Ý nghĩ vụn mùa Xuân

T.Vấn

1.

Mùa Xuân. Đó là thời điểm khởi đầu cho chu kỳ thời gian của một năm. Trong vòng quay bất tận của cuộc nhân sinh ba vạn sáu ngàn ngày – tức một trăm năm chúng ta đi đứng ăn nói khóc cười theo mệnh nước nổi trôi – cứ mỗi lần mùa Xuân đến, là mỗi lần lòng cứ ngậm ngùi cho những mùa Xuân đã qua đi. Cõi người ta vừa đáng yêu vừa đáng ghét! Cái cõi mà khi ở trong đó, có lúc chúng ta cứ muốn rũ áo ra đi cho thanh, nhưng khi biết mình sắp sửa bị bứt ra khỏi nó, thì lại tìm hết cách níu kéo để có thể ở nán lại lâu thêm chút nữa.

2.

Mùa Xuân, khởi đầu của một năm, như buổi sáng, khởi đầu của một ngày. Ly cà phê mới pha còn làm thơm cả không gian. Điếu thuốc đầu ngày mới đốt, hơi khói còn làm mờ nhạt cả thời gian. Trí não mới vừa qua một cuộc nghỉ ngơi, còn tinh khôi như sẵn sàng để đón nhận thế gian vào trong cuộc lọc sàng đầy ắp những mê cung. Trái tim mới vừa được chữa lành những vết thương, rũ sạch được những bóng ma của quá khứ, lại như sẵn sàng để thêm được một lần rướm máu.

Bầu bạn đêm Xuân cùng ngọn gió
Xoay nghiêng cốc rượu thấy môi người
(Độc Ẩm – Ngọc Phi)

Như thế đó là mùa Xuân, theo cái ý nghĩa cụ thể nhất mà chúng ta ao ước trong giây phút chắp tay trước bàn thờ tổ tiên, giữa khói hương mù mịt, lâm râm cầu nguyện cho cuộc đời mình được bắt đầu lại, được trở về từ khởi điểm, dẫu cho điều ấy có xảy ra thật đi chăng nữa, chúng ta cũng sẽ phá nát đời mình như chúng ta đã từng phá nát không một chút tiếc thương. Dẫu cho mỗi khi gió Xuân chớm hiu hiu mùi hương trinh nữ thổi về từ những tiền kiếp thật xa xăm, chúng ta lại nhói lòng nhớ về những ngày tháng mùa Xuân cuộc đời, có áo mới tung tăng, có nụ hôn đầu đời ngọt lịm, có thân xác tràn đầy nhựa sống của quãng đời mà chỉ ôm nhau trong tay thôi là thế gian như chìm nghỉm trong cơn hồng thủy lụt lội làm ướt át cả đất cả trời, cả lòng người vốn say mê những lời bội bạc.

Mùa Xuân, thứ ân sủng tuyệt vời của thời gian, nó cho chúng ta cái ảo tưởng làm mới lại chính mình, thứ tâm lý muốn xóa bài làm lại sau khi đã bị thua cháy túi trên canh bạc đời của những con bạc hết sức tận tụy.

Mùa Xuân. Hình như là lúc chúng ta cố buộc mình nhìn về phía trước, để quên đi những gì đã đem lại muôn vàn hối tiếc ở phía sau. Để rồi, ở mùa Xuân kế tiếp, chúng ta lại cố khuyên dỗ mình hãy quên đi mọi chuyện của ngày hôm qua. Cái vòng lẩn quẩn ấy cũng sẽ nối gót thời gian mà trở lại khi tờ lịch cuối được gỡ ra ném vào góc tối lãng quên, cho đến khi chúng ta không còn đủ sức mà buộc mình nhìn về phía trước nữa.

Cũng chẳng ngoa, khi người ta bảo người già thường chỉ sống với quá khứ. Liệu có sự lựa chọn nào khác không, khi người già vốn đã không đủ sức nhướng mắt nhìn về phía trước (tương lai) đã đành, mà cũng không đủ sức đưa tay chạm vào thực tại ngay ở trong tầm tay mình nữa.

3.

Hình như, với thời gian, chúng ta ngày càng trở nên cay và đắng. Nhìn mùa Xuân, chúng ta không chỉ thấy mùa Xuân, mà còn thấy cả những ngày đông u trầm lạnh lẽo. Nhìn những đóa hoa rực rỡ, chúng ta không chỉ nhìn thấy cái rực rỡ của một đời hoa ngắn ngủi, mà còn nhìn thấy cả giọt nước mắt làm nhòe nhoẹt màu môi một thời son sắc. Nhìn cuộc đời, chúng ta không chỉ nhìn thấy tuổi thanh xuân, mà còn thấy cả những phút quạnh hiu của mùa Thu bóng xế, khoảnh khắc ngắn ngủi của hoàng hôn đưa một đời người vào nơi miên viễn.

Đó là hệ quả của những ma sát với cuộc sống mà chúng ta, dù can đảm đương đầu hay nhút nhát tìm cách tránh né, phải mang nặng trong tâm tư mình như những vết chàm khôn rửa. Có kẻ ngây thơ gọi đó là kinh nghiệm sống làm người. Có kẻ hợm hĩnh gọi đó là lẽ khôn ngoan của người có tuổi. Có kẻ ảo tưởng gọi đó là kết tinh của kiến thức nhân loại.

Dù có gọi những thứ cảm giác đau đớn ấy bằng bất cứ mỹ từ nào, chúng cũng chỉ là cảm thức bất hạnh mà mỗi khi gió Xuân chớm hiu hiu mùi hương trinh nữ thổi về từ những tiền kiếp thật xa xăm, chúng ta lại nhói lòng nhớ về những ngày tháng mùa Xuân cuộc đời, có áo mới tung tăng, có nụ hôn đầu đời ngọt lịm, có thân xác tràn đầy nhựa sống của quãng đời mà chỉ ôm nhau trong tay thôi là thế gian như chìm nghỉm trong cơn hồng thủy lụt lội làm ướt át cả đất cả trời…

Trong mỗi người già đều có một đứa trẻ ẩn náu. Trong mỗi đứa trẻ đều thấp thoáng mái tóc bạc phơ của chính mình ngày mai, nếu như đứa trẻ ấy không bị hủy diệt vì chiến tranh bom đạn, thiên tai bão lụt, hay những dịch bệnh đang tràn lan như những sự nguyền rủa của thời đại đang tiến đến gần ngày phán xử cuối cùng của mình.

4.

Vòng tử sinh của vạn vật quay tròn đều đặn vô tri vô giác. Từ thuở tạo thiên lập địa đến nay nó chưa hề biết đến ngưng nghỉ. Cũng tương tự như thế là vòng thời gian, cả thời gian của đất trời lẫn thời gian của con người. Sự khác biệt chỉ ở chỗ, vòng thời gian của đất trời thì liên tu bất tận, còn vòng thời gian của con người không vượt quá khỏi trăm năm. Vì thế, ở mỗi thời điểm đánh dấu cái ngắn ngủi của chặng đường còn lại, người ta hay cảm hoài. Cái cảm hoài của một buổi chiều cuối năm đứng giữa mênh mông của đất trời cật vấn chính mình về cái vô lý của sự sống và sự chết. Cái cảm hoài khi nhìn những tờ lịch cuối mong manh như chiếc lá úa mùa thu chực chờ rơi rụng giữa thinh không mà không biết đêm nay có trận tuyết nào đổ xuống vùi chôn xác lá giữa sự thờ ơ của thế nhân.Kể cả cái cảm giác bâng khuâng khi ngập hồn trong không khí mùa Xuân, chân chưa bước lên đường mà đã sợ hãi giây phút chiếc xe đời ngừng lại cho những hành khách không còn đủ sức đi hết chặng đường bước xuống.

…Một mùa Xuân nào giữa núi rừng Yên Bái. Đêm lạnh và đói, và nỗi nhớ nhà. Cùng với tâm trạng mệt mỏi, chán chường vì ngày trở về không biết đến bao giờ. Bỗng từ một láng nào đó ở bên kia con suối vẳng lại một tiếng hát suy dinh dưỡng, tiếng đàn gỗ đóng bằng ván cửa và dây kết bằng ruột của cáp điện thoại. Một bài hát của Văn Cao. Mùa Xuân đầu tiên. Tiếng hát hụt hơi vì (suy dinh dưỡng) và uất ức. Tiếng đàn thì khô khốc vì chất liệu làm dây và đàn xã hội loài người thế kỷ 20 không bao giờ có thể hình dung được. Vậy mà lời và nhạc cứ vút lên, xoáy vào hồn bằng nhịp ba không nhanh không chậm:

Rồi dặt dìu,
Mùa Xuân theo én về
Mùa bình thường,
Mùa vui nay đã về
……
(Mùa Xuân Đầu Tiên – Văn Cao)

Nhờ vậy, tôi mới biết “mùa Xuân theo én về.” Thuở xưa, làm thân lính trên rừng “Nếu mai không nở, anh đâu biết Xuân về hay chưa” (Trần Thiện Thanh). Bây giờ, không làm lính nữa (mà làm tù), cũng ở trên rừng, phải đợi nghe tiếng hát buồn thảm ấy “dặt dìu mùa Xuân theo én về” hồn tôi mới ngập được cảm thức chông chênh, một bên là mùa Xuân của đất trời và một bên là sự tàn tạ ủ ê của thân xác tuy chưa già mà đã chỉ muốn biến vào trăm năm.

Sau này, được xem một cuốn video về nhạc sĩ Văn Cao, có hình ảnh người nghệ sĩ già dang cả hai tay ném mười ngón gầy guộc uất ức trên mặt phím dương cầm, cảm thức buồn thảm mùa Xuân năm nào giữa núi rừng Yên Bái lại cứ ùa về:

Mùa bình thường,
Mùa vui nay đã về
Mùa Xuân mơ ước ấy,
Xưa có về đâu…
(Mùa Xuân Đầu Tiên – Văn Cao)

Chuyến xe đời đã dừng lại cho người nhạc sĩ già bước xuống. Tôi tin rằng ông không muốn bước xuống. Đôi mắt ngơ ngác vẫn còn như muốn hỏi mùa Xuân mơ ước ấy, xưa có về đâu?

Ông mơ ước một mùa Xuân. Tôi cũng mơ ước một mùa Xuân. Ông đã về với đất trước khi mùa Xuân mơ ước… theo én về.

Còn tôi? én đang bay đầy thành phố. Mùa Xuân đất trời đang về. Còn mùa Xuân mơ ước?

5.

Vòng thời gian của đất trời thì liên tu vô tận, còn vòng thời gian của con người không vượt quá được trăm năm. Mùa Xuân đất trời về rồi lại sẽ đi. Để sang năm cũng khoảnh khắc này đến hẹn lại lên. Nhưng mùa Xuân con người thì không hẳn sẽ trở lại.

Cho nên, vang vọng trong đêm Xuân có tiếng thở dài buồn bã.

Và một bóng dáng già nua, đứng giữa sân ga đời quạnh quẽ, dõi đôi mắt tuyệt vọng nhìn chuyến tàu vừa dừng lại cho ông (già) bước xuống, đang lại từ từ lăn bánh vào chốn thăm thẳm của cuộc nhân sinh.

Ông lặng lẽ đưa tay lên làm dấu thánh giá một lần cuối. Vừa cho chính mình vừa cho người nào đó sẽ bước xuống khỏi chuyến tàu ở trạm dừng kế tiếp. Amen!

Mời độc giả xem chương trình “Con Yêu” với đề tài “Điều khó diễn đạt của vết thương lòng nơi trẻ em”(Phần 1)