Thursday, March 28, 2024

Ý Xuân của tuổi già tị nạn (Kỳ II)

Nguyên Huy

Thế hệ trẻ kế tiếp ấy là ai. Họ là những tuổi trẻ sanh trưởng ở hải ngoại. Họ là con em theo cha mẹ nhập cư vào Hoa Kỳ qua vượt biên, vượt biển, bảo lãnh, H.O. Họ còn là những thanh thiếu niên du học ở lại, những người nhập cư lao động, hôn nhân…

Thế hệ trẻ này không đồng nhất về nhiều phương diện. Họ không giống như thế hệ đã qua trước thường có chung ít ra là lý tưởng.

Thử nhìn vào lớp trẻ thứ nhất, lớp trẻ sinh trưởng tại Hoa Kỳ hay các quốc gia khác sau ngày 30 Tháng Tư, 1975. Đa số đều được cha mẹ hướng dẫn nên được học hành đến nơi đến chốn có được công ăn việc làm vững chắc. Nhưng vì thiếu kinh nghiệm sống tại miền đất mới nên  sự hướng dẫn đó đã bị hạn hẹp trước xã hội mới. Do đó lớp trẻ lớn lên tại hải ngoại phải dò tìm lấy hướng đi và tất nhiên chịu nhiều ảnh hưởng của nếp sống tây phương trong đó cuộc sống cá nhân nhiều khi được quan niệm lệch lạc thành ra vị kỷ. Nhiều bạn trẻ trong lớp này có những quan niệm ngược hẳn lại với đạo đức làm người của truyền thống VN khiến người già phải sửng sốt. Hỏi tại sao lại để cha mẹ già vào các Nursing Home trong khi có đủ điều kiện nuôi dưỡng các bậc thân sinh tại nhà. Những bạn trẻ này rất ngay tình cho biết: “Chúng tôi đi làm đã đóng thuế để chính phủ mở những Nursing Home săn sóc cha mẹ thay cho chúng tôi, tốt hơn ở nhà vì có đủ phương tiện.”

Về hôn nhân cũng vậy, các bạn trẻ này rất “lười” lập gia đình. Hỏi thì họ cho biết “tại sao cứ phải lập gia đình. Trước hết tự do trong cuộc sống bị trói buộc, nhiều bổn phận phải đặt ra…” Hỏi tiếp, thế còn việc sinh con, thì cũng được trả lời tiếp “Tại sao cứ phải sinh con mới được, trong khi cuộc sống còn nhiều bấp bênh lo thân chưa đủ…” Với những bạn trẻ này chuyện sinh con cái để duy trì dòng giống gia đình, duy trì xã hội nhân loại là chuyện xa lạ, vô lý vì họ được học rằng nạn nhân mãn đang là vấn đề nhức đầu cho các nhà xã hội học và các chính phủ của nhiều nước, v.v…và rằng tự do của con người là tuyệt đối.

Nói đến các vấn đề tự do, nhân quyền cho Việt Nam, nhiều bạn trẻ ở dạng này đã tỏ ra không quan tâm. Có người chưa về VN, đa số thì thấy không có một liên quan gì với VN nếu cha mẹ không nhắc tới. Đầu Xuân, tuyết tan, những nhánh hoa, cọng cỏ nẩy mầm hai bên đường vào trường ở Montreal, ở Paris, ở New York… đọng nhiều kỷ niệm hơn là cảnh khói hương nghi ngút nơi Lăng Ông Bà Chiểu hay những cành mai hé nụ mà một đôi lần được thấy nơi chợ Hoa khi về thăm VN qua một chuyến du lịch. Nên Tự Do, Nhân Quyền cho VN là “chuyện của VN, người VN trong nước phải làm.”

Tuổi già trách gì lớp tuổi trẻ này đây!

Với lớp tuổi trẻ ra hải ngoại sau 30 Tháng Tư, 1975, dù bất cứ ở dạng nào, con lai, H.O., bảo lãnh hay du học, hôn nhân…tất cả đều có chung một thời niên thiếu sống dưới chế độ Cộng Sản. Họ không biết Cờ Vàng khi lớn lên. Họ không thuộc Quốc Ca “Này công dân ơi.” Họ từng được học “bọn người Việt ở hải ngoại là Việt gian phản quốc, là bọn ngụy quân, ngụy quyền tham bơ thừa sữa cặn mà bỏ nước ra đi, v.v…” Họ có một điểm chung là phải sống những ngày tháng đói khổ, nhục nhằn trong gần hai chục năm trước khi có cái gọi là Đổi Mới, có Kinh Tế Thị Trường Theo Định Hướng Xã Hội Chủ Nghĩa.

Lớp trẻ này, trừ loại con ông cháu cha trong đảng, hầu hết đều kinh hãi trước cái đói, biết thế nào là áp bức, mất tự do, mất tương lai…nên ra đến hải ngoại thoát cảnh đói khổ và cơ hội tiến thân nằm trong tầm tay của mình, họ đã nỗ lực học hành, làm việc. Phần lớn sau vài ba năm đều đã tốt nghiệp, giúp được cha mẹ làm nên cơ nghiệp dù không giầu có tiền dư của để thì cũng dư sống, nhà xe đầy đủ lại còn có chút dư dả gửi về giúp đỡ thân quyến nữa.

Nói về lớp trẻ này là phải nhắc đến các bà mẹ Việt Nam. Tình mẫu tử của các bà mẹ VN quả là tuyệt vời. Có nạn nước 30 Tháng Tư 75 mới thấy được Lòng Mẹ VN. Người phụ nữ chân yếu tay mềm chỉ quen việc nội trợ, nuôi con trước đó nay bị ném ra cuộc đời với biết bao lo toan bất trắc thời đổi đời. Họ đã vượt lên tất cả để hiên ngang là người vợ chung thủy nuôi chồng trong cải tạo, nuôi mẹ nuôi cha già yếu, nuôi con ăn học theo nếp nhà. Điểm nổi bật của mẹ VN là sự hy sinh cao cả khi đẩy những dứa con còn nhỏ dại vào đại dương để cho con có được tương lai. Có người mẹ nào lại muốn con phải đối đầu với hiểm nguy, thế mà những bà mẹ VN đã vượt qua được lòng thương con hạn hẹp ấy để mong cho con có được tương lai mà mẹ biết rằng giữ con ở lại bên mình là tiêu hủy tương lai của chúng.

Những bạn trẻ ở vào trường hợp này có bao giờ nghĩ đến sự hy sinh không gì so sánh nổi nơi các bà mẹ VN khi tìm mọi cách cho con đi vào chỗ chết để có đường sống như ngày nay không.

Cũng như khi qua các phần đất tự do, không có phụ huynh nào mà không mong cho con cái ăn học được đến nơi đến chốn. Các bạn trẻ trong dạng này chắc vẫn chưa quên những ngày đầu tiên đến miền đất hồi sinh, cha mẹ đã “ép buộc” các con, lớn nhỏ phải đi học mà không cho đi kiếm việc. Nên cha thì đi tìm công ăn việc làm phần lớn là công việc lao động chân tay cho dù quá khứ đã từng là những thành phần trung lưu hay cao cấp trong xã hội. Còn mẹ thì lao vào các công việc chưa từng quen thuộc, cũng chỉ là những công việc lao động hèn mọn cả về lương bổng lẫn cung cách. Không sao, miễn là có được tiền đủ trả tiền “se” nhà. Hẳn các bạn trẻ này cũng còn nhớ khi “mát mặt” được một chút, cả cha lẫn mẹ vẫn chắt chiu để mua cho được cái nhà trả góp, để cả nhà vợ chồng con cái chui rúc nhau sống trong cái garage, dành hết các phòng lớn nhỏ trong nhà cho người ta mướn để có tiền góp trả tiền nhà hàng tháng. Tính ra thì rất lời vì gia đình vừa có tiền trả góp tiền nhà lại vẫn có được chỗ ở  so ra thì còn khang trang hơn ở VN kể từ ngày 30 Tháng Tư, năm 1975. Sự chắt chiu ấy của gia đình đã thúc đẩy tuổi trẻ cố học cho mau ra trường để thoát hoàn cảnh ấy cho gia đình. Hẳn mấy ai đã quên chỉ dăm ba năm sau, các bạn trẻ ra trường, có công ăn việc làm như ý, giúp được gia đình như ý nguyện để mẹ cha được sống trong cảnh nhàn tận hưởng được tuổi xuân muộn trước khi về cõi.

Lớp trẻ này, một phần lớn đã chống lại được sự cám dỗ của tự do quá độ nơi các phần đất hồi sinh, biết sử dụng được sự tự do đúng mức, cân bằng được những khác biệt giữa nếp sống VN và nếp sống Ttây phương trên các phần đất tị nạn.

Họ, những bạn trẻ này đang là những nhân tố chống đỡ cho cộng đồng sử dụng được cái vốn đã có của thế hệ đi trước đã vun đắp nên.

Còn những lớp trẻ trong các dạng khác, thì như đã nói ở trên, họ đã phải sống trong mấy chục năm trời dưới chế độ Cộng Sản. Mà mấy chục năm trời ấy lại là mấy chục năm đầu đời, còn như tờ giấy trắng thì qua giáo dục nhà trường của chế độ và qua xã hội “Xã hội Chủ Nghĩa,” lớp trẻ này đã được uốn nặn hay đương nhiên được uốn nắn một cách dễ dàng thành những con người “vô cảm” trước chính trị, vô cảm trước tự do, dân chủ, nhân quyền. Phải mất bao nhiêu lâu để lớp trẻ này hiểu được rằng muốn mọi người được sống như một con người, có quyền ăn, quyền nói, quyền suy nghĩ, đối thoại, quyền được chọn hướng đi cho cuộc sống của mình v.v…thì phải xóa bỏ cái đảng cộng sản tàn độc, bất nhân bất nghĩa, vô đạo đã đào tạo ra những con người lãnh đạo mất hết nhân tính, mất hết cái hồn Việt khiến cho đất nước tan hoang trước tham vọng bá quyền Trung Cộng, cho dân tộc phải khốn khổ 43 năm trời ở miền Nam, hơn 60 năm trời ở miền Bắc và nay lại đang phải đối diện trước đại hoạ diệt chủng.

Nhìn khái quát về ba lớp trẻ vừa kể trên, tuổi già tị nạn có thể có ý nghĩ rằng lớp trẻ nào sẽ ảnh hưởng đến hai lớp trẻ kia. Lớp trẻ đến trước, lớp trẻ đến sau qua các diện H.O., bảo lãnh, vượt biên hay lớp trẻ đến qua các diện du học, lao động (rồi xin ở lại) hoặc qua hôn nhân.

Nếu như lớp trẻ đến trước ảnh hưởng đến các lớp trẻ đến sau thì tương lai cộng đồng VN sẽ chỉ như các cộng đồng khác, nghĩa là hòa nhập được với xã hội đang sống, có cả thành công và cả thất bại và sẽ thờ ơ với quê hương đất nước VN mà họ cho là của cha mẹ, của quá khứ. Mà tuổi trẻ thì ít nhìn về quá khứ, nhất là quá khứ ấy lại mơ hồ đối với họ.

Với lớp trẻ thứ ba, ra được hải ngoại vì du học, lao động, hôn nhân thì lớp trẻ này hầu như không có vấn đề Quốc Cộng. Với họ, người Việt hải ngoại là những người đang có cuộc sống sung sướng hơn ở quê nhà nên cần phải hòa nhập vào được để có chỗ dựa tiến thân. Họ thường không tham gia bất cứ một sinh hoạt cộng đồng nào dù sinh hoạt ấy không có mầu sắc chính trị. Lớp trẻ này có thể tạm gọi là “lạnh cảm” với chuyện cộng đồng. Nếu như lớp trẻ này lại ảnh hưởng đến hai lớp trẻ kia thì tương lai cộng đồng người Việt tị nạn với căn cước tị nạn sẽ dần phai mờ đi để trở thành “Người Việt Ngoài nước” và có thể sẽ phải nằm trong các qui định ngoại giao của nhà nước CSVN.

Còn lớp trẻ thứ hai, lớp trẻ con cái H.O., được gia đình tị nạn bảo lãnh hay vượt biển vượt biên thì tương đối có ý thức Quốc Cộng rõ rệt. Tuy lớn lên trong chế độ CS sau 30 Tháng Tư, 1975, học hành trong nền giáo dục của chế độ ấy từ nhỏ nhưng cũng từ nhỏ đã có được ý thức đối kháng. Ý thức đối kháng ấy phát sinh từ sự phân biệt của nhà cầm quyền con ngụy quân ngụy quyền trong lớp học, phát sinh từ những lần theo mẹ đi thăm cha, cô chú bác đang ở tù cải tạo ròng rã nhiều năm trời, phát sinh từ cuộc sống quá khốn khổ của mọi người “dân ngụy,” phát sinh từ những áp bức của chính quyền đối với gia đình mình và phát sinh từ cái quá khứ no đủ khi cha là một quân nhân VNCH do mẹ hay gia đình ông bà cô chú bác kể lại. Vốn liếng ấy được tích lũy để khi tới được các miền đất tự do thì họ mau chóng bừng tỉnh về ý nghĩa Quốc Cộng, mau chóng hình thành được lập trường, lý tưởng, sẵn sàng tiếp bước cha anh dù không nhiệt tình lớn mạnh như cha anh nhưng cũng đủ tạo nên hào khí trong công cuộc tranh đấu cho một VN được tự do dân chủ không còn Cộng Sản.

Liệu lớp trẻ thứ hai này có ảnh hưởng được đến hai lớp trẻ kia không. Khách quan mà xét thấy cũng khó mà hy vọng. Bởi yếu tố khách quan là hoàn cảnh sinh sống nơi hải ngoại. Họ hiểu rằng những phong trào tranh đấu dân chủ, nhân quyền cho VN thường các chính phủ nơi họ sinh sống rất ủng hộ trên lý thuyết. Trên thực tế thì còn nhiều rối rắm như về liên lạc ngoại giao, giao thương kinh tế thương mại vẫn là những viên đá tảng chặn đường.

Hoàn cảnh khách quan cũng là cuộc sống thiên về vật chất nơi các nước phương Tây dễ biến con người chạy theo đồng tiền mà quên đi lý tưởng của tuổi trẻ. Chính lớp trẻ ở trong nước hiện nay đang ở trong tình trạng này. “Tiền là Tiên là Phật, là sức bật lò so, là thước đo lòng người là nụ cười chân lý” nên những cuộc biểu tình chống Trung Cộng, số tuổi trẻ tham dự nhiều lắm là chục ngàn người so với dân số là 83 triệu người thì ít lắm tuổi trẻ cũng phải nhiều chục triệu. Cách Mạng Hoa Lài ở Bắc Phi, qua nhiều nước đến Trung Đông mà cũng không qua được VN. Tuôi trẻ Hồng Kông đứng dậy đòi tự do dân chủ cũng không kéo được tuổi trẻ VN vào cuộc. Thì lớp trẻ từ trong nước ra được hải ngoại ít năm gần đây liệu có là ngoại lệ với tuổi trẻ trong nước không.

Nghĩ như vậy không phải là đi đến một kết luận bi quan. Cuộc sống thường có nhiều biến ảo khác thường. Mùa Xuân cho đất nước và dân tộc thế nào cũng phải đến vì luật tuần hoàn của tạo hóa. Luật ấy vẫn nằm trong máu của cả ba lớp trẻ này. Đó là những cái “gien” di truyền trong giòng máu Lạc Hồng. Đó là cái VN mà ba lớp trẻ này sẽ ảnh hưởng tương hỗ và ảnh hưởng ấy sẽ rõ nét lên khi mà tuổi trẻ trong nước đứng dậy được trước cường quyền đem đến Cách Mạng Mùa Xuân Hoa Sen cho đất nước và dân tộc.

Đó là Ý Xuân của tuổi già tị nạn mỗi dịp Xuân về.

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT