hiu, hai số phận cay đắng gặp nhau, kết thành vợ chồng.

Lúc đầu bạn chỉ nói là trốn nghĩa vụ. Gia đình giúp bạn làm CMND mới với tên giả Phan Đức Long sinh năm 1960.

Sau cùng, sợ bị phát hiện bạn nói thật trốn trại và gia đình bên vợ dẫn bạn ra trình diện Sở Công An Cần Thơ ngày 18 Tháng Tám, 1993. Nơi đây, cho người về Cù Lao Ông Hổ tìm gặp cha mẹ bạn để xác minh. Bạn bị tạm giữ một tháng và sau đó trình diện mỗi ngày, mỗi tuần gần bốn năm (đúng ra là 3 năm 8 tháng 12 ngày).

Bạn chính thức phục hồi quyền công dân khi được cấp CMND ngày 2 Tháng Tám, 1997 (sau khi được Sở Tư Pháp cho phép), với một cái tên đặc biệt: Lý Bá Bổ Phan Đức Long.

Dù sống trên quê hương, nhưng bạn Bổ đến ngày được cấp lệnh khoan hồng có thời gian mất quyền công dân kỷ lục: 22 năm 3 tháng 18 ngày. Nhưng thời gian nầy bạn Bổ ở trong hầm tối 12 năm. Khi ra khỏi hầm về Cần Thơ, bạn chỉ còn 35 kg và á khẩu 1 thời gian dài mới nói chuyện được.

Cô Hồng Nga (vợ bạn Bổ), cựu học sinh Đoàn Thị Điểm, tốt nghiệp ĐHSP Anh văn năm 1981. Được về dạy Anh văn trường PTTH Nguyễn Việt Hồng ở cầu Đầu Sấu (trước đây là trường trung học Cái Răng do Đại Tá Mã Sanh Nhơn, Chỉ Huy Trưởng TT/HLCL Châu Đốc tài trợ xây cất). Vì hai chân bị yếu và sau khi giải phẫu không đi đứng được, cô bị cho nghỉ việc. Hiện nay cô kèm các cháu học sinh cấp 2 môn Anh văn tại nhà. Ngoài ra cô còn điều hành hội người khuyết tật Cần Thơ khoảng 240 người (vận động nhà ai nấy ở) và cơ sở nhịp cầu nuôi dạy 18 người khuyết tật. Họ đang làm nghề điêu khắc hàng thủ công mỹ nghệ, gia công ráp táp lô điện, quạt máy, thêu thùa, kết cườm… kiếm sống qua ngày. Bạn Bổ là hai chân của vợ để giao thiệp, tiếp xúc, nhận hỗ trợ của các cá nhân và hội đoàn.

Hy vọng quãng đời còn lại của hai bạn Bá Bổ và Hồng Nga tìm được nguồn hạnh phúc và an ủi qua các công tác xã hội giúp đời. Chúng tôi cũng cầu xin cho hội người khuyết tật do cô Hồng Nga điều hành, ngày càng có nhiều những tấm lòng vàng quan tâm, giúp đỡ.

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Ba, ngày 14 tháng 3 năm 2017

MỚI CẬP NHẬT